Không tổ chức, không hệ thống, không cập nhật, hoàn toàn nhỏ lẻ và tự phát – đó là tình hình chung về việc dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài. Trước yêu cầu mới, Hội Nhà văn Việt Nam vừa trình Ban Bí thư một đề án về việc tổ chức Hội nghị quốc tế về quảng bá văn học, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2010.
Văn học Việt Nam, có phải “hữu xạ tự nhiên hương”?
Rất nhiều người cho rằng, cũng giống như việc dịch và in ấn các tác phẩm nước ngoài sang Việt Nam, là hoàn toàn do mình tự tìm đến, văn học Việt Nam nếu hay và phù hợp với bạn đọc nước ngoài thì họ cũng sẽ tự dịch và in ở nước họ. Cách nghĩ đó có thể đúng, nhưng chưa hẳn đã đầy đủ. Bởi lẽ, có một điều rằng, ngôn ngữ chính là một trở ngại vô cùng lớn đối với các tác phẩm Việt Nam trên đường tìm ra thế giới. Nếu so với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Hoa, thì các tác phẩm viết bằng tiếng Việt quả là rất khó để bạn bè thế giới biết đến, khi lượng người biết tiếng Việt đủ để đọc tác phẩm văn học có lẽ là rất hiếm hoi. Người Việt biết các thứ tiếng khác thì có thể ngày càng nhiều hơn, nhưng có lẽ trong số đó, ít ai nghĩ rằng sẽ dịch và quảng bá tác phẩm văn học trong nước ra nước ngoài.
Có một số người cho rằng, qua vụ bà Đào Thị Kim Hoa dịch các bài thơ của các nhà thơ Lò Ngân Sủn và Hữu Thỉnh rồi được bạn đọc ở Đài Loan tung hô và “nhầm” đó là thơ của bà, đã “hé mở” cho các nhà thơ Việt Nam có thể tự tin hơn khi tìm cơ hội quảng bá tác phẩm ở ngoài nước. Không phải tác phẩm của các nhà văn Việt Nam ít giá trị, mà vì nó được bọc trong một cái kén quá kín, nên ít người nhận ra.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, trong điều kiện hội nhập và giao lưu trên cả bề rộng lẫn chiều sâu giữa các nền văn hóa, rất nhiều loại hình văn học nghệ thuật như sân khấu, ca nhạc, phim ảnh... đã được quan tâm giới thiệu với thế giới. Vậy nhưng, theo ông, dù thời đại bùng phát thông tin, sự giao lưu trên các lĩnh vực khác dù có phát triển đến mấy cũng không có gì thay thế được giao lưu về văn hóa đọc. Đó là một sự thâm nhập sâu sắc và lâu bền nhất đối với các nền văn hóa. Sẽ thật là đáng tiếc nếu như bạn bè thế giới chỉ mới biết đến Việt Nam qua chiến tranh, qua đổi mới, mà chưa hình dung được rằng, chúng ta có cả một lịch sử văn học đầy đặn và đồ sộ từ thời Lý, Trần, Lê, cho đến ngày nay, hết sức phong phú và đa dạng.
Văn học Việt Nam dịch ở nước ngoài: 50 năm vẫn thế!
Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, việc quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới đã được làm từ hàng chục năm trước với những kết quả đáng ghi nhận. Trong các nước XHCN, như ở Liên Xô trước đây đã từng dịch và in 40 tập Tổng tập văn học Việt Nam. Rất nhiều nước đã dịch và giới thiệu Truyện Kiều và Nhật ký trong tù. Cho đến nay, Truyện Kiều được dịch ở 30 nước, thơ Hồ Chí Minh được dịch ở 20 nước. Tuy nhiên, từ sau khi Liên Xô sụp đổ, thì việc dịch các tác phẩm văn học Việt Nam hầu như không tiến triển thêm. Những nước vốn có truyền thống giao lưu với Việt Nam như Liên Xô, Trung Quốc, hình như 50 năm rồi không dịch thêm cuốn nào. Nền văn học của ta từ quá khứ đến hiện tại cũng không hề được cập nhật. Kể cả ở những nước có quan hệ chặt chẽ và gần gũi, thì hơn 30 năm nay, sự xuất hiện của văn học Việt Nam vẫn chỉ là Nhật ký trong tù, Từ tuyến đầu Tổ quốc, Sống như Anh...
Với một vài ngôn ngữ phổ biến khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, thì hàng chục năm qua, văn học Việt Nam chỉ được thế giới biết đến qua một vài tác phẩm như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Hầu hết những tác phẩm được dịch một cách tự phát, theo ý thích cá nhân của người dịch, chưa hề có hệ thống và thiếu tính chủ động. Hình như, cũng không có nhiều người nước ngoài đọc và nghiên cứu, tìm hiểu về văn học Việt Nam bởi nhiều lý do khách quan, nhưng lý do chính, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, là vì chúng ta chưa chủ động quảng bá. Ông cho rằng, chúng ta cần phải giới thiệu cho thế giới biết, ít nhất là khái niệm chung về văn học Việt Nam, rằng chúng ta có những giá trị gì, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu qua các thời kỳ, về những gương mặt trẻ ngày nay... Và thực sự, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin vào “gia tài” của mình để giới thiệu với bạn bè thế giới.
Cần một bước đột phá
Trước tình hình đó, Hội Nhà văn đã trình lên Ban Bí thư một đề án tổ chức Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam. Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, ban đầu Hội Nhà văn định làm quy mô nhỏ, nhưng sau khi xem xét đề án, Ban Bí thư đã xác định sự cần thiết và tầm quan trọng của sự kiện này nên chỉ đạo tổ chức ở quy mô lớn hơn. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức từ năm đến bảy ngày trong tuần đầu tiên của tháng 1-2010 tại Hà Nội và Quảng Ninh.
Thực tế, năm 2002, một hội nghị về quảng bá văn học cũng đã được tổ chức nhưng không mấy hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu. Sau bảy năm, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, qua việc rút kinh nghiệm từ lần tổ chức trước, lần này sẽ bài bản và quy mô hơn rất nhiều. Khách mời đến từ khoảng 30 nước trên thế giới, trong đó chú trọng mời các dịch giả trẻ, chủ yếu lực lượng đã hoặc đang học tiếng Việt và làm nghiên cứu sinh ở Việt Nam. Hội nghị cũng sẽ mời các nhà văn, dịch giả Việt Nam hiện đang sống ở nước ngoài và những người nước ngoài có quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về văn học Việt Nam. Hiện nay, đội ngũ những người có thể dịch văn học Việt Nam có thể mời đến hội nghị đã lên tới hơn 70 người. Sẽ không chỉ có tham quan, hội thảo, thảo luận, hội nghị sẽ giành rất nhiều thời gian cho tiếp xúc, giới thiệu, tìm hiểu về văn học Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc này, Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập tiểu ban soạn thảo nội dung, trong đó có chuẩn bị những công trình lớn tập hợp các tác phẩm tiêu biểu từ trước đến nay để giới thiệu. Đó là các công trình: Lược sử các tác gia Việt Nam, Tuyển tập truyện ngắn hay thế kỷ 20 và Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ 20. Những cuốn sách này sẽ thực hiện xong trong tháng 7-2009 để kịp in ấn, giới thiệu đến các đại biểu, cung cấp cho họ một cái nhìn toàn cảnh, hệ thống và các giá trị tiêu biểu về văn học Việt Nam qua các thời kỳ.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng sẽ giành thời gian cho các đại biểu tiếp xúc trực tiếp với các nhà xuất bản lớn của Việt Nam, các nhà văn, nhà thơ, người sở hữu tác phẩm, giải đáp và giúp đỡ họ những vấn đề về bản quyền, thủ tục... Trong ý tưởng, sẽ còn có một không gian giới thiệu giao lưu văn học tại khuôn viên Thư viện Quốc gia, ở đó sẽ có những mái lều giới thiệu về các tác giả thế giới đã được dịch và đón nhận ở Việt Nam, chẳng hạn như Andersen, như Marquez, Tagor... Nhà thơ Hữu Thỉnh, người sẽ nằm trong ban tổ chức Hội nghị này, bày tỏ mong muốn hội nghị sẽ là một festival văn học dịch đầy sôi động và ý nghĩa. Ông cho rằng, qua sự kiện này mong muốn việc quảng bá văn học không chỉ dừng ở hội nghị, hội thảo, tiếp xúc, mà còn mong muốn sẽ làm được nhiều việc hơn thế.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, đó là mong muốn, và những gì mà chúng ta có thể làm là cố gắng thống kê, giới thiệu, tạo mọi điều kiện để tìm hiểu, tiếp xúc và làm việc, nhưng kết quả có đạt được như mong muốn hay không, còn tùy thuộc vào việc họ (những dịch giả văn học Việt Nam ra thế giới) có “ưng” không nữa./.
(Theo: Nhân dân)