Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 29/4/2016 15:3'(GMT+7)

Phát huy giá trị di tích, bồi đắp tinh thần dân tộc như thế nào?

Du khách tham quan cửa xuống hầm bí mật tại Địa đạo Củ Chi. (Ảnh: Sơn Thành/QĐND)

Du khách tham quan cửa xuống hầm bí mật tại Địa đạo Củ Chi. (Ảnh: Sơn Thành/QĐND)

Thành phố mang tên Bác là một trong những địa phương có nhiều “địa chỉ đỏ” về lịch sử-văn hóa, là những chứng tích hào hùng gắn với chiến thắng vĩ đại của dân tộc từ 41 năm trước…

Nâng giá trị những “địa chỉ đỏ”


Những ngày tháng Tư lịch sử, TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều đoàn du khách đến tham quan. Địa danh mà hầu hết du khách không thể bỏ qua là Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi và Dinh Độc Lập. Đây là di tích quốc gia đặc biệt gắn liền với giai đoạn lịch sử sục sôi, thể hiện sâu sắc chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân, dân “Nam Bộ thành đồng”. Ngay cả những nguyên thủ quốc gia trên thế giới khi tới Việt Nam cũng dành thời gian đến thăm hai di tích đặc biệt này. Dịp này năm ngoái, chúng tôi chứng kiến Thủ tướng Nga D.Medvedep tới Địa đạo Củ Chi, tham gia bắn cung, tham quan hầm chông, “mật khu” trong lòng đất và chui vào địa đạo rồi tự mình chụp những bức ảnh kỷ niệm… Sau khi tham quan, Thủ tướng Nga bày tỏ lòng ngưỡng mộ: “Quả là một kỳ quan đánh giặc có một không hai, mang chiều sâu của lòng căm thù và ý chí kiên cường, bất khuất; một biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam! Tôi thực sự thán phục các bạn”. Đây cũng là tâm trạng của Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner và nhiều nguyên thủ đến từ các quốc gia khác khi tham quan di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Theo ông Huỳnh Văn Chịa, cố vấn Ban giám đốc Khu di tích, du khách trong và ngoài nước đặc biệt ấn tượng với những câu chuyện gắn liền với cuộc sống, chiến đấu, sinh hoạt của quân và dân Củ Chi trong địa đạo; sự sáng tạo, quảng bá truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam. 

Nếu như Địa đạo Củ Chi là biểu tượng “Thép” của lòng yêu nước thì Dinh Độc Lập là địa danh ghi “dấu chấm hết” của chế độ cũ, đó cũng là nơi thể hiện trí tuệ, sức mạnh “thần tốc, táo bạo” và khát vọng hòa bình của một quốc gia độc lập, tự chủ, thống nhất, thu hút đông đảo du khách tham quan trong dịp lễ 30/4. Theo chân đoàn học sinh Trường THPT Ngô Quyền (TP Biên Hòa, Đồng Nai) tham quan Dinh Độc Lập, chúng tôi chứng kiến sự háo hức, chăm chú của các em khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu về chiếc xe tăng T-54 số hiệu 390 húc đổ cánh cửa sắt Dinh Độc Lập, về đường hầm của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Thầy Trần Nghĩa Dũng, Phó hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Dịp lễ, Tết, chúng tôi thường tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử cách mạng để ôn lại chặng đường đấu tranh anh dũng của thế hệ cha ông; đồng thời, là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp trẻ, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các em, làm hành trang trong cuộc sống”. Những ngày này, những “địa chỉ đỏ” gắn liền với Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đang thực sự được hâm nóng giá trị, không chỉ ở số lượng du khách đông mà qua đó, sức mạnh của tinh thần dân tộc Việt Nam thêm một lần được bồi đắp, tỏa sáng trong lòng bạn bè quốc tế…

Để phát huy hiệu quả giá trị các di tích

Trên địa bàn các tỉnh Nam Bộ có khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Mỗi di tích mang một ý nghĩa riêng, gắn với một thời kỳ, sự kiện lịch sử. Đây là kho tư liệu quý cần bảo tồn, phát huy giá trị vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay không ít di tích lịch sử đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Chẳng hạn, tại Khu di tích Ăngten parabol viba trên đỉnh núi Lớn (TP. Vũng Tàu), Công ty Cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu đã xây dựng sân tennis, nhà lễ tân, khu xiếc thú, khách sạn, khu vui chơi… xâm lấn không gian, kiến trúc, cảnh quan của di tích. Hay, Địa đạo Long Phước (TP. Bà Rịa) dù đã được trùng tu nhưng vẫn không tránh khỏi nhiều hạng mục xuống cấp; đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh tọa lạc tại phường Tam Hiệp (TP Biên Hòa, Đồng Nai) lâu nay bị người dân chiếm dụng hành lang phía trước để mở ki-ốt kinh doanh và làm chỗ để xe… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thưa vắng khách tham quan, không phát huy được ý nghĩa giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ. Ông Huỳnh Văn Hồng, Phó trưởng ban Văn hóa-Xã hội (HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận định: “Trùng tu di tích mới chỉ đơn thuần là chống dột, chống sập, hư hại đến đâu thì sửa đến đó chứ chưa nâng cấp nên không tạo được ấn tượng cho du khách. Mặt khác, một số di tích do khả năng non kém của công tác bảo tồn nên “sợ” đụng vào sẽ làm biến dạng di tích. Hậu quả là di tích cứ ngày một tan hoang, xập xệ”. Việc xâm hại di tích, biến di tích thành nơi bán hàng, để xe hoặc rêu phong, hoang vắng là do trách nhiệm của cơ quan chủ quản thờ ơ, buông lỏng thậm chí xem nhẹ giá trị lịch sử cần khắc phục kịp thời.

Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có hàng trăm công trình, địa điểm lịch sử đã được xếp hạng. Thành phố đang nỗ lực bảo tồn trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng của cha ông. Nhằm thu hút khách tham quan, tuyên truyền giá trị lịch sử văn hóa của di tích đến với quần chúng nhân dân, cùng với việc bảo tồn, tôn tạo, các ban, ngành, đoàn thể thành phố còn tổ chức lễ hội, cuộc thi, triển lãm hình ảnh, tư liệu gắn với di tích.

Ngay trong dịp kỷ niệm 30/4 năm nay, Ban Quản lý di tích lịch sử Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất) đã quyết định mở thêm hai phòng mới được phục chế để phục vụ khách tham quan, tìm hiểu, chiêm ngưỡng phong cách thiết kế độc đáo của phòng Tổng thống, Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn; tăng cường thuyết minh sâu rộng về những chứng tích, hiện vật liên quan đến ngày toàn thắng đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của đông đảo du khách.

PGS. TS. Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh), cho rằng: “Quản lý, bảo tồn kết hợp với khai thác những di tích, địa danh, hiện vật lịch sử để giáo dục lòng yêu nước cho thanh thiếu niên là một cách làm hiệu quả, vừa có tính thuyết phục cao, vừa thể hiện sự trân trọng những giá trị lịch sử truyền thống cần được các ngành chức năng vận dụng phù hợp với thực tiễn địa phương”./.

TP. Hồ Chí Minh hiện có 165 công trình, địa điểm đã được xếp hạng di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia và 107 di tích cấp Thành phố. Ngoài ra, Thành phố có 3 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật đờn ca tài tử, Hát trù và Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ.  

Sơn Thành (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất