Vượt rừng đưa bò về nuôi
Cách biên giới với nước bạn Lào chừng 10km đường chim bay, thập kỉ trước vùng đất này còn hoang sơ, đi dọc mấy cánh rừng mới có một hộ dân sinh sống.
Từ khi những người lính của Nông trường 2 đến đây (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) xây dựng doanh trại thấy đồng cỏ nhiều mà cuộc sống của người dân lại vô cùng cực khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc; lương thực, thực phẩm của dân và quân đều tự cung, tự cấp, những người lính đã nghĩ ngay đến việc chăn nuôi, vừa để cung cấp thực phẩm cho nông trường vừa để giúp đỡ bà con phát triển kinh tế hộ gia đình. Và việc nuôi bò sinh sản đã được Đảng ủy, Ban giám đốc Nông trường quyết định thực hiện ngay trong năm 1999, khi vừa đặt chân lên mảnh đất này.
Địa điểm chăn nuôi bò được xác định là núi Nậm San vì ở đó dốc thoải, đỉnh núi là bãi đất bằng phẳng, cỏ xanh tốt quanh năm. Đơn vị đã lựa chọn và tin tưởng giao cho Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Đức và Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Toán Vờ San, thuộc Ban Hậu cần của nông trường.
Anh Đức, anh San vui vẻ nhận nhiệm vụ và bắt đầu công việc vào một ngày đầu mùa xuân năm 2000. Bằng tiền quỹ vốn của đơn vị, các anh đã cùng cán bộ cơ quan Hậu cần nông trường đi sang tỉnh Lào Cai mua bò về nuôi. Lúc đó, con đường từ huyện Mường Chà vào huyện Mường Nhé (Điện Biên) dài hơn 150km mới được khai mở, rất nhiều dốc cao, vực sâu, đi bộ còn khó khăn, anh Đức, anh San đã thuê xe ô tô chở bò lên huyện Mường Tè (Lai Châu), dắt bò vượt rừng nứa Pá Lình, rồi men theo dòng suối Nâm Pì qua xã Chung Chải (Mường Nhé) về Nậm San. Ngày đi, đêm nghỉ, mất nửa tháng trời vượt qua 60km đường rừng, đàn bò 12 con đã về tới chuồng an toàn, sớm hơn dự kiến ban đầu một tuần lễ.
Do bò không quen khí hậu nên ngay ngày đầu tới Nậm San chúng đã bị ngã nước, mà kinh nghiệm chăn nuôi gia súc của hai anh lại không có. Anh San ở lại bón thức ăn cho từng con, còn anh Đức cầm trên tay chiếc la bàn đi tắt đường rừng ra Trung tâm khuyến nông huyện Mường Nhé (lúc đó chưa chuyển ra chỗ mới) hỏi cách chữa và điều trị. Tài liệu, thuốc, bơm tiêm… vừa mua, vừa xin, anh Đức mang về đầy một ba lô. Đèn dầu được thắp lên, người này đọc cho người kia nghe để cả hai cùng biết, cùng làm, tập tiêm vào cây chuối rừng thuần thục rồi các anh mới quyết định tiêm cho bò…
Khi đàn bò khỏi bệnh thì lại một thử thách nữa được đặt ra: Do mỗi con mua ở một gia đình nên khi thả khỏi chuồng, mạnh con nào con ấy đi, mỗi con ăn một nơi. Làm cách nào để cho bò đi tập trung dễ chăn thả, tránh được thú rừng tấn công và phương án cho bò ăn muối được hai anh thử nghiệm. Một lạng muối được hòa với một chậu nước ấm, vãi nước muối lên người chúng, đàn bò con nọ liếm con kia để đi đâu chúng cũng có nhau. Khó khăn tiếp theo là bò sinh sản, để giữ ấm cho bê con ngay sau khi ra đời, các anh đã phải lấy lá chuối rừng khô lót chuồng và từ việc theo dõi bò trở dạ, cách chăm sóc trước và sau khi bò đẻ đều được hai “bà đỡ” mát tay đọc thuộc và áp dụng theo đúng tài liệu của Trung tâm khuyến nông huyện Mường Nhé.
Để việc chăn thả thuận lợi hơn, các anh đã tập cho bò nghe quen tiếng mõ vào đầu giờ buổi sáng. Anh Đức gõ mõ, anh San bón cỏ, dần dần bò quen tiếng mõ nên chỉ cần gõ mõ là chúng tự tìm về chuồng. Hôm chúng tôi đến đây, anh Đức đã dùng mõ gọi đàn bò về để lại sự ngạc nhiên đến bất ngờ cho khách tham quan.
Tôi hỏi anh Đức: “Sao không đeo mõ vào cổ chúng để tránh thất lạc”.
Anh Đức cho biết: “Nếu đeo mõ vào cổ bò thì khi nghe tiếng mõ kêu thú rừng sẽ tìm đến, có lần chúng tôi đã thử, kết quả là phải vác gậy, xô, chậu đuổi báo… Để chống thú rừng ở vùng hoang vu này, anh Đức, anh San phải rào chuồng cẩn thận bằng tre, nứa vót nhọn và đêm nào cũng phải đốt lửa, mùa đông đốt lửa gần chuồng còn có tác dụng sưởi ấm cho bò, còn mùa hè đốt lửa xa chuồng ở cuối hướng gió. Những đêm nhiệt độ xuống dưới 100C, các anh quây lá cây, bạt để chống lạnh, chống sương muối, những con bê mới đẻ được “ưu tiên” khoác lên mình quần áo, mền chăn cũ. Mùa hè, hai anh thay phiên nhau cắt cỏ dự trữ cho bò ăn vào mùa đông, nên đã 10 năm rồi, chưa một con bò bị ốm đau, bệnh tật, con nào cũng béo tròn núc ních…
Cất nỗi nhớ vào trong
Chỉ có hai con người cùng đàn bò trên đỉnh núi, sóng điện thoại, ti vi, điện lưới quốc gia chưa có, phương tiện liên lạc duy nhất với gia đình chỉ bằng đường thư gửi qua bưu điện. Nhiều đêm, trời rét căm căm nghe tiếng vượn gọi bầy, gà rừng gáy, bên ánh đèn dầu, xung quanh chỉ có bạt ngàn rừng già, nhìn về hướng điện sáng như một chòm sao xuống thấp, nỗi nhớ nhà trong sâu thẳm con người các anh trào dâng đến nghẹn ngào.
Anh Đức sinh năm 1973, nhập ngũ năm 1994, anh San sinh năm 1978, nhập ngũ năm 1999. Họ đã học qua lớp tiểu đội trưởng rồi chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp. Trong cuộc sống đã là người lính, không ai tự bằng lòng với chính mình, các anh cũng đã từng nghĩ tới cuộc sống nhộn nhịp nơi thành phố, thị xã, muốn được đi học cao hơn, được gần vợ, gần con. Vợ anh Đức dạy học ở Trường THPT Minh Khương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), anh chị có hai cháu nhỏ (cháu gái 11 tuổi, cháu trai 6 tuổi), ba mẹ con ở nhà tập thể của trường, điều kiện kinh tế còn rất chật vật. Còn anh San, vợ làm nông nghiệp, anh chị có một cháu gái 3 tuổi, hiện hai mẹ con ở với ông bà nội xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Mặc dù cùng huyện nhưng từ Nậm San về nhà cũng mất tới cả ngày đi bộ… Vì nhiệm vụ các anh gặp nhau ở đây, anh Đức là người chỉ huy và ranh giới trong quan hệ cấp trên, cấp dưới của các anh đã được xóa đi bằng tình anh em ruột thịt. Họ động viên nhau vượt qua tất cả khó khăn. Những lúc trái gió, trở trời người khỏe phục vụ người yếu, người ốm ít chăm sóc người ốm nhiều, để cho đàn bò không được phép ốm.
Trên mảnh đất vùng biên này nghĩ về bà con nơi đây còn đói khổ mọi bề, hủ tục lạc hậu vẫn còn đeo đẳng… rồi đây những con bò được đôi tay các anh chăm bẵm, cấp phát cho đồng bào bằng nguồn vốn dự án kinh tế quốc phòng sẽ dần giúp người dân thoát nghèo; lại được người vợ thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên chồng hãy cố gắng làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc, với quân đội, với bà con vùng biên, nên các anh luôn vui vẻ, hài lòng với công việc, nỗi nhớ cha mẹ, vợ con cứ lặn trong tâm hồn người lính thật đơn sơ, mộc mạc mà tha thiết bao la. Tiền lương Nhà nước đãi ngộ, cộng cả phụ cấp vùng biên thu nhập hơn 4 triệu đồng một tháng, các anh vẫn dành dụm gửi về cho gia đình. Có một nhà hiền triết nói rằng: Hạnh phúc chẳng phải cái gì đó trừu tượng, cao xa mà nó chính là sự sẻ chia. Và sự sẻ chia của vợ, con các anh đối với công việc của chồng, của cha, đó chính là điều hạnh phúc nhất của hai người lính nơi đỉnh trời vùng biên. Để động viên các anh, thỉnh thoảng hai bà vợ lại hẹn nhau lên thăm chồng, họ đi bộ chân phồng rát, để khi gặp nhau nỗi nhớ được thăng hoa kết thành những giọt nước mắt nóng bỏng chảy dài trên khuôn mặt. Căn nhà của hai anh lại rộn rã chuyện quê hương. Hai căn buồng chỉ có phản tre, chăn màn bộ đội mà hạnh phúc mộc mạc đến chân thành.
Giúp dân vượt khó
Nhờ công chăm sóc tốt nên trời chẳng phụ lòng người, số bò của các anh cứ tăng dần theo thời gian. Những con trưởng thành được cung cấp cho các dự án kinh tế quốc phòng, giúp dân phát triển sản xuất và phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của cả nông trường, các anh lại kì công chăm sóc đàn bê cho mau lớn.
Bắt đầu công việc chăn thả từ năm 2000 với 12 con bò, đến năm 2004 các anh đã nhân giống ra được 32 con và từ năm 2004 đến nay ngoài duy trì số lượng đàn bò thường xuyên hơn 40 con, các anh đã cung cấp bò cái sinh sản cho dự án kinh tế quốc phòng để cấp cho những hộ dân đói, nghèo trong huyện hơn 50 con, phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của đơn vị 34 con và trong mười năm ấy chưa con bò, con bê nào chết vì dịch bệnh.
Tiếng lành đồn xa, người dân ở các bản lân cận đã tìm đến các anh. Hai người lính phải tự học tiếng của đồng bào (tiếng Mông, tiếng Hà Nhì) để thuận lợi cho giao tiếp. Khi bà con cần, chẳng quản đường sá xa xôi, các anh lại lội suối, xuyên rừng đi đến tận nơi hướng dẫn đồng bào phương pháp chăm sóc gia súc, gia cầm từ cách chăn thả, phòng rét, phòng dịch bệnh, tiêm vắc-xin và hướng dẫn nhân dân phương pháp ăn ở vệ sinh khoa học, trồng lúa nước hai vụ, trồng cây ngô lai năng suất cao… nên người dân quý mến gọi các anh là “Ì giàng chế” (theo tiếng dân tộc Mông tức là: Người nhà của bản). Ông Sùng A Lánh người dân bản Nậm San tâm sự với chúng tôi: “Bộ đội Đức, bộ đội San giỏi lắm. Nghe lời bộ đội dân bản chăn nuôi không bị dịch bệnh, trẻ con chẳng mấy khi bị ốm, nhà nào cũng để dành được lúa ngô, nhiều gia đình mua được đài quay băng, máy phát điện bằng sức nước”. Trong lúc chúng tôi đang ở đây, ông Sùng Páo Ly nhà ở tận bản Nậm Pắc, xã Chung Chải đi bộ nửa ngày đường tới, nhờ các anh đến nhà xem cho con bò của gia đình đang gặp khó khăn trong lúc “vượt cạn”. Anh San lại khoác ba lô tức tốc lên đường.
Tạm biệt các anh, tạm biệt núi rừng Tây Bắc đang phủ kín hơi sương, xe chầm chậm xuống dốc, thỉnh thoảng lại chồm lên, đầu người đập vào nóc xe đau điếng. Có những lúc cả đoàn lại cởi bỏ giày, dép hò nhau đẩy xe qua rãnh lầy. Tôi nhớ lời Bác Hồ đã dạy ngày 10-3-1958 khi Người đến thăm Sư đoàn 316 Quân khu 2. Bác nói: “Bộ đội của dân là bộ đội không chỉ có đánh giặc giỏi, mà làm kinh tế cũng phải giỏi…”. Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, dám chấp nhận mất mát, hi sinh, hai người lính của Nông trường 2, Đoàn B79 đã tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình nơi biên cương Tổ quốc. Và tôi biết câu chuyện của “anh Hồ Giáo thời nay” vẫn được anh Nguyễn Văn Đức, anh Toán Vờ San viết tiếp trên đỉnh Nậm San mù sương nơi phên giậu Tổ quốc./.
(Theo: MÈ QUANG THẮNG/QĐND)