Thứ Bảy, 5/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 12/1/2010 21:34'(GMT+7)

Cả đời chữa bệnh miễn phí

Ông Tá khám bệnh cho bà Bảo (thôn Đắc Trí, xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).

Ông Tá khám bệnh cho bà Bảo (thôn Đắc Trí, xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).

Chiến sĩ nơi tiền tuyến

Hoàng Minh Tá (tên khai sinh là Phan Văn Đông) sinh năm 1936 ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cả gia đình ông đều tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1945, giặc Pháp điên cuồng lùng bắt, tìm cách tiêu diệt dòng họ Phan, gia đình ông Đông phải sơ tán đến làng Vích, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cũng trong thời gian sơ tán, nạn đói quay quắt, bố mẹ và anh trai của ông đã lần lượt mất trên đường đi lánh nạn. Bố mẹ mất sớm, chỉ còn lại hai chị em côi cút. Phan Văn Đông lúc đó vừa tròn 7 tuổi. Chị gái của ông đành phải gửi em trai vào một gia đình khá giả ở thôn Đắc Trí, xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Cái tên Hoàng Minh Tá của ông được “khai sinh” từ đó.

Sống trong một gia đình giàu có nhưng tuổi thơ Hoàng Minh Tá là những tháng ngày chăn trâu, cắt cỏ, gắn bó với ruộng đồng. Hoàn cảnh khó khăn không làm thui chột ý chí vươn lên của ông. Ban ngày làm việc vất vả nhưng tối đến Hoàng Minh Tá vẫn đều đặn theo học lớp xóa mù chữ trong thôn và trở thành thầy giáo xóa mù chữ cho nhân dân địa phương những năm 1956-1958. Cũng thời gian này, Hoàng Minh Tá phải chứng kiến dân làng chữa bệnh bằng những hủ tục lạc hậu, đau đớn nhìn người thân chết oan uổng do mắc bệnh mà không được điều trị kịp thời. Điều đó đã thôi thúc Hoàng Minh Tá theo học nghề y với tâm niệm chữa bệnh giúp dân nghèo.

4 năm (1961-1964) làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Đắc Trí, Hoàng Minh Tá khám, chữa bệnh, cứu sống không biết bao nhiêu người.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, Hoàng Minh Tá tình nguyện nhập ngũ trước sự ngạc nhiên của mọi người. Giải thích cho sự thay đổi đột ngột ấy, ông nói: “Chứng kiến cái chết thảm của bố mẹ, anh trai, lòng tôi không khi nào nguôi nỗi căm hờn quân xâm lược. Tôi muốn trực tiếp cầm súng chiến đấu để trả thù nhà, đền nợ nước”.

Hoàng Minh Tá tham gia quân đội, được cấp trên điều động về Đồn Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) - cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Nghệ An. Với phẩm chất cần cù, chịu khó, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, chỉ vài năm sau, Hoàng Minh Tá được giữ chức Trạm trưởng Trạm Quốc tế Cầu Treo.

Gần 20 năm công tác ở Trạm Quốc tế Cầu Treo, đơn vị ông luôn là trọng điểm bắn phá, hủy diệt của không quân Mỹ - ngụy vì đây là cửa ngõ quan trọng của hậu phương ra tiền tuyến. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, dưới sự chỉ huy dũng cảm, mưu trí của Trạm trưởng Hoàng Minh Tá, đơn vị đã chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi 7 máy bay địch, bắt sống hàng chục phi công, gián điệp, biệt kích. Với thành tích đó, Đơn vị ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Hoàng Minh Tá luôn thể hiện là một chỉ huy tích cực, gương mẫu trên mọi mặt trận. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, canh giữ biên cương của người lính biên phòng, Hoàng Minh Tá luôn đôn đốc, cầm tay chỉ việc cho cấp dưới tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp. Tranh thủ thời gian, chọn địa điểm không bị máy bay Mỹ đánh phá để trồng rau xanh, đào ao, thả cá, chăn bò, nuôi dê… Tuy trong thời chiến nhưng cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ đơn vị khá đầy đủ, sung túc nhờ bàn tay và khối óc người chỉ huy gương mẫu.

30 năm khám, chữa bệnh từ thiện

46 tuổi, Hoàng Minh Tá về hưu, gia tài vỏn vẹn chiếc ba lô con cóc với 80 nghìn đồng.

Thời gian đầu, ông Tá không có ý định quay lại nghề y vốn không đem lại thu nhập cao. Nhưng vào một đêm, đứa con trai nhà hàng xóm đột nhiên sốt cao, lên cơn co giật. Tình thế bức bách, cần phải cấp cứu gấp. Lúc ấy, không ai khác ngoài ông Tá có thể cứu giúp cháu bé qua cơn nguy kịch. Sau lần đó, công việc của người thầy thuốc giống như cái nghiệp đã đưa ông trở lại con đường đã chọn thời trai trẻ.

Bà Ngô Thị Bình – vợ ông Tá kể với chúng tôi: “Từ khi về hưu, ông nhà tôi luôn bận rộn với việc đồng áng và khám, chữa bệnh cho bà con. Có khi đang cày ruộng, người nhà bệnh nhân ra gọi, ông vội vàng xắn tay áo, chân thấp chân cao về khám bệnh rồi lại tất tưởi quay ra đồng. Nhiều lúc nhìn chồng vất vả mà ứa nước mắt”.

Ông Tá được bà con kính nể không chỉ bởi tài năng mà còn bởi tấm lòng “lương y như từ mẫu”. 30 năm hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh, ông Tá chưa từng lấy của ai một đồng tiền công nào.

Ông tâm sự: “Thấy bà con mình nghèo đói, nhìn quanh nhà không có thứ mô đáng giá, sao đành lòng lấy tiền của họ”.

Không lấy tiền của người nghèo đã đành, người khá giả hơn ông cũng quyết không lấy, bởi “làm người phải công bằng, đã không lấy tiền công thì quyết không lấy của bất cứ ai, dù đó là người giàu hay nghèo” - ông bộc bạch.

Theo ông Tá đến khám bệnh cho con trai anh Nguyễn Văn Huy (thôn Đắc Trí), chúng tôi bất ngờ khi ông là người thầy thuốc gắn bó với gia đình này đã ba đời.

Anh Huy kể: “Từ đời ông bà nhà tôi, đến chúng tôi rồi con cái chúng tôi đều được bác Tá tận tình chữa bệnh. Hễ đau là gọi bác liền và chỉ sau mươi phút, bác có mặt ngay. Nói thế nào bác cũng không chịu nhận tiền. Chỉ cần rót chén rượu, mời bác khúc mía hay quả hái trong vườn là bác niềm nở đón nhận”.

Điều chúng tôi ngạc nhiên lại là điều hiển nhiên vẫn thường ngày diễn ra ở xã Định Bình này bởi lẽ gia đình anh Huy chỉ là một trong số rất nhiều gia đình ở đây được ông Hoàng Minh Tá khám, chữa bệnh miễn phí cho cả ba đời.

Tuy tuổi đã cao nhưng cường độ, sức làm việc của ông Tá thật đáng nể. Từ sáng sớm đến xế trưa, ông khám bệnh cho khoảng chục người. Thấy có đoàn phóng viên về tìm hiểu, gặp gỡ ông Tá, bà Nguyễn Thị Xã, người ở làng Đắc Trí cũng lộc cộc chống gậy sang nhà ông. Bằng giọng kể yếu ớt, thều thào, bà cố kể lại cho chúng tôi câu chuyện năm xưa. Lúc đó bà bị đau mắt rất nặng và cần phải chữa trị kịp thời nếu không sẽ không còn nhìn thấy gì. Ông Tá nhận chữa mắt cho bà cùng bác sĩ Hùng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Tá không lấy tiền đã đành, ông còn mời cơm, “quà cáp” cho bác sĩ Hùng vì đã giúp đỡ. Ơn đức đó, bà mãi mãi không thể nào quên.

Câu chuyện giữa phóng viên với vợ chồng ông Tá cứ thế bị ngắt quãng bởi những người đến khám bệnh và bởi những câu chuyện cảm động từ chính những người bệnh được ông cứu giúp. Chúng tôi được biết thêm rằng trong những lần đi khám, chữa bệnh như thế, thấy gia đình nào có con cái học hành giỏi giang ông lại cho các cháu năm chục, một trăm ngàn đồng để khuyến khích, động viên. Ông quan niệm chỉ có học thật giỏi thì mới có thể thoát nghèo, mới có thể có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tinh thần hiếu học luôn được ông thôi thúc, động viên và hâm nóng kịp thời.

Dạo một vòng quanh làng Đắc Trí, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống của người dân nơi đây còn rất khó khăn. Ngôi làng với hàng trăm hộ, hàng nghìn người dân sống chủ yếu bằng cấy lúa và trồng rau. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp đầu ra thất thường nên quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Và để giúp đỡ những người dân nghèo, ông Tá thường trích một phần lương hưu hằng tháng của mình để mua thuốc chữa trị bệnh giúp họ.

Ông Trịnh Đình Viện, Bí thư chi bộ thôn Đắc Trí cho chúng tôi biết: “Ở xã Định Bình, mỗi thôn đều có một thầy thuốc. Thôn quyết định dành ra mỗi năm một tạ thóc để hỗ trợ họ. Nhưng ông Hoàng Minh Tá chưa một lần nhận. Tất cả ông đều góp vào quỹ của thôn, dùng để thăm hỏi các đám hiếu, hỉ trong làng và tặng quà cho các cháu học sinh nghèo học giỏi. Không phải ai cũng làm được như vậy”.

Bên cạnh hình ảnh người thầy thuốc cả đời làm từ thiện, ông Hoàng Minh Tá còn là điển hình về xây dựng nếp sống mới. Ông thường xuyên tới từng gia đình trong thôn, xã để hướng dẫn bà con xây dựng mô hình kinh tế V-A-C.

Trong khuôn viên vài trăm mét vuông nhà ông Tá có đầy đủ cả vườn rau, ao cá và chuồng trại. Những chậu cây cảnh đang độ nở hoa, vườn rau xanh tốt, đàn chim bồ câu tung cánh, từng đàn cá quẫy lao xao mặt nước… là những hình ảnh để lại ấn tượng sâu đậm trong mỗi chúng tôi.

Xin dẫn lời ông Đào Văn Long, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Định Bình để thay cho lời kết: “Cuộc đời làm nghề, Hoàng Minh Tá đã thực hiện đúng tiêu chí của ngành “Lương y phải như từ mẫu”. Ông chính là một điển hình tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở quê tôi”.

(Theo: PHẠM THU THỦY/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất