Thứ Bảy, 5/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 20/1/2010 21:18'(GMT+7)

Hiệu quả sau 3 năm triển khai Cuộc vận động ở huyện KonPlông

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và tặng quà nhân dân xã Đăk Long, huyện Kon Plông (Ảnh minh họa).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và tặng quà nhân dân xã Đăk Long, huyện Kon Plông (Ảnh minh họa).

Sau khi Ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp được thành lập, Ban chỉ đạo cấp huyện và cơ sở đã nghiêm túc triển khai nội dung Cuộc vận động tại các địa phương theo sự chỉ đạo của cấp ủy, từ đó phân công từng thành viên Ban chỉ đạo phụ trách cơ sở; xây dựng chương trình thực hiện Cuộc vận động đến năm 2011 trên địa bàn huyện.

Hằng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả, phù hợp với từng chủ đề của Cuộc vận động và điều kiện địa phương; đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát... Hình thức kiểm tra, giám sát từng bước được đổi mới. Ngoài việc tổ chức kiểm tra, giám sát theo kế hoạch hằng năm, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động huyện còn kết hợp với việc giao ban các TCCS đảng định kỳ hàng tháng, giao ban khối nội chính, giao ban khối đoàn thể, giao ban khối văn hóa-xã hội… để theo dõi, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện.

Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp huyện đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, đảng ủy các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền; định hướng các thành viên Ban Chỉ đạo theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các bước Cuộc vận động ở các cấp, phản ánh và tham mưu kịp thời cho Ban Chỉ đạo cấp huyện nhằm chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc cũng như vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Ban Chỉ đạo huyện đã cử đội ngũ báo cáo viên tham gia tập huấn các chuyên đề Cuộc vận động do tỉnh tổ chức; đồng thời tổ chức Hội nghị hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện, các TCCS đảng trực thuộc và cán bộ chủ chốt các xã. Tương ứng với mỗi chuyên đề Cuộc vận động của từng năm, Ban Chỉ đạo ban hành kế hoạch tuyên truyền, quán triệt, đồng thời tham mưu giúp cấp ủy phân công các đồng chí báo cáo viên triển khai tại các chi, đảng bộ theo tinh thần: chi, đảng bộ khối cơ quan phối hợp tổ chức học tập theo cụm, còn đảng ủy các xã tổ chức riêng. Công tác triển khai tuyên truyền, học tập các chuyên đề đều đảm bảo nội dung và tiến độ thời gian.

Trong đợt bồi dưỡng lý luận chính trị hè cho giáo viên hằng năm, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ cũng đã phối hợp với Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện triển khai học tập các chuyên đề cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, công chức ngành giáo dục.

Mặt trận, các ngành đoàn thể huyện lồng ghép vào chương trình hoạt động của mình để triển khai các nội dung Cuộc vận động sâu rộng trong nhân dân, có khoảng 80% nhân dân được tiếp thu những nội dung Cuộc vận động hoặc được nghe kể các mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Sau các đợt học tập, hầu hết các chi, đảng bộ đã xây dựng và điều chỉnh, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức lối sống phù hợp đối với từng lĩnh vực, đồng thời đã từng bước đưa nội dung Cuộc vận động vào sinh hoạt chi bộ, đảng bộ định kỳ... Việc tổ chức học tập các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở các TCCS đảng thực hiện theo đúng kế hoạch đã có tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc học tập và làm theo tấm gương của Người.

Hội thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" các cấp cơ sở tiến tới cấp huyện đã diễn ra sôi nổi và thành công tốt đẹp. Sau Hội thi kể chuyện các cấp, huyện tiếp tục phát huy vai trò của các thí sinh dự vào việc tuyên truyền các câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sức lan toả đến nhân dân các thôn, làng vùng sâu, vùng xa; đồng thời lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, toạ đàm, kỷ niệm… để tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, quần chúng khối cơ quan.

Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện đã phát huy tốt 2 đợt tổ chức Hội thi kể chuyện về đạo đức Bác Hồ cho học sinh bậc tiểu học và THCS (năm 2008, 2009); Trường Dân tộc nội trú huyện và các đơn vị trường xã đã triển khai kể chuyện đạo đức Bác Hồ trong các buổi chào cờ hoặc chương trình sinh hoạt ngoại khóa; học tập gương thể dục-thể thao của Bác Hồ để tổ chức cho các em luyện tập thể dục buổi sáng; triển khai công tác dạy và học theo các chủ đề hàng tháng gắn với việc thực hiện Cuộc vận động; gắn kết việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với việc thực hiện Cuộc vận động “Hai không” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… Qua đó đã thu hút nhiều em học sinh các cấp tham gia tìm hiểu, sưu tầm những mẩu chuyện về Bác. Các em đã ý thức được tình yêu thương của Bác giành cho thiếu niên, nhi đồng; nhiều em đã cố gắng vượt khó vươn lên học giỏi. Nhiều thầy, cô giáo đã thể hiện tình yêu thương đối với học sinh, thông qua những hoạt động như: chăm lo đời sống, sinh hoạt hằng ngày cho học sinh nội trú, bán trú; quyên góp, kêu gọi các tổ chức từ thiện hỗ trợ chăn màn, quần áo cho học sinh nghèo; sẵn sàng bồi dưỡng, kèm cặp học sinh yếu ngoài giờ… Tiêu biểu trong quá trình thực hiện Cuộc vận động của ngành giáo dục là mô hình “tiếng kẻng học tập” đã giúp cho học sinh ý thức hơn trong việc tự giác học tập…

Năm 2009, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức thành công buổi tọa đàm, gặp mặt, giao lưu, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tại buổi tọa đàm, đã biểu dương 11 tập thể và 40 cá nhân đã có những thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác thể hiện trên các lĩnh vực như: lề lối làm việc; chất lượng công việc; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác, sinh hoạt; phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; hướng về cơ sở để giải quyết công việc phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân; có lập trường tư tưởng ổn định; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an sinh xã hội...

Những việc làm cụ thể trong việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phát động phong trào làm đường giao thông nông và làm chuồng trại có mái che cho gia súc được đông đảo cán bộ, đảng viên nhân dân tham gia nhiệt tình. Hàng nghìn km đường liên thôn, liên xã, nhiều cầu, cống, chuồng trại có mái che cho gia súc đã được xây dựng và tu sửa; cán bộ, đảng viên các cơ quan 04 phụ trách thôn đã hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân cách sử dụng giống cây trồng, vật nuôi, cách sử dụng các loại phân bón, thức ăn cho gia súc, chăm sóc gia súc, gia cầm … Cuối năm 2009, 2 cơn bão số 9 và 11 đã làm thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trên địa bàn, cán bộ, đảng viên khối các cơ quan đã không ngại khó, ngại khổ, trong mưa lũ đã băng rừng, vượt sông để đến với nhân dân khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Sau cơn bão số 9, Hội chữ thập đỏ huyện, Mặt trận và các ngành đoàn thể đã có thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho nhân dân trên địa bàn và có phương án cấp phát hàng cứu trợ kịp thời, không để xảy ra sai sót, không để nhân dân thiếu đói . . . Cán bộ và nhân viên ngành Y tế thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu” đã tận tình phục vụ bệnh nhân, xuống tận cơ sở tuyên truyền, vận động người dân khi ốm đau phải đến bệnh viện điều trị kịp thời; chủ động chuẩn bị đầy đủ nhân vật lực, cơ số thuốc khi có thiên tai, dịch bệnh, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia . . .

Sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động, đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện đã được tiếp thu những nội dung cơ bản về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó đã có những nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động. Cán bộ, đảng viên đã gần dân, có trách nhiệm với dân hơn; thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, giải quyết các ý kiến đề xuất, kiến nghị nhanh gọn, kịp thời; thực hiện có hiệu quả việc cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa" tránh phiền hà cho nhân dân, đặc biệt là trong thủ tục giới thiệu và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn; đầu tư có trọng điểm, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ để nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng các hạng mục công trình, các công trình xây dựng cơ bản đạt chất lượng và đem lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai các hạng mục đầu tư, xây dựng trước khi tiến hành; đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại, sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh quảng bá, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái Măng Đen … Ngoài ra, chính quyền các cấp từng bước củng cố, kiện toàn các cơ quan chuyên môn hoạt động đi vào nề nếp, nâng cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ; thường xuyên gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, có trách nhiệm với dân, thực hiện tốt vai trò trách nhiệm của mình, hoàn thành nhiệm vụ được giao…

Đặc biệt từ đầu năm 2009, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền, trực tiếp là Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, ngày 27/12/2009 của Chính phủ "về Chương trình hỗ trợ giảm hộ nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo", Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ "về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở". Tính đến ngày 31/12/2009, có 93,43% hộ định canh, định cư bền vững; tỷ lệ hộ làm nhà ngói đạt 76 %; có 869 hộ/869 hộ làm nhà xong, đã được nghiệm thu và giải ngân đợt I, đạt 100%, 198 hộ đăng ký bổ sung đợt II và đợt III đang chờ quyết định của cấp trên cho chủ trương; khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích đất sản xuất là 39,491 ha; đang hoàn thiện hồ sơ giao khoán 1.2941,6 ha rừng cho 750 hộ chăm sóc và bảo vệ; tạo điều kiện đưa đi xuất khẩu lao động sang thị trường Malaysia 11 lao động thuộc diện hộ nghèo.

Mặt trận, các đoàn thể cũng đã thể hiện được vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền vận động các giai tầng xã hội trên địa bàn, phát động các phong trào hành động cách mạng thực hiện Cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Tích cực tuyên truyền, vận động, đưa nội dung Cuộc vận động vào sinh hoạt chi đoàn, chi hội, vận động đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế, thực hiện đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Với phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Hội Liên Hiệp phụ nữ huyện đã vận động cán bộ, hội viên vay vốn, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong 3 năm Hội đã đứng ra tín chấp cho 2.603 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vay vốn lãi suất ưu đãi, với số tiền gần 39 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất tạo việc làm; hướng dẫn các tổ nữ công khối các cơ quan tổ chức kết nghĩa với chi hội phụ nữ nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giúp nhau cùng tiến bộ; thực hiện xây dựng “Hũ gạo tiết kiệm”. Hội Cựu chiến binh phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong thôn để tuyên truyền, vận động nhân phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Hội Liên hiệp thanh niên với phong trào “Thanh niên KonPlông Học tập và làm theo lời Bác”, có 84 đội thanh niên xung kích được thành lập ở 9/9 xã để giúp đỡ các hộ nghèo làm nhà theo chương trình 167 của Chính phủ …

Phong trào xây dựng khu dân cư tiên tiến, làng văn hóa, gia đình văn hóa được triển khai mạnh mẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Tính đến 30/1/2/2009 có 3.448 gia đình tham gia đăng ký gia đình văn hóa, đạt 79% số hộ. Qua bình xét hàng năm, số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa đến cuối năm 2009 là 2.439/4.626 hộ, đạt 53%; tổng số thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa: 29 thôn/89 thôn, đạt tỷ lệ 33%, trong đó có 4 thôn văn hóa tiêu biểu. Vấn đề hương ước, quy ước đã được thực hiện rộng khắp ở các thôn, làng, có 89 khu dân cư với 117 làng trên toàn huyện đăng ký xây dựng hương ước, quy ước và được các cấp công nhận 89/89 khu dân cư; 89/89 khu dân cư đã thành lập tổ hòa giải...

Những kết quả đạt được trong 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động ở huyện KonPlông là đáng khích lệ; qua đó có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Một là, Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đồng bộ của cấp ủy các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy và đội ngũ cán bộ chủ chốt ở từng cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng trong việc thực hiện Cuộc vận động

Hai là, Cấp ủy, chính quyền và các TCCS đảng cần cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động một cách cụ thể hơn để đưa vào cuộc sống phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị. Phải phát huy được trách nhiệm, tính tự giác gương mẫu của đảng viên, những người có uy tín trong cộng đồng; kết hợp tuyên truyền, giáo dục, vận động với theo dõi, kiểm tra, đánh giá để kịp thời sửa chữa, khắc phục.

Ba là, Làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với từng tổ chức, cá nhân về Cuộc vận động đến với người dân. Coi trọng hình thức tuyên truyền bằng những hình ảnh trực quan sinh động, tạo khí thế sôi nổi và phong trào hành động cách mạng rộng khắp trong toàn xã hội để thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn.

Bốn là, Thực hiện nghiêm việc lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh làm tiêu chí đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên các cơ quan, tổ chức đảng hàng năm.

Phát huy kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động, thiết thực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đảng các cấp tiến tới chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng; chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc, năm 2010 Đảng bộ và nhân dân huyện KonPlông tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, trong đó chú trọng vào làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh./..

Võ Thị Mỹ Thu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất