Khi nhắc đến đảng viên lão thành Trần Vũ người dân ở tổ 12, thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ, Thái Nguyên đều dành cho ông một tình cảm đặc biệt trìu mến, thân thương. Bởi ông thực sự là một tấm gương sáng ngời- sưốt đời phấn đấu, tin tưởng và một lòng một dạ theo Đảng. Năm nay Đảng ta tròn 80 tuổi, ông cũng bước vào tuổi 99 tuổi đời và 80 tuổi Đảng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo yêu nước ở vùng quê Cổ Đạm, Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cuộc sống làm thuê đã sớm cho ông nhận thức được nỗi khổ của người nô lệ. Không chấp nhận mãi cảnh "trâu ngựa", năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Trần Vũ đã cùng với bà con nhân dân vùng dậy đánh đổ cường hào, ác bá ở địa phương, phá kho thóc chia cho dân nghèo. Năm 1929, ông tham gia Đội tự vệ đỏ và được bầu làm Trưởng ban liên lạc. Trong thời gian này, ông được giác ngộ và kết nạp vào Đảng Tân Việt ngày 13/8/1929, và làm Bí thư Chi bộ xã Cổ Đạm. Đây là một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 3/2/1930. Lúc đó, nhiệm vụ của Đảng Tân Việt là tuyên truyền trong nhân dân về lòng yêu nước, đoàn kết chống lại cường hào ác bá, hạn chế sự nhũng nhiễu và bóc lột tàn bạo của bọn địa chủ cường hào, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống mới, cổ vũ hàng nội hoá, khuyến khích nhân dân học chữ quốc ngữ, thực hiện nam nữ bình quyền... Nhớ lại những ngày đầu tiên đứng trong hàng ngũ những người cộng sản, ông không khỏi bồi hồi: "Năm 1929, khi đó tôi mới 18 tuổi, được đứng trong hàng ngũ của Đảng, là đảng viên trẻ nên không ngần ngại khó khăn, chọn địa bàn hoạt động là những nơi nguy hiểm nhất. Lúc đó, tôi nghĩ cuộc đời mình từ đây sẽ luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng".
Với lòng dũng cảm và sự mưu trí, ông được giữ trọng trách Bí thư huyện ủy Nghi Xuân. Trách nhiệm của ông lúc đó rất nặng nề, vừa tổ chức huấn luyện quân sự, vừa tập hợp dân công cho kháng chiến. Năm 1932, ông bị giặc bắt và bị đầy đi hết nhà tù này đến nhà từ khác, từ Kon Tum, Ban Mê Thuột đến Hỏa Lò... Bọn giặc đã dùng nhiều hình thức tra tấn, nhưng lòng yêu nước, căm thù giặc đã cho ông sức mạnh vượt qua tất cả. Trong tù, ông được tín nhiệm bầu là Chi ủy Chi bộ nhà tù phụ trách binh vận. Thời gian trong tù, ông đã tận mắt chứng kiến những hy sinh mất mát của đồng đội. Ông tâm sự: "Sức mạnh của lòng yêu nước, căm thù giặc, lòng nhiệt tình cách mạng đã tiếp sức cho chúng tôi chiến đấu đến cùng với quân giặc". Năm 1944, ông ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng và trải qua nhiều chức vụ như: Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Thuận; Thường vụ Việt minh Bình Thuận, phụ trách giao thông; Phó ban Vận tải cực Nam Trung Bộ; Đoàn uỷ viên giảm tô, Trưởng ban chỉ huy công trường cơ khí Hà Nội; Chủ nhiệm Công ty xây dựng Vinh; Bí thư Đảng ủy Công ty xây dựng Bắc Thái... Khi nghỉ hưu, ông quyết định gắn bó với chiến khu Việt Bắc. Dù ở cương vị nào, ông cũng tỏ rõ vai trò của người đảng viên kiên trung, không ngại khó, ngại khổ, nêu cao tinh thần cách mạng, giữ vững phẩm chất người lính cứu quốc. Ghi nhận công lao của ông, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ông nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 40, 50, 60, 70, 80 năm tuổi Đảng.
Tuổi cao, nhưng ông vẫn còn minh mẫn, vẫn tự răn lòng mình tiếp tục cống hiến cho Đảng, mà thiết thực nhất là giáo dục con cháu trong gia đình và đội ngũ đảng viên trẻ ở địa phương luôn gương mẫu trong mọi hoạt động xã hội./.
Thu Hằng