Trong khoa học, nghệ thuật cũng như trong đời sống hằng ngày, phép so sánh, nhất là so sánh hình ảnh luôn được sử dụng một cách phổ biến, góp phần khẳng định chân lý hoặc làm sáng tỏ hơn, sinh động hơn điều muốn nói.
Điểm mấu chốt của Hồ Chí Minh trong việc sử dụng rất hiệu quả phép so sánh chính là Người đã lựa chọn, sử dụng hình ảnh so sánh hết sức phổ thông, đơn giản dễ hiểu và gần gũi.
Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp xuất bản cuối năm 1925, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “CNTB là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa”(1). (1)
Như chúng ta biết, nước Việt Nam hồi đó hơn 90% dân số là nông dân, nên “CNTB”, có lẽ là một khái niệm cao siêu, khó hiểu và trừu tượng đối với nhiều người. Nhưng, bằng hình ảnh “con đỉa hai vòi”, Hồ Chí Minh đã bóc trần bản chất áp bức, bóc lột của CNTB và cũng nhờ vậy làm cho mọi người, cho dù đó là những người nông dân chân lấm tay bùn cũng hiểu được thế nào là CNTB. GS. Nguyễn Đức Bình khẳng định: Hình ảnh “con đỉa hai vòi” mà Hồ Chí Minh nêu lên, đơn giản, dễ hiểu, nhưng thể hiện cực kỳ sâu sắc và chính xác nhận thức Hồ Chí Minh về bản chất chủ nghĩa thực dân đế quốc.
Từ việc so sánh CNTB với “con đỉa hai vòi”, Hồ Chí Minh đi đến nhấn mạnh điều quan trọng mà Người phát hiện - đó là mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc: “Nếu muốn giết con vật ấy người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi còn lại kia sẽ tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra”(2). Đây quả là một sự so sánh hết sức chính xác và thú vị.
Trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 30-5-1946, Hồ Chí Minh viết: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp lại nơi bàn tay. Trong mấy chục triệu người, cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”(3).
Người ta ai cũng có hai bàn tay và trên mỗi bàn tay thì các ngón tay đều có độ ngắn dài khác nhau. Đó là điều hiển nhiên và dễ nhận thấy. Hồ Chí Minh đã rất tài tình khi mượn hình ảnh bàn tay với những ngón ngắn dài khác nhau để nói lên quan điểm của mình.
Hồ Chí Minh hiểu rằng, trong xã hội có nhiều giai cấp, tầng lớp, cá nhân với những lợi ích, động cơ, cá tính khác nhau, tức là có “người thế này, thế khác”. Nhưng, điều quan trọng hơn là Người nhận thấy điểm tương đồng của tất cả những giai cấp, tầng lớp và cá nhân ấy. Đối với người Việt Nam, điểm tương đồng ấy chính là “đều là dòng dõi tổ tiên ta” và “ai cũng có lòng ái quốc”.
Từ hình ảnh những ngón tay ngắn dài khác nhau nhưng đều trên cùng một bàn tay, đến một thực tế là đồng bào ta có người này, người khác, người hay người dở, người thiện, người ác nhưng cùng chung nguồn gốc, đều là “đồng bào”, đều có lòng yêu nước, để đi đến khuyên mọi người hãy lấy tình thương yêu mà đối xử với nhau và thực hiện đoàn kết dân tộc là một liên tưởng độc đáo, một lôgic chặt chẽ.
Trong di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh thì tư tưởng về đạo đức cách mạng chiếm một vị trí rất quan trọng. Đạo đức là những giá trị vô hình, không thể nhìn thấy bằng mắt và khó có thể cân, đong, đo, đếm. Nhưng với Hồ Chí Minh, bằng những hình ảnh so sánh rất sinh động, dễ bắt gặp, Người đã làm cho đạo đức cách mạng trở nên gần gũi và rất đời thường.
Trong tác phẩm “Sửa đối lối làm việc”, tháng 10-1847 với bút danh X.Y.X, Hồ Chí Minh viết: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(4).
So sánh đạo đức của người cách mạng như nguồn của suối, gốc của cây là một sự so sánh khéo léo nói lên được vai trò to lớn của đạo đức cách mạng và vị trí của “đức” và “tài” trong mỗi con người. Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định: “Đạo đức là gốc cách mạng”. “Có tài mà không có đức là người vô dụng; có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Trong bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn khóa II của Bộ Công an, ngày 16-5-1959, Hồ Chí Minh đã ví: “Tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì như cỏ dại, sinh sôi nảy nở rất dễ”(5).
Ở đây ta lại bắt gặp những hình ảnh rất “nông nghiệp” - cây lúa và cỏ dại. So sánh như vậy đơn giản, bình dị nhưng cũng rất dễ hiểu. Có thể người ta không hiểu tư tưởng cộng sản, tư tưởng cá nhân là gì, nhưng sự so sánh tư tưởng cộng sản với cây lúa, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa với cỏ dại của Hồ Chí Minh đã làm cho mọi người cảm nhận rằng, tư tưởng cộng sản là tốt, cần phải được nuôi dưỡng, còn tư tưởng cá nhân là xấu, cần phải xóa bỏ.
Tháng 9-1949, để cổ vũ phong trào Thi đua ái quốc và xây dựng Đời sống mới, Hồ Chí Minh viết bài “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” và Người chỉ rõ rằng:
“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
Người có bốn Đức: Cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người”(6).
Cần, kiệm, liêm, chính là những điều không mới, người xưa đã từng nói, sách xưa đã từng viết, các bậc thầy xưa đã từng dạy. Nhưng so sánh bốn đức của con người như bốn mùa của trời, bốn phương của đất thì chỉ có ở Hồ Chí Minh. Cách so sánh của Hồ Chí Minh làm cho lời dạy về đạo đức trở nên sống động hơn, đời thường hơn nhưng cũng đậm chất triết lý. Mọi người có thể hiểu ngay rằng, cần, kiệm, liêm, chính là bốn phẩm chất không thể thiếu trong mỗi con người, đó là điều hiển nhiên như trời có bốn mùa, đất có bốn phương vậy.
Khi nói, khi viết Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mục đích, đối tượng, đó là nói, viết cho ai? Tức là quan tâm đến đối tượng hướng tới để tuyên truyền. Người cho rằng, do hậu quả chính sách “ngu dân” của chế độ thực dân nên trình độ dân trí của dân ta nói chung là thấp, nhận thức chính trị của dân ta chưa sâu. Bởi vậy, ngôn ngữ Người dùng rất giản dị, hình ảnh sử dụng để so sánh rất gần gũi, gắn với đời thường. Vì thế, những bài viết, bài nói của Người luôn ngắn gọn, cô đọng và dễ hiểu. Đây là điều chúng ta phải học tập và noi theo./.
Nguyễn Trung Triều
Trường CĐSP TW - Nha Trang
————
(1), (2). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.1, tr.249.
(3), (4) Sđd, t.4, tr.140, 467
(5) Sđd, t.5, tr 631.
(6) Sđd, t.8, tr.340.