Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 24/12/2009 16:52'(GMT+7)

“Học tập và làm theo gương Bác” ở một ngôi trường non trẻ

Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt nam 20/11 của thầy trò Trường THCS Cát Quế B.

Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt nam 20/11 của thầy trò Trường THCS Cát Quế B.

Nằm bên ven bờ sông Đáy thơ mộng, ẩn mình bên những bãi mía nương ngô xanh mướt là trường THCS Cát Quế B (Hoài Đức- Hà Nội). Được tách ra từ trường THCS Cát Quế theo Quyết định cuả UBND Huyện Hoài Đức ngày 01/9/2009, biết bao khó khăn bộn bề, từ nhân lực đến cơ sở vật chất, nhưng Ban Giám hiệu (BGH) và tập thể giáo viên nhà trường vẫn luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt.

Lúc tiếp nhận cơ sở mới, chỉ có một dãy nhà 3 tầng kiên cố, bàn ghế chưa có nhiều, sân trường chỉ là một bãi đất trống rộng… như cách nói vui của cô giáo Nguyễn Thị Diệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường thì “Tất cả mọi thứ đều thiếu, chỉ có nắng và gió là thừa”.

Từ những ngày đầu tiếp nhận cơ sở, BGH nhà trường cùng với Chi bộ đã bàn cách khắc phục, tháo gỡ khó khăn. Ngay sau ngày khai giảng, một phong trào thi đua đã được phát động trong toàn thể đội ngũ giáo viên và học sinh nhà trường. Việc học tập chuyên đề “Hết lòng hết sức phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân” được triển khai ngay từ đầu năm học tới các thầy cô giáo và cán bộ, công nhân viên nhà trường, được toàn thể anh chị em trong đơn vị nhiệt tình hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể. Thiếu cơ sở vật chất, các thầy cô giáo đã cố gắng, phân công nhau đi mượn, xin từ nhiều nguồn và tự làm lấy đồ dùng dạy học... cùng với sự quan tâm cuả Đảng uỷ, UBND xã Cát Quế và UBND huyện Hoài Đức, đến nay bàn ghế cho học sinh đã tương đối đầy đủ (tuy vẫn phải ngồi 3 em chung một bàn loại 2 chỗ).

Để tạo không gian xanh cho ngôi trường mới, BGH đã lên kế hoạch, bàn bạc và cùng với Hội phụ huynh học sinh (PHHS) đi mua những loại cây to, có bóng mát, tỉa bớt cành lá, đưa về trồng ở sân trường; nhiều cây cau vua được các nhà hảo tâm tặng lại cho trường, thầy trò đem trồng đến nay đã bắt đầu bén rễ và ra lá mới.

Để học sinh có đủ nước uống, đảm bảo vệ sinh, nhà trường vận động PHHS góp tiền mua nước đóng bình phục vụ con em mình. Do chưa khoan được giếng nên nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày còn thiếu, một “mạnh thường quân” là người dân địa phương đã tình nguyện giúp đỡ nhà trường xây một bể chứa nước. Tổ Bảo vệ nhà trường được phân công thêm nhiệm vụ hằng ngày bơm nước vào bể chứa, đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu của thầy trò và nhân viên trong trường…

Nhờ có sự chung tay giúp sức của các ban, ngành, đoàn thể và PHHS cùng với nhân dân, khó khăn bước đầu của Trường THCS Cát Quế B đã được khắc phục. Do làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục nên nhà trường đã nhận được nguồn động viên rất lớn từ các nhà hảo tâm (như ông Nguyễn Trọng Tính, ông Nguyễn Danh Hảo) thường xuyên giúp đỡ về vật chất để thầy trò yên tâm dạy và học.

Thiếu cơ sở vật chất không đáng ngại bằng thiếu nguồn nhân lực. Đó cũng là điều quan tâm lớn nhất từ những người “đứng mũi chịu sào” của nhà trường. Luôn tâm niệm lời dạy của Bác, BGH và các đồng chí Đảng viên luôn đi đầu, xung phong dạy kiêm nhiệm nhiều môn (thậm chí đảm nhận cả những môn “chéo ban” so với được đào tạo trong trường sư phạm); Hiệu trưởng, Hiệu phó ngoài công việc quản lý, vẫn tham gia đứng lớp là “chuyện thường ngày” ở Trường THCS Cát Quế B.

Việc bồi dưỡng học sinh giỏi vẫn được duy trì thường xuyên vào thứ bảy hàng tuần. Phần lớn giáo viên đều là nữ, nhà ở xa trường (có người ở cách xa trường hơn 10 cây số), bận con nhỏ… nhưng các cô vẫn nhiệt tình, đoàn kết, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn. Cô Nguyễn Thị Trâm và cô Nguyễn Thị Thanh tuổi đã cao lại hay đau ốm… nhưng vẫn bám trường bám lớp bất kể thời tiết nắng hay mưa. Có được những điều đáng quý đó chính là nhờ sự quan tâm, động viên, chia sẻ của lãnh đạo nhà trường và tinh thần đoàn kết vì tập thể, vì con em nhân dân của các thầy cô giáo Trường THCS Cát Quế B. Mọi hoạt động chuyên môn mà Phòng Giáo dục khởi xướng, nhà trường vẫn tham gia đầy đủ và đạt thành tích cao.

Cán bộ xã Cát Quế và những điển hình giáo viên tiêu biểu trong cuộc thi đua "làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ" củaTrường THCS Cát Quế B.


Đối với học sinh, cuộc thi đua “Làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” đã được phát động trong tất cả các khối lớp. Trong cuộc thi đua này có một phần hội thảo dành cho tất cả học sinh các khối lớp trong các tiết sinh hoạt, các giờ ngoại khoá. Cụ thể là các chuyên đề: “Hồ Chí Minh- tấm gương về ý chí và nghị lực” dành cho học sinh lớp 9; “Bác Hồ là tấm gương sáng vể cần kiệm liêm chính chí công vô tư” đối với học sinh lớp 8; “Đức tính giản dị cuả Bác Hồ” đối với học sinh lớp 7; “Tình yêu bao la cuả Bác với Thiếu niên nhi đồng” dành cho học sinh lớp 6.

Mọi học sinh đều tham gia sôi nổi và đã ý thức được việc làm của mình trong học tập cũng như phấn đấu tu dưỡng. Ý thức của học sinh trong học tập có tiến bộ hơn rất nhiều, đặc biệt là chưa có học sinh nào bỏ học (do đặc trưng là địa phương làm nghề phụ, nên hiện tượng học sinh cấp II bỏ học ở xã Cát Quế mọi năm có tỷ lệ khá cao). Điều này đã được nhân dân địa phương và Uỷ ban xã ghi nhận.

Mặc dù phong trào thi đua mới được triển khai ở ngôi trường non trẻ này nhưng tập thể giáo viên nhà trường luôn luôn ý thức được trách nhiệm của mình. Phần lớn các môn học xã hội như Văn học, Giáo dục công dân… đều được lồng ghép nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào phần nội dung bài giảng. Các bài học đều lấy tấm gương đạo đức của Bác Hồ cùng nhiều câu chuyện cảm động về Bác, phù hợp với lứa tuổi các em để minh hoạ. Các tiết ngoại khoá môn văn thường tổ chức cho học sinh kể chuyện Bác Hồ. Một số giờ mỹ thuật đã tổ chức cho các em vẽ tranh về đề tài Bác Hồ với thiếu nhi. Giờ âm nhạc tổ chức cho các em hát những bài hát ca ngợi Bác...

Lãnh đạo Nhà trường trao phần thưởng cho các điển hình học sinh tiêu biểu trong cuộc thi đua "Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".


 Tại kỳ thi giáo viên “Tuyên truyền giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” trong giảng dạy môn GDCD, nhà trường có đồng chí Trung Thanh tham gia, đạt 18/20 điểm. Kỳ thi giáo viên giỏi cấp thành phố môn Lịch sử và Hoá học, trường cũng có 2 đồng chí tham gia. Kỳ khảo sát giáo viên giỏi đợt 1, nhà trường cũng có 3 thầy cô giáo tham gia ở các môn Tiếng Anh, Thể dục, Âm nhạc... Đây đều là những thầy cô giáo đạt giờ dạy giỏi, được công nhận là giáo viên dạy giỏi của môn học...

Chi bộ nhà trường mới chỉ có 4 Đảng viên, nhưng các đồng chí đã nêu cao tinh thần gương mẫu trước quần chúng. Anh chị em chưa thông về tư tưởng, Đảng viên động viên kịp thời. Anh chị em ốm đau, Đảng viên xung phong dạy thay, đảm bảo học trò không bị trống giờ... Quần chúng thấy Đảng viên không ngại khó ngại khổ, đã cùng bắt tay vào xây dựng phong trào. Đến nay, mọi hoạt động của nhà trường đã bắt đầu đi vào quy củ nề nêp. Nhà trường đang cố gắng tham mưu với lãnh đạo các cấp sớm bổ sung đầy đủ trang thiết bị dạy học để phục vụ tốt công việc chuyên môn.

Phong trào thi đua của Trường THC Cát Quế B không chỉ dừng ở “Học tập” mà luôn được chú trọng vào “Làm theo” tấm gương cuả Bác. Một chương trình Toạ đàm dành cho giáo viên và học sinh nhà trường (diễn ra trong dịp 20/11) để giao lưu với những tấm gương điển hình trong “Làm theo tấm gương đạo đưc Hồ Chí Minh” đã được tổ chức rất thành công và để lại ấn tượng tốt đẹp. Ngoài 2 thầy cô giáo trong BGH còn có 5 tập thể (7A1, 8A1, 9A1, 7A3, 6A1) và 7 giáo viên, 6 học sinh được bầu là điển hình thực hiện tốt Cuộc vận động. Đó là các thầy cô giáo: Nguyễn Ích Thọ, Nguyễn Trung Thanh, Cao Thanh Tùng, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Thoa, Đỗ Thị Đậu, Trần Thị Huyền; các em học sinh: Đỗ Thị Thu Huyền, Nguyễn Thị Thu Trang (lớp 8A1); Nguyễn Công Tùng (Lớp 7A1); Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Trọng Minh (lớp 7A3) Phan Thị Hướng ( lớp 9A1).

“Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”… Những lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã và đang được thầy trò trường THCS Cát Quế B tâm niệm và quyết tâm thực hiện tốt./.

HUY LÂN, huyện Hoài Đức-Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất