Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 12/12/2009 21:22'(GMT+7)

Một lòng tốt kết nối ngàn tấm lòng

Nguyễn Giang Nam cùng các nhân viên xem giấy tờ tùy thân của người bị đánh mất gửi đến Văn phòng đồ thất lạc.

Nguyễn Giang Nam cùng các nhân viên xem giấy tờ tùy thân của người bị đánh mất gửi đến Văn phòng đồ thất lạc.

Nghe những lời nói ấy, có lúc anh im lặng, có lúc anh cười nhỏ nhẹ rồi lảng sang chuyện khác. Vì khi lập ra Văn phòng tìm kiếm đồ thất lạc miễn phí để trả lại cho người bị mất, anh chỉ tâm nguyện một điều duy nhất: “Gieo mầm thiện, gặt phúc lành”.

Từ trải nghiệm của chính mình

Mới gặp Nguyễn Giang Nam, người sáng lập-chủ sở hữu Văn phòng đồ thất lạc, tôi nghĩ anh bước sang tuổi ngoại tứ tuần rồi vì trông dáng dấp, khuôn mặt của anh khá già dặn. Khi biết chàng trai này sinh năm 1976, dù không tin vào số mệnh, nhưng tôi vẫn láng máng hình dung ra cái tính cách “thích giúp việc thiên hạ” của người mang tuổi Rồng như anh. Việc anh Nam thành lập “Văn phòng đồ thất lạc” hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ chính trải nghiệm của người trong cuộc. Từng trải qua những năm tháng quân ngũ nên thấy tôi mặc bộ quân phục, anh như muốn “trải lòng mình” với đồng đội. Nguyễn Giang Nam kể:

- Cách đây 2 năm, tôi bị mất các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe và giấy đăng kí kết hôn. Sau đó, phải đi lại nhiều ngày liền với bao công sức, gặp không ít phiền toái và chi một khoản tiền “lót tay” cho người khác, tôi mới xin cấp lại mấy giấy tờ thiết thân đó. Nhưng thật trớ trêu, sau đó lại có người mang trả tôi bộ giấy tờ bị mất. Rồi tôi tự nghĩ, không chỉ có mình, mà nơi này, nơi khác trên địa bàn Hà Nội hằng ngày vẫn có những người không may để quên hay bị đánh mất giấy tờ tùy thân. Trong khi đó, có người nhặt được giấy tờ quan trọng của người khác dù muốn trả lại chủ nhân, song không biết tìm ở đâu. Đối với người bị đánh mất không những phải tốn khá nhiều thời gian, công sức đến các cơ quan chức năng xin làm lại giấy tờ, mà các cơ quan công quyền cũng phải huy động thêm nhân lực để làm việc này. Rõ ràng, việc cá nhân bị mất giấy tờ tùy thân gây khá nhiều lãng phí cho họ và xã hội.

Từ hoàn cảnh thực tế của mình và nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề đó, anh đã nghĩ ra ý tưởng thành lập một văn phòng chuyên tìm kiếm đồ thất lạc để giúp liên lạc, kết nối giữa những người không may đánh mất giấy tờ tùy thân với những người có tâm đức, nhặt được của rơi muốn trả lại chủ nhân.

Qua hơn nửa năm chuẩn bị mọi mặt, tháng 11 năm 2008, anh quyết định cho ra đời “Văn phòng đồ thất lạc”. Tất cả số tiền đầu tư ban đầu để thuê văn phòng (tại P903, tòa nhà CT3- VIMECO- 218 Trần Duy Hưng- Cầu Giấy- Hà Nội), thuê nhân viên, thiết kế website, in 150.000 tờ rơi và mua 2 số “sim đẹp” (0915.07.05.05 và 0906.111.113) để mọi người dễ nhớ, dễ liên lạc, anh đã chi phí hết hơn 250 triệu đồng.

Mang lại niềm vui cho hơn 300 người bị mất giấy tờ tùy thân

Sau khi có văn phòng hoạt động và lập trang thông tin điện tử, anh đã thuê hàng chục sinh viên đi phát tờ rơi “Tìm được của rơi, trả người đánh mất” (kèm theo nhiều thông tin cần thiết) cho gần 70% gia đình hiện đang sinh sống ở các quận nội thành Hà Nội. Vì anh cho rằng, muốn hoạt động của Văn phòng phát huy tác dụng và việc tìm kiếm đồ thất lạc cho người khác đạt hiệu quả thiết thực thì cần phải thông tin sâu rộng cho mọi gia đình, mọi người biết.

Mỗi khi nhận được một loại giấy tờ có địa chỉ của người bị đánh mất giấy tờ, Văn phòng của anh sẽ đăng tin ngay lên website của mình. Trang thông tin điện tử tại địa chỉ www.vanphongdothatlac.com của anh được thiết kế với giao diện khá đẹp, có nhiều thông tin rõ ràng, cụ thể để người xem tiện tra cứu và theo dõi. Ngoài các danh mục Giới thiệu, Tin tức, Ý kiến độc giả, Liên hệ, trang web này đăng tải các thông tin tìm kiếm các loại giấy tờ gắn bó thân thiết với mỗi người như: Chứng minh thư, bằng lái xe, giấy đăng ký xe, sổ đỏ, giấy phép kinh doanh, hộ chiếu, hộ khẩu, bằng tốt nghiệp, tài khoản ngân hàng...

Khi nhận được thông tin của người bị mất giấy tờ, anh chủ động gọi lại để thẩm tra thông tin và tìm cách kết nối thông tin giữa người bị mất giấy tờ và người nhặt được để họ liên lạc với nhau sớm nhất, thuận tiện nhất. Anh làm việc này hoàn toàn vô tư mà không nhận bất cứ một khoản lệ phí nào từ người bị đánh rơi và người nhặt được. Tuy nhiên, nếu ai đó thông báo nhặt được các đồ vật có giá trị muốn trả lại người đánh mất, anh tư vấn và đề nghị họ mang đến cơ quan công an và chính quyền cơ sở gần nhất theo đúng quy định của pháp luật.

Sau một năm hoạt động, đến nay Văn phòng của anh đã giúp hơn 300 người tìm thấy giấy tờ tùy thân của mình. Website của Văn phòng đã có gần 200.000 lượt truy cập và đăng tải hơn 3.000 thông tin báo mất giấy tờ và hiện vật. Giấy tờ tùy thân là “báu vật vô giá” của người này, nhưng khi bị đánh rơi, thất lạc ở đâu đó, nó dễ trở thành “tờ giấy vô vị” đối với người khác. Vì thế, mỗi khi Văn phòng tìm lại được những “báu vật” đó, các chủ nhân đều rất phấn khởi. Một trong số những người bị mất giấy tờ có chị Nguyễn Thị Oanh hiện đang làm việc tại Công ty cổ phần rượu Hà Nội. Chị Oanh kể lại:

- Đầu năm 2009, khi đi xe máy, tôi không may bị đánh rơi nhiều giấy tờ như Thẻ đảng viên, chứng minh thư nhân dân, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe. Mấy ngày đêm liền, tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì không biết dựa vào đâu để tìm lại giấy tờ đã mất. Đang trong lúc lo lắng và có ý định nhờ mấy tờ báo đăng tải thông tin “Tìm giấy tờ” thì một người bạn mách tôi liên lạc ngay với Văn phòng của anh Nam. Đến đây, tôi trình bày lý do và được anh Nam cùng các nhân viên tận tình giúp đỡ. Hơn nửa tháng sau, ngày 7-2-2009, tôi nhận được điện thoại mời đến Văn phòng lấy giấy tờ bị mất. Cầm lại giấy tờ tùy thân của mình, tôi vô cùng vui sướng và ngỏ ý muốn “hậu tạ” Văn phòng thì anh Nam từ chối khéo: “Cảm ơn tấm lòng thịnh tình của chị. Văn phòng của chúng tôi chỉ làm việc ích, chứ không nhận tiền của ai”. 

Ước mong người trong cuộc

Nguyễn Giang Nam sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã An Mỹ, huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam). Anh nguyên là chiến sĩ Phân đội 1, Đơn vị M01 thuộc Đoàn B25 (Binh đoàn Hương Giang). Nói về những năm tháng trong quân đội, Nam bộc bạch: “Tôi rất thích câu nói của một nhà tâm lí học quân sự “Quân đội là một môi trường văn hóa mà ở đó cái chân được đề cao, cái thiện được coi trọng và cái mĩ được quan tâm đúng mức”. Hai năm quân ngũ dù có lúc phải huấn luyện, rèn luyện vất vả, nhưng tôi cũng học hỏi, tiếp thụ được nhiều điều bổ ích trong cuộc sống, nhất là về ý thức tổ chức kỉ luật, ý chí, nghị lực, lòng dũng cảm và tinh thần đồng đội”.

Tự nguyện, thành tâm lo việc kết nối thông tin, gắn kết mọi người để tìm kiếm giấy tờ, của rơi trả lại người đánh mất và mỗi tháng phải tự bỏ 10 triệu đồng tiền túi của mình ra để duy trì hoạt động của Văn phòng, nhưng Nguyễn Giang Nam đâu tránh khỏi những lúc lận đận. Anh cho biết, thời gian mới đi vào hoạt động, một số người tỏ ra nghi ngờ về mục đích của Văn phòng và nghĩ anh là “cò” để “kiếm tiền” giữa những người bị đánh rơi và người nhặt được. Nhưng rồi, khi biết việc làm của anh hoàn toàn vì người khác với động cơ trong sáng, nhất là sau khi tìm thấy những giấy tờ quan trọng trả lại người đánh mất mà không nhận bất cứ một khoản “hậu tạ” nào, dần dần những người hoài nghi mới hiểu ra và ủng hộ việc làm tốt của anh và Văn phòng đồ thất lạc.

Tuy vậy, điều băn khoăn nhất của anh hiện tại là việc liên kết thông tin giữa người bị đánh rơi và người nhặt được vẫn còn nhiều hạn chế do thông tin của Văn phòng vẫn chưa thực sự đến từng nhà... Theo thống kê mới nhất, hiện nay Văn phòng đồ thất lạc của anh còn tới hơn 1.000 thông tin của những giấy tờ cần tìm tới chủ cũ và hơn 300 hiện vật, trong đó có gần 200 chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe, sổ đỏ, bằng tốt nghiệp, hồ sơ việc làm, 4 sổ trợ cấp mất sức lao động và một số giấy tờ tùy thân, căn cước quan trọng khác. Anh tâm sự:

- Thời bao cấp có câu: Mất hồn như người mất sổ gạo. Mỗi khi ai đó vô tình hay bất cẩn để mất giấy tờ tùy thân hay mất sổ trợ cấp mất sức lao động thì cuộc sống, việc làm và cả tâm lý của họ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng liên hệ với các địa phương, các cơ quan chức năng và những người bị đánh mất để họ sớm tìm được niềm vui. Tôi cũng rất mong mọi người biết thông tin này, biết địa chỉ và mục đích hoạt động phi lợi nhuận của Văn phòng để chia sẻ và cùng chúng tôi “Tìm được của rơi, trả ngay người đánh mất”- một cử chỉ cao đẹp như ông cha ta đã căn dặn.

Tôi hỏi anh:

- Tự bỏ tiền túi mình ra để duy trì hoạt động của Văn phòng, anh không sợ thiệt sao?

Thoáng chút suy tư rồi Nguyễn Giang Nam bày tỏ:

- Anh đừng cho tôi là triết lí nhé. Cuộc đời không ai tự dưng mất cái gì cả. Tôi làm việc ích cho người khác, tôi tin công việc kinh doanh của tôi sẽ gặp nhiều may mắn hơn. Nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là có thêm nhiều bạn bè thuộc đủ thành phần trong xã hội, từ sinh viên, công nhân, nông dân, bộ đội đến cán bộ, công chức, tiểu thương... ở nhiều nơi. Ví dụ như anh Sơn Hải, trú tại số nhà 142D Đội Cấn (Ba Đình- Hà Nội) đã trở thành người bạn thân thiết của tôi khi trao lại cho Văn phòng 8 chứng minh thư nhân dân và 2 sổ hưu bị thất lạc. Trong xã hội còn rất nhiều người tốt bụng. Tôi chỉ muốn làm “một mắt xích” để khơi dậy và kết nối những tấm lòng trung thực đó với mong muốn góp phần mang lại niềm vui cho nhiều người, nhiều gia đình hơn.

Hai cửa hàng kinh doanh gạo mang tên “Gạo mùa vàng”, một câu lạc bộ bi-a giá rẻ của anh tuy chưa hẳn phát đạt, nhưng cũng đủ để anh ổn định cuộc sống gia đình và dành tiền chi phí hoạt động của Văn phòng. Thời gian gần đây, thấy Văn phòng hoạt động có hiệu quả xã hội tốt, một số người đã ngỏ ý chuyển nhượng Văn phòng sang mục đích kinh doanh, nhưng anh đã từ chối. Được biết, anh đang ấp ủ ý tưởng lắp đặt các hòm chứa giấy tờ, đồ vật bị thất lạc ở các khu vực nhà ga, bến bãi, nơi công cộng và nơi có nhiều người qua lại để ai nhặt được bỏ vào đó, nếu không có điều kiện đến Văn phòng thì anh sẽ phân công nhân viên của mình tới thu gom rồi mang về phân loại, thông tin trên mạng và trả lại người đánh mất. Anh cũng mong muốn được các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở và các phương tiện truyền thông tiếp tục ủng hộ để việc làm hữu ích của mình ngày càng thuận lợi hơn và đạt hiệu quả xã hội tốt hơn. 

Tôi đứng từ phòng P903-trụ sở Văn phòng đồ thất lạc nhìn xuống, dòng người và xe cộ qua lại trên phố Trần Duy Hưng vẫn hối hả, tất bật như guồng quay mưu sinh vất vả của con người. Tôi nghĩ, thời buổi kinh tế thị trường, đâu đó còn những người chỉ biết lo cho “cái tôi nhỏ nhoi” của mình và sống theo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, thì hằng ngày vẫn có người tình nguyện, xông xáo lo việc “trả lại người đánh mất của rơi” như anh Nguyễn Giang Nam, thật đáng khuyến khích và trân trọng!./.
 
NGUYỄN VĂN HẢI

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất