Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 22/11/2009 21:43'(GMT+7)

Người “mát tay” nhất vùng

Bác sĩ Vũ Tiến Hoạt.

Bác sĩ Vũ Tiến Hoạt.

Nghe anh chị em các khu công nghiệp ở Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh ngợi khen bác sĩ Vũ Tiến Hoạt, tôi đến Bệnh viện 4 tìm anh, nhưng không gặp. Lần thứ hai, tôi kiên nhẫn chờ anh mổ xong hai ca nhưng cô hộ lý lại hớt hải chạy ra, nói:

- Anh thông cảm! Bác sĩ Hoạt đang phải mổ tiếp ca vỡ nước ối, không thể gặp được.

Tôi sững người. Nhìn đồng hồ đã quá 11 giờ. Đêm qua bác sĩ mổ cấp cứu tới 2 giờ sáng. Nếu xong ca này lại còn nghỉ trưa. Mình không có duyên gặp bác sĩ Hoạt! Nghĩ vậy, tôi đành về, vì buổi chiều có cuộc họp không thể vắng.

Hiểu tâm trạng của tôi, Đại tá, bác sĩ Đỗ Công Huy, Giám đốc Bệnh viện 4 giữ tôi nán lại, giọng cởi mở:

- Khổ thế đấy anh ạ. Đúng như các cụ nói: Không thể “Đau đẻ chờ sáng trăng!”. Mà “cái số” ông Hoạt này rất lạ. Biết bao lần Bệnh viện tổng kết thi đua, mừng kỉ niệm, ngày lễ, Tết… cứ gần tới lúc trao thưởng hoặc liên hoan vui vẻ là ông ấy lại phải chạy! Năm ngoái mừng sinh nhật lần thứ 47, giám đốc chưa kịp tặng quà, chính ủy chưa trao hoa thì “nhân vật chính” hối hả chạy vào phòng mổ. Chúng tôi đành bỏ cuộc, vừa thương, vừa xúc động cười ra nước mắt! Tháng trước, tổ chức hội nghị khoa học để bác sĩ Hoạt báo cáo đề tài Viêm phúc mạc nhưng bất thình lình “cháy” chương trình vì anh ấy phải chạy đi mổ gấp...

Nếu không vội về, có lẽ tôi còn được nghe nhiều tình huống “cháy” nữa, mà “thủ phạm” là những ca cứu sản phụ…

Từ lần gặp đầu tiên, tôi cảm tình ngay với bác sĩ Hoạt bởi nụ cười tươi, hồn hậu; đôi mắt sáng đầy thiện cảm và tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, thật dễ gần.

Tôi hỏi:

- Duyên cớ nào khiến anh chọn nghề này?

- Có lẽ trời se duyên. Vào học Đại học Y Hà Nội, tôi học đa khoa ngoại sản. Sau này tôi học chuyên khoa ngoại tổng quát ở Học viện Quân y. Năm 1986 nhập ngũ, về Binh đoàn làm trợ lý phòng quân y một thời gian rồi về khoa này. Bệnh viện cấp binh đoàn thì không có khoa sản nhưng do khu vực này chị em công nhân tuổi sinh nở rất đông nên bộ phận sản mở rộng ngay trong khoa Bảo hiểm y tế. Khoa có 5 bác sĩ thì hai bác sĩ ngoại khoa đang gửi đi học, còn một nha khoa, một  đa khoa – đều xa lạ với ngành sản. Do vậy, tôi đành “gánh vác”...

- “Gánh vác” một cách thoải mái chứ?

- Đương nhiên rồi. Từ tấm bé tôi đã hiểu niềm vui và nỗi vất vả của nghề này. Mẹ tôi là bà đỡ nổi tiếng của xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định. Suốt những năm bố tôi đi bộ đội chống Pháp, rồi chống Mỹ, mẹ vừa nuôi dạy các con, vừa làm hộ sinh và tham gia công tác Hội Phụ nữ. Nhiều lần tôi chứng kiến mẹ xách đèn bão, quàng áo tơi, xắn quần lội trong mưa gió để đi đỡ đẻ khắp làng trên, xóm dưới. Mãi đến những năm sau này, mẹ mới có đèn pin, xe đạp để đi đỡ đẻ đêm… Đến nay, mẹ đã 82 tuổi nhưng vẫn động viên tôi làm tốt công việc này. “Tuy công việc nhiều lo lắng, vất vả đấy nhưng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người” – Mẹ thường dạy thế. Tôi cũng luôn tâm niệm như vậy!

Câu chuyện của chúng tôi đành dang dở vì có ca sản cấp cứu.

Tôi tranh thủ hỏi chuyện các nhân viên và Trung tá Phạm Khắc Triệu, Chính ủy Bệnh viện. Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hà nhanh nhảu:

- Các anh thấy đấy, Chủ nhiệm chúng em chưa ngồi nóng chỗ đã phải chạy. Phòng làm việc của Chủ nhiệm hầu như tắt điện cả ngày. Anh ấy chỉ vào phòng thay đồ rồi đi mổ; không đi mổ thì xuống thăm các sản phụ và trẻ sơ sinh.

- Tôi e rằng với áp lực công việc như vậy, rất lo cho sức khỏe anh Hoạt!

- Ai cũng lo như thế đấy - Một hộ lý đứng tuổi nói- Nhưng bác sĩ Hoạt rất khỏe. Mấy năm nay anh ấy chẳng hề nghỉ ốm. Có đêm gần như thức trắng để mổ đẻ 5 ca, vậy mà sáng ra anh ấy vẫn điều hành công việc bình thường. Có lần đứng mổ liên tục, khi bước ra khỏi phòng, mặt anh ấy nhợt nhạt, mắt nặng trĩu, bước đi lảo đảo… Chúng em rất thương.

Chính ủy Phạm Khắc Triệu đỡ lời:

- Lãnh đạo, chỉ huy Viện đều biết như vậy. 10 tháng qua, đồng chí Hoạt đã mổ đẻ hơn 700 ca - đó là kỷ lục. Có lần tôi khuyên: Đêm thức thì buổi sáng nên nghỉ ở nhà. Nhưng Hoạt nói: “Em thức quen rồi! Hơn nữa là trưởng khoa, vắng mặt thì ai điều hành công việc?”. Những năm trước do thiếu bác sĩ khoa ngoại, chúng tôi cứ để Hoạt trực đêm, vừa lo cấp cứu sản phụ, vừa phải mổ các ca khác. Vài năm nay, Bệnh viện chỉ để anh ấy mổ đẻ và mổ các bệnh lý phụ nữ… Gần đây, chúng tôi quyết định ban đêm dùng xe ô tô đưa đón bác sĩ Hoạt để bảo đảm an toàn… Ngoài trách nhiệm trưởng khoa, đồng chí còn là Bí thư chi bộ khối nội. Tuy vợ đang ốm nặng nhưng ở cương vị nào đồng chí Hoạt cũng phấn đấu làm tốt - 5 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua. Đồng chí vừa được cấp trên xét tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và là điển hình trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bệnh viện.

Bác sĩ Hoạt (bên phải) đón một cháu bé chào đời.

Được biết, vợ anh là Đại úy, bác sĩ Trần Hồ Hòa Nhã, cùng công tác tại Bệnh viện. Hơn một năm nay chị bị ung thư, tóc đã rụng hết, sức khỏe suy giảm sau những đợt hóa trị, xạ trị (mỗi đợt chi phí hơn 10 triệu đồng). Trước tình cảnh ấy, lãnh đạo Bệnh viện chủ trương vận động cán bộ, công nhân viên quyên góp hỗ trợ một phần kinh phí.

- Mới được tin, Hoạt gặp riêng tôi đề đạt: “Vợ chồng em rất cám ơn tấm lòng của các anh. Thực tình, chúng em còn lo được, không nên vận động như vậy. Khi nào quá khó khăn, em sẽ báo cáo tổ chức giúp đỡ…”. Bác sĩ Hoạt là thế đấy. Tự trọng lắm! Chúng tôi đành thuận theo yêu cầu của gia đình Hoạt, không làm khác được!

Tiếp lời Chính ủy, Nguyễn Thị Hà hào hứng:

- Anh Hoạt đã nói là làm. Anh ấy thường nhắc nhở, động viên chúng tôi không nhận phong bì của sản phụ. Lâu nay, khoa chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc. Nhiều lần anh Hoạt kiên quyết trả lại phong bì cho bệnh nhân. Có người năn nỉ phát khóc lên anh ấy đành nhận túi trái cây, còn phong bì thì tuyệt đối không nhận. Đã có người đến nhà riêng, đưa quà nhưng vợ anh Hoạt cũng kiên quyết trả lại. Có lần, một đồng nghiệp ở khoa khác gặp anh Hoạt, nói vui: “Người ta tung dư luận là ông chê tiền, đúng không?”. Anh Hoạt liền phản ứng: “Họ nói bậy đấy. Chỉ có những người thần kinh không bình thường mới chê tiền. Tôi không những không chê mà còn rất quý trọng đồng tiền – nhất là đồng tiền ít ỏi của những người nghèo làm ra từ mồ hôi nhọc nhằn, lam lũ. Họ vào đây, phần đông là công nhân nghèo, đồng lương thấp, phải chắt chiu để sống và trả tiền thuê nhà, nuôi con… Ngay cả những loại sữa tốt họ cũng không có tiền mua cho con uống. Thực lòng tôi thương chị em lắm! Ai nỡ nhận phong bì của họ".

Về chuyện này, tôi đã nghe sản phụ Huỳnh Thị Mai nói trong nước mắt: “Đâu phải là hối lộ gì, chỉ là lòng biết ơn người đã giúp cho “mẹ tròn con vuông”, thế mà anh ấy không chịu nhận. Thời buổi này có được người như bác sĩ Hoạt hiếm lắm…”. Cô Mai là công nhân nghèo, đã ngoài 30 tuổi, lần đầu sinh con, thỏa nỗi khát khao chức năng làm mẹ. Cô chưa có chồng, chưa có mái ấm đúng nghĩa, sống trong căn phòng trọ chật hẹp… Nhiều sản phụ ở đây cũng có cảnh ngộ như cô Mai. Bác sĩ Hoạt hiểu rõ điều đó và gia cảnh của anh cũng còn những khó khăn.

Tôi tranh thủ đến thăm nhà anh. Vợ anh đang điều trị tại nhà. Chị cứng cáp hơn tôi tưởng. Sau vài câu chuyện, chị tinh ý nói luôn:

- Anh khéo thế, không cần động viên em đâu. Em còn phải động viên trở lại nhà em đấy. Chỉ sợ anh ấy lo nghĩ về bệnh tật của em mà ảnh hưởng công tác thì mất vui. Em là con gái Giồng Trôm, Bến Tre, gặp hoàn cảnh nào cũng đủ can đảm! Hai cô con gái nhà em đều ngoan, học tập tốt, được bố cưng lắm! 

Tôi trở lại Bệnh viện 4 với tâm trạng mừng vui, thư thái vì được biết tuy cuộc sống chưa thật đầy đủ nhưng anh Hoạt có một gia đình hạnh phúc. Gặp lại anh, tôi sẽ hỏi những dự định phát triển khoa trong tương lai? Còn những gì thiếu và khó khăn? Cần đề xuất gì với Ban giám đốc Bệnh viện và Binh đoàn?

Bác sĩ Hoạt đón chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ và cái bắt tay nồng ấm. Anh vừa hoàn thành ca mổ trước đó 15 phút. Tôi chưa kịp hỏi han gì thì lại có tin báo một ca cấp cứu đẻ sinh đôi, cần mổ gấp. Được phép của Bệnh viện, tôi choàng áo blu chạy theo anh vào phòng mổ. Trong không gian tĩnh lặng, dưới ánh sáng lạnh của đèn chuyên dùng, tôi nhận ra gương mặt bác sĩ Hoạt kiên nghị, trầm lặng, tập trung cao độ khác thường. Đôi bàn tay anh với những thao tác nhịp nhàng, cẩn trọng. Công việc của anh lặng thầm, kín đáo nhưng đầy căng thẳng và hệ trọng. Đó là công việc đón trẻ chào đời, đem lại niềm vui, hạnh phúc đến muôn người.

Căn phòng này, đã có hơn 3.000 trẻ sơ sinh chào đời nhờ đôi bàn tay anh và những cộng sự. Có được thành quả ấy, không chỉ là sự “mát tay” hay “bàn tay vàng” mà còn bởi một trái tim đầy thiện tâm và nhân hậu của anh Bộ đội Cụ Hồ Vũ Tiến Hoạt./.

(Theo: ĐÀO VĂN SỬ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất