Tham dự Hội nghị có đồng chí Đào Tấn Lộc-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tỉnh; đồng chí Phan Xuân Thủy-Phó Vụ trưởng, đại diện cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại miền Trung-Tây Nguyên; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, các đồng chí lão thành cách mạng cùng đại diện các tầng lớp nhân dân, thanh niên, học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang trong tỉnh. Đặc biệt là sự có mặt của 169 (trong đó có 48 tập thể, 121 cá nhân) được lựa chọn từ 09 huyện, thị, thành phố, 05 đảng ủy trực thuộc, 06 hội đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, họ là những người lao động trực tiếp, công nhân, nông dân, trí thức, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo đại diện cho hơn 1.000 tập thể và cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được các cấp ủy giới thiệu bởi những việc làm của họ đã thuyết phục nhiều người xung quanh, lôi cuốn mọi người làm theo.
Qua Hội nghị và giao lưu trực tiếp, có thể thấy rằng, tuy mỗi người ở mỗi cương vị khác nhau, điều kiện công tác và cuộc sống khác nhau nhưng tất cả đều hướng đến cộng đồng bằng những việc làm cụ thể theo tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
|
Giao lưu với các điển hình tiên tiến tại Hội nghị |
Những lời sẻ chia rất chân thành và thật gần gũi như: ông Ma Vi-dân tộc Êđê, luôn vận động bà con buôn làng bỏ cái xấu làm theo cái tốt, thực hiện nếp sống văn minh, phát triển kinh tế gia đình, ông tâm sự: muốn người khác nghe và làm theo thì mình phải nói đi đôi với làm, làm có hiệu quả rồi mới nói, để làm người có ích cho xã hội thì phải luôn học hỏi, phấn đấu, đặc biệt là học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, nên còn sống ngày nào là già còn học tập và làm theo gương Bác ngày ấy; chị Kpă H’Bin-dân tộc Ê đê, Buôn phó Buôn Lê Diêm, Thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh là một tấm gương mẫu mực, chị đã hiến đất và vận động nhân dân trong buôn hiến đất, góp tiền để xây dựng đường giao thông; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới được nhân dân tin yêu, chị còn là một khẩu Đội trưởng dân quân phòng không 12 ly 7 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên khen thưởng; chị Diệp Tú Lan-Chi hội phó chi hội Phụ nữ thôn Tuyết Diêm, TX.Sông Cầu, luôn chăm lo công tác phụ nữ ở cơ sở, với mô hình “Quả dừa tiết kiệm”, từ phong trào này đã giúp cho nhiều phụ nữ khó khăn có điều kiện vượt qua khó khăn, xóa đói giảm nghèo; chị Võ Thị Minh Trang-công dân Phường 3, TP.Tuy Hòa có nghĩa cử cao đẹp với tấm lòng tương thân, tương ái giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, vận động và xây dựng bếp ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viên Đa khoa Trung tâm tỉnh; Thượng úy Nguyễn Minh Thám-điều tra viên đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, huyện Tuy An có gương sáng trong phòng chống tội phạm, bảo đảm sự bình yên và tài sản cho nhân dân, luôn kiên định giữ vững phẩm chất trong sạch của người chiến sĩ công an nhân dân, cương quyết không nhận tiền hối lộ của các đối tượng và bị can trên 09 lần; Tập thể cán bộ, nhân viên Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa với nhiều ý tưởng, nhiều mô hình cộng đồng trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật cây trồng vật nuôi giúp nhân dân phát triển sản xuất, là một hợp tác xã nông nghiệp điển hình trong mô hình hợp tác xã mới, được Chính phủ tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc về thành tích sản xuất kinh doanh…
Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên quyết định biểu dương 169 tập thể và cá nhân, trong đó tặng Bằng khen cho 20 tập thể và 35 cá nhân có thành tích xuất sắc nhất trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn tỉnh; Biểu dương, khen thưởng đột xuất 23 cá nhân không ngại hiểm nguy, có nghĩa cử cao đẹp và thành tích xuất sắc trong việc tham gia cứu hộ, cứu nạn, tích cực khắc phục hậu quả do cơn bão số 11 và trận lũ lịch sử gây ra, đặc biệt, đã truy tặng đối với em Lê Như Thiện, học sinh lớp 12A, Trường phổ thông cấp 2-3 Võ Thị Sáu, huyện Tuy An đã dũng cảm xả thân, quên mình cứu người trong lũ dữ vào tối ngày 02/11/2009, những hành động hy sinh quên mình đó đã mang lại hạnh phúc cho biết bao gia đình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng quyết định khen thưởng 03 tập thể và 01 phóng viên khối báo chí đã có sự nỗ lực vượt bậc trong việc tiếp cận những địa bàn xung yếu để tác nghiệp nhằm chuyển tải các thông tin liên quan về bão lũ rất kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh cũng như của cả nước.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Đào Tấn Lộc khẳng định: thông qua Cuộc vận động và thông qua báo cáo, giao lưu các tập thể và cá nhân đã chia sẻ nhiều mô hình hay, nhiều việc làm tốt như: Tổ chức chào cờ Tổ quốc đầu tuần gắn với học tập tấm gương đạo đức của Bác dưới cờ (xuất phát từ huyện Sông Hinh và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định nhân rộng trên địa bàn tỉnh). Cuộc vận động “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”, trong đoàn viên thanh niên; phong trào “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” trong lực lượng vũ trang tỉnh, “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ-Công an nhân dân làm theo sáu điều Bác Hồ dạy” trong lực lượng Công an nhân dân; phong trào “Rèn luyện, nâng y đức” trong ngành y tế; thực hiện phương châm “Dân chủ-Kỷ cương-Tình thương trách nhiệm” gắn với Cuộc vận động hai không trong ngành giáo dục, “Quả dừa tiết kiệm” của Hội Phụ nữ tỉnh; thực hiện cơ chế chất vấn trong Đảng, thực hiện theo định kỳ để đối thoại giữa lãnh đạo với nhân dân huyện Sông Hinh và nhiều phong trào trong các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị cũng được đẩy mạnh, đạt được kết quả thiết thực.
Có được những thành quả đó, trước hết chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động của các cấp ủy đảng, chính quyền và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; sự đồng tình ủng hộ và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân; ý thức tự giác thực hiện của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Song nhân tố cơ bản để thúc đẩy Cuộc vận động chuyển sang một bước mới làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là những tập thể và cá nhân tiêu biểu đi đầu và góp phần quan trọng trong triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động. Và từ những kết quả ấy, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn chủ trương của Bộ Chính trị trong việc phát động Cuộc vận động có ý nghĩa to lớn này.
Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được và để ngày càng có nhiều mô hình hay, việc làm tốt, những tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí Đào Tấn Lộc đề nghị:
Một là, chúng ta cần giữ vững và phát huy nhân rộng các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xem đó là tiền đề để thúc đẩy Cuộc vận động.
Hai là, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền các điển hình tiên tiến “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm tạo sự lan tỏa rộng rãi, nâng cao chất lượng toàn diện về Cuộc vận động.
Ba là, cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động với phương châm “Nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả”, từng bước đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, với chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.
Bốn là, mỗi cấp, mỗi ngành, từng cơ quan, đơn vị cần rà soát, phát hiện mô hình hay, những kinh nghiệm tốt trong tổ chức, thực hiện Cuộc vận động để kịp thời biểu dương, khen thưởng, phổ biến, nhân rộng; đồng thời phê phán nhắc nhở, uốn nắn, lệch lạc thông qua các sinh hoạt định kỳ của chi bộ, cơ quan, đơn vị nhằm thúc đẩy tốt hơn Cuộc vận động.
Năm là, từng cán bộ, đảng viên, công chức phải tự giác học tập, tự giác làm theo, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu của từng cấp, từng ngành, địa phương, đơn vị phải thực sự gương mẫu trong việc “Làm theo” tấm gương đạo đức của Bác, đúng tinh thần Chỉ thị số 271, ngày 24/09/2009 của Bộ Chính trị.
Sáu là, để chuẩn bị tốt cho việc tổng kết Cuộc vận động năm 2009, sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động (2007-2009) gắn với kiểm điểm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cấp ủy và Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các nội dung đã được triển khai, nhất là đánh giá những mặt được và chưa được, tìm ra nguyên nhân trong quá trình thực hiện Cuộc vận động; rà soát những việc đã được triển khai trong kế hoạch làm theo của tập thể và bản đăng ký làm theo của từng cá nhân, tổng kết những mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng. Việc sơ, tổng kết Cuộc vận động, kiểm điểm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải gắn chặt với kiểm điểm cuối năm và tổng kết công tác năm của từng cấp, từng ngành bảo đảm hiệu quả và thiết thực.
Bảy là, nhân dân tỉnh Phú Yên vừa phải chịu tổn thất nặng nề về tính mạng và tài sản trong bão lũ vừa qua, mỗi chúng ta cần tận tâm, tận lực cùng nhân dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định đời sống và sản xuất đó chính là nghĩa cử tốt đẹp của người Việt Nam, đó cũng chính là mục đích cao nhất của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trương Đức Thuận-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên