Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 7/8/2009 17:26'(GMT+7)

Gắn nghiên cứu với thực tiễn hoạt động nghệ thuật

Trong thời đại bùng nổ thông tin, mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, đời sống văn học nghệ thuật ở nước ta đa dạng và phong phú hơn trong đó du nhập nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại. Bên cạnh những sản phẩm văn hóa lành mạnh cũng không ít các sản phẩm văn hóa xấu độc, xa lạ với thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng không tốt tới tư tưởng và thẩm mỹ của công chúng nhất là giới trẻ. Các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc như chèo, tuồng, cải lương, dân ca... đứng trước những thách thức mới có nguy cơ bị các loại hình nghệ thuật hiện đại lấn át khi số người xem ngày càng thưa vắng, phạm vi hoạt động của các đơn vị nghệ thuật dân tộc thu hẹp dần. Thực tế đó đặt ra vấn đề bức xúc làm thế nào để giữ gìn vốn nghệ thuật quý giá của ông cha để tạo sức lan tỏa trong cuộc sống hiện đại. Những năm qua, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã cùng các nhà nghiên cứu khoa học kiên trì đi tìm lời giải cho vấn đề này. Nhiều cuộc hội thảo khoa học về các bộ môn nghệ thuật dân tộc được tổ chức nhằm tới hai mục đích: Quảng bá, tôn vinh những giá trị quý giá, độc đáo của nghệ thuật dân tộc đồng thời tìm ra những giải pháp để giữ gìn và phát huy nó trong cuộc sống hiện đại. Nội dung các cuộc hội thảo đều bám sát thực tiễn hoạt động của các đoàn nghệ thuật trong cả nước, những thông tin của các đơn vị thành viên của Trung tâm như: Công ty văn hóa Hà Nội, Nhạc đường Bá Phổ, Ðoàn nghệ thuật múa rối nước Ðào Thục, Ðoàn múa rối thực nghiệm Phan Thanh Liêm, Trung tâm quan họ Bắc Ninh, Công ty nghe nhìn Thăng Long và các cơ quan đại diện của trung tâm tại TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Nghệ An. Các cuộc hội thảo đều thu hút rất đông các nhà nghiên cứu nghệ thuật dân tộc có uy tín ở trong nước và ngoài nước. Những cuộc hội thảo về nghệ thuật tuồng đã khẳng định hướng phát triển truyền thống trong đào tạo, xây dựng vở diễn tránh xu hướng cải biên tùy tiện "gieo vừng ra ngô". Những kết luận đó giúp ích nhiều cho các đoàn nghệ thuật xây dựng kế hoạch hành động. Cuốn sách Ðào Tấn, trăm năm nhìn lại là tổng hợp những bài tham luận trong cuộc Hội thảo khoa học về Ðào Tấn nhân 100 năm ngày mất của danh nhân. Ðào Tấn đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ về thơ, từ, kịch bản tuồng, lý luận sân khấu. Các nhà nghiên cứu đã dày công tìm hiểu và phân tích tất cả những tinh hoa của kho tàng di sản ấy. Và quan trọng hơn nữa là khai thác phát huy những tinh hoa ấy trong cuộc sống hôm nay như thế nào. Hội thảo đã chỉ ra Ðào Tấn là nhà cách tân sân khấu tuồng. Ðiều đó một mặt cổ vũ chúng ta vững tin tuồng là một bộ môn nghệ thuật có trình thức và khuôn mẫu nghiêm ngặt nhưng không bất biến mà vẫn có khả năng cải biên, nâng cao cho phù hợp thị hiếu khán giả hiện đại, mặt khác đặt ra câu hỏi chúng ta học được gì từ phương pháp cách tân của Ðào Tấn. Thật lý thú, ngay sau hội thảo là các đêm diễn những vở tuồng mang tính kinh điển của Ðào Tấn thu hút rất đông người xem ở Bình Ðịnh đem đến cho các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu nhiều suy nghĩ mới.

Cũng từ hoạt động thực tiễn của Trung tâm văn hóa quan họ truyền thống và các làng quan họ Bắc Ninh, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đã thực hiện đề tài cấp Bộ Tìm về cội nguồn quan họ (Do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đầu tư). Công trình này tiếp thu những thành tựu sưu tầm nghiên cứu về dân ca  quan họ trong hơn nửa thế kỷ qua với những tác giả nổi tiếng: Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Lê Yên, Tú Uyên, Nguyễn Viêm, Nguyễn Ðình Tấn,  Nguyễn Ðình Hữu, Ðôn Truyền, Hồng Thao, Ðặng Văn Lung, Trần Linh Quý... đồng thời có ý tưởng tổng kết những đặc trưng cơ bản của dân ca quan họ, tìm ra các quy luật hình thành, mạnh dạn chỉ ra những cái bất biến và khả biến của dân ca quan họ, giúp việc bảo tồn và phát triển sinh hoạt âm nhạc truyền thống độc đáo này đúng hướng. Công trình phác họa toàn cảnh không gian văn hóa của quê hương quan họ, phục hiện chân dung sinh hoạt quan họ với những phong tục lề lối, các chức năng và hình thức diễn xướng, phân tích những đặc sắc về âm nhạc, ca hát, văn học và trang phục quan họ... Ðặc biệt, công trình có riêng một phần về thực trạng và giải pháp bảo tồn phát triển quan họ chỉ ra những nhận thức sai cần khắc phục như: ngộ nhận về sự triệt tiêu không gian tinh thần, động lực tinh thần của sinh hoạt văn hóa quan họ; cải biên nâng cao dân ca quan họ theo những tiêu chuẩn gọi là "khoa học, hiện đại" của âm nhạc học thế giới làm cho quan họ xa rời gốc gác, biến dạng thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn. Công trình cũng nêu ra hàng loạt những giải pháp giữ gìn và phát triển tinh hoa văn hóa quan họ: Bảo tồn bảo tàng, đổi mới phát triển, tổ chức các cuộc thi hát, bảo tồn lối chơi, tuyên truyền quảng bá... Ðây là dạng công trình vừa mang tính chất cơ bản, tổng hợp vừa có tính chất ứng dụng, thực hành xã hội được các làng quan họ đồng tình đón nhận. Công trình càng có ý nghĩa khi UNESCO đã tiếp nhận hồ sơ về không gian văn hóa  quan họ để tiến hành xét công nhận danh hiệu "Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại".

Ðể công tác nghiên cứu ngày càng gắn liền với thực tiễn hoạt động nghệ thuật dân tộc, nắm bắt hơi thở của cuộc sống hôm nay, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc có nhiều hoạt động đưa công tác nghiên cứu gắn với các sự kiện lịch sử của đất nước, của các địa phương như tổ chức các cuộc hội thảo Văn học nghệ thuật với đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Văn học nghệ thuật với Ðiện Biên Phủ, Phim Ðừng đốt về Anh hùng liệt sĩ Ðặng Thùy Trâm... và sắp tới tham gia tổ chức cuộc hội thảo khoa học chuyên đề Nguyễn Tất Thành ở Bình Ðịnh. Những việc làm của Trung tâm đã bước đầu có tác động thiết thực tới việc bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc,  góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống hướng tới mục tiêu chung mà Ðảng và Nhà nước đã đề ra: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phương châm gắn nghiên cứu với thực tiễn hoạt động nghệ thuật dân tộc là hướng đi đúng làm cho các công trình nghiên cứu của Trung tâm có tính ứng dụng hơn là sách vở.       

Theo Đỗ Hoài-NhanDanOnline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất