Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 7/8/2009 17:26'(GMT+7)

Hệ thống tượng và tượng đài T.P.HCM: Chưa xứng tầm !


Chưa có tượng đài nào xứng tầm!

Theo thống kê của Sở VH,TT&DL, tính đến nay toàn TP có tổng cộng 44 tượng đài, trong đó có 10 tượng đài được xây dựng trước 1975. Thời kỳ này, chế độ cũ chọn những vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Thánh Gióng... để dựng tượng với mục đích mị dân. Số còn lại là do các địa phương, các ngành muốn ghi nhận chiến công của đơn vị mình, tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, theo nhà điêu khắc-TS. Nguyễn Xuân Tiên, Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, hầu hết các công trình được xây dựng trước năm 1975, xét về mỹ thuật đều là những tượng đài xấu cần phải được xây mới, còn hệ thống tượng đài xây dựng sau 1975 thì chưa tương xứng với tầm vóc phát triển của TP.HCM hiện nay, chưa có tượng đài nào gây ấn tượng cho người dân và du khách. Điều cần lưu ý là không nên xây tượng đài các anh hùng dân tộc ở những vòng xoay trên đường phố mà phải được xây dựng tại các vị trí tôn nghiêm mang tính tâm linh, đồng thời phải thể hiện được cái hồn văn hóa dân tộc. Cũng theo TS Nguyễn Xuân Tiên, TP.HCM chưa đánh giá được không gian kiến trúc tượng đài, thực trạng đáng buồn hiện nay là không gian kiến trúc hệ thống tượng đài của TP đã bị các công trình cao ốc phá vỡ, các địa điểm có thể đặt được tượng đài đang bị lấp dần bởi các dự án đô thị.

Theo TS. Phạm Hữu Mý, Sở VH,TT&DL TP.HCM, trong tổng số 44 tượng đài hiện hữu thì có đến 85% là tượng và tượng đài ghi dấu sự kiện lịch sử nhưng lại thiếu vắng tính biểu trưng và tính mỹ thuật, bên cạnh đó nhiều tượng đài bị xuống cấp hư hại nặng cần phải được trùng tu, sửa chữa. Tượng đài về văn hóa còn quá ít, hiện chỉ có 4,5% trong khi TP.HCM là trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của cả nước. Do đó, việc định hướng phát triển hệ thống tượng đài trên địa bàn TP cần quan tâm hơn nữa loại hình tượng đài về văn hóa và khoa học của nhân loại, nhằm một mặt phản ánh sự phát triển năng động của TP, mặt khác thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Thiếu tầm nhìn kiến trúc

Qua phân tích, các đại biểu cho rằng TP.HCM đã quá muộn trong việc quy hoạch không gian kiến trúc cho hệ thống tượng đài, nên cần tăng tốc việc khảo sát mặt bằng nằm trong quy hoạch tổng thể của TP. Về vấn đề này, KTS Châu Mỹ Anh, Phó chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư TP.HCM nhận xét, hiện tại TP.HCM chỉ mới tập trung làm công việc đánh giá thực trạng hệ thống tượng và tượng đài với số lượng bao nhiêu, tuổi thọ công trình và tình hình hư hại, xuống cấp như thế nào? Còn việc khảo sát đánh giá lại không gian đặt tượng thì chưa được chú trọng, trong khi đó nó là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng, bởi đây còn là không gian thưởng thức. Bà Anh ví dụ: Khi khách thập phương đến Chợ Lớn nhìn thấy tượng Hải Thượng Lãn Ông thì biết đấy là quận  5 – khu vực có đông người Hoa sinh sống.

Đồng tình với nhận xét trên, đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho rằng, khi nghiên cứu tượng đài không nên nghiên cứu về tượng không, mà nên nghiên cứu thật kỹ không gian kiến trúc xung quanh các tác phẩm tượng, tượng đài. Như thế sẽ tránh được việc các công trình kiến trúc ngày càng lấn chiếm không gian xung quanh hệ thống tượng đài. Tuy nhiên có ý kiến băn khoăn việc quản lý không gian tượng đài “rát quá” sẽ ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư. Chẳng hạn, nếu hạn chế chiều cao các tòa nhà xung quanh tượng đài khu vực trung tâm TP thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng- văn hóa Trung ương phân tích, các thành phố phát triển trên thế giới quy hoạch rất chi tiết, cụ thể từng khu vực tượng đài. Đối với TP.HCM, tình trạng ngập úng, biến đổi môi trường ngày càng phức tạp thì việc khảo sát quy hoạch hệ thống tượng đài phải có tầm nhìn đến 2050, phải phân biệt giữa biểu tượng và tượng đài, đặc biệt việc quy hoạch tượng đài phải đi đôi với quy hoạch tổng thể của TP, nên đánh giá chi tiết từng tượng đài để lên kế hoạch tôn tạo, sửa chữa nhằm tránh tôn tạo tràn lan cùng một lúc. Bởi việc tôn tạo hệ thống tượng đài sẽ liên quan đến vấn đề bản quyền tác giả.

Bức xúc nhiều năm nay

Ông Lê Tôn Thanh, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL TP.HCM cho biết, những vấn đề các đại biểu vừa phân tích, Sở VH,TT&DL TP cũng đã nhìn thấy và trở thành vấn đề bức xúc nhiều năm nay. UBND TP cũng rất bức xúc vấn đề này và xem đây là một trong bốn nội dung phải báo cáo cho Thành ủy vào giữa tháng 8 tới. Ông Thanh còn cho biết thêm, những công trình tượng đài xây dựng trước năm 1975 đã xuống cấp trầm trọng, còn các tác phẩm xây dựng sau năm 1975 chủ yếu tả chân là chính, còn nghèo nàn lạc hậu, chưa có tác phẩm hiện đại.

Thực tế cho thấy hệ thống tượng đài tại TP.HCM chưa có sức hấp dẫn đối với người dân cũng như du khách. Việc xây dựng hệ thống tượng đài xứng tầm không chỉ phản ánh sự phát triển năng động của TP mà còn đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần cũng như nhu cầu thưởng thức nghệ thuật tượng đài của người dân thành phố. Nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM nên xây dựng công trình tượng đài hiện đại tại các cửa ngõ TP nhằm gây ấn tượng và thu hút du khách quốc tế đến với du lịch TP.HCM.

Theo Hoàng Hải-VanHoaOnline

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất