Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 9/8/2009 23:13'(GMT+7)

Bảo tàng Hà Nội - thừa mà thiếu

Du khách tham quan Bảo tàng

Du khách tham quan Bảo tàng



Nhiều nhưng ít khách

Bảo tàng Dân tộc học là một trong số ít những bảo tàng trên địa bàn Hà Nội có thu phí. Mặc dù vé vào cửa khá cao, nhưng nơi đây vẫn là bảo tàng thu hút được nhiều khách nhất trong số các bảo tàng của Hà Nội. Theo thống kê của bảo tàng qua lượng vé bán ra, năm 2008, lượng khách đến với bảo tàng là hơn 200.000 lượt. Trong những ngày lễ, ngày Tết, Trung thu hay có các sự kiện đặc biệt thì lượng khách đổ về dồn dập, ngày cao điểm có khi lên tới 10.000 khách. Thu hút được khách tham quan, không chỉ có không gian đẹp mà Bảo tàng Dân tộc học luôn mở rộng, làm mới các khu trưng bày, thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm và các hoạt động mới khiến khách tham quan nhiều lần ghé thăm vẫn không có cảm giác nhàm chán. Trên trang thông tin điện tử của bảo tàng có các hướng dẫn cụ thể về các tuyến xe buýt đến bảo tàng và nhiều thông tin bổ ích khác liên quan hoạt động của bảo tàng. Ðây chỉ là chi tiết nhỏ nhưng trên thực tế lại là một trong những thế mạnh khiến bảo tàng này ngày càng đông khách.

Một số bảo tàng cũng có lượng khách ổn định như Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng. Ðây là hai bảo tàng "cao tuổi", có vị trí khá gần nhau nên khách thường kết hợp tham quan một lúc cả hai bảo tàng này. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quân đội nhân dân và Bảo tàng Lịch sử quân sự cũng là những bảo tàng thu hút được đông khách bởi hiện vật khá phong phú.

Trong khi Bảo tàng Dân tộc học nườm nượp khách vào ra thì cách đó không xa, bảo tàng của lực lượng Tăng thiết giáp lại khá đìu hiu. Mỗi ngày, số khách ghé thăm có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Số lượng khách thăm bảo tàng này chủ yếu là các đoàn trong lực lượng tăng thiết giáp. Bảo tàng này vắng khách là điều dễ hiểu bởi hiện vật tại đây nghèo nàn và đơn điệu. Lượng khách ít nên một phần diện tích của bảo tàng trở thành quán cà-phê và hiệu bán kính mắt. Một số bảo tàng như Bảo tàng Công binh, Bảo tàng Phòng không không quân... dường như cũng chỉ có các lực lượng trong ngành là đối tượng khách chính.

Thiếu quy hoạch bảo tàng

Nhiều khách tham quan có một cảm giác chung khi tham quan tại bảo tàng là đa phần bảo tàng Việt Nam khá giống nhau, trừ một số bảo tàng đặc trưng là có những hiện vật khác biệt so với các bảo tàng khác. Các bảo tàng còn lại thì chỉ cần xem bảo tàng chính là có thể biết ở những bảo tàng cùng thể loại có những hiện vật gì. Nói cho công bằng thì mỗi hiện vật có một hoàn cảnh ra đời và những câu chuyện đi kèm khác nhau. Tuy nhiên, cảm giác về sự giống nhau vẫn là điểm nổi bật giữa nhiều bảo tàng. Nguyên nhân của việc hiện vật của bảo tàng nào cũng như bảo tàng nào có lẽ là do phong trào "ngành ngành" làm bảo tàng. Theo quy hoạch thì chỉ riêng hệ thống bảo tàng của các lực lượng quân đội, ngoài Bảo tàng Lịch sử quân sự là bảo tàng hàng đầu thì còn có 24 bảo tàng chi nhánh (cả đang hoạt động và dự kiến xây dựng). Thực tế, Hà Nội có nguy cơ thừa bảo tàng, nhưng đó là thừa về số lượng, còn chất lượng là một câu chuyện khác. Khá nhiều bảo tàng ở Hà Nội, khách chỉ có thể ghé thăm một lần, vì hiện vật nghèo nàn, đầu tư manh mún. Khi xây dựng các bảo tàng, ngoài việc quan tâm việc thu thập các hiện vật, thiết kế trưng bày... nếu mối liên hệ giữa bảo tàng này với bảo tàng khác cũng được quan tâm, nói cách khác là có một cái nhìn tổng thể về hệ thống bảo tàng trên địa bàn thành phố, hẳn những bất cập kể trên sẽ được giải quyết phần nào.

Năm 2005, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng của Việt Nam đến năm 2020. Ðối tượng điều chỉnh của quyết định này gồm các bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng tỉnh, thành phố và các bảo tàng khác thuộc quản lý của Nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội và tư nhân trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Song quy hoạch này chỉ mang tính tổng thể, việc áp dụng vào thực tế, đòi hỏi người quản lý cần có tầm nhìn. Rất nhiều bảo tàng quốc gia, bảo tàng của các ngành nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội, đó là một lợi thế, nhưng nếu không biết phát huy, sẽ là một sự lãng phí lớn. "Căn bệnh" thiếu quy hoạch bảo tàng, cần sớm giải quyết, bởi ngoài lãng phí về hiện vật trưng bày, về nhân lực phục vụ... mấy chục bảo tàng trên địa bàn thành phố chiếm diện tích đất không hề nhỏ, việc sử dụng kém hiệu quả đồng nghĩa với chúng ta lãng phí nguồn tài sản rất lớn là đất đai.

Thủ đô đang hướng đến Ðại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long -  Hà Nội. Trong dịp này, Bảo tàng Hà Nội sẽ được đưa vào sử dụng. Ðây là bảo tàng cấp tỉnh, nhưng lại là bảo tàng có quy mô lớn nhất nước ta. Ðể bảo tàng này thật sự "xứng tầm", những bài học từ thực trạng "thừa mà thiếu" cần được nhận thức đầy đủ.

Theo
HOÀNG PHƯƠNG-NhanDan

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất