Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 15/2/2013 12:25'(GMT+7)

Hướng tới mùa lễ hội 2013 văn minh, tiết kiệm

Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Quý Tỵ, lễ hội chùa Hương - một trong số các lễ hội lớn nhất miền Bắc chính thức khai mạc, mở màn cho mùa lễ hội năm 2013 trên khắp đất nước. Tiếp theo đó là các lễ hội: Yên Tử (mùng 9 tháng Giêng); hội Lim (13 tháng Giêng); lễ hội đền Trần (14 tháng Giêng)…Từ giữa năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội 2013. Trước, trong và sau Tết, Bộ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức ở các trọng điểm nhằm đảm bảo mùa lễ hội 2013 diễn ra theo nghi thức truyền thống, văn minh, tiết kiệm.

* Chú trọng nâng cao ý thức người dân

Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội dân gian chiếm phần lớn. Đây là những lễ hội quan trọng nhất, đã hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử, trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong những ngày xuân mới. Đây cũng là kho tàng di sản văn hóa độc đáo của nước nhà cần phải được bảo vệ và phát huy trong cuộc sống hiện đại ngày nay trên cơ sở người dân là chủ thể lễ hội. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất: Một trong những yếu tố quan trọng để các lễ hội diễn ra văn minh hơn chính là nâng cao ý thức tham gia của người dân.

Chính vì lẽ đó, những năm gần đây, các địa phương nơi diễn ra các lễ hội lớn đều chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú, giới thiệu ý nghĩa di tích lịch sử. Nhiều lễ hội đã có trang thông tin điện tử riêng nêu rõ ý nghĩa lễ hội, giá trị của di tích nơi tổ chức lễ hội, nâng cao ý thức nhân dân. Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đã đăng tải thông tin lễ hội với thời lượng hợp lý, phản ánh nét đẹp văn hóa truyền thống, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội. Do đó, ý thức người dân tham gia lễ hội đã tiến bộ hơn các năm trước, tự giác chấp hành quy định của Ban tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội…

Mùa lễ hội 2012, hoạt động lễ hội đã đi vào nền nếp, phù hợp với từng địa phương, cộng đồng dân cư và nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Việc thắp hương, đốt vàng mã ở nơi thờ tự, di tích đã giảm hẳn; hiện tượng không đẹp mắt là thả tiền, quăng ném tiền lẻ bừa bãi đã được hạn chế nhiều. Ở nhiều di tích, nhân dân đã quen nếp chỉ thắp hương tại các lư hương đặt trước cửa chứ không thắp hương trong nội tự. Các điểm đặt hòm công đức, đặt tiền giọt dầu ở nơi thờ tự đã được bố trí hợp lý, nhà chùa phân công lực lượng trực đặt tiền lễ vào đúng nơi quy định; việc thu, chi, quản lý tiền công đức được đảm bảo tương đối tốt…

Chuẩn bị mùa lễ hội 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập các đoàn kiểm tra các địa phương diễn ra lễ hội lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương…để đảm bảo việc tổ chức lễ hội ngày càng tiến bộ hơn, hạn chế tối đa các hiện tượng phản cảm. Phần kiểm tra tập trung kiện toàn các ban tổ chức lễ hội, quy chế tổ chức lễ hội, công tác tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa của lễ hội, công tác bảo vệ di tích, chấn chỉnh các hàng quán, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, quản lý hòm công đức, tiền giọt dầu. Riêng về hành vi đốt đồ mã tại các di tích, Bộ sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, theo hướng nâng cao mức xử phạt với hành vi này. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn thống nhất quan điểm không nên xử phạt các hành vi liên quan tới văn hóa chỉ bằng biện pháp hành chính đơn thuần mà chú ý tới tuyên truyền, vận động người dân. Do đó, Bộ và các địa phương vẫn chú trọng vận động người dân không nên đốt vàng mã để tiết kiệm, bảo đảm vệ sinh môi trường, hành vi bán đồ mã, đốt đồ mã là không được phép tại những nơi công cộng chứ không chỉ tại các di tích, lễ hội...

Năm nay, lễ hội chùa Hương là lễ hội mở màn các hoạt động của Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 nên công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện ở đây rất kỹ lưỡng. Báo cáo từ Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết: Khu vực kinh doanh dọc đường tới các khu di tích, thờ tự mọi năm vẫn gây phản cảm cho du khách hành hương bởi tiếng rao bán, treo thịt thú rừng, lộn xộn, chen lấn chèo kéo khách thì nay khu vực này đã được sắp xếp gọn gàng, có kẻ vạch tránh tình trạng mái che mái vẩy, bày bán tràn lan ra đường đi. Rác thải - vấn nạn của lễ hội kéo dài như ở chùa Hương, nơi thu hút hàng triệu lượt khách tới, cũng được sắp xếp chu đáo. Năm nay, Ban tổ chức sắp xếp lực lượng rải đều từ bến Thiên Trù đến động Hương Tích để đảm bảo vận chuyển rác, xử lý đúng nơi quy định, tránh ô nhiễm môi trường. Có được kết quả này là do trước lễ hội rất lâu, Ban tổ chức đã tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng…

* Lễ hội đền Trần tiếp tục theo mô hình mới

Lễ hội đền Trần (Nam Định) vẫn là tâm điểm chú ý của báo chí và người dân trong xuân mới Quý Tỵ. Theo Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam Nguyễn Chí Bền, năm nay, lễ hội đền Trần vẫn tiếp tục được tổ chức theo mô hình mới, tức là chỉ làm lễ khai ấn trong đêm 14 tháng Giêng, còn việc phát ấn cho khách thập phương sẽ được lùi lại vào ngày hôm sau. Tuy tổ chức lần đầu song lễ hội đền Trần theo mô hình mới cũng đã thành công, tình trạng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp ấn không còn diễn ra như những năm trước. Tuy nhiên, lượng ấn phát vào năm 2012 vẫn chưa đủ so với nhu cầu của du khách.

Năm nay, Ban tổ chức lễ hội đền Trần đã chuẩn bị sẵn 50.000 cánh ấn, chuyển từ chất liệu vải sang giấy để đáp ứng nhu cầu du khách. Thời gian phát ấn kéo dài, bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng tại các điểm phát đã được thiết kế sẵn nhằm tránh tình trạng ùn tắc, xô đẩy chen lấn để tranh, cướp ấn.

Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát với 800 phiếu điều tra ở Nam Định và một số địa phương khác. Kết quả khảo sát về tác dụng của ấn, có 72% người được hỏi khẳng định rằng ấn mang lại bình an, hạnh phúc cho gia đình. Chỉ có 15,2% người được hỏi cho rằng treo ấn giúp được thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, hơn một nửa số người được hỏi đồng tình đề nghị giữ nguyên hình thức khai ấn, ban ấn truyền thống vào đúng đêm 14, rạng ngày15 tháng Giêng thay vì tổ chức như mô hình mới. Có tới 93% số người được hỏi cho rằng thông qua lễ khai ấn, phát ấn sẽ giúp người dân hiểu hơn về lịch sử, truyền thống. Việc tham dự lễ khai ấn, phát ấn là nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân, nhà quản lý cần nghiên cứu có cách tổ chức, quản lý cho tốt để tránh những hiện tượng tiêu cực chứ không nên cấm…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định vẫn tiếp tục mạnh dạn và kiên quyết đổi mới mô hình tổ chức lễ hội đền Trần trên cơ sở tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng. Mô hình tổ chức lễ hội này vẫn tiếp tục được nghiên cứu, chủ động tiếp nhận thông tin đa chiều của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lễ hội, cộng đồng người dân có trách nhiệm với di sản văn hóa, cơ quan truyền thông để đảm bảo lễ hội mô hình mới diễn ra đúng nghi lễ truyền thống, tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân nhưng vẫn phải đảm bảo văn minh, lịch sự, hạn chế tiêu cực…/.

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất