Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 10/10/2016 19:0'(GMT+7)

Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa ở tỉnh Trà Vinh

Hội đua ghe Ngo  nhâp dịp lễ hội Ok-Om- Bok của đồng bào Khmer trên sông Long Bình, Trà Vinh - Ảnh Bá Thi

Hội đua ghe Ngo nhâp dịp lễ hội Ok-Om- Bok của đồng bào Khmer trên sông Long Bình, Trà Vinh - Ảnh Bá Thi

Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cộng đồng dân cư tỉnh Trà Vinh được hình thành và phát triển trong lịch sử bằng sự hoà hợp, sống gần gũi bên nhau của các tộc người Kinh, Khmer, Hoa, Thái, Nùng, Mường, Dao… Trong đó, người Việt có tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu dân số của tỉnh, trên  67%, người Khmer chiếm 32%, là tỉnh có người Khmer sinh sống đông thứ 2 ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước sau tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, còn có người Hoa và một số đồng bào khác như Chăm, Dao…chiếm tổng sốgần 1%.Quá trình hình thành và phát triển của các dân tộc tỉnh Trà Vinh gắn liền với các đặc điểm sinh sống, lao động, văn hóa và tôn giáo.Mỗi dân tộc ở Trà Vinh có phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết và món ăn đặc thù riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những nét đặc thù của từng dân tộc, lại có những điểm chung, những đặc trưng văn hóa chung được hình thành do có sự cộng cư lâu đời của cộng đồng các dân tộc Khmer, Việt, Hoa, Chăm… Từ đó, tạo nên những phong tục tập quán rất phong phú và đa dạng của người dân Trà Vinh. Nơi đây tồn tại rất nhiều lớp văn hoá đa màu, đa sắc thái trên cơ sở tinh thần bao dung, hoà hợp. Đó là những tài nguyên quan trọng để tỉnh Trà Vinh phát triển du lịch văn hóa.

Từ sự đa dạng về văn hóa, Trà Vinh có những tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, đáng chú ý như sau:

Về di tích lịch sử: Trà Vinh còn có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa và lịch sử cách mạng gắn liền với các dân tộc, tôn giáo. Toàn tỉnh có 13 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, công trình kiến trúc cấp địa phương. Các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử kiến trúc như: Đền Thờ Bác Hồ, di tích lịch sử văn hóa Ao Bà Om, chùa Giác Linh, di tích kiến trúc chùa Âng; phế tích Lưu Cừ II xã Lưu Nghiệp Anh – Trà Cú. Trong đó, có nhiều di tích gắn với quá trình khai khẩn vùng đất Trà Vinh nói chung và vùng đất Nam Bộ nói riêng của cộng đồng các dân tộc nơi đây.

Cùng với hệ thống di tích là những lễ hội riêng của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Mỗi lễ hội có sắc thái riêng nhưng đã trở thành di sản văn hóa chung của tỉnh. Lễ hội ở Trà Vinh là hình thức tiêu biểu trong phức hợp sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật – tôn giáo – tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, rất sống động và không ngừng phát triển theo chiều dài lịch sử. Lễ hội luôn có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc; các đặc điểm về tộc người và tôn giáo trong văn hóa, bộc lộ khá rõ nét trong các lễ hội.Các lễ hội rất độc đáo của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa như lễ Giỗ Bác Hồ, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Vu Lan thắng hội, lễ hội Nguyên Tiêu. Đặc biệt là lễ hội  Ok - Om - Bok gắn với hội đua ghe Ngo trên sông Long Bìnhcủa đồng bào Khmer được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.Trong mỗi dịp lễ hội của người Khmer, bên cạnh những nghi lễ cổ truyền là những hình thức vui chơi giải trí, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao của quần chúng... tất cả đều được tổ chức và diễn ra ở khuôn viên chùa, thậm chí trong các ngày tết nhiều gia đình còn vào hết trong chùa ăn tết.Đó là những tài nguyên văn hóa quan trọng để khai thác phục vụ cho phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh.
 
Về tôn giáo, tín ngưỡng: Do có sự cộng cư của nhiều dân tộc trên địa bàn, nên tôn giáo, tín ngưỡng ở Trà Vinh cũng có sự phong phú, đa dạng. Riêngđối với người Khmer, hiện còn bảo lưu nhiều nghi thức cúng kiếng, có sự chi phối đến đời sống tinh thần của người Khmer nơi đây như các nghi lễ về nông nghiệp có lễ tết vào năm mới (Chol Chnam Thmay), lễ cúng ông, bà (Sene Đôl-ta); lễ hội Ok-Om-Bok (lễ cúng trăng) … Đặc biệt, Trà Vinh có 142 trên tổng số 600 ngôi chùa Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được trải khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.Các ngôi chùa ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm tuổi với kiến trúc đẹp, độc đáo, có giá trị lịch sửlâu đời, văn hóa lớn. Bên cạnh đó, còn có nhiều chùa người Kinh, người Hoa có giá trị lớn đối với ngành du lịch.
Về nghệ thuật: Các loại hình nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh không kém phần phong phú, đa dạng như: Đờn ca tài tử của người Kinh, múa Lân – Sư – Rồng của người Hoa. Đáng chú ý là các loại hình nghệ thuật của dân tộc Khmernhư điêu khắc, hội họa,trang trí mỹ thuật và kiến trúc trong các ngôi chùa Khmer rất đặc sắc.Kiến trúc truyền thống chủ yếu tập trung ở các công trình công cộng, đặc biệt là ngôi chính điện trong chùa được thiết kế để tạo vẻ uy nghi, lộng lẫy, đồ sộ.
 

Múa, hát và nghệ thuật sân khấu là nét nổi bật trong nghệ thuật biểu diễn của đồng bào Khmer nơi đây.  Trong đó, kịch hát Dù-Kê hay còn gọi là La khôn bassắc là một loại hình sân khấu độc đáo của người Khmer, rađời vào những năm 1920 -1930 bởi đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Loại hình nghệ thuật này có sự tiếp thu các tích tuồng của người Hoa và diễn chung với các vở cải lương của người Kinh. Hay các điệu múa dân gian như: Rôbam còn gọi là Rom Yăk (múa chằn), Râmvong, Rom khach, Rom sarawan và Lăm lêu...có những sắc thái văn hóa rất độc đáo.

Về văn hóa ẩm thực: đến với Trà Vinh du khách có thể thưởng thức những đặc trưng về văn hóa ẩm thực của cộng đồng các dân cư với các đặc sản như Bún nước lèo, tôm khô Vinh Kim, dừa sáp Cầu Kè, quýt đường Long Trị, Bánh tét Trà Cuôn, nước mắm rươi Ba Động, rượu Xuân Thạnh.

Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống là những địa chỉ không thể thiếu trong bản đồ du lịch Trà Vinh.

Đó là những tài nguyên nhân văn quan trọng để Trà Vinh phát triển du lịch văn hóa, tâm linh gắn với lễ hội truyền thống các dân tộc, nhất là tìm hiểu văn hóa dân tộc Khmer, văn hóa dân tộc Việt trong quá trình khai khẩn vùng đất Nam Bộ Việt Nam.

Tài nguyên du lịch Trà Vinh khá đa dạng và phong phú, thuận lợi cho việc tổ chức và phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch văn hóa.Tuy nhiên, hiện nay, thực trạng phát triển du lịch của tỉnh Trà Vinh còn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Du lịch Trà Vinh còn thiếu điểm vui chơi, giải trí, các điểm du lịch thiếu các dịch vụ cho khách, dịch vụ du lịch đơn điệu chưa đủ sức giữ chân du khách lâu dài. Việc tổ chức các hoạt động du lịch còn hạn chế rời rạc.Nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch còn thiếu và yếu, chưa đủ tổ chức được các tour du lịch để tham quan các di tích, các địa điểm du lịch của tỉnh, chủ yếu là sự tự phát của du khách.Do đó, cơ cấu doanh thu từ du lịch của tỉnh chủ yếu là dịch vụ lưu trú du lịch, ăn uống. Con số về khách đến tham quan du lịch ở tỉnh Trà Vinh có khá khiêm tốn, giai đoạn 2011 – 2015 du lịch Trà Vinh đã đón 1.596.000 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, trong đó có 43.300 lượt khách quốc tế. Doanh thu 411,503 tỷ đồng.

Nguyên nhân của những hạn chế trong phát triển du lịch ở Trà Vinh là dohệ thống hạ tầng chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu phát triển, nhận thức về du lịch nói chung, du lịch bền vững nói riêng chưa được rõ rệt, việc đầu tư cho sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên thế mạnh của địa phương chưa thực sự được đầu tư đúng mức, chưa có những bước đột phá. Đặc biệt, chưa khai thác được tiềm năng, tài nguyên hiện có để phát triển du lịch.

Trong thời gian tới, để phát triển ngành du lịch, tỉnh Trà Vinh chú trọng phát huy tối đa lợi thế, đặc thù của tài nguyên du lịch văn hóa. Trong đó chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất,  trong quá trình lập kế hoạch và quản lý phát triển du lịch phải luôn gắn liền với quan điểm và mục tiêu phát triển liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh chính trị quốc gia và trật tự an toàn xã hội, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, góp phần bảo tồn các di sản văn hoá, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo.

Thứ hai, có những định hướng, những giải pháp phát triển phù hợp để khai thác hợp lý các tài nguyên hiện có, cũng như ngày càng phát huy hơn các lợi thế và xây dựng thêm những ngành phụ trợ cho phát triển du lịch nhằm làm cho du lịch Trà Vinh ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn.

Thứ ba, để ngành du lịch Trà Vinh phát triển bền vững và thịnh vượng, ngành du lịch Trà Vinh tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển du lịch cho phù hợp với từng giai đoạn.Triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2020.Định hướng tầm nhìn phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2030.

Thứ tư, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương và các nguồn vốn xã hội hoá để trùng tu, tôn tạo các khi di tích lịch sử văn hoá và kêu gọi các doanh nghiêp tham gia đầu tư để phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh.

Thứ năm
, để trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn cho du lịch trong, ngoài nước, phải thực hiện tốt việc liên kết với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để cùng phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương.

Thứ sáu, chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như tập trung phát triển các khu, cụm văn hoá - du lịch như khu Ao Bà Om, khu du lịch biển Ba Động, các di tích nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer, bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer, phát triển các điểm du lịch làng nghề, phát triển các loại hình vận tải hàng hoá, vận tải hành khách nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Bên cạnh thực hiện tốt các giải pháp trên, Trà Vinh cũng đề nghị Trung ương cần có những cơ chế chính sách thích hợp để hỗ trợ tỉnh Trà Vinh phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững, bảo đảm, an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.


ThS. Phan Thanh Đoàn

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất