Thứ Sáu, 20/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Bảy, 5/4/2014 12:29'(GMT+7)

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Tự hào góp phần vào chiến công chung

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu


Vẹn nguyên ký ức hào hùng 

Mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng với Thiếu tướng Nguyễn Hiền, phường Nông Trang - thành phố Việt Trì (Phú Thọ) vẫn nguyên vẹn trong ký ức về những năm tháng “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những ngày giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn chiến hào diễn ra trên cánh đồng Mường Thanh, những tiếng reo vang ngày đại thắng,... 

Trong chiến dịch lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ấy, ông là Chính trị viên của Đại đội xung kích 263, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn Thủ đô, thuộc Đại đoàn 308, Quân Tiên Phong nhiều lần chỉ huy đơn vị đánh chiếm cứ điểm đồi A1 góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Với chiến công vang dội, ông đã được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công và được bầu là Chiến sĩ thi đua Đại đoàn 308. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, ông lại một lần nữa vào miền Nam chiến đấu tại các chiến dịch Khe Sanh năm 1967-1968, chiến dịch Quảng Trị năm 1971-1972 và trở thành cán bộ cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Về hưu, ông làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh từ năm 1990-2007. 

Từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Trần Kim Uyên ở phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, là y sĩ đã cùng đồng đội cứu chữa, chăm sóc vết thương cho hàng trăm cán bộ chiến sĩ hồi phục sức khỏe trở lại đơn vị chiến đấu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, về địa phương ông được cử tham gia nhiều lĩnh vực công tác; trong đó, có nhiều năm làm Chủ tịch Hội cựu chiến binh phường và đã đóng góp tích cực xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Ông Uyên cho biết: Khó khăn, gian nan không tả hết nhưng chúng tôi đã vượt qua và vinh dự, tự hào khi được cống hiến một phần nhỏ bé sức lực của mình vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiện nay, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng tôi vẫn không thể nào quên được lịch sử hào hùng chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi lần nhìn ngắm huy hiệu Điện Biên càng thôi thúc ông phát huy tinh thần “tuổi cao gương sáng”, nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ không quên lịch sử dân tộc. 

Hiện Phú Thọ còn gần 4.000 cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh hoạt ở các chi hội cựu chiến binh khắp các khu dân cư, thôn bản trong tỉnh. 60 năm trôi qua, các chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, nay đều đã ngoài 80 tuổi nhưng họ vẫn nhớ nguyên vẹn những ký ức về những ngày tháng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ và tự hào xúc động khi nhớ về chiến dịch năm ấy. 

Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng 

Với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", từ đầu năm 1954, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã động viên 1.535 thanh niên lên đường nhập ngũ bổ sung cho bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và do địch đánh phá ác liệt, nhưng từng đoàn xe thồ, xe trâu và từng đoàn thuyền lớn, nhỏ của nhân dân Phú Thọ vẫn vượt lên phía trước, hướng tới chiến trường. Hàng chục ngàn anh chị em dân công, thanh niên Phú Thọ không quản ngại hy sinh, gian khổ, ngày đêm băng rừng, trèo đèo, lội suối mở đường, vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận tiếp tế cho bộ đội giết giặc. 

Để phục vụ tốt chiến dịch lịch sử này, Tỉnh ủy Phú Thọ đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện các nhiệm vụ của Trung ương giao. Tỉnh phân công, giao nhiệm vụ cho 17 đồng chí là Huyện ủy viên, 20 đồng chí cán bộ cơ quan quân sự và 70 cán bộ xã trực tiếp tổ chức, động viên, chỉ huy lực lượng dân công. Ngoài ra, nhằm tăng nhanh khả năng vận chuyển từ hậu phương ra mặt trận, tỉnh Phú Thọ đã huy động trên 69.300 người trực tiếp phục vụ chiến dịch, trong đó có trên 19.300 người là dân công hỏa tuyến. Tổng số dân công vận chuyển gạo và tham gia các nhiệm vụ phục vụ chiến dịch là 261.500 người (trong đó số dân công trực tiếp phục vụ toàn chiến dịch là hơn 113.000 người). Trong đợt phục vụ chiến dịch này đã xuất hiện những tấm gương cảm động. Cụ Trần Văn Thiện ở xã Võ Lao (huyện Thanh Ba), mặc dù tuổi cao nhưng vẫn nhiệt tình cùng con gái, con dâu đi phục vụ chiến dịch. Cụ nói "Nhờ ơn Đảng, Chính phủ, Bác Hồ, tôi nay có ruộng cày, có áo mặc, cơm ăn thì phải cho tôi đi phục vụ bộ đội...". 

Trong suốt thời gian chiến dịch, tỉnh Phú Thọ đã huy động 1.087 chiếc xe đạp thồ, 3.137 thuyền vận tải lương thực, vũ khí trên các dòng sông và 80 xe trâu, xe ngựa của đồng bào tham gia phục vụ tiền tuyến. Trong số anh, chị em đi dân công phục vụ chiến dịch, có nhiều người đã hy sinh anh dũng. 

Mặc dù lương thực, thực phẩm trong nhân dân còn thiếu thốn, khó khăn, nhưng với tinh thần "tất cả cho chiến thắng", nhân dân Phú Thọ đã đóng góp 4.318 tấn gạo, bằng 1/3 tổng số gạo của cả chiến dịch, 4.149 con trâu, bò và 334,141 tấn thịt lợn, 141 tấn đỗ, lạc, vừng; 31.100 kg đường. Khi chiến dịch mở màn, tỉnh đã cử đoàn đại biểu mang các tặng phẩm như quần áo ấm, chăn bông lên mặt trận để tặng chiến sĩ. Phụ nữ Phú Thọ đã gửi 208.515 bức thư động viên anh, chị em dân công ngày đêm phục vụ chiến dịch... 

Về nhiệm vụ tác chiến, phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, tỉnh đội Phú Thọ đã chủ động đưa tiểu đoàn chủ lực của tỉnh và các đại đội huyện sang hoạt động ở vùng tạm chiếm Quảng Oai (Sơn Tây). Trong thời gian này các đơn vị vũ trang Phú Thọ đã chiến đấu nhiều trận trên tuyến đường Trung Hà và phục kích nhiều đoàn tầu thuyền của địch trên sông Hồng, làm cho vị trí chiếm đóng của chúng ở Việt Trì, Hạ Nông càng bị cô lập. 

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi oanh liệt. Cống hiến hết sức mình, với tất cả lòng nhiệt huyết, thấm đượm mồ hôi, nước mắt, xương máu của quân và dân Phú Thọ trong chiến dịch đã góp phần cùng quân và dân cả nước lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc./. 

Lâm Đào An/TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất