Nửa thế kỷ mang trong mình niềm tự hào, làng 19 tháng 5 mang trong mình sự thiêng liêng và lòng tri ân sâu sắc, thể hiện qua mỗi câu chuyện mà người làng kể. Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xã Quảng Ðông đã chọn làng 19 tháng 5 làm đơn vị đầu tiên triển khai Cuộc vận động hết sức có ý nghĩa này.
Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương dãn dân lên vùng kinh tế mới, hơn 50 hộ dân của các xã Cảnh Dương, Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã tình nguyện đến vùng đất dưới chân Ðèo Ngang lập làng mới. Sau khi cân nhắc, những công dân đầu tiên của làng mới quyết định chọn mốc thời gian di cư là ngày 19-5-1960, và cũng lấy ngày đó để đặt tên làng.
Làng 19 tháng 5 ra đời từ đó. Việc chọn ngày sinh của Bác Hồ kính yêu để đặt tên làng thể hiện niềm tin son sắt và lòng kính yêu của người dân nơi đây với vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Người dân làng 19 tháng 5 đã hứa với lòng mình phải sống sao cho xứng với tên làng đã chọn. Các cụ cao tuổi của làng kể lại, làng 19 tháng 5 trước kia vốn là một vùng cát hoang vu nằm ven vịnh Hòn La. Khó khăn trong những ngày đầu lập làng dưới làn bom đạn của kẻ thù không ngăn được bước tiến của những người trai trẻ mà trái lại, ai cũng thấy tự hào vì tên làng duy nhất trong cả nước là ngày sinh Bác Hồ.
Ngôi làng nhỏ nằm bên vịnh Hòn La - là nơi tiếp nhận hàng viện trợ chi viện cho chiến trường miền nam nên trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Với khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không rời", người dân làng vừa gây dựng cuộc sống vừa bám làng chiến đấu. Giữa năm 1968, đội thiếu sinh quân của làng 19 tháng 5 đã anh dũng bắn rơi ba máy bay của giặc Mỹ. Ðội trưởng đội thiếu sinh quân ngày ấy, Ðậu Văn Kế kể lại: "Chừ ai cũng già rồi nhưng hồi đó bọn tui có 17 người mới mười lăm, mười sáu tuổi đã ôm súng bắn rơi máy bay. Trong chiến tranh, người làng 19 tháng 5 còn chứng kiến một mình xã đội phó Mai Văn Quyến với khẩu AK đánh lui toán biệt kích xâm nhập từ bờ biển. Tự hào lắm".
Năm 1972, tỉnh Quảng Bình và các đơn vị bộ đội tiếp nhận hàng viện trợ từ tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) tại vịnh Hòn La. Nhân dân làng 19 tháng 5 cùng với bộ đội vượt qua lưới bom từ trường, thủy lôi, đạn từ tàu chiến của giặc để vận chuyển hàng trăm tấn gạo từ tàu Hồng Kỳ vào bờ an toàn, tiếp viện cho chiến trường.
Ðất nước hòa bình, thống nhất, người dân làng 19 tháng 5 hăm hở bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới từ trên những trảng cát trắng lóa mắt của quê hương. Cả làng thành lập một hợp tác xã làm đủ nghề từ nung vôi, đốt gạch, vỡ đất làm ruộng, đến đi biển. Nhưng do cơ chế cũ buộc chặt, lối suy nghĩ của người nông dân chưa thoát ra khỏi luống khoai, vạt sắn. Thế mạnh của biển là vậy nhưng tàu thuyền không có nên đói nghèo vẫn đeo đẳng gần 200 hộ dân nơi đây. Ông Tạ Duy Phong cho biết: "Khi lập hợp tác xã chỉ hai chiếc thuyền, mười mấy người đàn ông lực lưỡng sáng đi biển, chiều về lấy cá nuôi cả làng. Tần tảo mãi mà chẳng khá lên được. Ðến khi cơ chế mới được mở ra, người dân trong làng mạnh dạn vay vốn để làm ăn. Từ hai chiếc thuyền bơ nan của ngày đầu thành lập hợp tác xã đến nay làng 19 tháng 5 đã có hơn 100 tàu thuyền các loại. Không còn ai phải bỏ làng đi kiếm sống mà trái lại cùng nhau gắn bó để xây dựng quê hương 19 tháng 5 ngày càng trù phú".
Trước mặt làng là biển, là đảo Hòn La với những rạn san hô mang lại nguồn lợi thủy sản to lớn cho người dân. Vì thế, nghề khai thác hải sản được xem là nghề chính của làng 19 tháng 5. Trong khi nhiều vùng biển ở Quảng Bình tình trạng khai thác hải sản bằng chất nổ đang báo động thì người làng 19 tháng 5 lại cần mẫn với nghề biển thủ công của mình. Ngư dân của làng xác định không dùng những phương thức đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt môi trường biển. Nói đến ngư dân làng 19 tháng 5 là nói nghề câu mực, lặn bắt tôm hùm trong các rạn san hô trong vịnh Hòn La, nghề làm lưới ghẹ. Chính nhờ nghề khai thác đặc sản biển mỗi năm mang lại cho làng nguồn thu không dưới 10 tỷ đồng. Ông Tạ Duy Phong đã ví von khá sinh động về những đổi thay của quê hương: "Ðể có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, tất thảy dân làng đều đi lên từ mái chèo trên tay và đòn gánh trên vai". Nói đến chi tiết: "đòn gánh trên vai" ấy là người phó thôn này muốn nhắc đến khó khăn của những năm đầu lập làng. Giữa đồi cát trắng lóa, đi nhiều cũng thành lối mòn, thành đường. Ðể bán được con cá, con tôm, phụ nữ trong làng phải oằn mình với đòn gánh nặng vai vượt qua mấy cây số đồi cát để đến chợ Roòn. Rồi phải gồng gánh những được mua - bán - đổi - trao để phục vụ cho cuộc sống của từng gia đình. Sống trên triền cát, việc đầu tiên mà người làng 19 tháng 5 làm là trồng cây chắn cát bay, cát chảy, chắn gió bão. Từ đồi cát mênh mông tịnh không bóng cây, bây giờ ngôi làng biển nằm dưới chân Ðèo Ngang này đã được phủ xanh bởi những rừng phi lao.
Nửa thế kỷ mang trong mình niềm tự hào, làng 19 tháng 5 mang trong mình sự thiêng liêng và lòng tri ân sâu sắc, thể hiện qua mỗi câu chuyện mà người làng kể. Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", xã Quảng Ðông đã chọn làng 19 tháng 5 làm đơn vị đầu tiên triển khai Cuộc vận động hết sức có ý nghĩa này. Ði một vòng quanh làng, nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất, trẻ em của làng gặp người lạ liền khoanh tay chào lễ phép. Những đêm làng 19 tháng 5 thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ là gần như trở thành ngày hội làng. Làng chia thành ba xóm, trưởng thôn và bí thư chi bộ làm giám khảo cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các Chi hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Ðoàn Thanh niên... của làng nô nức tham gia. Nhiều người háo hức lội cát, đến trước sân làng xem ba xóm thi kể chuyện về Bác Hồ. Những câu chuyện cảm động về vị Cha già kính yêu của dân tộc càng được người làng cảm nhận sâu sắc hơn bởi họ đang cùng nhau học tập và làm theo lời Bác dạy. Lão ngư Ðậu Văn Kế nói: "Bề dày truyền thống của làng tui chưa phải như nhiều làng cổ khác ở Quảng Bình nhưng người dân của làng luôn tự hào được mang tên 19 tháng 5 nên tự bảo nhau sống sao cho xứng đáng với cái tên mà làng mình đang mang".
Giữa tháng năm này về lại nơi đây, chúng tôi được biết, dự án xây dựng Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch 1 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư sẽ được triển khai trong thời gian tới. Có vài hộ dân làng 19 tháng 5 sẽ phải di dời để nhường lại mặt bằng xây dựng công trình công nghiệp quan trọng của quốc gia. Dù đã gắn bó máu thịt với làng nhưng vì dòng điện đất nước những hộ này sẽ di dời đến nơi định cư mới. Thẳm sâu trong họ, làng 19 tháng 5 vẫn mãi là niềm tự hào và rất đáng trân trọng./.
(Theo: Hương Giang/ND)