Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 12/7/2013 11:3'(GMT+7)

Thiếu sự quan tâm dành cho phim truyện thiếu nhi

Cảnh trong phim truyền hình dành cho thiếu nhi Kính vạn hoa.

Cảnh trong phim truyền hình dành cho thiếu nhi Kính vạn hoa.

Thử ngồi trước màn hình ti-vi, sẽ dễ dàng nhận ra bức tranh ảm đạm của dòng phim truyền hình thiếu nhi Việt Nam. Dù có chuyển kênh đến mỏi tay cũng thật khó để "bói" ra một bộ phim mới dành cho những khán giả nhỏ tuổi. Cho đến nay, dù đã "trình làng" trên dưới mười năm, nhưng những bộ phim như Ðất Phương nam, Ðội đặc nhiệm nhà C21, Kính vạn hoa hay Chiến dịch trái tim bên phải vẫn là những cái "bóng" sừng sững khó vượt qua của dòng phim thiếu nhi Việt Nam. Trong số hơn 500 đơn vị được cấp phép sản xuất phim trên cả nước, chỉ mình Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS) là có vẻ quan tâm tới dòng phim thiếu nhi hơn cả và chịu khó cho ra đời những sản phẩm mới. Tuy nhiên, số lượng phim thiếu nhi của TFS cũng chỉ chiếm tỷ lệ ít ỏi 1/10 tổng số phim do hãng này sản xuất. Thành công từ nhiều bộ phim thiếu nhi trước đây với việc tạo được tiếng vang và chỗ đứng trong lòng đông đảo công chúng nhỏ tuổi đã chứng minh, phim thiếu nhi Việt Nam rõ ràng không hề thiếu người xem, không hề thiếu "đất" để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là từ nhiều năm nay, việc tìm cách lấp khoảng trống cho phim thiếu nhi chưa hề được đầu tư đúng mức, trong khi đó, những đề tài phim dành cho người lớn hầu như đã được khai thác triệt để đến mức "bội thực". Ðiều này khiến không ít người băn khoăn: Phải chăng, vì thực hiện những bộ phim thiếu nhi quá khó hay vì những nhà làm phim Việt Nam đang thiếu mất cái "tâm" dành cho trẻ?

Lý giải về sự thiếu vắng của dòng phim này, đạo diễn Ðỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Ðài Truyền hình Việt Nam (VFC) cho biết: "Ðến nay, số lượng phim dành cho thiếu nhi chưa nhiều, bởi để làm được những bộ phim cho đối tượng này đòi hỏi sự đầu tư lâu dài và phải biết chấp nhận những thách thức từ yếu tố khách quan. Chẳng hạn: số lượng diễn viên nhí ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía bắc không nhiều. Hơn nữa, các em vẫn phải tập trung chủ yếu vào việc học tập ở trường nên khó có thể tham gia những dự án phim dài tập với thời gian quay kéo dài vài tháng liên tục. Ðó là chưa kể, các em cũng không phải những diễn viên chuyên nghiệp nên hay phải diễn lại nhiều lần, thời gian quay thường lâu hơn, trong khi giờ giấc sinh hoạt của đoàn làm phim thường phải đi sớm về khuya vất vả...". Ðây cũng là khó khăn mà nhà văn, nhà biên kịch Lê Tấn Hiển đã gặp phải khi thực hiện bộ phim truyền hình Ðội đặc nhiệm nhà C21. Phim có 16 tập nhưng đạo diễn chỉ sản xuất được năm tập trong thời gian ba tháng nghỉ hè.

Bên cạnh đó, khả năng xuất xưởng của những bộ phim thiếu nhi Việt Nam đang phải đương đầu với sự cạnh tranh trong thế áp đảo của phim thiếu nhi nước ngoài. So với thế giới, công nghệ làm phim của ta đã cũ cả về hình thức và nội dung. Ðã thế, những nhà làm phim Việt Nam lại hay đi vào lối mòn cũ, cố gắng chuyển tải những thông điệp giáo dục một cách cứng nhắc vào các tình tiết, cảnh huống phim. Yếu tố này vô hình trung không chỉ làm phim thiếu tính tự nhiên, hấp dẫn, mà còn khiến chính những diễn viên nhí bị "già hóa" so với độ tuổi. Xem những bộ phim thiếu nhi Việt như Tuổi thần tiên, Ðôi bạn, Lên thành phố..., sẽ không khó để nhận ra những lời thoại nửa trẻ con, nửa người lớn theo kiểu "già trước tuổi". Trong khi đó, những bộ phim thiếu nhi nước ngoài không những có ưu thế hơn hẳn về công nghệ, kỹ xảo quay, mà còn đặc biệt hấp dẫn ở lối diễn tự nhiên, chân thực. Ðiều này lý giải tại sao, nhiều thế hệ tuổi thơ Việt Nam đã từng phải mê mẩn ngồi hàng giờ trước màn ảnh nhỏ để xem những bộ phim truyền hình thiếu nhi nước ngoài như Tây du ký, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, Cô gái đại dương, Thế giới bí mật của Alex Mack hay Sabrina-cô phù thủy nhỏ... Ở các rạp chiếu, phim thiếu nhi Việt Nam lại càng khó có cơ hội chen chân bởi sự xuất hiện của hàng loạt những bộ phim bom tấn thế giới dưới định dạng 2D, 3D đủ sức làm khuynh đảo công chúng nhí toàn cầu.

Nói đến dòng phim thiếu nhi, hầu hết các nhà sản xuất phim đều thừa nhận đây là một mảnh đất rất nhiều hứa hẹn, bởi thiếu nhi là nhóm công chúng đông có nhu cầu cao về thưởng thức phim. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dấn thân vào lĩnh vực này bởi so với những mảng phim dành cho những đối tượng khác. Không dễ tìm được những nhà đầu tư dám mạo hiểm chi tiền cho phim thiếu nhi, trong khi lợi nhuận thu về lại chậm và không cao. Bên cạnh việc thiếu trầm trọng những kịch bản phim hay, phim thiếu nhi cũng chẳng mấy khi nhận được đặt hàng, lại chẳng có cơ may ra với các rạp chiếu phim, nên sự thiếu vắng phim thiếu nhi Việt Nam vẫn mãi gióng lên như một hồi chuông buồn suốt nhiều năm qua.

Thiết nghĩ, "trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai", bộ môn nghệ thuật thứ bảy luôn là nơi truyền tải tốt nhất những nội dung giáo dục tâm hồn, đạo đức, lối sống của trẻ nhỏ. Chính vì thế, để có một "thế giới ngày mai" tươi đẹp, đã đến lúc vấn đề lấp chỗ trống cho phim thiếu nhi cần được quan tâm và đầu tư đúng mức. Ðây không chỉ là vấn đề đặt ra với những nhà làm phim mà còn là trách nhiệm của những nhà quản lý văn hóa đối với thế hệ tương lai của đất nước. Muốn sản xuất được những bộ phim hay và hấp dẫn, trước hết, những người làm phim cần phải có cái "tâm" dành cho trẻ, để nắm bắt được những chuyển động của thế giới tuổi thơ, để thâm nhập được vào đời sống tâm lý của các em, thấu hiểu được những tâm tư, nguyện vọng và những điều các em đang cần. Những nhà văn, nhà biên kịch nên huy động các em nhỏ tham gia vào khâu sáng tác kịch bản để có thể tranh thủ những ý tưởng, những đề xuất hay, đúng với lứa tuổi của các em. Trước thực trạng khó tìm được những nhà đầu tư, trước mắt, Nhà nước cần tiên phong trong việc dành một nguồn kinh phí hợp lý hằng năm để đặt hàng sản xuất các bộ phim cho trẻ em. Những cuộc vận động sáng tác đề tài thiếu nhi dành cho cả đối tượng người lớn và trẻ em đều cần phải được tuyên truyền rộng khắp với giải thưởng hấp dẫn, hình thức sôi động, lôi cuốn được số đông người tham gia, có thế mới mong thu được về những tác phẩm có ý tưởng tốt. Nhiều nhà văn chuyên viết các tác phẩm văn học cho thiếu nhi nhưng lại không màng tới việc viết kịch bản phim bởi nhuận bút viết kịch bản phim không đủ sức hấp dẫn. Vì thế, cần xây dựng một quy chế mới đối với việc sáng tác kịch bản phim thiếu nhi, bởi một kịch bản hay là yếu tố tiên quyết để làm nên sức hấp dẫn của cả bộ phim, kế đến mới là cái tài nhào nặn, "thao binh bố trận" của các đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất. 

Tất nhiên, để làm tươi mới diện mạo của phim thiếu nhi Việt Nam là điều không dễ. Song hy vọng, với nỗ lực và cái tâm dành cho thiếu nhi, những nhà quản lý văn hóa và cả những nhà làm phim sẽ tìm được hướng đi đúng đắn để tuổi thơ Việt Nam không còn phải "khát" phim thiếu nhi, và để dòng phim thiếu nhi có thể bứt phá về chất lượng khi đồng hành cùng những bộ phim quốc tế.

HỒNG TRANG/Báo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất