Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 11/7/2013 21:27'(GMT+7)

Châu bản khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Châu bản ngày 27-6 năm Minh Mệnh thứ 11 nói về cứu nạn tàu Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa.

Châu bản ngày 27-6 năm Minh Mệnh thứ 11 nói về cứu nạn tàu Pháp mắc cạn ở Hoàng Sa.

Những tờ châu bản này được chọn lọc từ kho tàng châu bản triều Nguyễn, gồm 734 tập với hàng nghìn trang văn bản gốc, hiện đang lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 (thuộc Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ). Các tư liệu trên được Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia dịch từ Hán tự ra tiếng Việt và chuyển ngữ ra ba thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Hoa, được NXB Tri thức xuất bản trong quý II - 2013 dưới tên “Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Theo nội dung các châu bản được triển lãm, nhiều cơ quan của triều đình đã tham gia phối hợp tiến hành và báo cáo việc xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều đoàn khảo sát liên tục được cử đi ra hai quần đảo này để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ. Mỗi đội đi về đều có báo cáo. Châu bản ngày 12-2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) của Bộ Công ghi rõ tên người trưởng đoàn thuyền đi cắm cọc mốc chủ quyền là Phạm Hữu Nhật, giữ chức Chánh đội trưởng thủy quân, ghi rõ lời phê của vua: “Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài (cột gỗ), mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dầy 1 tấc, khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh”.

Châu bản ngày 21-6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) cho biết kết quả của đoàn khảo sát Hoàng Sa năm 1838 đã khảo sát được 25 đảo trong đó có 13 đảo được khảo sát lần đầu.

Thủy binh của Việt Nam trong thời Nguyễn đã thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đối với thuyền bè của các nước khác gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa. Tờ châu bản ngày 27-6 năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) ghi lời tâu của Nguyễn Văn Ngữ - là quan thủ ngự cửa biển Đà Nẵng - khi biết tin một tàu buôn của Pháp gặp nạn tại Hoàng Sa: “Thần lập tức sức cho thuyền tuần tiễu ở tấn (cửa biển) mang nước ngọt ra biển tìm kiếm. Nay xin tâu báo là (từ giờ dần) đến giờ ngọ thì gặp Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, thủy thủ 15 người, hiện đã đưa về tấn, người và tiền bạc đều an toàn”.

Nhiều tờ châu bản có nội dung phản ánh việc triều đình đã ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đối với những người được cử đi thực thi công vụ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; có chính sách thưởng (kịp thời) đối với những người đã lập được công lớn và phạt (nghiêm minh) với những người không hoàn thành nhiệm vụ. Các thuyền đi đánh bắt hải sản, thăm dò, khảo sát ở hai quần đảo được vua phê chuẩn trong đơn kê khai xin miễn thuế.

Các tờ châu bản được trưng bày trong triển lãm là những tư liệu gốc phản ánh sinh động về nhiều mặt của công việc khẳng định chủ quyền, thực thi quản lý và khai thác sản vật, tuần phòng và cứu hộ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những công việc này đã được tiến hành thường xuyên, được những cơ quan chính thức của nhà nước ghi chép theo cách thức khá tỷ mỷ và quy chế nghiêm ngặt.

Hơn nữa, những văn bản này được trình tới cấp cao nhất. Những báo cáo (gọi theo ngôn ngữ ngày nay) đó đã được vua đọc và ghi rõ ý kiến của mình ngay trên văn bản bằng mực son - vì vậy được gọi là “châu phê”, “châu bản” (châu là đỏ) - nên có tính pháp lý cao. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm lớn và việc theo dõi thường xuyên từ thế kỷ 19 của chính quyền Việt Nam với những công việc liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng thời gian đó và muộn hơn, các bản đồ được phát hành chính thức rộng rãi đều thể hiện cực nam ranh giới Trung Quốc là đảo Hải Nam.


 NGÔ VƯƠNG ANH/Nhân Dân     

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất