Chuông Thanh Mai
Theo các chuyên gia về cổ vật và sử học thì quả chuông đồng có niên đại sớm nhất Việt Nam hiện nay là quả chuông đồng được nhân dân thôn My Dương, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) tìm thấy năm 1986 trong một lần đào mương khai thông hệ thống thủy lợi của thôn. Quả chuông này đã được tìm thấy ở độ sâu 3,5m.
Toàn thân chuông cao 43cm, nặng 36kg. Riêng quai chuông cao tới 7cm, đường kính 35cm và miệng chuông có đường kính 39cm. Quai chuông đúc nổi đôi rồng đấu lưng vào nhau, uốn cong một cách khéo léo tạo thành núm treo chuông. Đỉnh chuông được tạo theo hình chỏm cầu, đúc nổi bằng nhiều cánh sen kép và nhũ đinh. Thân chuông hình trụ, trên to dưới nhỏ, ở mặt thân chuông có các đường gân nổi ngang dọc, chia thân chuông thành 4 ô trên và 4 ô dưới. Hai núm dùng để gõ chuông có hình tròn lồng trong nền cánh sen hết sức nghệ thuật, thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc thời bấy giờ.
Đặc biệt là trên phần thân chuông có khắc một bài minh văn bằng chữ Hán, khoảng 1.500 chữ, toàn bộ minh văn được khắc kín trong 8 ô. Đại ý của bài minh là chiếc chuông này được nhiều người công đức đúc nên. Danh sách những người công đức có ghi trên thân chuông. Những người này đều là đệ tử của nhà Phật, có chung tâm đức tạo nên chiếc chuông này, họ mong muốn rằng: Khi tiếng chuông vang lên thì được trời, đất, thần, Phật chứng giám cho chúng sinh và tiêu trừ hết khổ nạn. Phật pháp được lưu danh muôn thuở (bản dịch của Viện Hán Nôm).
Dựa vào bài minh và danh sách những người có công đức để đúc chuông được ghi trên thân chuông, các nhà Hán Nôm và khảo cổ học đã xác định quả chuông do hội Tuỳ Hỷ của người Hoa và người Việt đúc vào năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên thứ 14 (năm 798).
Quả chuông được đánh giá có niên đại cổ nhất Việt Nam từ trước tới nay và đã thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng dưới thời bấy giờ. Cũng thông qua bài minh, các nhà nghiên cứu cho rằng, thời kỳ xuất hiện quả chuông là thời kỳ Phật giáo khá phát thịnh trong cộng đồng người Việt và người Hoa trên đất nước Việt Nam. Chỉ tiếc là chuông không ghi rõ được đúc ở chùa nào.
Chuông Nhật Tảo
Đây là quả chuông được tìm thấy ở văn chỉ thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Quả chuông này khá độc đáo với dáng chuông thon thả, nhỏ nhắn (cao 31cm, đường kính miệng 18,7cm, cân nặng 5,4kg). Đỉnh chuông phẳng, miệng hơi loe vát.
Giống chuông Thanh Mai, trên thân quả chuông này có nhiều đường chỉ đúc nổi và nám tròn nổi. Giữa thân chuông có năm đường chỉ ngang chia thân chuông làm hai phần. Dọc thân chuông, mỗi bên có năm đường chỉ khác chia tiếp thân chuông thành 8 ô (4 ô dưới để trơn, 4 ô trên khắc đầy chữ Hán). Giao điểm giữa các đường chỉ nổi có 4 núm tròn để làm nơi gõ chuông. Xung quanh núm tròn có trang trí 12 cánh hoa tròn nổi. Quai chuông tạo hình động vật uốn cong, tuy nhiên hai con vật này rất khó nhận dạng. Hai con quay đầu về hai phía, phần thân nối liền nhau thành một khối. Ðầu con vật to khỏe, hai mắt lớn hình thoi, hai sừng cong có các khía ngang, bờm đơn giản, thân mập có phủ vảy, chân thon cao. Về mặt bố cục, hình tượng này gần gũi với bố cục trang trí quai chuông Thanh Mai và trang trí trán bia thời Tùy ở Thanh Hóa.
Minh văn trên chuông ghi rõ niên đại và nơi đúc là: Giao Chỉ huyện, Hạ Từ Liêm thôn, thời Càn Hòa lục niên Mậu Thân tuế, tứ nguyệt, nhị thập cửu nhật (thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao Chỉ, ngày 29/4 năm Mậu Thân, niên hiệu Càn Hòa thứ sáu).
Tìm hiểu trong sử liệu các triều đại Việt Nam thì không có niên hiệu Càn Hòa mà niên hiệu Càn Hòa là thuộc về thời vua nước Nam Hán Lưu Thạnh, đóng đô ở Quảng Châu trong thời Ngũ đại thập quốc ở Trung Quốc. Càn Hòa thứ sáu là năm 948. Chính nước này, 10 năm trước đó (938) đã phái quân sang Việt Nam và bị đại bại trên sông Bạch Ðằng.
Giải thích việc có niên hiệu Nam Hán ghi trên thân chuông của nước Việt Nam vào lúc Việt Nam đã độc lập, GS. Tống Trung Tín - Viện trưởng viện khảo cổ học - cho rằng: “Lật lại các trang sử cũ của Việt Nam thì thấy tuy Ngô Quyền đã xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (Ðông Anh, Hà Nội) nhưng vẫn chưa đặt niên hiệu. Sau khi Ngô Quyền mất năm 944, cho đến khi triều Ngô chấm dứt năm 965, các đời Dương Tam Kha, Ngô Tấn Nam Vương, Ngô Thiên Sách Vương cũng đều không có niên hiệu. Chính vì vậy, minh văn trên chuông vẫn sử dụng niên hiệu nước ngoài. Ðó cũng chính là sự thật lịch sử Việt Nam thời đó đang ở buổi đầu giành và củng cố nền độc lập...”.
Ngoài ra, trên minh văn còn ghi lại một cách ngắn gọn việc các tín đồ Ðạo giáo ở địa phương góp tiền vẽ tranh Thái Thượng Tam Tôn, làm sáu chiếc phướn báu, mua quả chuông báu, các nghi lễ (trai khánh) và chức danh (cao công) của Ðạo giáo để mong báo đáp tứ ân và hy vọng được trường cửu.
Theo GS. Tống Trung Tín: “Với bài minh văn và sự hiện diện của quả chuông đã cho thấy sự phát triển của Ðạo Giáo ở thời Ngô Quyền khá mạnh. Ðiều đó giải thích vì sao trong các thời kỳ Ðinh, Lê, Lý, Trần, tuy đạo Phật là quốc giáo, nhưng vai trò của Ðạo giáo vẫn có ảnh hưởng khá mạnh trong đời sống tinh thần của người dân Ðại Việt với nhiều cung, quán khá lộng lẫy ở kinh đô Thăng Long... Đặc biệt, dựa vào minh văn người ta có thể thấy được địa danh huyện Giao Chỉ vốn có từ thời Ðường nhưng đến thời Ngô tên này vẫn được giữ nguyên”.
Những con vật trên thân chuông này tuy rất khó nhận dạng nhưng theo các nhà lịch sử thì chúng chính là một dạng rồng tiền thân của rồng thời Lý, Trần, Lê. Như vậy tiếp theo chuông Thanh Mai, quả chuông thời Ngô Quyền ở Hà Nội là quả chuông có niên đại sớm thứ hai, cung cấp nhiều tư liệu quý giá về lịch sử và văn hóa thời Ngô Quyền. Và dù xuất hiện từ thế kỷ thứ X, trải qua 1.049 năm nhưng quả chuông này vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Hiện quả chuông Thanh Mai đang được lưu giữ tại kho bảo quản của Bảo tàng tổng hợp Hà Tây (cũ). Theo giáo sư khảo cổ học Nguyễn Lân Cường thì: “Quả chuông là một trong những bảo vật quốc gia đặc biệt quý hiếm, vì hiện nay đây là chiếc chuông có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Việt Nam. Sắp tới đây khi bảo tàng Hà Nội hoàn thành vào năm 2010, đây sẽ là một hiện vật có giá trị, góp phần tạo diện mạo của một thời kỳ lịch sử xa xưa”.
Còn chiếc chuông Nhật Tảo được địa phương lưu giữ rất cẩn thận. Tuy nhiên, theo các nhà sử học thì vị trí xứng đáng của những quả chuông này phải là ở các bảo tàng quốc gia của trung ương hoặc Hà Nội mới phát huy được giá trị và tránh khỏi bị mất mát. Quả chuông cũng là một chứng tích lịch sử duy nhất, cực kỳ hiếm hoi về thời đại Ngô Quyền mà cho đến nay Việt Nam chúng ta có được.
(Theo Gia đình & Xã hội)