Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 20/12/2009 20:4'(GMT+7)

Liên hoan phim quốc tế tại VN: Chỉ nên tổ chức khi hội đủ điều kiện

Các diễn viên trẻ tham dự liên hoan phim năm nay.

Các diễn viên trẻ tham dự liên hoan phim năm nay.

Hai đề án đều "bất động"

Năm 2007, cùng lúc có đến hai đề án tổ chức LHP quốc tế tại Việt Nam. Hội Điện ảnh muốn chọn TP Hồ Chí Minh còn Cục Điện ảnh nghiêng về tổ chức ở Hà Nội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tân, Chánh Văn phòng Hội Điện ảnh cho biết, chỉ Cục Điện ảnh mới được phép tổ chức LHP này. Vì vậy, đề án của Hội giờ... đang nằm ở đâu đó. Dĩ nhiên, mấu chốt của một LHP quốc tế không nằm ở việc tổ chức ở thành phố này hay thành phố kia, cũng không phải đơn vị nào tổ chức. Điều làm nên tên tuổi của một LHP quốc tế là việc thu hút được nhiều tác phẩm "nặng ký" của các nhà làm phim sáng giá trên thế giới. Càng nhiều phim dự thi, đúng hơn là càng nhiều phim của những nền điện ảnh danh tiếng, của những đạo diễn tên tuổi, những hãng sản xuất tầm cỡ thì LHP càng khẳng định được tầm vóc, thương hiệu. Nhưng nỗi lo thường trực còn đó, khi mà thực trạng, thực lực của nền điện ảnh và công tác tổ chức của Việt Nam hiện nay, nhất là tên tuổi còn rất khiêm tốn của Việt Nam trong bản đồ điện ảnh khu vực chứ chưa nói đến bầu trời điện ảnh thế giới, thì việc thu hút những tên tuổi lớn xem chừng... khó thực hiện.

Chẳng nói đâu xa, tại LHP lần thứ 15 tổ chức ở Nam Định, ban đầu, các nhà tổ chức có tham vọng mời nhiều bạn bè quốc tế đến dự để làm bước "tập dượt" cho các LHP quốc tế sau này. Nhưng càng đến sát ngày diễn ra LHP, danh sách các đoàn tham gia càng… rút ngắn dần. Đầu tiên, báo chí đưa tin diễn viên Can Đình Đình (Trung Quốc) sẽ góp mặt vì cô tham gia vai chính trong phim hợp tác "Hà Nội, Hà Nội". Rồi Can Đình Đình không đến. Gương mặt diễn viên quốc tế được kỳ vọng nhất là Lưu Bội Kỳ cũng chẳng thấy đâu. Và đa số bản phim các đoàn mang sang để chiếu là video chứ không phải phim nhựa! Còn tại LHP lần thứ 16 này, một nam diễn viên Hàn Quốc đến dự chẳng qua là anh này có tham gia phim đang chiếu ở Việt Nam và chuyến đi kết hợp "một công đôi việc".

Về công tác tổ chức, những bất cập và yếu kém có thể được cải thiện vì khá nhiều công ty tổ chức sự kiện chuyên nghiệp sẵn sàng hợp tác với các đơn vị tổ chức LHP quốc tế tại Việt Nam. Chuyện tổ chức sao cho "quốc tế" xem ra không khó. Nhưng "hầu bao" tổ chức LHP mà khiêm tốn thì khó thu hút được khách quốc tế. Những lời mời suông đối với Can Đình Đình, Lưu Bội Kỳ... cho dù thông qua cơ quan điện ảnh của nước bạn, thì họ cũng không mặn mà, khi phải tự bỏ tiền mua vé máy bay. Chưa kể những diễn viên tên tuổi thường có cả chuyên gia trang điểm hay người phục vụ đi cùng, nên chi phí của họ là không nhỏ.

Chạnh lòng…

Không ít nhà làm phim Việt Nam đã có dịp dự các LHP quốc tế khi tham gia liên hoan trong nước đã chạnh lòng, bởi ở họ, từ cung cách đón tiếp đến những chế độ dành cho đại biểu nước ngoài đều "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi". Máy bay cho đến khách sạn hay xe đưa đón thường được ưu đãi loại hạng nhất. Quan trọng hơn, khán giả kéo đến xem phim trong các buổi chiếu ra mắt, rồi khán giả vây quanh nghệ sĩ xin chữ ký, báo chí rầm rầm phỏng vấn các nhà làm phim… Đội ngũ các nhà báo được mời dự LHP Venice lên tới... 1.800 người. 1.800 chiếc tủ dành riêng cho các nhà báo được đặt trong một căn phòng lớn và thông tin về tất cả các bộ phim đều được nhà sản xuất chuẩn bị kỹ, sau đó đặt vào từng ngăn tủ của các nhà báo để họ lựa chọn những bộ phim đáng xem, đáng quan tâm. Các LHP đều có riêng người phụ trách truyền thông hay báo chí và tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi để báo chí tác nghiệp.

Chia sẻ với báo giới, diễn viên Hồng Ánh tỏ vẻ "thoáng buồn" vì trước sự kiện văn hóa lớn này mà hầu như không có tác động, ảnh hưởng gì đến đời sống của người dân. "Qua thăm dò bước đầu, hầu như mọi người dân, kể cả người hâm mộ cũng không hề biết gì về tháng 12-2009 có sự kiện LHP". Theo Hồng Ánh, phần quảng bá cần chuẩn bị trước cả năm trời may ra mới có hiệu quả. Cô cũng cho rằng, nên tổ chức LHP ở một thành phố lớn hội đủ điều kiện về con người, thiên nhiên, cơ sở rạp, nhà hát, giao thông… để có thể gắn sự kiện văn hóa với công việc quảng bá du lịch, dần tạo thói quen để mọi người nhớ tới một LHP.

Để một LHP quốc tế thật sự xôm tụ, phải chuẩn bị chu đáo nhiều mặt nữa. Đặc biệt, cần xúc tiến các hoạt động quảng bá tên tuổi điện ảnh trong nước để thu hút sự chú ý của bạn bè quốc tế. Phải chuẩn bị kỹ càng chứ không phải cứ nhanh nhanh tổ chức một LHP quốc tế để thử nghiệm rồi nó sẽ diễn ra trong cảnh đìu hiu mà người tổ chức lại trấn an dư luận là "vạn sự khởi đầu nan"?! Một động thái tích cực là cùng với việc phim Việt Nam (Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt...) gây được tiếng vang tại các LHP quốc tế, Cục Điện ảnh cũng đã cử đại diện tham dự một số LHP quốc tế với mong muốn học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhiều người trong giới điện ảnh cho rằng, trước mắt hãy tổ chức LHP trong nước thật tốt cùng với tăng số lượng phim truyện nhựa. Khi đó thì tổ chức LHP quốc tế cũng chưa muộn.

Linh Giang-HNM0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất