Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 17/12/2009 8:43'(GMT+7)

Một đề tài luôn luôn hấp dẫn

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các đại biểu tại triển lãm

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng các đại biểu tại triển lãm

Hội tụ các thế hệ

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng dường như không bao giờ cũ. Nó vẫn luôn luôn có sức cuốn hút, tạo những cảm hứng mạnh mẽ cho các nghệ sĩ tạo hình tư duy và sáng tạo nhiều tác phẩm đẹp, có nội dung sâu sắc, phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Tổng cục chính trị phát động kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 20 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài quân đội, với gần 600 tác phẩm của hơn 400 tác giả. Đây là những tác phẩm xuất sắc nhất được các nghệ sĩ sáng tạo trong 5 năm 2005-2009.

Cuộc vận động đã hội tụ được nhiều thế hệ nghệ sĩ tham gia, từ những người đã ở tuổi 90 cho đến các tác giả trẻ mới ở độ tuổi 20.

Thế hệ các họa sĩ đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như: Nguyễn Thụ, Huỳnh Phương Đông, Ngô Mạnh Lân, Trần Hữu Chất, Nguyễn Hữu Ngọc, Lê Trí Dũng, Phan Oánh.v.v... thể hiện các tác phẩm rất ấn tượng từ những ký ức, hồi tưởng thức dậy từ những kỷ niệm sâu sắc về một thời chiến tranh khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Thế hệ đàn anh dù đã tuổi cao, nhưng vẫn thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp, sự sung sức, tư duy sáng tạo và trình độ nghề nghiệp vững vàng với đề tàu, mang nặng hồi ức về cuộc chiến trong nghiên cứu, tìm tòi công phu, bố cục chặt chẽ, bút pháp già dặn.

Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên- đoạt giải A với với bức tranh sơn mài Dân quân làng ALÊB là một người như vậy. Ông kể: Đây là tác phẩm ông ấp ủ từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong những năm từ 1971 đến 1975, ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và có nhiều năm sống cùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên và ông vẫn canh cánh về ước muốn thể hiện một tác phẩm về đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên anh hùng, sống rất mộc mạc, cao thượng, quí bộ đội, quí cách mạng. Từ phác thảo năm 1973, năm 2008 Đoàn Văn Nguyên bắt tay thực hiện tác phẩm và hoàn thành vào giữa năm nay, kịp tham dự cuộc vận động. "Sự sáng tạo yêu cầu người nghệ sĩ cái gì cũng phải giỏi. Nếu anh giỏi tay nghề mà không có ý tưởng thì cũng không được. Ngược lại nếu có ý tưởng mà tay nghề thấp cũng không làm được. Cho nên theo tôi để thành công thì cái gì cũng phải nỗ lực hết mình thì tác phẩm mới có hy vọng thành công".-Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên bày tỏ.

Còn thế hệ trẻ sinh sau chiến tranh, trưởng thành trong hòa bình xây dựng đất nước lại cảm nhận, tiếp cận đề tài về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng từ những trang sử, tư liệu nghệ thuật, sáng tạo theo cảm quan của thế hệ mình. Chẳng hạn như các tác phẩm: Qua bản mùa Xuân của Lê Hoàng Anh, Ký ức chiến tranh của Ngô Hải Yến, Làng chăm ơn Bác của Chế Kim Trung, Hà Nội 12 ngày đêm của Nguyễn Văn Chuyên, Khúc ca hòa bình của Trần Quang Thái, Đối mặt của Nguyễn Tuấn Long... Họa sĩ trẻ quê Hải Phòng - Nguyễn Việt Anh đoạt giải B với tác phẩm "Tam Bạc những ngày đánh Mỹ" bày tỏ: Chúng tôi là những người sinh ra sau cuộc chiến tranh, nhưng cảm nhận cuộc chiến tranh qua lịch sử, phim ảnh và nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm với những người tạo dựng được cuộc sống yên vui, hòa bình ngày hôm nay cho lớp trẻ chúng tôi.

Các tác giả trẻ đã cho thấy sự nỗ lực tìm đến bản sắc riêng, ngày càng tỏ ra tự tin và táo bạo, những tranh trở, suy tư, thể nghiệm trong ngôn ngữ biểu đạt, trong kỹ thuật, chất liệu và phong cách thể hiện khá đậm nét trong tác phẩm. Ngôn ngữ tạo hình bộc lộ rõ hơn trong từng tác phẩm, tính mô phỏng, minh họa giảm rõ rệt.

Tổ chức tinh gọn và chuyên nghiệp hơn

Góp sức vào thành công của cuộc vận động là sự đổi mới trong cách thức tổ chức theo hướng gon nhẹ và hiệu quả hơn. Thiếu tướng Lê Mã Lương- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN- Trưởng Ban tổ chức cho biết: Là đơn vị thường trực của cuộc vận động, 5 năm qua, ngoài việc tổ chức phát động ở cả 3 khu vực và gửi thông báo về cuộc vận động sáng tác tới từng hội viên, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch tổ chức 3 trại sáng tác tranh, tượng tại Tam Đảo, Đà Lạt và Vũng Tàu. Đã có hơn 70% tác phẩm được xây dựng ý tưởng hoặc hoàn thành tác phẩm ngay tại các trại sáng tác này.

Các họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài quân đội cũng tích cực đi thực tế sáng tác tại các quân, binh chủng, đến các đơn vị kinh tế của các quân đội ở các vùng miền Bắc, Trung, Nam. Chính vì thế, các tác phẩm gắn bó với hơi thở cuộc sống, sinh động và chân thực với đời sống của người lính.

Không chỉ phong phú về phong cách, về chất liệu, chất lượng các tác phẩm tham gia cuộc vận động đã được nâng cao rõ rệt so với những lần trước. Nhiều tác phẩm có khổ lớn, được đầu tư công phu và kỳ công.

"Cuộc vận động lần này là thành công rất lớn. Lần này chúng tôi không chọn số lượng nhiều mà chọn những tác phẩm đẹp về mặt thể hiện và có ý nghĩa sâu về nội dung, bám sát hơi thở của người lính. Nhiều tác phẩm đã có đột phá mới"- Thiếu tướng Lê Mã Lương nhấn mạnh.

Mỗi tác phẩm tham dự cuộc vận động sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đều thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người nghệ sĩ với đất nước và nhân dân. Hội đồng nghệ thuật của cuộc vận động đã chấm chọn được 29 giải thưởng các loại, trong đó gồm 2 giải A cho các tác giả: Đoàn Văn Nguyên (Hà Nội), với tác phẩm Dân quân làng ALÊB và Bùi Anh Hùng (Hà Nội), với tác phẩm Hà Nội tháng Chạp 1972; 8 giải B, 7 giải C và 12 giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng chọn lựa 161 tác phẩm để treo trong triển lãm.

"Các tác phẩm trong triển lãm này có chất lượng cao hơn những triển lãm trước. Đến xem triển lãm, chúng tôi vừa có cơ hội giao lưu vừa học hỏi được rất nhiều các bậc đi trước. Có những họa sĩ ngoài 80 tuổi mà có các tác phẩm chất lượng rất tốt, thật đáng khâm phục. Các tác phẩm có phong cách đa dạng, cổ điển và hiện đại đan xen lẫn nhau. Đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng rất có tác dụng giáo dục đối với nhận thức của giới trẻ hôm nay"- Ông Phạm Hùng Cường- Giảng viên Khoa Văn hóa- Nghệ thuật (Trường Đại học Sư phạm Mỹ thuật Trung ương) cho biết cảm tưởng khi xem triển lãm.

Cuộc vận động và triển lãm các tác phẩm sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã góp phần tôn vinh các nghệ sĩ tạo hình tâm huyết với đề tài này. Những tác phẩm có nội dung sâu sắc và hình thức đẹp xứng tầm với lịch sử chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta sẽ góp phần tạo dựng một cuốn sử bằng nghệ thuật tạo hình về tầm vóc vĩ đại của một dân tộc anh hùng./.

- Trường Thành-

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất