Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 18/12/2009 21:52'(GMT+7)

Mặt trận văn hóa, nghệ thuật vẫn còn nóng bỏng

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (bìa trái) và các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (bìa trái) và các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quan điểm: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đến nay, quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, thời gian qua, đã có những ý chệch hướng, đi ngược lại các giá trị truyền thống mà ông cha ta đã đổ bao xương máu giữ gìn. Trước thực tế đó, ngày 17-12, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TPHCM đã tổ chức hội thảo với chủ đề: Quan điểm “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.

Mặt trận và chiến sĩ

Để tạo thuận lợi cho các đại biểu dự hội thảo, PGS Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật TPHCM, đã đề ra 6 vấn đề tập trung trao đổi. Thế nhưng, trên thực tế trong những bài tham luận gửi về tham dự cùng hầu hết những ý kiến trao đổi trực tiếp đều chủ yếu xoay quanh 3 vấn đề chính: Trong bối cảnh mới VHNT cùng nghệ sĩ có còn là mặt trận và chiến sĩ nữa không?; Mặt trận ở đâu và chiến sĩ đang làm gì?; Làm gì để thành công, chiến thắng trên mặt trận VHNT, tư tưởng hiện nay?

GS Trần Thanh Đạm trả lời câu hỏi

PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương, cụ thể hơn bằng việc dẫn chứng lời tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong cuốn sách Năm 1999 - Chiến thắng không cần chiến tranh: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất. Toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng”. PGS-TS Hồng Vinh cho rằng thật phi lý khi thế giới thì coi tư tưởng là một mặt trận chính nhằm đạt được các mục đích của họ, còn ở ta lại có người xem đây là một khái niệm lỗi thời, cần phải nhìn nhận lại.

Họa sĩ Uyên Huy đi vào cụ thể hơn những yếu tố góp phần giành chiến thắng trong mặt trận VHNT hôm nay. Trước hết là cần có vũ khí hiện đại, hiệu quả mà ở đây là kiến thức. Điều đó đòi hỏi sự hỗ trợ của nhà nước, của các thế hệ đi trước thông qua hệ thống giáo dục tiến bộ, phương pháp đào tạo cởi mở, dân chủ, luôn cập nhật… Ngoài ra, nghệ sĩ - chiến sĩ cũng cần có một không gian, môi trường hoạt động nghệ thuật hiện đại, cần có sự ổn định lòng tin về sự đoàn kết xây dựng xã hội trong sạch, lành mạnh, lòng tin về sự quyết tâm chung lưng bảo vệ Tổ quốc. Đó sẽ là chỗ dựa, thế đứng cần thiết để nghệ sĩ - chiến sĩ giành được thắng lợi cuối cùng.

Trong phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cũng nhấn mạnh: “Cách đây gần 60 năm, trong chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Lời khẳng định đó đã được hiện thực hóa một cách sinh động qua 2 cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Để có được một đất nước Việt Nam hòa bình, đổi mới và ngày càng phát triển như hôm nay, chúng ta không bao giờ quên sự hy sinh của biết bao anh hùng, liệt sĩ, những tấm gương văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc…”.  

Nếu ý kiến cho rằng VHNT là mặt trận và người nghệ sĩ là chiến sĩ trong mặt trận ấy nhanh chóng nhận được sự đồng thuận, thì vấn đề mặt trận VHNT hiện nay đang ở đâu và người nghệ sĩ - chiến sĩ đang làm gì, lại tạo ra tranh luận sôi nổi.

Nhà văn Vũ Hạnh góp ý rằng cứ nhắc đến “mặt trận”, “chiến sĩ” trong VHNT thì mọi người lại chỉ hay nghĩ đến các vấn đề chính trị, tư tưởng. Trong khi đó, trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay khi đề ra quan điểm trên, đã chỉ rõ ra có đến 3 loại giặc là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Hiện nay, đây vẫn là những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, là những mặt trận mà VHNT không thể quên lãng. Đây đó vẫn còn những người dân bị đói, nhiều nơi vẫn còn những người không thể đến trường, đi học và xung quanh chúng ta vẫn đầy rẫy những kẻ xâm lăng bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt. Mặt trận vẫn ở khắp nơi chờ đợi VHNT tham gia.

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long có cách đặt vấn đề khá thú vị khi cho rằng: “Mặt trận vẫn còn đây, ai sẽ là chiến sĩ”. Quả thật, nhiều đại biểu đã cho biết trong giới nghệ sĩ đang xuất hiện tư tưởng cho rằng trách nhiệm của nghệ sĩ chỉ là sáng tác theo tình cảm cá nhân mà không cần biết đến những vấn đề khác nhất là những vấn đề của cuộc sống, không cần biết đến vai trò của nghệ sĩ trong việc đấu tranh, bảo vệ văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay.

Có nhiều cách lý giải vấn đề trên, một trong những lý do chính là vì người nghệ sĩ hiện nay không nhận diện được kẻ địch, không thể là một người lính khi không biết đâu là đối phương. Điều đó đã dẫn đến những sai lầm của một số văn nghệ sĩ vừa qua khi đã tiếp tay cho kẻ địch chống phá lịch sử hào hùng của dân tộc, hạ bệ những anh hùng, thần tượng của nhân dân… Vô tình hay hữu ý, những nghệ sĩ đó đã trở thành những người đi ngược lại sự phát triển của đất nước, chống lại chính quá khứ oanh liệt của dân tộc mình. Trong mặt trận VHNT đang đầy phức tạp như hiện nay, nghệ sĩ trở thành những chiến sĩ đi đầu, cần bản lĩnh kiên định, trái tim trong sáng đi cùng dân tộc.

Mặt trận đã rõ, người chiến sĩ cũng đã được chỉ ra, vậy làm gì để có thể chiến thắng trên mặt trận VHNT hiện nay trở thành một vấn đề mà hội thảo tập trung thảo luận sau đó. Diễn viên điện ảnh Hiền Mai nhìn nhận vấn đề dưới góc độ một nghệ sĩ trẻ rằng, trước hết chính bản thân nghệ sĩ phải có trách nhiệm của mình trong mặt trận VHNT. Không chỉ là trên sân khấu, màn ảnh mà ngay cả ngoài đời, những nghệ sĩ cũng phải hiểu mình là người của công chúng, mọi lời ăn tiếng nói, hành động đều nhận được sự quan tâm chú ý của nhiều người. Chính vì thế, nghệ sĩ phải biết dùng ảnh hưởng của mình để làm những điều có ích cho xã hội. Điều đó cũng góp phần giúp nghệ sĩ trở thành chiến sĩ xung kích trên mặt trận VHNT.

Chậm mất 10 năm

Dù còn có những ý kiến khác nhau song hầu như các đại biểu đều thống nhất rằng lẽ ra cuộc hội thảo này phải được tổ chức cách nay ít nhất là 10 năm. Tuy nhiên, PGS Ca Lê Thuần cho rằng dù muộn nhưng còn hơn không. Con số gần 200 đại biểu tham dự với 37 bài tham luận gửi đến cùng nhiều ý kiến tâm huyết, tranh luận sôi nổi đã cho thấy sự quan tâm của giới văn nghệ sĩ đối với vấn đề mặt trận VHNT hiện nay. Nhiều vấn đề cấp thiết đã được nêu ra, đầu tiên chính là quan điểm “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù đã qua hơn nửa thế kỷ vẫn mang đậm tính thời sự, phù hợp với bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay.

Các đại biểu cũng thống nhất là để có thể giành thắng lợi trong mặt trận VHNT rất cần đến vai trò “Tổng tư lệnh” tích cực của Đảng, vai trò quản lý hiệu quả của Nhà nước để có thể huy động, kết hợp sức mạnh của nhiều lực lượng văn nghệ sĩ. Cá nhân nghệ sĩ phải có sự kiên trung, dũng cảm của một chiến sĩ trên mặt trận, không e dè, né tránh, cả nể trước những âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, tiêu cực của xã hội.

Cuối cùng, vai trò của lực lượng phê bình VHNT cần phải được chú trọng hơn, nhất là trên các phương tiện truyền thông để có thể giúp người dân cùng các văn nghệ sĩ không bị mê hoặc, lệch hướng trong một xã hội hội nhập đang tràn ngập các loại văn hóa đa dạng từ thế giới tràn vào.

Tường Vy 

Trách nhiệm cao đẹp của nghệ sĩ - chiến sĩ

PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh

...Để góp sức đẩy nhanh công cuộc đổi mới, hội nhập đi vào chiều sâu, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, những người làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật - những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, hơn bao giờ hết, việc tự nâng tầm nhận thức về sứ mệnh vẻ vang của người cầm bút là miêu tả cho chân thật, cho hùng hồn tầm vóc vĩ đại của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước ta, không chỉ là trách nhiệm cao cả, mà còn là lương tâm của văn nghệ sĩ. Khẩu hiệu “đến với những nơi tiên tiến, đến với những con người tiên tiến” hôm nào, vẫn có ý nghĩa thời sự đối với mỗi văn nghệ sĩ hôm nay.

Hãy đến với những người thợ mỏ đang lao động miệt mài khai thác nguồn vàng đen cho Tổ quốc trong các hầm lò chìm sâu dưới lòng đất, mà sự rủi ro trong nghề nghiệp cũng như môi trường lao động còn khó khăn vẫn rập rình quanh họ ngày đêm.

Hãy đến với những người nông dân ở các vùng đất miền Trung, một trong những chiến trường ác liệt năm xưa, hôm nay đang gồng mình chống chọi với bão lũ, thiên tai nghiệt ngã, nhưng nghị lực vượt khó, thoát nghèo, từng bước làm giàu vẫn không vơi cạn; đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất nước ta, nơi đã góp sức làm nên một kỳ tích trong lịch sử nông nghiệp Việt Nam, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, nhưng người nông dân còn chịu nhiều thiệt thòi vì sự bất hợp lý trong cơ chế thu mua.

Hãy đến với những người lính nơi biên giới và các đảo nổi, đảo chìm ở quần đảo Trường Sa ngày đêm dậy sóng để cùng sẻ chia những gian nan, thiếu thốn nhiều bề trong đời sống thường nhật của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, nhưng vượt lên tất cả với họ là tình yêu đất nước, là sự trung thành hết mực với Đảng và nhân dân, mãi mãi nấu nung ý chí bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất, tấc nước thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta.

Phải chăng, đó là những đề tài vô tận, là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào cho những người làm công tác văn học, nghệ thuật để làm nên nhiều tác phẩm phản ánh sinh động và đa dạng cái anh hùng và cái thường ngày, cái chính nghĩa và cái phi nghĩa, cái thiện và cái ác, những mảng sáng và mảng tối... đang đan cài nhau trong cơ chế thị trường? Song, phải chăng giữa bộn bề phức tạp của đời sống xã hội đang bị tác động xấu của mặt trái cơ chế thị trường ấy, dòng chảy chính văn học, nghệ thuật hôm nay vẫn là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng 54 dân tộc anh em, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc của con người Việt Nam, những giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc... đã và đang là động lực lớn để nhân dân ta lần lượt vượt lên mọi khó khăn, thách đố, tạo dựng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta trong hơn hai thập kỷ đổi mới vừa qua? Nếu thiếu tình yêu Tổ quốc, nguội lạnh tâm hồn nghệ sĩ - chiến sĩ, nhạt nhòa trách nhiệm công dân, chắc chắn sẽ khó có những mùa gặt văn chương đích thực như Đảng và nhân dân ta đang gửi gắm tin yêu và đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ văn học, nghệ thuật nước nhà.

PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh (Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TƯ)

Người sáng tác là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa văn nghệ

Nhạc sĩ Phan Thị Thanh Bình

...Đứng dưới góc độ của một người sáng tác ca khúc tôi chỉ xin phép được đề cập đến một phần nhỏ trong “mặt trận văn hóa, văn nghệ” đó là “Người sáng tác ca khúc không những là một chiến sĩ mà còn phải là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa văn nghệ”.

Hiện nay có một số bài hát chưa thể hiện được lòng tự hào của dân tộc, tình yêu quê hương, chưa thôi thúc được quần chúng đặc biệt là giới thanh thiếu niên tham gia lao động sản xuất, làm giàu đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phồn vinh.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặt niềm tin vào các văn nghệ sĩ và mong đợi đội ngũ những người làm công tác văn học nghệ thuật có những tác phẩm hay, có tầm vóc lớn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng những người làm nghệ thuật nói chung và nhất là những người sáng tác ca khúc đã chủ động, tích cực nhận thức được vai trò của mình là “một chiến sĩ” đang chiến đấu với những cái xấu, cái không lành mạnh trong nghệ thuật chưa? Đã có một số nghệ sĩ tỏ ra bất bình, phản đối... rồi chán nản, bất lực khi nhìn thấy những cái không đẹp trong nghệ thuật đang ngày càng lấn lướt, gây ảnh hưởng đến tư tưởng và thẩm mỹ nghệ thuật của cả một thế hệ trẻ, nhưng những thái độ buông xuôi như thế không phải là dũng khí của một chiến sĩ đang chiến đấu chống lại cái xấu và đấu tranh cho cái đẹp...

Chúng tôi, những người sáng tác trẻ cần phải làm thế nào để ca khúc vừa mang được hơi thở thời đại, vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc, vừa là hành trang của đông đảo công chúng trong đời sống tinh thần?

Đây là một đòi hỏi rất cao với đội ngũ tác giả trẻ trong thời kỳ hiện nay vì ngoài sự nỗ lực học tập còn đòi hỏi phải có sự trải nghiệm thực tế để tìm ra những “khoảnh khắc xuất thần”, đồng thời chúng tôi cũng cần được sự định hướng, quan tâm và đầu tư từ các cấp quản lý văn hóa nghệ thuật đối với những sản phẩm mà chúng tôi đưa ra. Cần phải nghiêm khắc với những sản phẩm không lành mạnh và có những chính sách mới trong việc đào tạo nhân lực kế thừa và quan trọng nhất là việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc học đường.

Nhạc sĩ Phan Thị Thanh Bình

Mặt trận vẫn còn đây, ai sẽ là chiến sĩ?

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long

...Bên cạnh việc đấu tranh những sai trái về ý thức chính trị, người chiến sĩ trong mỗi văn nghệ sĩ không thể làm ngơ trước những tiêu cực trong xã hội. Những vở diễn như Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta của thập niên 80 thế kỷ XX chính là ý thức đấu tranh của các tác giả (Võ Khắc Nghiêm, Doãn Hoàng Giang và Lưu Quang Vũ) trước những vấn nạn cần phê phán của xã hội.

Sau 30 năm, những vấn nạn ấy đang có chiều hướng tăng lên, phức tạp hơn và tinh vi hơn, nhưng để viết được vấn đề này, người nghệ sĩ phải dấn thân như một người lính trên mặt trận mới có thể vén được bức màn đen u tối của bọn tham quan, sâu dân mọt nước. Sự lựa chọn sinh tử của điện ảnh Trung Quốc, Phía Đông vườn địa đàng của truyền hình Hàn Quốc đã gióng được tiếng chuông về sự tha hóa của các quan chức trên đất nước họ.

Hiện nay, khoảng trống này trong văn học nghệ thuật vẫn quá lớn cho thấy các tác giả dường như bỏ trống trận địa và nhường sân cho báo chí. Một số vùng nông thôn hiện nay đang nảy sinh những loại cường hào ác bá mới, cướp đất dân ngụy trang dưới những mỹ từ quy hoạch, khu công nghiệp, sân golf... đã gây xiết bao đau khổ cho nhân dân.

Việc gióng lên tiếng chuông báo động cho toàn xã hội về vấn đề này chính là cuộc chiến đấu của những văn nghệ sĩ - chiến sĩ trước những tiêu cực vẫn còn tồn đọng của xã hội. Nhưng hiện nay, những người làm nghệ thuật chúng ta đang làm gì? Nhìn trên mạng lưới phim truyền hình cả nước, trong mấy trăm đầu phim phát sóng dường như chỉ toàn đề tài tình yêu tay ba, tay tư theo mô típ Hàn Quốc, mô phỏng theo chưa đủ còn copy nguyên xi.

Đề tài trong nước ngồn ngộn bao nhiêu vấn đề, nhưng chỉ có hai phim đi vào vấn đề nóng bỏng của nông thôn: Ma làngGió làng Kình. Đó là hai bộ phim được nhận Giải vàng LHP truyền hình toàn quốc cùng với sự ủng hộ nồng nhiệt của công chúng. Điều ấy cho thấy rõ những tác phẩm tâm huyết sẽ luôn được tôn vinh và sống trong lòng nhân dân...

Như vậy, rõ ràng mặt trận vẫn còn đây, ngồn ngộn biết bao vấn đề đòi hỏi văn nghệ sĩ phải sáng tạo bằng tâm huyết, bằng lòng dũng cảm của người chiến sĩ. Thời bình không có nghĩa là người làm nghệ thuật tự cho phép mình trú mình trong vỏ bọc của chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết xoay mình lẩn quẩn trong chuyện tình yêu và nhục dục.

Không ít người, do không đủ sáng suốt và lòng tự trọng dân tộc để lựa chọn từ cái “đống rác khổng lồ” của phương Tây tràn vào, không biết cái nào nên loại bỏ, cái nào nên tiếp thu mà cố nhai lại những lý thuyết đã lỗi thời, chắp vá những khái niệm thời thượng vừa nhập cảng, chưa kịp tiêu hóa làm thức ăn cho mình, nhưng khổ thay, lại tự hào là mình cấp tiến và theo kịp thời đại, rồi quay lại khinh chê quá khứ, coi thường những gì thuộc về nguồn cội dân tộc. Thiết nghĩ đó chính là quan điểm cần phải được mổ xẻ và đấu tranh trong từng hội chuyên ngành nghệ thuật hiện nay…

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long




 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất