Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 19/11/2008 8:41'(GMT+7)

Lưu giữ làn điệu quê hương

Mặc dù nhiều người cao tuổi ở Khánh Cường không còn nhớ rõ bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống xuất hiện ở địa phương từ khi nào, chỉ biết rằng từ thuở còn nằm nôi, ông Phạm Văn Bổn, 60 tuổi, thành viên Câu lạc bộ chèo xóm 10 Nam Cường đã được nghe những làn điệu chèo mượt mà đằm thắm của quê hương. Có lẽ vì vậy mà những làn điệu chèo đã ngấm vào máu thịt khiến ông ngày càng đam mê. Giống như nhiều thanh niên ở địa phương, khi lớn lên ông Bổn cũng đi công nhân. Những lúc nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ cả mùi rơm phơi ngai ngái, ông lại ngân nga đôi ba làn điệu cho nguôi ngoai nỗi nhớ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cũng có những thời điểm phong trào hát chèo ở Khánh Cường lắng xuống do những người nông dân nơi đây phần vì quanh quẩn với nỗi lo cơm áo gạo tiền, phần vì không được địa phương quan tâm phát triển. Nhưng một điều đáng vui mừng là từ đầu năm 2000 trở lại đây được sự quan tâm tạo điều kiện của Phòng Văn hoá thông tin huyện Yên Khánh, Khánh Cường là một trong những đơn vị dẫn đầu huyện về phong trào văn nghệ quần chúng, đặc biệt là bộ môn nghệ thuật chèo. Điều đáng ghi nhận là tình yêu với nghệ thuật chèo không chỉ khắc sâu trong tâm khảm của những người trung, cao tuổi trong làng, trong xã mà lòng đam mê còn được truyền sang tâm hồn những người trẻ tuổi như một sự tất yếu: “tre già măng mọc”.

Anh Phạm Ngọc Luyện, Trưởng Ban Văn hoá xã Khánh Cường là một người còn trẻ tuổi song với lòng đam mê bộ môn nghệ thuật chèo, đặc biệt là những làn điệu chèo cổ mà ông bà, cha mẹ anh đã từng hát trên những chiếu chèo trong các dịp lễ hội của quê hương. Ngoài thời gian công tác tại xã, những ngày được nghỉ, anh Luyện có thể bỏ hàng giờ đề ngồi nghe các bậc cha cha chú nói về môn nghệ thuật truyền thống này. Khi đó tất cả mọi người, già cũng như trẻ đều tay nhịp, tay đàn, miệng ngân nga giai điệu chèo để xua tan những mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả.

Điểm lại những gương mặt tiêu biểu của lớp trẻ ở Khánh Cường trong phong trào hát chèo không thể không kể đến những cái tên khá nổi như: Phạm Thu Hương, Phạm Thị La, Phạm Thị Hồng Hảo…là những người từng đoạt huy chương vàng, bạc trong các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh.


Một buổi tập của CLB chèo xã Khánh Cường (Yên Khánh).

Chị Phạm Thị Thoa ở xóm 9, Nam Cường, xã Khánh Cường cũng là một trong số những phụ nữ có duyên với chèo. Sinh ra và lớn lên ở xã Khánh Thành, một xã có phong trào văn nghệ quần chúng khá sôi nổi của huyện Yên Khánh, đây cũng là địa phương có nhiều giọng hát chèo hay. Thuở nhỏ chị đã rất thích được đi xem diễn các tích chèo cổ do bà con nông dân trong xã tự dàn dựng và biểu diễn như: “Lưu Bình Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Đôi ngọc lưu ly”… 

Khi về làm dâu ở Khánh Cường mỗi dịp tết đến xuân về hay dịp tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng cấp xã tiếng hát chèo ở đây lại làm cho tâm hồn chị thấy xốn xang. Mặc dù hiện nay đang tham gia nhiều vào các hoạt động chính trị xã hội ở địa phương vừa là đại biểu hội đồng nhân dân xã, vừa là bí thư chi bộ, lại công tác gắn bó với công tác hội phụ nữ gần 20 năm nay, song chị vẫn dành thời gian tham gia vào CLB chèo của thôn. Ở tuổi ngoại tứ tuần, tiếng hát của chị đã chinh phục được rất nhiều người yêu thích môn nghệ thuật truyền thống này.

Cũng là người yêu chèo, song với ông Phạm Ngọc Giới, nguyên Chủ tịch UBND xã Khánh Cường tình yêu ấy lại được thể hiện thông qua các kịch bản chèo. Nói về số lượng kịch bản ông Giới đã viết thì có khá nhiều nhưng ông tâm đắc nhiều hơn đó là các kịch bản “Cứ tưởng đâu xa”, “trận tuyến hôm nay”, “hội làng truyền thông dân số”…Ngoài ra ông còn viết lời nhiều làn điệu dân ca cho đơn ca, tốp ca, biên đạo múa… Nhiều kịch bản do ông Giới viết và dàn dựng đã đoạt HCV trong hội diễn cấp tỉnh.

Về Khành Cường lần nay tôi còn may mắn gặp được ông Nguyễn Bá Lộc, 56 tuổi ở xóm 10 Nam Cường một "nhạc cồng" đa năng. Ông Lộc cho biết, năm 1969 ông được đi học nhạc lý tại chùa Yên Liêu xã Khánh Thịnh (Yên Mô) dành cho những người có năng khiếu văn hoá văn nghệ làm hạt nhân cho các địa phương trong việc xây dựng và phát triển phong trào văn hoá văn nghệ. Ngoài thổi sáo, chơi đàn tam, đàn nhị, ông còn thường xuyên dạy nhạc lý và kỹ thuật hát chèo cho thế hệ trẻ trong xóm. Với những thành tích góp phần giữ gìn nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, năm 2001 ông Lộc được Bộ Văn hoá Thông tin tặng thưởng “huy chương vì sự nghiệp văn hoá”.

Anh Phạm Văn Luyện, trưởng Ban văn hoá xã Khánh Cường cho biết, từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng về “giữ gìn và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng bộ, chính quyền xã đã chỉ đạo Ban văn hoá xã có các giải pháp tích cực, hiệu quả để vực dậy vốn nghệ thuật truyền thống của quê hương. Trước tiên xã chỉ đạo thành lập CLB chèo quy mô toàn xã. Tuy nhiên việc thành lập CLB quy mô lớn như trên gặp khó khăn về kinh phí và tổ chức tập hợp diễn viên để luyện tập nên xã đã chỉ đạo mỗi thôn phấn đấu thành lập một CLB chèo. Năm 2002 CLB chèo xóm 10 Nam Cường được thành lập điểm, sau đó nhân ra diện rộng. Đến nay, toàn xã có 17/21 xóm có CLB hát chèo. Trung bình mỗi CLB có khoảng 20 thành viên.

Để phong trào ngày càng phát triển sâu rộng, ngoài việc khuyến khích “truyền nghề’’, chính quyền địa phương còn quan tâm tạo điều kiện về kinh phí hoạt động cho các CLB, trong đó có CLB được xã cho mượn 1 sào ruộng cấy lúa gây quỹ. Đặc biệt, thời gian gần đây Đảng bộ, chính quyền xã Khánh Cường còn đẩy mạnh phát động phong trào đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hoá với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đến nay, toàn xã đã có tới 17/21 xóm có nhà văn hoá.

Chia tay Khánh Cường trong một buổi chiều thu, những làn điệu chèo mượt mà, trữ tình như còn lưu luyến mãi trong tâm trí tôi./.
(Theo Kim Duyên-Báo Ninh Bình)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất