Thứ Hai, 30/9/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 19/11/2009 20:51'(GMT+7)

Những hạt gạo thảo thơm

Cô giáo Duyên trong giờ lên lớp

Cô giáo Duyên trong giờ lên lớp

Đó là câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Duyên, trường Tiểu học Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người thì cũng là từng ấy năm cô giáo Duyên giảng dạy tại trường vùng 3 là vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La. 10 năm giảng dạy tại các trường tiểu học của xã Chiềng Khoang, xã Nậm Ét huyện Quỳnh Nhai, gần 10 năm gắn bó với học trò trường Tiểu học xã Muổi Nọi nên cô giáo Duyên thấu hiểu hơn ai hết cảnh nghèo khó, vất vả của học sinh vùng cao.

Nhiều cha mẹ của học sinh vùng cao bảo: “Cái bụng còn chưa no thì nói chi tới việc học chữ”. Chính từ nhận thức chưa đầy đủ ấy đối với việc học tập của con em đã là một trở ngại lớn ngăn bước các em đến trường. Nhiều đêm trăn trở, cô giáo Duyên nghĩ: “Mình phải làm gì đó để giúp các em đến trường”. Cô tâm sự: "Nhà ở vùng cao rải rác, không tập trung, không ở gần trường, muốn đi học, các em phải đi bộ từ 4 - 5 cây, có lúc phải qua suối, qua đèo. Đến được trường là cả một sự vượt khó. Nhưng đôi lúc muốn đến trường thì cái bụng lại đói. Đến mùa giáp hạt các em hay phải bỏ học ở nhà trông nhà, trông em, giúp việc nhà để bố mẹ đi làm hoặc lên nương theo bố mẹ. Chứng kiến sự khó khăn của học sinh vùng cao nên tôi rất hiểu và thương các em. ”

Những cô giáo trẻ miền xuôi lên như cô Duyên, bám trụ ở vùng cao để gieo chữ là cả một nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt lên chính mình. Chỉ có lòng yêu nghề, yêu học sinh mới giúp họ trụ vững. Nghĩ đến những khó khăn của học sinh vùng cao, cô giáo Duyên lại thấy khó khăn của mình chẳng thấm vào đâu. Sau những trăn trở, dù không thể giúp được các em nhiều về vật chất, cô Duyên đã dồn hết tình yêu thương, sự thông cảm, sẻ chia với các em qua những bài giảng. Cho đến khi cô bàn với chồng, mỗi năm, mùa giáp hạt hỗ trợ học sinh trường Muối Nọi một tấn gạo. Cô Duyên chia sẻ: “Khi tôi bàn với chồng, anh ấy rất ủng hộ. Chúng tôi nghĩ rằng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Khi tôi làm việc này cũng nhiều người cho rằng tôi thế này thế kia, có người còn bảo là “hâm”, nhưng tôi nghĩ mỗi người có một suy nghĩ khác nhau. Số gạo mà tôi giúp các em tuy không nhiều nhưng sẽ là sự động viên để các em tiếp tục đến trường. Người với người sống để yêu nhau mà…”

Vậy là, đã 4 năm, cứ đều đặn đến tháng 4 hàng năm – là tháng thường xuyên xảy ra đói giáp hạt gay gắt nhất trong năm, vợ chồng cô giáo Duyên lại đánh một chuyến xe với một tấn gạo lên trường Tiểu học Muổi Nọi để giúp đỡ các em học sinh trong trường.

Số gạo của gia đình cô giáo Duyên lại được chia ra thành hơn 200 trăm xuất quà, tương ứng với số học sinh nghèo trong trường. Mỗi em trung bình được khoảng 4kg. Một món quà tuy không lớn nhưng vô cùng ý nghĩa trong những ngày đói giáp hạt. Quan trọng hơn, từng hạt gạo trắng trong, thơm thảo còn chứa đựng cả tấm lòng bao dung, chia sẻ và tình yêu thương của gia đình chị Duyên. Tình cảm đó cũng đủ lớn để các bậc phụ huynh học sinh cảm nhận được, từ đó động viên con em mình đến trường đều đặn hơn, quan tâm tới việc học của con cái hơn. Ông Lò Văn Sâm – Phó Ban văn hoá xã hội xã Muổi Nọi vui vẻ cho chúng tôi biết: Trong những năm qua, học sinh tiểu học xã Muổi Nọi chúng tôi thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình cô giáo Duyên. Chúng tôi rất cảm ơn và rất xúc động. Các phụ huynh đã nhắc nhở con em mình, đến lớp đều đặn hơn, không bỏ học nữa kẻo phụ tấm lòng của cô”.

Hỏi chuyện em Lò Thị Nhung - học sinh lớp 1, trường Tiểu học Muổi Nọi sau khi được nhận gạo của cô Duyên, em hào hứng nói: Chúng em được nhận gạo của cô Duyên tặng, chúng em rất vui, và cảm ơn cô giáo. Chúng em hứa sẽ đi học chăm chỉ, đều đặn, không bỏ học nữa”..

Cô Phạm Thị Bình - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Muổi Nọi thì không giấu được sự xúc động xen lẫn tự hào khi nói về hành động nhân ái của cô giáo Nguyễn Thị Duyên. Chị nói: “Trong khi hoàn cảnh gia đình có thể nói là cũng chưa giàu có, nhưng cô Duyên đã biết sẻ chia, động viên kịp thời, giúp các em vượt khó khăn, tiếp thêm cho các em tình yêu và sự gắn bó với trường, với lớp. Trong những năm gần đây, số học sinh nghỉ học, bỏ học đã giảm hẳn. Việc làm của cô giáo Duyên là hành động rất đẹp, rất nhân văn. Đây là niềm tự hào của tập thể giáo viên trong trường và của ngành giáo dục Sơn La, một tấm gương để giáo viên trong trường học tập”

Nếu như những năm, trước tỷ lệ học sinh trường Muổi Nọi bỏ học lên tới hàng chục học sinh thì từ năm 2005 đến nay tỷ lệ này ngày càng giảm dần. Năm học 2008 - 2009, cả trường chỉ có 1 học sinh bỏ học. Đây là con số đầy ý nghĩa, ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của tập thể thầy và trò nhà trường, trong đó có những đóng góp không nhỏ của cô giáo Nguyễn Thị Duyên.

Gia đình cô đã vinh dự được nhận bằng khen của Hội Khuyến học tỉnh Sơn La, giấy khen của UBND, Hội Khuyến học huyện Thuận Châu. Đây chính là sự trân trọng và ghi nhận việc làm đầy nhân hậu, nhân văn. Ít nói, ngại bày tỏ khi được hỏi về việc làm của mình, bởi cô Duyên vẫn còn trăn trở trước cảnh nghèo khó của các em. Cô nói:Các em học sinh ở Muổi Nọi vẫn còn khó khăn lắm. Tôi rất mong sẽ có nhiều nhà hảo tâm,các doanh nghiệp sẽ chung tay, hỗ trợ các em nhiều hơn nữa để các em vơi bớt những khó khăn, được vui chơi, học tập như trẻ em vùng xuôi”.

Trong khi cả nước đang tích cực hưởng ứng cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thì cũng không ít người tỏ ra băn khoăn và có tư tưởng: “học làm sao được”; không ít cá nhân, cơ quan, đơn vị coi việc “học tập” theo Bác là “hình thức” thì việc làm tuy nhỏ của cô giáo Duyên là một nghĩa cử nhân văn cao cả. Tiết kiệm, không hoang phí, chắt chiu để giúp đỡ những người yếu thế hơn mình; một lần nữa hình ảnh “lá lành đùm lá rách”, “một nắm khi đói bằng một gói khi no” của những tháng ngày lịch sử: cả dân tộc làm theo lời Bác, ủng hộ hũ gạo kháng chiến, chống giặc đói được nhắc lại giữa đời thường của ngày hôm nay.

Học Bác, không học điều gì đó xa vời, mà hãy bắt đầu từ những việc làm giản dị, phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của mỗi người. Những hạt gạo nhỏ bé của gia đình cô giáo Nguyễn Thị Duyên thực sự là những hạt gạo trắng trong của tấm lòng thơm thảo.

Thúy Hà - Nguyễn Thuý

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất