Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 19/11/2009 20:53'(GMT+7)

Sính ngoại... không nên!

Tâm lý "sính ngoại" vẫn thường trực trong đa số người dân Việt (Ảnh minh họa).

Tâm lý "sính ngoại" vẫn thường trực trong đa số người dân Việt (Ảnh minh họa).

Có thể nói, đã hơn 40 năm "về với thế giới người hiền" nhưng kho tàng trí thức cũng như những nét bình dị trong cuộc sống, công việc hàng ngày của Bác Hồ lưu lại cho các thế hệ sau vận dụng hoàn cảnh nào cũng toát lên giá trị nhân bản, giáo dục sâu sắc. Chỉ là một mẩu chuyện trong muôn vàn câu chuyện kể về Người, nhưng câu chuyện kể dưới đây lại cho ta thấy thấm thía hơn về cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt cho chuẩn, đồng thời, cũng cảnh báo việc lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài trong cuộc sống ngày nay.

Sách "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một huyền thoại kỳ vĩ", Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương xuất bản năm 2008, có viết: Rất nhiều chuyện kể về Bác Hồ khuyên không nên lạm dụng tiếng nước ngoài. Bác rất ngạc nhiên khi lên tàu Hải quân được cán bộ giới thiệu “đây là thủy vũ” (dụng cụ độ), lên xe hỏa thì nào là cung ứng viên, liệt xa viên (nhân viên hãm phanh). Đến bệnh viện khi nghe báo cáo, cứ thấy các bác sĩ dùng từ bệnh nhân, Bác hỏi lại:

- Thế các chú cho rằng “bệnh nhân” hơn “người bệnh” à?

Làm việc với Bộ Quốc phòng, Bác nói:

- Nên gọi là máy bay, chiến sĩ lái, vùng trời, vùng biển. Không nên gọi là phi cơ, không phận, hải phận...

Thời gian ta nhận được viện trợ, có xe chở xăng bên ngoài in chữ “inflammable”, Bác hỏi cán bộ:

- Chú dịch Bác nghe?

- Dạ, có thể hiểu là dễ cháy, hoặc cấm lửa vì xe chở xăng.

- Đơn vị chú có bao nhiêu người được học tiếng này?

Anh cán bộ thú thật:

- Thưa Bác ít lắm ạ!

Bác nói:

- Xe chở xăng, yêu cầu và vận động người ta không được dùng lửa gần, nghĩa là cấm lửa, nhưng không ai đọc được, không hiểu được là cấm lửa thì cấm thế nào được?

Cùng suy ngẫm:

Có một thực tế mỗi khi suy ngẫm không khỏi chạnh lòng, đó là người Việt “sính ngoại” luôn chiếm tỷ lệ khá cao. Đặc biệt, một số bộ phận còn “sính” đến độ nhiều khi chấp nhận bị lừa, miễn sao gắn được mác ngoại... Khi nói, khi viết hoặc trong giao tiếp hằng ngày cũng vậy, cứ phải "chêm" vào vài thứ tiếng nước ngoài mới thỏa mãn, và cho như thế mới là “sang trọng”, “sành điệu”… Trong khi đó, ngôn ngữ tiếng Việt hoàn toàn có thể diễn tả, diễn đạt và người nghe cũng hoàn toàn có thể dễ dàng hiểu hơn bất kỳ thứ tiếng nào khác đối với bất kỳ người Việt Nam nào... Bởi đó là tiếng mẹ đẻ. Đó là hồn dân tộc...

Cũng phải khẳng định, sử dụng tiếng nước ngoài là điều hoàn toàn được khuyến khích khi chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế và sính tiếng nước ngoài không hẳn là xấu. Nhưng sính đến độ lạm dụng thì lại là một tai hại mang nhiều phản cảm.

Còn nhớ, mới đây, tại một tỉnh được coi là thuần nông Việt Nam, với tỷ lệ nông dân chiếm đến cả gần 100% và trong số này dám chắc có đến hơn 50% người dân chưa một lần được học ngoại ngữ... Bỗng một ngày người dân bắt gặp rất nhiều biểu ngữ, băng rôn với dòng chữ Welcome to the home of Miss World 2010”, “Sorry for any inconvenience caused”. Rất nhiều người không thể đọc được dòng biểu ngữ trên nhưng điều họ hoàn toàn có thể khẳng định chắc chắn là: đó không phải là tiếng Việt, không phải tiếng mẹ đẻ của mình, không phải tiếng mình được học. Không ít người băn khoăn, tiếng Việt đâu rồi? Băn khoăn của phần đông người dân về những dòng chữ lạ cũng được giải đáp, nôm na ra tiếng Việt là nói về cuộc thi hoa hậu thế giới sắp tổ chức tại tỉnh nhà... Chưa biết hiệu quả thông tin ghi trên bằng rôn trên đến đâu nhưng điều có thể dễ dàng nhận thấy là nó đã tạo ra sự phản cảm, đánh đố với người dân nơi đây. Đó chỉ là trong muôn vàn những điển hình về sự sính dùng chữ ngoại.

Hội nhập quốc tế với sự giao thoa giữa các nền văn hóa, việc học cái hay, cái tốt của nước ngoài để thích nghi với sự phát triển chung của nhân loại là điều rất cần. Và tiếng Anh không chỉ là một "tài sản" văn hóa của nhân loại mà còn là "chất" kết nối được số đông sử dụng làm phương tiện để đến gần với nhau. Nhưng trong một môi trường, trong một cộng đồng tiếng Anh chưa được phổ biến, người dân chỉ thông thạo sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ mà đưa tiếng Anh vào sử dụng rõ ràng là lạc lõng. Chúng ta không bài ngoại, nhưng cho rằng mọi thứ đều cần có giới hạn của nó mới là điều đúng đắn.

Trên thực tế, chúng ta đã có quy định khá cụ thể về việc sử dụng tiếng nước ngoài như “Phải sử dụng song ngữ, cỡ chữ tiếng nước ngoài nhỏ hơn tiếng Việt trên các biểu ngữ”. Vậy nhưng việc sử dụng tiếng nước ngoài vẫn rất tùy tiện và không khó để bắt gặp hiện tượng này trên các đường phố, các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày... Nhiều nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ học đã không ít lần lên tiếng, thậm chí đến gay gắt là: Hãy cứu tiếng Việt ra khỏi sự "xâm thực" của tiếng nước ngoài... Tất cả vẫn đang chờ vào ý thức của người Việt đề cao lòng tự tôn dân tộc.

Nhìn ra nhiều góc độ của “sính ngoại” ta thấy: Về mặt văn hóa, trong chừng mực nào đó “sính ngoại” thúc đẩy xu hướng du nhập những luồng văn hóa ngoại lai phản giá trị, cản trở sự phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước; Về kinh tế-xã hội, “sính ngoại” góp phần khiến hàng hóa nước ngoài, hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường, gây ra sự lãng phí lớn (do hàng hóa trong nước không tiêu thụ được trong khi lại phải mất một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu), làm gia tăng nhập siêu, ảnh hưởng đến cung cầu ngoại hối... Nguy hại hơn, “sính ngoại” làm suy yếu khả năng “sống” của hàng hóa Việt ngay tại thị trường trong nước, và vô hình trung làm ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như sự hưng thịnh của quốc gia. Mức độ nguy hại của sự “sính ngoại” càng tăng gấp bội trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Điều này đã được chứng minh trong thời gian qua.

Mới đây, trước yêu cầu đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Chính trị đã đồng ý phát động chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với mục đích vận động người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, từ đó chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tạo động lực tiếp tục chấn hưng kinh tế nước nhà. Có thể nói, đây là một chủ trương cần thiết, kịp thời và rất ý nghĩa trong bối cảnh suy thoái hiện nay.

Quay trở lại với câu chuyện kể về Bác Hồ, ngẫm trong cuộc sống ngày nay buộc chúng ta phải suy nghĩ về những thói quen thái quá, đã đến lúc cần phải “hãm phanh” thói quen dùng đồ ngoại từ tiếng nước ngoài đến hàng nước ngoài... Và mỗi người Việt Nam cần tự nhủ rằng "sính ngoại... không nên"./.

Đỗ Văn Hải
Tổ 1, Phường Long Biên, Q.Long Biên-HN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất