Thứ Tư, 23/10/2024

Một số yêu cầu đặt ra đối với việc tuyên truyền, cổ động xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Trong tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến xây dựng nông thôn mới – nơi người nông dân sinh sống và tiến hành hoạt động chính của mình là sản xuất nông nghiệp. Đây thực sự là một sự nghiệp lớn lao và lâu dài.

Sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số khó khăn, bất cập trong tuyên truyền, cổ động cần được tập trung khắc phục: Nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về nông thôn mới còn chưa đúng và chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền còn chung chung, đơn điệu (giống nhau ở mọi địa phương); chưa có sự kết hợp hiệu quả các nội dung tuyên truyền trên cùng địa bản; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa các chương trình… còn lỏng lẻo, chưa đạt hiệu quả cao. Năng lực cán bộ tuyên truyền còn hạn chế, thiếu một số kỹ năng cơ bản để triển khai tuyên truyền về Chương trình hiệu quả. Huy động các nguồn lực cơ bản, cần thiết cho tuyên truyền, cổ động về Chương trình chưa tương xứng với mục tiêu…

Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân nhưng trong bài viết này, xin trao đổi một số suy ngẫm xung quanh vấn đề tuyên truyền, cổ động xây dựng nông thôn mới mà không tìm hiểu căn nguyên sâu xa ở công tác lý luận, ở quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước về vấn đề này.

Xét trong quá trình của công tác tư tưởng, tuyên truyền, cổ động là giai đoạn tiếp nối của công tác nghiên cứu lý luận nhằm mục đích hướng dẫn, cổ vũ hành động của quần chúng phù hợp với chủ đích của chủ thể tư tưởng; như vậy, tuyên truyền, cổ động gắn chặt chẽ với thực tiễn, nhận sự tác động trực tiếp của thực tiễn, sẽ là  “kênh” phản ánh trực diện những vấn đề của cuộc sống vào công tác lý luận

Nói cách khác, khi đã có đường lối, chủ trương, chính sách thì cần truyền bá, giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ và làm theo. Với một đảng cách mạng thì “tuyên truyền là đem một việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt mục đích đó là tuyên truyền thất bại” (Hồ Chí Minh)

Cổ động là thông tin, giải thích, cổ vũ, động viên mọi người hành động theo mục đích xác định, thông qua các hình thức mít tinh, khẩu hiệu…

Tuyên truyền là hoạt động truyền bá tư tưởng chú trọng chiều sâu còn cổ động thì chú trọng bề nổi.

Tất nhiên là trong những cuộc vận động lớn, khó mà nói tách bạch đâu là tuyên truyền, đâu là cổ động. Xây dựng nông thôn mới là một cuộc vận động lớn của toàn xã hội, ở đó cần sự hòa quyện nhuần nhuyễn của tuyên truyền và cổ động.

Làm thế nào để quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới hiện nay thấm sâu vào đời sống xã hội, đặc biệt là cư dân nông thôn? Theo chúng tôi, những vấn đề sau đây trong tuyên truyền, cổ động cần được coi trọng hiện nay:

Một là, cấp Trung ươnng hướng dẫn kịp thời, sâu sắc và quản lý, giám sát chặt chẽ đồng thời khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội.

“Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên…”[1]. Thực tế hiện nay, số các chuyên gia về tuyên truyền, có cả phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng và năng lực chuyên môn giỏi rất hiếm, đa phần vẫn là hiểu vấn đề trên bề mặt nên không thể truyền tải được “linh hồn” của quan điểm của Đảng vào trong thực tế, thực tiễn của từng địa phương. Ví dụ, xây dựng nông thôn mới thì chủ yếu nhấn mạnh, dừng lại ở một số tiêu chí có tính kỹ thuật (những tiêu chí thuộc cơ sở hạ tầng kỹ thuật), còn “hồn cốt” của đời sống thực sự của người nông dân, của cư dân nông thôn là dân chủ đích thực (chứ không phải dân chủ hình thức), là văn hóa, là tinh thần… cái sẽ trực tiếp tạo nên môi trường xã hội trong lành thì ít được tuyên truyền, giáo dục. Điều này thấy ở khắp nẻo thôn quê, đặc biệt rõ ở vùng nông thôn giáp ranh đô thị (thu nhập tăng rõ rệt song các tệ nạn xã hội trong cư dân tăng gấp nhiều lần…).

Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tuyên truyền, cổ động của địa phương. Thực tế cho thấy, một số địa phương không thực hiện nội dung tuyên truyền theo kế hoạch đề ra hoặc làm một cách hình thức chiếu lệ, làm cho có. Như vậy, công tác tuyên truyền, cổ động thiếu sự đồng bộ, thiếu chiều sâu, không hiệu quả.

Những giá trị của văn hóa truyền thống dân tộc, của nhân loại có sức sống tự thân mạnh mẽ trong dân chúng. Họ là những người khát khao nhất trong tiếp nhận nó, bền bỉ nuôi dưỡng nó cho đời sống con người của mình và họ biết truyền cho nhau những giá trị ấy một cách hiệu quả bởi họ cùng chung tâm lý, cùng chung tâm thức, ngôn ngữ “bình dân” và cùng chung lợi ích tối thiểu. Vì vậy, phải khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia vào các hoạt động của đời sống xã hội (trong đó có hoạt động tuyên truyền) một cách thỏa đáng. Có như vậy, mới khắc phục được sự xơ cứng, duy ý chí, giáo điều, thiếu sức sống, không phù hợp với thực tế cuộc sống của lý luận, của tuyên truyền, cổ động ở nước ta hiện nay.

Công tác cổ động. Cổ động cần có nội dung phong phú, thời sự và hình thức đa dạng phù hợp với tính chất của các mục đích xác định, các đối tượng khác nhau: mít tinh, diễu hành, văn nghệ, thể thao…

Khẩu hiệu cổ động: Kiên định nguyên tắc chỉ có Trung ương Đảng và cấp ủy các cấp mới có thẩm quyền đề ra và quyết định lựa chọn khẩu hiệu trong phạm vi lãnh đạo của mình. Yêu cầu và khuyến khích các ngành, các giới, các đoàn thể đề ra khẩu hiệu cho tổ chức của mình, cho hoạt động trọng tâm của mình trong từng giai đoạn nhưng phải được đảng ủy cùng cấp thông qua. Điều này góp phần khắc phục tình trạng tràn lan các khẩu hiệu chung chung, vô thưởng vô phạt: “Nhiệt liệt hưởng ứng…”, “Thuế là nguồn thu chủ yếu của quốc gia”… Trong từng phạm vi quản lý hành chính, nên treo các khẩu hiệu sao cho tạo thành một hệ thống vừa bảo đảm tính khái quát, toàn diện vừa bảo đảm tính cụ thể, thiết thực:

Ví dụ: “Xây dựng Đời sống mới” trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc ở miền Bắc  

Khẩu hiệu chung: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Diệt giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt”…  

Khẩu hiệu cụ thể có giá trị hướng dẫn, cổ vũ hành động: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”,  “Nghiêng đồng đổ nước ra sông”… và gắn với đối tượng xác định, như với thành niên thì “Ba sẵn sàng”, với phụ nữ thì “Ba đảm đang”…; những mô hình  điển hình tiên tiến cụ thể:  “Gió Đại Phong” (nông nghiệp), "Sóng Duyên Hải" (công nghiệp), “Trống Bắc Lý” (giáo dục), "Cờ ba nhất" (quân đội)…

Thiết nghĩ, ngày nay “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”  hay “Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân” hay "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", “Toàn dân tích cực xây dựng nông thôn mới” là những khẩu hiệu bao quát, nói được bản chất của xã hội mà chúng ta đang xây dựng, nhưng không nên dừng ở đó mà cần phải được cụ thể hóa bằng nhiều khẩu hiệu thích hợp, cụ thể, gần gũi với người dân và phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ trọng tâm của từng địa phương trong từng thời kỳ.

Một mặt, cần ưu tiên dành những vị trí thuận lợi cho việc xây dựng các cụm tuyên truyền, cổ động cho các nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương[2] và các pano, áp phích phải được thực hiện trang trọng, nghệ thuật mang lại ấn tượng tích cực trong tâm lý của quần chúng. Mặt khác, các chủ thể tuyên truyền, đặc biệt là các cấp ủy, chính quyền phải ý thức rõ giá trị của tuyên truyền, cổ động để thực hiện một cách thực chất…, nếu không, tuyên truyền, cổ động lại sẽ trở thành phản tuyên truyền[3].

Hai là, tuyên truyền trên cơ sở hiểu rõ ý dân, lắng nghe dân, chú trọng những vấn đề mà  nhân dân phản ánh mạnh mẽ nhất làm trọng tâm, tìm lời giải trong tinh thần của các chủ trương, chính sách đã có của Đảng, Nhà nước và dũng cảm phản ánh trung thực, tích cực tham mưu để Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách ngày càng đáp ứng được quyền lợi chính đáng và ý nguyện của Nhân Dân.

 Ý dân, lòng dân không tự nhiên bày ra rõ ràng, mạch lạc ra trước mặt người tuyên truyền. Chỉ có đi sâu, đi sát, cùng lợi ích cơ bản, cùng tâm nguyện với dân và thực sự tôn trọng dân thì người tuyên truyền mới biết lắng nghe và nắm bắt được ý dân; phải thông qua điều tra, khảo sát một cách thực chất, khoa học mới phát hiện và đánh giá đúng đắn thực chất ý dân, lòng dân trong xã hội. Đây chính là sự thể hiện đầy đủ nhất chủ trương lãnh đạo vì Dân, của Đảng và chắc chắn chủ trương ấy sẽ nhận được sự tán thành, ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân lao động. Nếu không hiểu rõ ý dân, không biết nhân dân mong đợi những gì, không biết hoặc cố tình không đánh giá đúng thực chất chất lượng, hiệu quả tuyên truyền những chủ trương, chính sách trong một thời gian triển khai nhất định như thế nào thì mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đểu trở nên giáo điều, hình thức hoặc duy ý chí. Thậm chí, tiếp diễn lâu dài sẽ phản cảm, gây tâm lý phản ứng tiêu cực.

Tiềm năng trí tuệ trong dân chúng là vô cùng. Ước nguyện của dân chúng bao giờ cũng thiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết: “Dân chủ. Sáng kiến”. Ở đâu có dân chủ, ở đó có sáng kiến. Lịch sử dân tộc ta đã nhiều lần chứng minh chân lý ấy trong thực tiễn bảo vệ và xây dựng đất nước. Vì vậy, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc nguyên tắc hoạt động của Đảng kiểu mới, đặc biệt với vị thế cầm quyền trong thời đại bùng nổ thông tin, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng hiện nay thì phải thực hành dân chủ thật thà, cầu thị để có được nguồn tri thức dồi dào, từ đó chắt lọc, tập trung đúng đắn. Như vậy, trong tuyên truyền cần coi trọng thông tin 2 chiều, coi trọng ý dân từ tâm thế bình đẳng với nhân dân, kính trọng nhân dân. Thực hiện điều này không dễ trong xã hội Việt Nam hiện nay bởi trong đời sống xã hội nói chung, trong đội ngũ công chức, viên chức nhà nước nói riêng vẫn đậm tâm lý, thói quen của các giai đoạn lịch sử trước đây để lại: “xin, cho” trong các quan hệ xã hội theo thứ bậc, nhuốm màu “gia đình chủ nghĩa”, quyền lực một chiều - “hành chính, cai trị” dẫn tới thói “nịnh trên nạt dưới”, cơ hội, xu thời, vừa coi thường vừa sợ dân chúng.

Ba là, thông tin chân thực, thiết thực, cụ thể và phân tích khách quan. Thông tin chân thực là thông tin đúng sự thật, tức không thêm bớt, thổi phồng, bóp méo (thổi phồng thành tích, che dấu khuyết điểm)

Thực hiện yêu cầu trên phụ thuộc trực tiếp với cái tầm và cái tâm của chủ thể tuyên truyền.

Bốn là, tuyên truyền, cổ động thông qua sự nêu gương, đặc biệt là những tấm gương của lãnh đạo các cấp và tấm gương của những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Kinh nghiệm cho thấy, chính việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên, quần chúng, những nhân tố tích cực ở cơ sở… để giáo dục là phương pháp tuyên truyền, giáo dục sinh động, có sức thuyết phục; là cách thực hành tốt nhất đường lối quần chúng, biết dựa vào dân trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Không chỉ coi trọng tuyên truyền những tấm gương điển hình, còn cần phải yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền giáo dục cũng phải là một tấm gương sáng.

Năm là, đa dạng về nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền và phối hợp, điều phối các lực lượng tuyên truyền hợp lý, nhịp nhàng.

Cơ cấu xã hội và trình độ phát triển của các nhóm xã hội hiện nay rất đa dạng, cũng như  trình độ phát triển ở các khu vực rất khác nhau… Cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn chung xong cũng cần phân cấp mạnh, giao cho đảng ủy địa phương, Bộ, ngành, Ban tuyên giáo các cấp dưới…, khuyến khích các tổ chức đoàn thể xã hội tiến hành tuyên truyền cho đối tượng thuộc phạm vi mình phụ trách.

Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cần ban hành kế hoạch tuyên truyền theo giai đoạn và phải chú trọng giải pháp phối  hợp các lực lượng tuyên truyền, các nội dung tuyên truyền, cổ động thật sự sâu rộng trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng dân cư và tới tận từng gia đình của cư dân nông thôn. Phải tổ chức thường niên hội nghị lồng ghép cho doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ trang trại… nhằm tuyên truyền trực tiếp về nội dung xây dựng nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ… để mọi tổ chức kinh tế có nhận thức đúng và chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới.

Tổng kết thực tiễn, đánh giá khách quan chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, cổ động của tất cả các chủ thể… từ đó góp phần đổi mới tư duy của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động  xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, mang lại những lợi ích thiết thân cho người dân, đặc biệt là người nông dân. Để đạt được mục đích ấy đòi hỏi, trước hết phải đổi mới tư duy, cả trong nghiên cứu lý luận và tuyên truyền cổ động. Sự kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tuyên truyền, cổ động là một mắt khâu quan trọng của việc truyền bá, hiện thực hóa tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào đời sống xã hội; tạo thành động lực trực tiếp thúc  đẩy người nông dân, cư dân nông thôn nâng cao văn hóa kinh tế, văn hóa chính trị và văn hóa xã hội để thực sự trở thành những người làm chủ cuộc sống của mình, tham gia cùng làm chủ xã hội./.

------------


1.
    Phan Thanh Khôi Xây dựng nông thôn mới-sự nghiệp lớn lao và lâu dài, Tạp chí Lý luận chính trị số 6, (2014), tr20-23;
2.    Ban Tuyên giáo Trung ương, Kỷ yếu Tọa đàm đổi mới phương thức công tác tuyên truyền hiện nay (2014)


[1] NQTW4, XI.

[2] Hiện nay, đa số các vị trí thuận lợi nhất (trên các trục đường giao thông chính, không gian trung tâm của đô thị hay cộng đồng dân cư)  là các băng rôn, biển quảng cáo của các hoạt động thương mại.

[3] Cụm pano cổ động các nhiệm vụ chính trị trọng yếu hiện nay “bị” thực hiện thiếu nghiêm túc, phản cảm ngay tại cổng chính của UBBN phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội (cỏ mọc che khuất một phần nội dung cổ động, rách thủng, bên cạnh bãi rác) là một trong những ví dụ. 

PGS.TS.Đoàn Thị Minh Oanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất