Một mùa xuân đến, trời đất lại ấm áp tươi đẹp hẳn lên, sau những ngày lạnh giá và ảm đạm của mùa đông đã đi qua. Những thiếu nữ với những bộ quần áo dài truyền thống, đạp xe trên đường làng, phố đông, làm cho cảnh sắc của mùa xuân lại thêm lãng mạn, rộn ràng báo hiệu cho sức sống mới của mùa hoa trái. Những thiếu nữ, khi mùa xuân đến tăng thêm một tuổi, sức hồng cũng bừng lên với đất trời, biểu hiện cho một niềm vui mới ở lứa tuổi hai mươi. Đẹp biết chừng nào khi người thiếu nữ hất mái tóc mềm, lắc nhẹ đôi vai và nở một nụ cười duyên dáng từ khuôn mặt đôn hậu lộ ra trên làn nắng làm cho đôi môi và da má thêm hồng, đó chính là lúc mà ngôn ngữ của hội hoạ, bắt đầu mở cánh cửa cho nét bút đầu tiên.
Người ta thường miêu tả thiếu nữ ở thời tiết mùa xuân là có lý. Xét cho cùng thì không có hoa nào đẹp bằng thiếu nữ. Thiếu nữ chính là hoa của đất trời, của tạo hoá, của nguồn cảm hứng vô tận đối với văn nghệ sỹ, không ít tác phẩm văn học nghệ thuật nào mà không nói đến người thiếu nữ. Nhưng cũng không có nghĩa là cứ thiếu nữ đẹp và là biểu tượng cho bông hoa đẹp. Ở đây tôi chỉ đề cập đến việc miêu tả chân dung thiếu nữ đẹp thông qua ngôn ngữ hội hoạ. Như mọi người đã biết khác với hội hoạ đặc trưng của văn học là ngôn ngữ và hình tượng, âm nhạc là âm thanh và nhạc điệu, còn hội hoạ là đường nét và màu sắc. Vì vậy hoạ sỹ vẽ chân dung nói chung, thiếu nữ nói riêng, người ta phải xuất phát từ thực tế của con người thực trong cuộc sống. Không có ai tự muốn vẽ như thế nào là tuỳ theo ý của mình và bắt người khác phải khen là chân dung ấy đẹp. Có nhiều hoạ sỹ vẽ tranh sinh hoạt, phong cảnh, tĩnh vật thì rất tốt hoặc vẽ chân dung ở các lứa tuổi khác nhau cũng đạt được một trình độ nhất định, song khi vẽ chân dung thiếu nữ có hình thể và dung nhan đẹp thì cũng không phải dễ. Đó chính là phương pháp tư duy khoa học giữa tổng thể và chi tiết miêu tả chân dung. Nói một cách khác miêu tả chân dung con người là phải có thần, có hồn mà người xem cảm thấy chân dung đó không những đẹp, dễ gần, dễ mến, dễ thương nhưng chưa chắc đã yêu được con người ấy nếu họ là người có thật trong đời. Đó là cái đẹp đôn hậu, quý phái, đoan trang thậm chí còn kiêu hãnh với dung nhan trời phú của chính mình. Có nhiều người cho rằng vẽ chân dung thiếu nữ đẹp là phải mặt trái xoan, môi trái tim, mắt chim bồ câu… là đẹp.
Nếu cách thể hiện như vậy chưa hẳn đã là đẹp, thậm chí có tổng thể chi tiết trên khuôn mặt là lông mày đẹp, mũi đẹp, miệng đẹp, mắt đẹp, tóc đẹp, khuôn mặt trái xoan đẹp… nhưng chưa hẳn có chân dung thiếu nữ đẹp. Trong toán học thì cộng các số đẹp giống nhau ta sẽ có một số lớn đẹp, nhưng trong hội hoạ thì chưa hẳn đã là đẹp.
Khi miêu tả Thuý Vân trong truyện Kiều, Nguyễn Du viết:
“Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da…”
Và “… Làn thu thuỷ nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh…”
Rõ ràng Nguyễn Du không hề nói tới khuôn mặt trái xoan mà miêu tả Thuý Vân có khuôn mặt đầy đặn như mặt trăng, không nói môi Thuý Vân như trái tim… Và gần cuối truyện Kiều, Nguyễn Du vẫn miêu tả chân dung của nàng Kiều rất đẹp nhưng ở một thần sắc khác mà qua mười lăm năm lưu lạc khi trở về đoàn viên với cha mẹ của nàng đó chính là cái đẹp tâm hồn, cái đẹp cốt cách thuộc tính bên trong kể cả về mặt thể chất và tinh thần:
“Ông bà trông mặt cầm tay
Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra
Bấy chầy dãi nguyệt dầu hoa
Mười phần xuân có gầy ba bốn phần”
(Truyện Kiều trang 222 NXB Hà Nội 1999)
Ngay trong văn học, cách miêu tả tài tình ấy của Nguyễn Du cũng không cụ thể độc lập riêng rẽ các chi tiết trên khuôn mặt mà nằm trong mối quan hệ của sự vật xung quanh, ấy là chưa nói đến việc đề cập cách so sánh tài tình trong miêu tả thiếu nữ đẹp của Nguyễn Du. Và cách dùng thuật ngữ “dung quang” mà không dùng “dung nhan” chính là cái đẹp hài hoà giữa hình thể và nội tâm, mặc dù thời gian đã làm gầy đi ba bốn phần nhưng gương mặt và tâm hồn của nàng Kiều vẫn trong sáng. Quay lại vấn đề nói trên khi miêu tả thiếu nữ đẹp bằng ngôn ngữ hội hoạ chính là nếu có các chi tiết đẹp trong khuôn mặt mà không tính đến cách bố cục, xếp đặt vị trí của các chi tiết ấy trong mối quan hệ của khuôn mặt thì không thể có chân dung đẹp. Có nghĩa là: miệng cách mũi tỉ lệ là bao nhiêu thì hợp lý, trán và lông mày, miệng cách hàm như thế nào là vừa phải… nói tóm lại muốn có dung nhan đẹp của một con người nói chung, thiếu nữ đẹp nói riêng ngoài có các chi tiết như mắt, mũi, miệng, khuôn mặt đẹp là chưa đủ mà phải được cấu trúc bố cục thật chặt chẽ, hài hoà với tỉ lệ cân đối mới có dung nhan đẹp. Chắc chắn chân dung thiếu nữ ấy sẽ có hồn có thần sắc và bộc lộ rõ nét mà người xem cảm thụ được, qua nét vẽ của họa sỹ.
Trong thực tế các hoạ sỹ đã dựa vào quy luật bố cục trên khuôn mặt mà người ta đã biếm hoạ một số nhân vật như tổng thống ở một số nước từ chân dung có nét bình thường thành chân dung dị dạng, xấu đi rất nhiều nhưng thần sắc vẫn giống người đó, người xem biết ngay tranh ấy là vẽ ông tổng thống nào rồi.
Có chân dung đẹp chưa đủ mà còn phải nói đến dáng (hình thể) có đẹp có cân đối không? Người ta thường nói “nhất dáng nhì da thứ ba là mặt” dáng người cũng là một yếu tố tạo hoá ban cho thiếu nữ trở nên đẹp một cách hài hoà cân đối, là cái đẹp tổng thể, xét về mặt tạo hình. Các cuộc thi hoa hậu thế giới cũng như trong nước người ta đã phải tính đến số đo vòng một, vòng hai, vòng ba… , đó chính là tỉ lệ cân đối của người đẹp. Trong hội hoạ các yếu tố chủ yếu như: đường cong của bộ ngực, bụng mông là hết sức quan trọng. Nó tạo ra một sự hấp dẫn trong mối quan hệ giữa nam và nữ, giữa nữ với nữ một cách tự nhiên mà không ai có thể phủ nhận được. Sự tạo dáng đó là “thắt đáy lưng ong” và nhiều chi tiết nữa trên cơ thể phụ hoạ như bàn tay, dáng đi uyển chuyển, dáng ngồi thanh cao… và nụ cười duyên dáng, tất cả nói lên dáng và thế của người thiếu nữ đẹp.
Nói chung, nhan sắc chân dung, hình thể, dáng đi đứng, ngồi có tính hợp lý của thiếu nữ và được đặt vào một không gian thích hợp sẽ làm bức tranh đẹp cả nội dung lẫn nghệ thuật. Người hoạ sỹ là chủ thể để miêu tả lại một thiếu nữ thông qua ngôn ngữ của hội hoạ với một cấu trúc bố cục nằm trong một gam màu tươi sáng, ấm áp của mùa hoa trái mà hoạ sỹ đã chọn. Trong bài viết này tôi không đi sâu tỉ mỉ giải phẫu của việc nghiên cứu vẽ hình thể mà chỉ đề cập đến một cách khái quát để người xem dễ hiểu, dễ cảm thụ một bức tranh thiếu nữ trong mối quan hệ cấu trúc hợp lý, hài hoà ở người thiếu nữ ấy mà hoạ sỹ cần miêu tả.
Tuy nhiên, vẽ tranh thiếu nữ đẹp ngoài những yếu tố bố cục tổng thể và chi tiết như đã nói trên chưa đủ, mà còn phải đi sâu nghiên cứu một số chi tiết ở khuôn mặt, mắt và miệng coi đó là điểm nhấn của tinh thần. Đây chính là bí quyết quan trọng nhất để hoạ sỹ tả thần sắc một cô gái theo ý muốn của tác giả. Mối quan hệ giữa mắt và miệng vừa mang tính độc lập vừa mang tính logic hữu cơ với nhau khi biểu hiện nội tâm. Mặc dù chức năng của miệng và mắt trong cơ thể con người có khác nhau nhưng khi bộc lộ tình cảm thì lại tương đối thống nhất. Nếu đôi mắt cười là cũng có nghĩa là miệng cười. Người ta nhìn miệng cười, mắt cười là biết trong lòng con người ấy vui như thế nào rồi. Do đó nhiều hoạ sỹ tài danh đã thành công về đôi mắt, đôi môi của thiếu nữ trong tranh.
Thế đấy, đời người hoạ sỹ mấy ai vẽ được nhiều tranh thiếu nữ đẹp, may ra được vài ba bức đã là quý lắm rồi.
Nhân mùa xuân mới, tôi viết đôi lời tâm sự với người yêu thích xem tranh nhất là vào dịp mùa tranh tết, tranh xuân, hoa xuân, mùa hoa đẹp, đẹp mãi như những thiếu nữ trong tranh.
Hoạ sỹ: Hoàng Hoa Mai