Thứ Bảy, 21/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Năm, 29/3/2012 22:30'(GMT+7)

Nâng cao vai trò của cấp uỷ và lãnh đạo đơn vị, địa phương trong công tác vận động quần chúng

Chiến sĩ Đồn Biên phòng 473 (huyện Mộc Châu, Sơn La) giao lưu văn nghệ với các em học sinh dân tộc Mông.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng 473 (huyện Mộc Châu, Sơn La) giao lưu văn nghệ với các em học sinh dân tộc Mông.

Là một tỉnh phía Tây bắc của Tổ Quốc, lâu nay Sơn La là một trong những trọng điểm về trung chuyển ma tuý của khu vực “Tam giác vàng”. Tội phạm về ma túy luôn lợi dụng địa hình núi rừng hiểm trở, điều kiện kinh tế-xã hội khu vực biên giới còn thấp, nhất là những hạn chế, lạc hậu về trình độ nhận thức, phong tục, tập quán của quần chúng nhân dân... để xâm nhập, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển ma tuý đi vào nội địa và ra nư­ớc ngoài.

Trước tình hình đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La (BĐBP) đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương để vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm ma tuý, góp phần quan trọng trong phòng ngừa, trấn áp, làm tan rã nhiều ổ, nhóm tội phạm về ma tuý, giữ vững trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Trong những năm qua, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch số 121-KH/TU ngày 5/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng mô hình công tác “Dân vận khéo”; trên cơ sở Hướng dẫn số 08-HD/BDVTU ngày 28/4/2009 của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La đã có kế hoạch số 707/KH-BCH ngày 4/6/2009 về việc chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình công tác “Dân vận khéo” trong các đơn vị BĐBP tỉnh. Trong kế hoạch đã xác định rõ mục đích yêu cầu, nội dung phương pháp tiến hành và các biện pháp tổ chức triển khai thực hiện cho các đồn Biên phòng, giao cho mỗi đơn vị phải căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn xây dựng một mô hình công tác “Dân vận khéo” phù hợp đạt hiệu quả cao.

Riêng trong năm 2010, BĐBP tỉnh Sơn La đã vận động 16 đợt với 186 lượt quần chúng nhân dân tham gia tuần tra, bao vây, truy quét, mật phục tạo áp lực hỗ trợ góp phần tích cực vào thành công của các chuyên án (điển hình là các chuyên án 103L, 107L, 109L, 110L, 113L và 114L...), đã bắt giữ được 18 đối tượng; thu giữ 61 bánh Hê-rô-in, 6,5 kg nhựa thuốc phiện, nhiều súng quân dụng và các phương tiện khác. Tiêu biểu như Chuyên án 103L, lực lượng quần chúng nhân dân đã tham gia phối hợp với BĐBP tỉnh mật phục, truy quyét bắt giữ 2 đối tượng, thu giữ tang vật là 50 bánh Hê rô in, 400 viên ma túy tổng hợp, 2 khẩu súng quân dụng...

Cùng với việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy đơn vị cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương thì việc triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng là những nhân tố quan trọng góp phần vào thành công trong phòng, chống tội phạm về ma tuý ở khu vực biên giới.

Hoạt động phòng, chống tội phạm về ma tuý của lực lượng BĐBP nói chung, BĐBP tỉnh Sơn La nói riêng là hoạt động có mục đích, có tổ chức, có lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất. Kết quả vận động quần chúng trong phòng, chống tội phạm ma tuý ở khu vực biên giới tỉnh Sơn La trong những năm qua rất đáng khích lệ, đây không chỉ là sản phẩm của hoạt động có ý thức và tự giác của cán bộ chiến sĩ các cấp trong BĐBP tỉnh mà còn thể hiện sự thành công trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao, định hướng rõ ràng và phối hợp đồng bộ, nhất quán.

Thực tiễn hoạt động phòng, chống tội phạm về ma tuý của BĐBP tỉnh Sơn La cho thấy, ở những nơi tiến hành công tác vận động quần chúng chưa cao đều có nguyên nhân từ hạn chế trong nhận thức về vai trò lãnh đạo của cấp ủy và chỉ huy đơn vị cũng như cấp uỷ, chính quyền địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, để đáp ứng có hiệu quả đối với nhiệm vụ được giao, thì một trong nhân tố cơ bản, quan trọng chính là phát huy, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chỉ huy đơn vị cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy ở khu vực biên giới, BĐBP tỉnh Sơn La xác định những nội dung trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Một là, th­ường xuyên quán triệt các quan điểm, chủ trư­ơng, đư­ờng lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nư­ớc về công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc, tôn giáo, định canh, định cư, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội...; quán triệt và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng ủy, Bộ Tư­ lệnh BĐBP, các văn bản, hư­ớng dẫn của các cơ quan nghiệp vụ cấp trên, Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La về công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm ma tuý khu vực biên giới.

Hai là, chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện những tụ điểm, địa bàn trọng điểm, phức tạp về hoạt động của tội phạm ma tuý để kịp thời đề xuất, tham mưu và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo giải quyết có hiệu quả về công tác vận động quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý với phư­ơng châm: sâu sát, thiết thực, hiệu quả, chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ; tạo điều kiện cho quần chúng tham gia đấu tranh, giữ vững ổn định địa bàn.

Ba là, Th­ường xuyên chăm lo, xây dựng, củng cố, kiện toàn lực l­ượng chuyên trách làm công tác vận động quần chúng. Coi đây là lực lư­ợng quan trọng, th­ường xuyên bám địa bàn, bám dân, trực tiếp cùng địa phương tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm ma tuý.

Có kế hoạch chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác vận động quần chúng toàn diện cả về số l­ượng và chất l­ượng, cả về biên chế tổ chức và về phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công tác vận động quần chúng nói chung, vận động quân chúng tham gia phòng, chống tội phạm ma tuý khu vực biên giới nói riêng.

Bốn là, trong các nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy, chi bộ, đảng bộ phải đề ra chủ tr­ương, biện pháp lãnh đạo công tác vận động quần chúng cho phù hợp thực tế từng địa bàn; tùy theo tình hình nhiệm vụ cụ thể để có nghị quyết chuyên đề phù hợp. Trong nghị quyết lãnh đạo cần đánh giá đúng thực trạng, nguyên nhân, dự báo tình hình diễn biến trong thời gian tới; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, ph­ương h­ướng, nhiệm vụ, biện pháp tiến hành và các lực lượng cần phối hợp, hiệp đồng. Đồng thời phải có sự thống nhất trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý ở khu vực biên giới, lấy chủ động, phòng ngừa, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục là chính, không để sơ hở mất cảnh giác, bị động bất ngờ.

Trên cơ sở nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, biện pháp tiến hành và triển khai một cách toàn diện, đồng bộ; coi trọng việc bố trí, sử dụng lực l­ượng; công tác chỉ huy, chỉ đạo và chế độ kiểm tra, báo cáo phải thực hiện đúng quy định. Trong từng thời điểm cụ thể phải chỉ đạo tập trung lực lượng, phối hợp với các ngành, các lực l­ượng tại chỗ triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, tập trung giải quyết cơ bản tình hình.

Năm là, trong quá trình chỉ đạo phải coi trọng công tác kiểm tra, thông qua đó nắm chắc tình hình thực tế; đánh giá, xem xét toàn diện, chính xác kết quả từng mặt công tác, kịp thời phát hiện những sai sót, sơ hở, lệch lạc, yếu kém để có chủ trư­ơng, biện pháp khắc phục kịp thời. Sau mỗi đợt công tác hoặc định kỳ sáu tháng, một năm, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; đánh giá ­ưu, khuyết điểm, những việc làm đ­ược và chư­a làm đ­ược, tìm ra nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm để đề ra cách giải quyết có hiệu quả nhất trong công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm ma tuý ở khu vực biên giới./.

Phạm Thắng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất