“Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố” - thấm nhuần lời dạy của Bác, trong thời gian qua, nhiều tập thể, cán bộ, công chức, đảng viên TP mang tên Bác đã không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu để phục vụ tốt hơn cho nhân dân.
Tham dự chương trình giao lưu “Ngàn hoa dâng Bác” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức tối 8-12 có các đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM...
Chuyện kể chiều 29 Tết
Chiều cuối năm, Phòng cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận một bệnh nhân nữ độ chừng 40 tuổi. Chị bị chứng chậm nhịp tim. Nếu như người bình thường, mỗi phút tim đập khoảng 70-80/lần thì trái tim của chị chỉ đập được 30 nhịp. Máu không kịp bơm lên não nên bệnh nhân ngất liên tục. Để có cơ may sống sót, chị cần một máy tạo nhịp tim, trị giá khoảng 20 triệu đồng. Khi nghe bác sĩ thông báo tình hình, người nhà bệnh nhân bật khóc rồi xin bệnh viện cho về nhà.
Một cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra trong đầu người thầy thuốc. Nếu chấp thuận đơn xin về của người bệnh, bệnh viện sẽ nhẹ gánh, không cần phải lo đến khoản chi phí mua máy, không cần phải ở lại trực. Cả ê kíp mổ sẽ được về sum họp với gia đình chiều 29 Tết. Nếu giữ bệnh nhân ở lại, ngoài những gánh nặng nói trên, khả năng sống sót của bệnh nhân cũng không ai dám bảo đảm.
Cuối cùng, các bác sĩ trình bày với ban giám đốc xin đề xuất bệnh viện hỗ trợ máy và mổ đặt máy cho bệnh nhân với lập luận: “Nếu để người bệnh ra về, nhiều khả năng chị sẽ chết khi chưa ra khỏi cổng bệnh viện. Chỉ cần có 1% hy vọng cũng phải thử để cứu sống bệnh nhân”. Cuối cùng, bệnh nhân đã được cứu sống. Đằng sau chị là 4 đứa trẻ nheo nhóc được cứu khỏi nguy cơ mồ côi.
Câu chuyện của bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định tại buổi giao lưu nhận được rất nhiều tràng vỗ tay của người xem. Bác sĩ Giao cho biết: “Hàng năm, bệnh viện chúng tôi miễn giảm viện phí cho người nghèo khoảng 4 tỷ đồng. Đứng trước những tình huống cấp bách, tập thể y bác sĩ luôn tâm niệm: Tiền bạc, chi phí phải đặt ra phía sau, trước mắt chúng tôi chỉ có bệnh nhân và việc cứu chữa. Dù bệnh viện có thất thu bao nhiêu thì cũng phải chấp nhận”.
Triển khai cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bệnh viện chọn khâu giáo dục bồi dưỡng y đức cho nhân viên, bác sĩ và cải cách thủ tục hành chính làm điểm nhấn đột phá. “Chúng tôi thường xuyên tổ chức những buổi thực hành giải quyết tình huống cho cán bộ nhân viên. Những tình huống y tế giả định được đặt ra. Y bác sĩ, nhân viên lần lượt lên bắt thăm trả lời. Với những câu trả lời hay, chúng tôi thưởng ngay tại chỗ.
Là bệnh viện nằm ở cửa ngõ Đông Bắc - nơi có ít bệnh viện, 5 năm trước, mỗi ngày Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận từ 1.500 - 2.000 bệnh/ngày. Hiện nay, lượng bệnh tăng gấp đôi. Từ năm 2007, bệnh viện áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. Nếu như trước đây, mỗi người bệnh đến khám phải nộp sổ rồi chờ đợi xếp hàng từ 4 - 5 giờ sáng thì nay, thời gian chờ đợi để khám lần đầu chỉ mất 15 phút. Những lần khám sau chỉ mất 5 - 7 phút chờ.
Vì nhân dân quên mình
Trung tuần tháng 7-2007, vào khoảng 8 giờ tối, Trung tá Phùng Văn Đẳng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra phòng chống ma túy Công an TPHCM đang ăn cơm thì nhận được tin báo có đối tượng sử dụng 1 em bé 5 tuổi bó ma túy vào cơ thể em bé để lọt qua cửa khẩu vào Việt Nam. Anh lập tức lên đường. Vừa kéo mạnh tay ga, trên đường, anh vừa dùng điện thoại di động điều động anh em phối hợp tác chiến. Cuối cùng, anh tiếp cận được đối tượng, cứu được em bé và thu 2 bánh heroin, 200g ma túy.
Cũng trong chuyên án này, anh tiếp tục cùng đồng đội phục bắt một đối tượng khác vào lúc 5 giờ sáng. Lần đó, đối tượng buôn ma túy đã nài nỉ đem toàn bộ tài sản gồm 300 triệu đồng, 20.000 USD hối lộ cho anh và đồng đội; đổi lại, chỉ cần anh im lặng cho hắn tẩu thoát. Với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, anh cương quyết lắc đầu. Suốt 7 ngày liền, anh em trong đội của anh đã bắt được 14 đối tượng, thu giữ một khối lượng đáng kể ma túy.
Anh chia sẻ: “Chúng tôi luôn tâm niệm, đã bước vào hàng ngũ công an, suốt đời phải phấn đấu, sẵn sàng hy sinh. Chỉ cần chúng tôi chần chừ, trì hoãn một giờ, một phút, bao nhiêu ma túy sẽ tuồn về đất nước, cướp đi tương lai của biết bao thanh niên. Giúp xã hội cũng là giúp làng xóm mình, quê hương mình và cả gia đình mình nữa”.
Nhiều điển hình khác cũng được giới thiệu trong buổi giao lưu như các thành viên thuộc đội cán sự xã hội phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM - những cựu chiến binh làm tốt công tác phòng chống ma túy và giúp đỡ người hồi gia tái hòa nhập cộng đồng; các thành viên đội quản lý thị trường huyện Bình Chánh - những cán bộ công chức tuy nghèo nhưng rất nhiều lần từ chối tiền hối lộ, mua chuộc của doanh nghiệp để thực thi tốt chức trách của mình.
Nói như cựu chiến binh Đặng Minh ngụ tại quận 7, TPHCM: “Chúng ta có quyền tin rằng từng ngày, từng giờ, những hành động tốt, những việc làm đẹp của nhiều cá nhân sẽ góp phần làm trong sạch hơn xã hội”./.
(Theo: SGGP)