Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người đảng viên, cán bộ, công chức phải luôn rèn luyện đạo đức, lấy tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh soi rọi vào mọi cử chỉ, hành vi, hành động của mình trong công việc, trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, quan hệ với quần chúng nhân dân và rộng lớn hơn là trong quan hệ giữa người với người, cốt làm sao những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người công chức, của người cán bộ, đảng viên mãi mãi là điều mà khi nói đến ai ai cũng ngưỡng mộ và đề cao.
Làm theo Bác, đối với người đảng viên, trước hết phải thấm nhuần và thực hiện tốt Luật Cán bộ Công chức, mà trong đó, có một nội dung rất quan trọng là “đạo đức công chức”. Khái niệm này không lạ đối với nhiều cán bộ, công chức và đã được quy định trong Luật Cán bộ Công chức được Quốc hội thông qua ngày 13-11-2008. Trong các mục 3 và 4, từ điều 15 đến điều 18 có quy định về đạo đức, phẩm chất, văn hoá, nhiệm vụ, trách nhiệm… của cán bộ công chức.
Thực hiện Luật Cán bộ Công chức, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đạo đức của các cán bộ, công chức trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn một số điều cần suy ngẫm...
Những biểu hiện làm xấu đi hình ảnh người cán bộ, đảng viên, nhất là trong các cơ quan nhà nước cần bị lên án, chẳng hạn như hiện tượng nịnh trên, nạt dưới, tự cao, tự đại, xem thường người khác. Những đối tượng này thường nói “lời hay ý đẹp”, lúc nào cũng tỏ ta đây “biết tuốt”, có khả năng bàn luận toàn chuyện “vĩ mô” của địa phương mình, của đất nước, của thế giới nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải thế. Nguy hiểm nhất là lời nói không đi đôi với việc làm, nói nhiều, làm ít, miệng nói lời cao đạo nhưng tư tưởng, tình cảm và việc làm thì mang nặng đầu óc cá nhân, tư lợi. Thứ hai là loại người tranh giành quyền lợi, trốn tránh trách nhiệm. Việc gì có lợi cho mình thì họ hăng hái, việc gì nhắm thấy không có lợi cho riêng mình thì thờ ơ, tìm cách lảng tránh, đẩy cho người khác. Nếu ở cơ quan, đơn vị nào đó có trọng dụng loại người như vậy là điều thật đáng buồn và nguy hiểm! Đó là “con sâu làm rầu nồi canh”, làm hoen ố đạo đức công chức, cán bộ, đảng viên.
Điều đáng lo là không phải ai cũng muốn đối đầu, nói thẳng, nói thật về đối tượng này. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, người ta không muốn nói hoặc không dám nói đến. Có người không muốn nói vì có nói cũng chẳng làm được gì nếu cấp trên cứ bao che, dung túng. Có người không dám nói vì “miếng cơm manh áo”. Để rồi, đối tượng này cứ nghĩ mình là số một, là “bất khả xâm phạm”, cứ thế “phát huy” những hành vi kém đạo đức, cứ thế vênh vang và không ngừng tiến thân!
Bên cạnh đó, sự xu nịnh của những người ấy cũng đáng suy ngẫm. Đối tượng để họ tâng bốc chủ yếu là người có chức, có quyền. Ngoài nịnh cấp trên, đối tượng này còn nịnh cả người đồng cấp và cấp dưới, đặc biệt là những lúc lấy ý kiến tín nhiệm của quần chúng để được đề bạt, xét lương, cơ cấu... Những lúc như vậy, họ trở thành người đồng nghiệp, đồng chí thật dễ thương, hoà đồng, hoà nhã, để lấy lòng tất cả mọi người, tìm mọi cách tranh thủ mọi sự ủng hộ của quần chúng, có khi còn bày mưu tính kế kéo bè, kéo cánh, lôi kéo, dụ dỗ… Thói xu nịnh, tất nhiên chỉ gây ra những hậu quả khôn lường, tiêu cực. Nó làm cho chính kẻ đi nịnh mất đi nhân cách, trở thành thoái hoá, bị mọi người khinh bỉ, đồng thời làm cho người được nịnh, đặc biệt nếu người được nịnh đó là những cán bộ lãnh đạo, quản lý thì có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến công việc chung: cái nhìn thiên vị, đánh giá sai lệch cán bộ dưới quyền, dẫn tới tình trạng người tốt, người tâm huyết với công việc không được trọng dụng, chính sách cán bộ đi chệch hướng, ban bố đặc ân, đặc lợi cho kẻ xu nịnh. Thói nịnh hót còn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, mất lòng tin, tạo ra sự chia rẽ, bè phái, lộng hành, làm suy yếu tổ chức, làm nhụt ý chí phấn đấu của cán bộ, đảng viên.
Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ là cả một quá trình, đòi hỏi càng ngày càng phải có chiều sâu, thực chất và không chiếu lệ… Chính vì vậy, đối với những biểu hiện đạo đức nêu trên, cần phải có thái độ rõ rệt lên án và kiên quyết đấu tranh loại trừ nó ra khỏi đời sống công chức nói riêng và đời sống xã hội nói chung, đặc biệt là không để có trong hàng ngũ của Đảng, của chúng ta. Học và làm theo Bác là phải thẳng thắn, trung thực, bảo vệ người tốt, chân thành, khiêm tốn, không bao che, không tạo điều kiện để những biểu hiện đạo đức xấu đó phát triển. Cần phải coi trọng và tiến hành thực chất việc tự phê bình và phê bình. Mỗi người cần phải tự nghiêm khắc với chính mình. Bên cạnh đó, khi phê bình đồng chí, đồng nghiệp phải có tính xây dựng, có lý, có tình, nói thẳng, nói thật để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Bác Hồ từng dạy: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình nghĩa…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.664) và “… Đảng phải thương yêu cán bộ… Nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Thương yêu là giúp cho họ học tập thêm, tiến bộ thêm.” (Sách đã dẫn, tập 5, tr.282). Chúng ta học Bác là học từ những lời dạy ngắn gọn và sâu sắc của Người.
Trong cuộc sống, đặc biệt trong quan hệ giữa đồng chí, đồng nghiệp, trong cơ quan, đơn vị rất cần sự quý mến, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau một cách chân thành; giúp đỡ, dìu dắt nhau cùng tiến bộ. Sự đối xử công bằng của cán bộ lãnh đạo là động lực, là niềm tin vững chắc cho cấp dưới phấn đấu, cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người đảng viên, cán bộ, công chức phải luôn rèn luyện đạo đức của mình, lấy tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh soi rọi vào mọi cử chỉ, hành vi, hành động của mình trong công việc, trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp, trong quan hệ với quần chúng nhân dân và rộng lớn hơn là trong quan hệ giữa người với người, cốt làm sao những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người công chức, của người cán bộ, đảng viên mãi mãi là điều mà khi nói đến ai ai cũng ngưỡng mộ và đề cao. Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trước hết bản thân mỗi người phải rèn luyện, tu dưỡng để là một công chức, một đảng viên tốt, một công dân đúng nghĩa, chứ không phải là nói nhiều về điều cao xa, hoa mỹ mà hành động thì ngược lại!
Diệp Dân Hùng
Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng