Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 16/6/2009 15:15'(GMT+7)

Nghệ thuật và cuộc sống

Ca Huế trên sông Hương.

Ca Huế trên sông Hương.


1. Cụ thể và tưởng tượng

Những hình tượng ấy phải đẹp, được cuộc sống chấp nhận, nó phải vừa tới, không được non nhưng cũng không được quá già. Ví dụ, hình tượng rồng, kỳ lân, phượng hoàng cứ sống mãi trong cuộc sống con người. Một số nhà nghiên cứu lại lẩn thẩn đi tìm xem có một loài rồng thực tế ở đâu đó làm gì? Hình tượng con rồng vừa thể hiện sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của con người. Hình tượng Thúy Kiều biểu hiện sự khổ cực, đau đớn tột cùng của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến thối nát. Cũng như hình tượng Thánh Gióng thể hiện sức vươn dậy thần kỳ của dân tộc mỗi khi có ngoại xâm...

Sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật đẹp xuất phát từ hiện thực là một quy luật bình thường. Nhưng trong cuộc sống đôi khi đã có sự nhầm lẫn giữa hình tượng nghệ thuật và đời thực. Khoảng những năm chín mươi của thế kỷ trước, tại một số lễ kỷ niệm ở các địa phương, Ban Tổ chức đã mời nghệ sĩ đóng giả Bác Hồ vẫy chào quần chúng. Đó là do người tổ chức nhận thức chưa đúng, không phân biệt được đời thực và biểu diễn nghệ thuật.

Trước một buổi lễ trang trọng mà lẫn lộn với biểu diễn nghệ thuật là không nghiêm túc. "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" là một hình tượng nghệ thuật đẹp, biểu hiện sự trường tồn của Bác với nhân dân, với đất nước, Bác vẫn ở quanh ta, giống như đêm trăng suông, không nhìn thấy trăng nhưng mọi vật đều phát sáng vì trăng có ở mọi nơi. Sự thật này không thể cụ thể bằng sự đóng giả được.

Cũng vậy, năm 2000, kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội và 990 năm Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long, Ban Tổ chức đã tổ chức bắn pháo hoa và thả một con rồng giả bay lên. Giữa bầu trời cao rộng, con rồng giả chỉ như một con rắn giun.

Cụ thể hóa trí tưởng tượng là một nhận thức không đúng của Ban Tổ chức, làm mất đi sự thiêng liêng của hình tượng rồng bay lên (Thăng Long) vô cùng đẹp đẽ suốt gần nghìn năm. Rồng bay lên là hình tượng của đất nước chứ không phải là con rồng cụ thể. Còn Hạ Long là rồng đậu xuống thì hàng nghìn núi đảo chứ đâu phải một con rồng nằm. Mong rằng sự nhận thức ngây thơ ấy không còn lặp lại ở Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nữa.

Vừa rồi, tôi được một cộng tác viên tặng một bộ đồ sứ nặn theo hình tượng Chí Phèo - Thị Nở. Cảm ơn thịnh tình của chị, nhưng tôi phải giấu đi ngay. Chuyển thể một hình tượng văn chương thành một hình tượng nghệ thuật khác phải là những nghệ sĩ tài năng.

Đằng này, hình tượng Chí Phèo - Thị Nở lại được cụ thể hóa bằng tay người thợ nặn đồ sứ đồng loạt thì hình tượng nghệ thuật đã mất đi, chỉ còn lại những hình người xấu xí, mà bày để ngắm hàng ngày thì tôi không chịu nổi.

Tương tự, trong Ngày thơ Việt Nam rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (2008) được tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội), ở sân Thơ Trẻ đã có biểu diễn thơ. Bài thơ "Đàn bà" được trình diễn với nhiều góc cạnh, nhưng người xem chú ý đến một người đàn ông đứng để cho người ta cuốn băng vệ sinh quanh người. Đó là hình tượng gì vậy? Hình tượng thơ đẹp được nhân lên là nhờ trí tưởng tượng của mọi người. Đằng này lại đem cụ thể hóa trí tưởng tượng thì tôi e là đã đi ngược chiều với quy luật sáng tạo nghệ thuật, thì nghệ thuật sẽ tắt đi chứ không thể bật sáng.

Hình tượng nghệ thuật được văn nghệ sĩ sáng tạo từ hiện thực. Nó được nhân lên, sẽ sống trong trí tưởng tượng tiếp theo của mọi người. Cụ thể hóa hình tượng nghệ thuật thì hình tượng nghệ thuật không còn, trừ trường hợp sáng tạo sang một loại hình nghệ thuật khác, và phải có tài năng đặc biệt.

2. Chính thanh và tạp âm

Môi trường dù trong lành, thanh khiết đến đâu thì vẫn có những bụi bẩn. Âm thanh dù trong trẻo đến mấy vẫn có tạp âm. Dòng suối dù thanh trong thế nào vẫn có những gợn vẩn. Đời sống xã hội dẫu lý tưởng cũng không hoàn toàn trong sạch. Đời sống văn chương ở đâu, đời nào thì cái hay vẫn xen lẫn cái dở, vàng bạc châu báu vẫn lẫn với đá vụn và cát sỏi... Biết thế thì đừng nên lý tưởng hóa một cái gì, và cũng không nên quá thất vọng trước những gì chưa tốt đẹp.

Kho tàng tục ngữ ca dao, dân ca và truyện cổ dân gian còn lại với chúng ta ngày nay thì đâu phải người xưa chỉ sáng tác có vậy? Truyện Nôm khuyết danh "Tống Trân Cúc Hoa", "Phạm Tải Ngọc Hoa" nổi lên được thì chắc chắn cũng phải có hàng chục truyện chìm xuống rồi! "Truyện Kiều", "Chinh phụ ngâm" lưu truyền được, còn có bao tác phẩm không có sức sống đã phải héo tàn trên đường dài hơn hai trăm năm.

Để có được kiệt tác "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh và Hoài Chân đã phải sàng lọc cả vạn bài thơ trong thời kỳ Thơ Mới. Thế kỷ XX, lịch sử văn chương nước nhà còn lưu danh đậm khoảng trăm tác phẩm và trăm nhà văn thì số tác phẩm và số người viết trên thực tế phải có đến nhiều nghìn...

Đối với mỗi người viết văn, trong cuộc đời có thể viết nhiều tác phẩm, có người số tác phẩm đến hàng mấy chục, cá biệt có người có đến mấy trăm, nhưng số tác phẩm để đời cũng may thì được một hai mà thôi! Bởi vàng ngọc bao giờ cũng ít hơn nhiều cát sỏi. Thì cũng đừng nên thấy thế mà quá đau buồn.

Ca nhạc Huế trên sông Hương là một hình thức biểu diễn nghệ thuật thanh cao, cho du khách hiểu con người và mảnh đất cố đô mấy trăm năm của dân tộc. Một phần của ca nhạc Huế là Nhã nhạc cung đình đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất nhiên ca nhạc phải được nghệ sĩ đích thực biểu diễn.

Mùa thu năm 1996, thăm Huế, tôi được các anh ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức đi thuyền nghe ca Huế trên sông Hương. Đúng là một đêm thơ mộng, tuyệt diệu. Các làn điệu ca Huế được các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, cho chúng tôi hiểu được tâm hồn xứ Huế mộng mơ mà cao sang.

Sau 12 năm, trung thu 2008 tôi trở lại, mọi sự đã đổi thay nhiều. Huế giàu có hơn, nhiều nhà cao tầng và cửa hàng cửa hiệu sang trọng. Con người cũng đẹp hơn, vẻ đài các đã tăng lên. Ngành du lịch Huế đã phát triển nhanh. Tôi lại được đi thuyền nghe ca nhạc trên sông Hương.

Nhưng than ôi, đâu còn phải là ca nhạc Huế. Hàng mấy chục tốp "hát vườn" mỗi thuyền một đội đã làm hỏng cả một đêm trăng thơ mộng. Đó là tạp âm của ca nhạc Huế, của văn hóa Huế. Cơ chế thị trường, ngành nào cũng có đủ kiểu tạp âm.   

Riêng đời sống văn chương, trong lịch sử hình như tạp âm có ít hơn. Bởi trước đây, chỉ những người gắn với nghiệp văn thì mới viết. Mấy chục năm nay thì không phải thế, có người cả đời chẳng gắn bó gì với văn chương, đến lúc nghỉ hưu bỗng thấy viết văn làm thơ được coi là người hay chữ nên đã nhảy xổ vào viết, sản xuất thơ văn đều đặn hàng ngày.

Báo chí, xuất bản thì bây giờ lại dễ dàng quá. Báo thì thiếu bài để đăng. Xuất bản thì cứ không phạm vào điều cấm là được cấp giấy phép, cứ có tiền là in. Lượng thơ văn được in ra nếu dồn xếp lại có thể cao hơn nhiều trái núi. Mà thời cụ Cao Bá Quát thì thiên hạ mới có ba bồ sách! Vì thế, đời sống văn chương hiện nay đầy tạp âm, chọn được sách hay rất khó. Sự nhiễu loạn trong đánh giá, khen chê, trao giải thưởng... khó mà phân biệt chính thanh và tạp âm.

Trước đây, tạp âm cũng đơn giản, chỉ có tiếng rè. Thời hiện đại, khối lượng tạp âm nhiều vô kể và cũng phức tạp vô cùng. Có những tạp âm mà tưởng như chính thanh. Cũng giống như rác thải, có cả những bao bì đóng tem mác rất sang trọng, chứ không phải là mùn rác đơn thuần, ai nhìn cũng thấy. Vì thế sàng lọc âm thanh bây giờ khó khăn vô cùng.

Nhưng dù khó khăn đến đâu thì cũng phải sàng lọc. Đó là công việc của mọi thời. Đã làm thì phải làm hết sức. Kết quả đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố! Nhưng không thể đầu hàng. Công việc này đặt lên vai cả một hệ thống, từ các cấp lãnh đạo đến tổ chức Hội Nhà văn, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và công chúng yêu văn chương.

Thực ra, đây là một cuộc chiến đấu. Bởi thời nay, tạp âm mà có năng lực tài chính thì nó biến hóa khôn lường, có sức mạnh khủng khiếp: Không ít người ngay sợ kẻ gian, người tài đức lại yếu thế. Tất nhiên, sự chế ngự của cái xấu, cái ác trong lịch sử chưa bao giờ tồn tại được lâu. Dòng chính của con sông bao giờ cũng đổ đúng hướng ra biển cả, dẫu lúc nào đó nó có khúc cong, quanh co. Thì đấy, chúng ta thời gian qua đã tận mắt thấy sự tàn lụi của nhiều hiện tượng văn chương quái lạ một cách nhanh chóng, dẫu nó cũng biến ảo, cũng quẫy đạp đến đục ngầu cả dòng sông văn./.

(Theo: Đinh Quang Tốn/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất