Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 14/6/2009 11:33'(GMT+7)

Vẻ đẹp của văn hóa Kinh Bắc qua trang phục Quan họ

Duyên dáng quan họ

Duyên dáng quan họ

Trang phục ấy là những sản phẩm nghệ thuật dân gian có giá trị cao, cho dù đó là sản phẩm may mặc đã được cung đình hóa từ dân gian, hay dân gian hóa từ cung đình. So với một số loại trang phục truyền thống như khố, váy, áo chui đầu…của dân tộc thiểu số, hay áo tứ thân (bốn thân) của người Việt thì trang phục Quan họ là một trong những sản phẩm may mặc khá hoàn thiện. Đây là trang phục của các liền anh và các liền chị trong sinh hoạt văn hoá Quan họ được kết hợp, dung hoà hết sức khéo léo tạo nên bản sắc riêng tinh tế và duyên dáng của vùng đất Quan họ.

Trang phục liền anh

Các liền anh thường mặc áo dài năm thân, cổ đứng, viền tà, gấu to, dài quá đầu gối, bên trong mặc áo cánh. Chất liệu để may áo cánh và áo dài bên trong thường là các loại vải màu sáng như diềm bâu, cát bá, phin, trúc bâu, sồi, lụa…Riêng áo dài bên ngoài được may bằng lương, the, đoạn…màu đen. Quần ống rộng, chất liệu cũng bằng diềm bâu, phin, trúc bâu, lụa truội…màu mỡ gà hoặc trắng, có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Đầu đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp.

Các liền anh trong bộ trang phục truyền thống

Thủ pháp phối màu của trang phục Quan họ qua lớp áo ngoài hết sức khoa học. Chiếc áo cánh mặc trong, áo dài năm thân khoác ngoài, đặc biệt chiếc áo phủ ngoài đóng vai trò vừa như một lớp bảo vệ của chiếc áo màu rực rỡ ở trong, vừa có tác dụng điều hòa các màu này. Các màu đỏ, vàng, trắng, nõn chuối…của áo dài năm thân sặc sỡ; màu đen tối được pha màu rất hài hoà. Lớp áo mỏng, thưa, màu đen ở ngoài, chồng lên lớp áo màu rực rỡ ở trong tạo nên hiệu quả thẩm mỹ: màu đỏ chuyển thành màu đỏ đun, màu vàng rực biến thành màu hổ phách, màu trắng lóa trở thành màu ghi sáng…Theo nhạc sĩ Hồng Thao, không chỉ chuyển đổi các màu chói gắt, sặc sỡ thành những hòa sắc êm dịu, quý phái, mà lớp áo ngoài này còn khiến cho hòa sắc của bộ trang phục trong hơn, sâu hơn, tinh tế hơn [1].

Thời trước, đàn ông còn nhiều người búi tó nên phải vấn tóc bằng khăn nhiễu. Sau này họ cắt tóc, rẽ đường ngôi nên chuyển sang dùng loại khăn xếp bán sẵn ở các cửa hàng cho tiện.

Cùng với quần, áo, khăn xếp, dép…các liền anh Quan họ thường có thêm nón chóp (hoặc ô đen), khăn tay, lược… Đó là những thứ được coi là “xa xỉ phẩm” theo quan niệm thời bấy giờ

Có thể thấy, trang phục liền anh Quan họ đã vượt trội để đạt đến độ hoàn thiện về giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá rất cao trang phục Quan họ nói riêng và văn hóa Quan họ nói chung ở nét “cung đình”. Sức sống mãnh liệt của các sản phẩm văn hóa dân gian trong xã hội hiện đại được biểu hiện rất rõ trong việc “cung đình hóa” các sản phẩm may mặc của dân gian, đặc biệt là qua việc sử dụng chất liệu và cách phối màu cho bộ “quốc lễ” của các vị lãnh đạo Nhà nước dâng hương ở đền Hùng.

Trang phục liền chị

Trang phục liền chị Quan họ mang nét chung của người phụ nữ Việt Nam xưa, nhưng lại có nét riêng của duyên quan họ. Trang phục liền chị Quan họ thường là mớ ba mớ bảy, có nghĩa là mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bẩy áo dài lồng vào nhau (mớ bẩy). Nhưng trong thực tế, các Quan họ nữ thường mặc mớ ba.

Các liền chị mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao hát điệu mời trầu.


Chất liệu để may áo mớ ba đẹp nhất từ xưa là the, lụa; thường mang màu nền nã: màu nâu già, nâu non, màu đen, màu cánh dán...Dù nhiều màu sắc, nhưng áo liền chị về cơ bản được sắp xếp theo các thành phần hợp lý: trong cùng là yếm, đến áo cánh và áo dài năm thân.

Yếm thắm của phụ nữ có hai loại yếm: yếm cổ xẻ (cho tuổi trung niên) và yếm cổ viền (cho thanh nữ). Yếm có thể may bằng vải màu, đẹp nhất là lụa truội nhuộm các màu hoa đào, cánh sen, màu mận chín đỏ thắm (yếm thắm), vàng thư (hoa hiên), xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen) và cũng có thể chỉ để yếm màu trắng…Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu nhẹ, nền nã thường nhuộm màu khác nhau: màu thiên thanh, màu hồ thuỷ, màu vàng chanh, màu vàng cốm... Áo cánh có thể thay bằng vải phin trắng, lụa mỡ gà... Ngoài cùng là những lượt áo dài năm thân, cách phối màu cũng tương tự như ở bộ trang phục nam, nhưng màu sắc tươi hơn. Kiểu áo dài nữ cũng là kiểu năm thân, có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước, xưa con gái thường mặc trong hội hè, cưới xin.

Váy của liền chị màu sẫm, thường là màu đen được may bằng sồi, lụa…đôi khi còn được may thành váy kép với một lớp lương, the, đoạn bên ngoài như lớp áo ngoài. Người biết mặc váy khéo là không để váy hớt trước, không để váy quây tròn lấy người như mặc quầy mà phải thu xếp sao cho phía trước rủ hình lưỡi chai xuống gần tới mu bàn chân, phía sau hơi hớt lên chớm tầm đôi con khoai phía gót chân.

Làm duyên, các liền chị “chít eo” các tà áo dài bằng những dải lụa nhiều màu sắc (gọi là bao), may thành hình ống như chiếc ruột tượng có tua trang trí ở hai đầu (là một chiếc túi vải hình ống buộc quanh người, xưa các bà các cô thường dùng đựng tiền và đồ lặt vặt). Bao có hai loại, bao trong để buộc chặt cạp váy và bao ngoài luồn qua lưng áo dài buộc chặt áo cánh và các thân áo dài phía trước. Bao của các cô gái Quan họ xưa thường bằng sồi se (dệt bằng thứ tơ đã se sợi), màu đen, có tua bện ở hai đầu bao, khổ rộng, có thể đựng túi tiền mỏng ở trong bao rồi thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy ba thân áo trước, thắt múi to để che phía trước bụng.

Thường liền chị quan họ có dải yếm to buông ngoài lưng áo và dải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng. Thắt lưng là loại bao nhỏ bằng chừng 1/3 bao, dùng để thắt chặt cạp váy vào eo, thường là lụa nhuộm các màu tươi sáng như: màu hoa lựu, màu hoa đào, màu hoa hiên tươi, màu hồ thuỷ...Thắt lưng cũng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao, múi giải yếm tạo nên những múi hoa màu sắc phía trước người con gái. Thắt bao và buộc múi các bao cũng là một nghệ thuật làm đẹp của các cô gái Quan họ, góp phần tạo nên vẻ đẹp của những cô gái thắt đáy lưng ong của một thời. Các đầu bao đều thắt múi trước bụng thành các dải nhiều màu sắc, dài ngắn khác nhau.

Nét “rất riêng” của các liền chị Quan họ là kiểu lật viền (thân áo phía trước kéo chéo từ cổ trái sang nách phải rồi cài cúc ở bên hông, che các lớp áo phía trong). Không muốn che kín hoàn toàn yếm thắm, áo dài, các liền chị Quan họ đã gẩy một chút màu tươi sáng từ chiếc yếm và chiếc viền áo năm thân lật trái ra ngoài, tạo nên những điểm nhấn ấn tượng, duyên dáng với những mảng màu rực rỡ trên nền the óng ả.

Cùng với áo, váy, dép của Quan họ nữ cũng khá kỳ công. Đó là loại dép uốn cong hình mũi hài, làm bằng da trâu thuộc theo phương pháp thủ công; có một vòng tròn bằng da trên mặt dép để xỏ ngón chân thứ hai (bên cạnh ngón chân cái) để cho việc đi lại thuận tiện, không rơi dép. Mũi dép uốn cong và người thợ làm dép phải biết nện, thuộc cho mũi dép cứng, như một lá chắn nhỏ, che dấu đầu các ngón chân.

Chưa hết, trang phục liền chị Quan họ còn có khăn đen làm bằng vải láng hoặc the thâm để tôn gương mặt búp sen. Đội khăn đúng, đẹp là một trong những tiêu chuẩn tôn vinh không riêng cô gái Quan họ mà là phụ nữ Việt Nam một thời. Muốn đội khăn đẹp, trước tiên phải quấn tóc trong một khăn vấn tóc. Vòng khăn vấn tròn, đặt vòng tròn trên đầu, hơi xệ và hình bầu dục về phía gáy, ghim lại. Ðặt khăn vuông đã gấp chéo thành hình tam giác lên vòng khăn tóc đã vấn, bẻ hình mỏ quạ chính giữa đường rẽ ngôi của tóc, bắt hai góc khăn về 2 phía tai, rồi thắt múi lại đằng sau gáy. Ðể mỏ quạ cụp xuống thấp quá trước trán sẽ làm khuôn mặt tối mà phải để đủ độ tôn khuôn mặt thanh quý. Sau khi đội khăn xong, khuôn mặt người con gái trắng hồng sẽ nổi lên giữa màu đen của khuôn khăn mỏ quạ và hai mớ tóc mai đôi bên bờ má, tạo nên hình búp sen hồng.

Trang phục liền chị Quan họ còn đẹp, tình tứ và duyên dáng hơn bởi chiếc nón ba tầm. Nón làm bằng lá cọ có độ tuổi vừa phải. Lá cọ già màu vàng sẫm để làm chóp lá già. Chọn lá để làm nón ba tầm đẹp nhất là lá khô kiệt không màu vàng sẫm, cũng không màu vàng trắng (như nón bài thơ xứ Huế) mà mang một màu vàng sáng, hơi đanh mặt. Loại lá này khi kết thành nón hình tròn thì các đường nét của lá kết nón toả ra từ tâm điểm của hình tròn kia chạy đến bờ nón như sự toả sáng, làm người ta liên tưởng đến mặt trời. Mặt phía trong của nón, về sau này người ta càng thường trang trí hình hoa, hình bướm, hình chim loan, chim phượng mỏ cắp phong thư...bằng giấy trang kim màu vàng hoặc bạc. Sự toả sáng ấy đã khiến không ít khách nước ngoài đã liên tưởng đến «những cô gái xứ mặt trời, mang vành nón mặt trời và hát những bài ca mặt trời...".

Quai nón được se bện bằng tơ tằm, cũng có khi bằng tơ dứa màu vàng, trắng; đôi đầu quai, mỗi bên có 2 hoặc 3 thao tua được kết, bện một cách nghệ thuật. Vì vậy quai nón ba tầm còn được gọi là quai thao.

Gắn liền với trang phục ngày hội, các cô gái Quan họ xưa cũng yêu đồ trang sức khuyên bạc, khuyên vàng, hoa vàng đeo tai; nhẫn bạc, nhân vàng đeo ngón tay; dây xà tích có ống vôi hình quả đào bằng bạc và túi dựng trầu bằng lụa đeo ở thắt lưng; khăn tay lụa gài ở vành bao...

Cùng với áo, váy, trang phục nữ Quan họ còn có khăn mỏ quạ, nón quai thao, dép cong, dây xà tích…tất cả hợp thành một loại trang phục nền nã, mà tươi tắn, quý phái mà giản dị, cởi mở mà đoan trang… Trang phục Quan họ không phải chỉ riêng cho người Quan họ mà là trang phục của nam nữ người Việt một thời trong hội hè, đình đám, ngày vui. Nhưng trang phục ấy bận vào người Quan họ lại mang nét riêng chỉ người Quan họ mới có. Đó là may mặc trau chuốt hơn, đồng đều hơn, lại gắn liền với văn hoá Quan họ từ không gian trữ tình, đến cái đẹp toát ra từ người đẹp, cử chỉ, ngôn ngữ, ca hát...nên người Quan họ cùng những trang phục đó được tôn lên như một vẻ đẹp đặc trưng, đạt chuẩn mực cao của một vùng văn hiến vùng Kinh Bắc.

Trang phục ấy lại được thể hiện trong sinh hoạt văn hoá Quan họ, thường vào dịp hội hè hoặc những cuộc họp mặt mừng vui (khao, cưới...) lại cộng thêm những chuẩn mực văn hoá được hình thành dần trong quá trình tồn tại, phát triển Quan họ. Thêm nữa, từ lâu, cư dân vùng Quan họ vốn chịu khó, đảm đang, tảo tần nên sớm tạo được mức sống kinh tế tương đối ổn định. Nhưng điều quan trọng nhất là nghĩa tình, yêu thương, chia sẻ, nên dù bọn hát Quan họ đời sống riêng giàu nghèo khác nhau, nhưng họ thường nhận được sự đùm bọc, giúp đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần của bè bạn. Do đó trang phục của bọ Quan họ khi đi ca hát đều cố gắng giữ cho được sự trang trọng, lịch sự theo nề nếp và truyền thống.

Bộ trang phục Quan họ đậm đà sắc thái của vùng văn hóa Kinh Bắc có sức cuốn hút mạnh mẽ, cho dù người mặc là người Việt Nam hay người nước ngoài. Trang phục này là một thành tố văn hóa tiêu biểu góp phần tạo nên vẻ đẹp của văn hóa Kinh Bắc. Sự chuẩn mực về phong cách tạo hình đã mang lại cho người xem sự cảm nhận tốt đẹp về một vùng đất văn hiến, với những con người và điệu dân ca trang trọng mà vẫn đằm thắm, đầy chất trí tuệ mà vẫn trữ tình, đoan trang mà vẫn gợi cảm…Làm nên sự đậm đà của dân ca quan họ còn có sự đóng góp lớn của trang phục hát của người quan họ nền nã, duyên dáng. Đây chính là một di sản văn hóa phi vật thể mang vẻ đẹp Kinh Bắc nghìn năm văn hiến cần phải được giữ gìn, bảo vệ cùng với làn điệu dân ca quan họ độc đáo.

(Kỳ cuối: Việc giữ gìn bảo tồn văn hóa Quan họ)

TS. Lê Thị Bích Hồng

Tài liệu tham khảo: Bài tham khảo một số tài liệu của nhạc sĩ Hồng Thao

1. Hồng Thao-Dân ca Quan họ, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1997.

2. Hồng Thao,Trần Linh Quý và Đặng Văn Lung-Quan họ nguồn gốc và quá trình phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978

3. Hồng Thao-Trần Linh Quý-Tìm hiểu dân ca Quan họ, Nxb Văn hóa dân tộc - Sở Văn hóa Thông tin Hà Bắc xuất bản, Hà Nội, 1997.

4. Tô Ngọc Thanh-Hồng Thao. Tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1986.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất