(TCTG) - Người bệnh binh hạng đặc biệt ấy tên là Đoàn Thế Kỷ, sinh 1950, tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, hiện đang sinh sống tại Tiểu khu Sao Đỏ I, xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Là một người bị mất cả hai bàn tay, mọi công việc đều rất khó thực hiện, nhưng thấm thía lời dạy của Bác Hồ kính yêu:“Thương bệnh binh tàn nhưng không phế”, từ nơi điều dưỡng xa xôi, ông đã quyết định làm đơn xin về an dưỡng tại gia đình. Lúc đó hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn, các con còn nhỏ cả, ông đã bàn với vợ tìm cách khắc phục khó khăn, tập trung phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Để có thể tự mình phát nương, làm rẫy, lúc đầu ông đã phải gập đôi vỏ bao đựng gạo (bao sợi nilon) buộc lại, sau đó quấn một đầu vào tay, một đầu vào cán dao phát để tập phát nương, thời gian đầu tay ông bị đau sưng tấy phải đi viện điều trị. Công việc tưởng chừng như không thể làm nổi, nhưng với nghị lực phi thường, với ý chí quyết tâm vươn lên vượt qua nghèo khó, khi ra viện, ông lại tiếp tục làm. Cứ như vậy, sau nhiều năm làm ăn vất vả, gia đình ông đã có 03 ha vườn đồi trồng 600 cây mận hậu, mỗi năm thu 15 tấn quả, tổng giá trị là 30 triệu đồng. Ngoài kinh tế vườn gia đình ông còn đào ao thả cá, mỗi năm thu được 2 tạ cá và chăn nuôi gà để cải thiện bữa ăn hàng ngày, kinh tế gia đình ông từng bước khá lên, có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Không dừng lại ở đó, ông còn nuôi ong lấy mật, bán ra thị trường. Để làm được việc đó, ông đã tìm sách, báo nói về cách nuôi ong để tự học tập, nghiên cứu vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ông cũng luôn ý thức được rằng việc phát triển kinh tế gia đình phải gắn liền với việc tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc để đạt hiệu quả, năng suất cao nhất; không xa hoa, lãng phí, không phô trương, hình thức; sử dụng sức lao động, vật tư, tiền của của gia đình một cách tiết kiệm, có hiệu quả. Ý thức được như vậy, từ chỗ thùng quay mật ong một lần chỉ được 4 cầu do đàn ong ngoại thường có từ 6 đến 12 cầu/đàn, ông đã làm thùng quay mật có đường kính rộng hơn quay được 8 đến 10 cầu một lần tiết kiệm được khoảng 1/3 thời gian trong việc khai thác mật. Từ chỗ có 5 đàn ong, ông đã chăm sóc, nhân giống phát triển lên đến 50 đàn, lúc nhiều nhất đến 300 đàn. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, ông còn hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho 04 hộ gia đình trong tiểu khu về giống và kỹ thuật, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con.
Đến nay, gia đình ông đã có thu nhập đáng kể, được khoảng 500 triệu đồng một năm nhờ phát triển kinh tế gia đình từ làm vườn, ao, chuồng và nuôi ong. Gia đình ông đã xây được nhà, sắm sửa đầy đủ tiện nghi và mua xe máy đi lại; nuôi dạy 4 người con trưởng thành, có việc làm ổn định, trong đó 2 người con đã có nhà riêng khang trang, không có ai mắc vào các tệ nạn xã hội, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, hàng năm gia đình ông đều được công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá./.
Bùi Thị Kim Oanh