(TCTG)-Mỗi đảng viên tiên phong thực hiện một mô hình sản xuất cây con mới đạt hiệu quả rồi nhận giúp đỡ từ 2 đến 3 hộ dân. Nhờ vậy, hàng trăm hộ đồng bào Khơme sinh sống trên địa bàn không còn độc canh cây lúa. Ai cũng siêng năng sản xuất tăng vòng quay của đất lên 3 - 4 lần và đạt mức thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/ ha/năm. Cách làm mang lại hiệu quả thiết thực này ở xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh - một địa phương có đến hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc Khơ me, cần được nhân rộng.
Về Long Sơn, được đồng chí Ngô Ràng, Bí thư Đảng ủy xã hướng dẫn tham quan những cánh đồng lúa hè thu, những con giồng cát trải ngập màu xanh của cây màu thực phẩm như dưa hấu, ngô, đậu que, lạc ở các ấp Huyền Đức, Sóc Mới, Bào Mốt, Long Hanh… Chúng tôi ghé thăm gia đình anh Thạch Hội ở ấp Sóc Mới, một hộ nghèo chỉ sau 4 năm sản xuất mô hình 1vụ lúa – 2 vụ bắp lai đã phất lên khấm khá. Anh Hội vui vẻ khoe: “Tôi có 4 công ruộng, trước đây chỉ biết trồng một vụ lúa nên cuộc sống gia đình luôn khó khăn. Cũng nhờ anh Thạch Hêne, Phó Bí thư chi bộ ấp vận động và hướng dẫn trồng ngô lai nên mỗi năm đều có thu nhập thêm 20 – 25 triệu đồng”. Cũng như anh Hội, anh Thạch Sa Rươne ở ấp Bào Mốt, phấn khởi nói: "Mấy năm nay, nhờ được cán bộ ấp chỉ dẫn chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lạc mà nông dân chúng tôi có thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/ công. Nếu so với cây lúa trồng ở vùng đất gò cao, cây lạc cho lợi nhuận cao gấp 4-5 lần".
Theo đồng chí Ngô Ràng, toàn xã Long Sơn có 2.675 ha đất nông nghiệp, nhưng phần lớn diện tích là gò cao, nông dân trong xã có thói quen sản xuất độc canh cây lúa nên nhiều năm dài xã không thúc đẩy được kinh tế phát triển. Trước thực trạng đó, năm 2006, được sự hỗ trợ của các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ, xã Long Sơn tiến hành xây dựng chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Các mô hình như: 2 vụ lúa cao sản – 1 vụ lạc, 1 vụ lúa – 2 vụ ngô lai, trồng dưa hấu có màng phủ nông nghiệp trên đất giồng cát, được các kỹ sư Trường Đại học Cần Thơ giúp đỡ trình diễn thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật. Tuy nhiên, đối với bà con Khơ me thì việc gì mới nghe là chưa đủ mà cần phải thấy tận mắt. Vì vậy, để bà con mạnh dạn chuyển đổi sản xuất các mô hình mới, Đảng ủy xã Long Sơn chỉ đạo đảng viên tiên phong làm trước. Ban đầu là các đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ ấp làm trước rồi lần lượt đến đảng viên. Từ mô hình trồng dưa hấu có màng phủ nông nghiệp 3 vụ /năm, cho thu nhập 4 triệu đồng/ công/vụ, của Bí thư Chi bộ ấp Huyền Đức Trần Văn Bến; mô hình trồng 2 vụ ngô lai sau vụ lúa Hè thu cho thu nhập 2,5 triệu đồng/công/ vụ, của Phó Bí thư chi bộ ấp Sóc Mới Thạch Hêne, cùng với hơn 200 đảng viên ở 9 ấp trong xã sản xuất những mô hình mới đạt hiệu quả đã nhanh chóng thu hút bà con Khơ me học làm theo. Tính đến nay, toàn xã có hơn 1.000/1.388 hộ đồng bào Khơ me thực hiện sản xuất những mô hình mới cho thu nhập cao. Từ một vùng đất gần như độc canh cây lúa, 4 năm nay, xã Long Sơn mỗi năm đều có trên 2.000 ha trồng màu. Thu nhập của người dân trong xã đạt gần 10 triệu đồng/ người/năm, tăng hơn 2 triệu đồng so năm 2006.
Giúp dân chuyển đổi cây trồng thành công, xã Long Sơn tiếp tục vận động người dân thành lập những tổ hợp tác để chuyển đổi cánh đồng Trà Côn rộng hơn 300 ha bị nhiễm mặn bỏ hoang hóa nhiều năm sang nuôi tôm sú. Và việc thực hiện vẫn là gia đình những đảng viên có đất tiên phong làm trước đạt hiệu quả rồi vận động, giúp đỡ người dân làm sau./.
Phúc Sơn