Dự thảo có nhiều nét mới phù hợp với thực tế
Chúng tôi rất mừng khi dự thảo đưa vào tiêu chí xét tặng: “Đối với nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập, liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến 5 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú”. Điều này sẽ khuyến khích những nghệ sĩ toàn tâm toàn ý gắn bó với nghề và đơn vị. Trong tình hình hiện nay, những nghệ sĩ như vậy không nhiều. Nghệ sĩ tự do thì chạy theo lợi nhuận và cát sê, còn nghệ sĩ công lập thì vẫn kiên trì với những suất diễn và thù lao ít ỏi ở đơn vị công lập nên việc xét danh hiệu dựa vào thành tích lao động và số năm đạt Lao động tiên tiến là rất chính xác. Điều 16 của Dự thảo đặt ra với những nghệ sĩ có danh hiệu “Cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú mà vi phạm pháp luật bị toà án kết tù thì bị tước danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú” theo tôi vẫn chưa đủ. Hiện nay có rất nhiều nghệ sĩ đã có danh hiệu nhưng có lối sống không lành mạnh, không coi trọng nghĩa vụ và trách nhiệm của người nghệ sĩ có danh hiệu, không quan tâm tới các hoạt động xã hội, vì vậy không phải chờ tới lúc họ vi phạm pháp luật để ra tòa kết án mới tước danh hiệu mà các đợt xét tặng danh hiệu, hội đồng xét tặng cần thẩm định lại phẩm chất của những người nghệ sĩ đã có danh hiệu nhưng lại gây dư luận xấu, không tốt và hội đồng xét tặng có quyền tước bỏ danh hiệu của nghệ sĩ đó. (Ông Phan Quốc Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)
Cần phân biệt giữa các đối tượng xét duyệt
Rút kinh nghiệm như những lần trước, dự thảo Thông tư cần phân biệt rõ giữa các nhạc công solit và các nhạc công ngồi trong dàn nhạc, không nên đổ đồng chung với 15 năm hoạt động nghệ thuật (tiêu chuẩn NSƯT). Người nhạc công solit có thể căn cứ theo tiêu chuẩn 15 năm và các giải thưởng huy chương nhưng với những nhạc công ngồi trong dàn nhạc, theo tôi, cần phải quy định thời gian dài hơn vì vị trí của họ khác với vị trí của người solít trong dàn nhạc. 15 năm hoạt động nghệ thuật được tính như thế nào cũng phải quy định cụ thể vì vừa qua có nhiều người đã tính cả số năm họ đang học trong nhạc viện là năm hoạt động nghệ thuật. Hoặc có một số nghệ sĩ khi làm việc tại đơn vị nghệ thuật nhà nước bị kỷ luật hoặc tự ý thôi việc bỏ ra ngoài hoạt động tự do thì số năm làm việc tại đơn vị nghệ thuật đó theo tôi cũng không được tính vào thành tích năm cống hiến hoạt động nghệ thuật. Khác với anh làm trong nhà nước đòi hỏi phải tham gia. Phải có những thành tích là những người chuyên môn, anh solit có huy chương vàng bạc rõ rồi, số năm cống hiến. Trong khi các nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập phải đạt tiêu chí 5 năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến liền kề, kiên trì bám trụ đơn vị thì các nghệ sĩ, nghệ nhân tự do chỉ cần thực hiện rất chung chung nội dung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước. Theo tôi các nhà soạn thảo dự thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng để có sự phân biệt thành tích giữa nghệ sĩ trong các đơn vị nghệ thuật công lập và nghệ sĩ tự do. (NSƯT Tuyết Mai, Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen)
Cần có sự phân biệt giữa các giải thưởng
Đây là bản dự thảo đầy đủ, toàn diện cả về những chi tiết cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, xin có một số ý kiến góp ý cho dự thảo cụ thể hơn. Tại mục 4, Điều 6, Chương ii ghi “Có ít nhất 03 giải thưởng chính thức (Loại Vàng) trở lên, trong đó có 01 giải thưởng của 02 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân” và mục 4 Điều 7 ghi “Có ít nhất 04 giải thưởng chính thức (loại Vàng hoặc Bạc) trở lên, trong đó có một giải thưởng của 02 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú”. Ở đây có sự không rõ ràng : 3 giải Vàng là đủ tiêu chuẩn NSND, trong khi đó 4 giải thưởng chính thức (loại Vàng hoặc Bạc) là đủ tiêu chuẩn NSƯT, vậy thì nghệ sĩ nào có 3 giải Vàng (bằng tiêu chuẩn của NSND) thì vẫn chưa đủ điều kiện để xét NSƯT. Trong khi đó nghệ sĩ nào chỉ có 4 giải Bạc, mà không hề có giải Vàng nào thì vẫn đủ tiêu chuẩn NSƯT hay sao? Cũng tại mục 4 Điều 6 và 7 có qui định trong các giải thưởng, thì phải có “01 giải thưởng của 02 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT”. Điều này rất khó thực hiện, vì không phù hợp với tình hình thực tiễn. Ở lĩnh vực sân khấu, 5 năm mới tổ chức Hội diễn một lần và không phải nghệ sĩ nào cũng có cơ hội được tham dự. Nếu đưa ra tiêu chuẩn này thì sẽ rất thiệt thòi cho các nghệ sĩ. Bản dự thảo đồng nhất các giải thưởng tại Liên hoan nghệ thuật, Hội diễn nghệ thuật, Liên hoan phát thanh và truyền hình cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực quốc tế và giải thưởng Hội Văn học - nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. Cần có sự phân biệt rõ giữa giải thưởng trong nước và giải thưởng quốc tế (giải thưởng quốc tế có giá trị lớn hơn rất nhiều) ; giữa giải thưởng tại Liên hoan, Hội diễn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với giải thưởng của Hội và các tổ chức khác (thường chỉ có giải A, B, C, chứ không có giải Vàng, Bạc và thậm chí có năm không có giải A). (Ông Bùi Xuân Tiến, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam)
Theo Thuý Hiền-VanHoaOnline