Nhà văn hóa thường xuyên... đóng cửa
Buôn Viâo A thuộc huyện Krông Năng cách TP Buôn Ma Thuột 50 km. NVHCÐ
nơi đây là "điểm sáng" của huyện, của tỉnh. Dẫn chúng tôi ghé thăm nhà
văn hóa là già làng Ơn Mlô, cũng đồng thời là người trực tiếp tham gia
tổ tự quản. Ở tuổi 75, già vẫn còn linh hoạt, khỏe khoắn với thân hình
chắc nịch, nước da sẫm mầu, giọng nói và nụ cười mộc mạc như cây rừng.
Nằm ngay trên con đường trung tâm buôn trải nhựa phẳng phiu, nhà văn hóa
là một công trình khá hoàn chỉnh với tường bao, hàng rào, cổng sắt, bên
trên treo tấm biển lớn. Khoảng sân rộng phía trước lát xi-măng sạch sẽ
trồng nhiều cây xanh, có cột cờ cao ở giữa. Ngôi nhà được xây dựng theo
dáng nhà dài Ê Ðê mầu sơn sáng sủa, mái lợp tôn, sàn gỗ, bên trong có
đầy đủ các thiết bị sinh hoạt như bàn ghế, loa đài, ti-vi, tượng Bác...
cùng những đồ vật truyền thống như chiếc ghế dài k’pan, ghế jhưng, bộ
cồng chiêng và trống lớn. Ngoài ra còn có cả nhà kho đựng đồ, nhà vệ
sinh ở phía bên cạnh. Chỉ lên những tấm bằng khen treo la liệt trên
tường, già Ơn Mlô không giấu nổi tự hào kể về thành tích của các tổ
chức, đoàn thể trong buôn như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông
dân, Hội Cựu chiến binh, Ðội cồng chiêng... Già cho biết, NVHCÐ xây dựng
từ năm 2004, được sử dụng liên tục, hiệu quả nhiều năm qua, là nơi
thường xuyên tổ chức hội họp chính quyền, đoàn thể; sinh hoạt văn hóa,
thể thao, lễ hội lớn cho cả các buôn lân cận...
Cùng trong huyện Krông Năng, nhưng ở buôn Trắp, xã Ea Tam cách đó 25
km, NVHCÐ lại trong tình trạng hư hỏng nặng nề, bỏ hoang không sử dụng.
Giữa bãi cỏ dại um tùm là ngôi nhà gần 100 m2 cũ nát với mái tôn bị tốc,
cửa sổ, cửa ra vào cái còn cái mất, bên trong sàn gỗ sập gần hết, lỏng
chỏng mấy bộ bàn ghế gãy... Già làng Y Nger Niêk Ðăm cho biết, ngôi nhà
này được xây từ năm 2005 với kinh phí 100 triệu đồng, lúc đó người dân
không được tham gia ý kiến, khi nhận cũng không có văn bản, giấy tờ bàn
giao. Ðiện, nước, nhà vệ sinh, thiết bị sinh hoạt như loa, đài, cờ...
hầu như không có, những năm trước, mỗi khi tổ chức sinh hoạt cộng đồng
đều phải mượn thiết bị từ các gia đình. Theo số liệu kiểm kê của Phòng
Văn hóa huyện ngày 18-8-2011, 100% các trang thiết bị của nhà văn hóa
đều chưa có, kèm theo là con số không của các tổ chức hoạt động như Ban
chủ nhiệm, Ðội văn nghệ quần chúng, đội cồng chiêng... Phó Chủ tịch xã
Ea Tam Thủy Trang đi cùng đoàn cho biết, mấy lần huyện và xã đã tổ chức
đoàn đi kiểm tra, khảo sát và lập tờ trình xin kinh phí sửa chữa nhưng
vẫn chưa được. "Vậy mỗi khi có công việc, sinh hoạt, lễ hội của buôn thì
tổ chức ở đâu?". Nghe hỏi vậy, già làng chỉ tay về phía ngôi nhà xây
khang trang với khoảng sân rộng rãi cách đó không xa của gia đình mình.
Giọng thở than, già bảo: "Nhà văn hóa lẽ ra phải được làm tốt hơn, chẳng
hạn như cái sàn này vì bằng gỗ tạp nên chóng hỏng. Bây giờ để không
thật lãng phí. Chúng tôi rất mong muốn được các cấp hỗ trợ kinh phí sửa
chữa, xây dựng để có một NVHCÐ đầy đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị như
điện, nước, nhà vệ sinh, hàng rào, sân chơi... cho bà con có chỗ sinh
hoạt thuận tiện".
Ðạt "chuẩn" về diện tích với khuôn viên rộng lớn 1.000 m2, NVHCÐ buôn
Ja, xã Krông Bang, huyện Lắc được xây dựng từ năm 2004, đây là nơi có
điều kiện tốt hơn với cả sân bóng chuyền và nhà vệ sinh do Ðoàn Thanh
niên tình nguyện xây tặng năm 2011. Nhưng nơi đây lại không thu hút được
đồng bào đến tham gia sinh hoạt, kể cả tổ chức họp buôn. Hiện tại, nhà
cũng đang ở tình trạng xuống cấp nặng nề, nền sụt lún, tường, cửa sổ,
cửa chính hư hỏng, bên trong chỉ còn lại vài bộ bàn ghế gãy, nhà vệ sinh
bị tốc mái... Còn tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông lại cho thấy sự bất
hợp lý trong quy hoạch khi tại ngã ba chưa đến 500 m có tới ba NVHCÐ
được xây dựng của xã và các buôn Ðắc Tuôr, Blắc, gây nên sự lãng phí
không cần thiết. Nhìn chung, tình trạng thường xuyên đóng cửa, một năm
chỉ hoạt động hai, ba lần hoặc hư hỏng bỏ hoang là thường thấy ở rất
nhiều NVHCÐ các thôn buôn trên địa bàn tỉnh.
Lãng phí lớn, bất cập nhiều
Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh Ðác Lắc có tổng số 570 NVHCÐ được xây
dựng ở 608 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chiếm tỷ lệ 94%. Ðó
là sự quan tâm, đầu tư không nhỏ của Nhà nước để người dân có điều kiện
thuận lợi trong sinh hoạt văn hóa, tinh thần; tăng cường đoàn kết gắn bó
cộng đồng và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sau
gần 10 năm đi vào hoạt động, theo khảo sát đánh giá gần đây của Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chỉ 30% số NVHCÐ buôn tổ chức tốt các
hoạt động, thực hiện tốt vị trí, chức năng, nhiệm vụ; 70% còn lại hoạt
động trung bình, yếu và không hoạt động.
Thực trạng trên tồn tại do nhiều nguyên nhân, trước hết là ở sự bất hợp
lý trong việc đầu tư, xây dựng. Trừ một số NVHCÐ xây dựng bằng nguồn
kinh phí Nhà nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn lại chủ yếu là
bằng nguồn ngân sách của tỉnh trị giá 100 triệu đồng/nhà và kinh phí
đầu tư thêm của các huyện, thị xã, thành phố rất hạn chế, khoảng 15-20
triệu đồng/nhà. Do đó diện tích xây dựng NVHCÐ và khuôn viên hẹp, không
bảo đảm để tổ chức các hoạt động có đông người tham dự. Phần lớn nhà văn
hóa thiếu các cơ sở thiết yếu như nhà vệ sinh, nước sinh hoạt, hàng rào
bảo vệ, cây xanh bóng mát. Ðược xây dựng mô phỏng theo kiến trúc nhà
dài đậm bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng trong
quá trình xây dựng, chủ đầu tư không thông qua xã, không có sự tham gia
góp ý của người dân vì vậy kiến trúc nhà đơn điệu, chất liệu bằng
xi-măng cốt thép trở nên xa lạ với đồng bào, nhiều nhà không đúng với
phong tục tập quán của từng dân tộc. Ðiển hình như buôn Cư Ðrăng, xã Ea
Yiêng, huyện Krông Pắc, đồng bào ở đây chủ yếu là người Xê Ðăng với ngôi
nhà rông truyền thống, nhưng NVHCÐ lại được xây dựng theo kiến trúc nhà
dài cho nên từ khi xây xong đến nay người dân chưa một lần đến sinh
hoạt. Bên cạnh đó, một số nhà đã xuống cấp trầm trọng nhưng không có
kinh phí sửa chữa. Theo Quy chế tổ chức và hoạt động NVHCÐ của UBND tỉnh
thì mỗi NVHCÐ ít nhất phải được trang bị dàn âm thanh, dàn chiêng,
ti-vi, ra-đi-ô cát-sét, báo, tạp chí... Nhưng thực tế đến nay chỉ một
số ít nhà văn hóa mua sắm đầy đủ các thiết bị trên từ nguồn tài trợ, và
trong ba năm (2007-2010) tỉnh đã cấp 128 bộ cồng chiêng cho 128 nhà văn
hóa, còn lại hầu hết chưa được cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị bên
trong, thậm chí có nơi còn chưa có cả phông màn, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ.
Một hạn chế lớn là nhiều năm qua, mặc dù đã được trang bị kiến thức
nghiệp vụ nhưng phần lớn Ban Chủ nhiệm các NVHCÐ chưa chủ động trong
việc xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể; nhiều nơi không
có Ban chủ nhiệm mà thường do già làng, trưởng buôn tạm thời kiêm nhiệm,
quản lý; nhiều nơi chính quyền thiếu sự quan tâm chỉ đạo, các tổ chức
đoàn thể chưa có sự phối hợp đồng bộ cho nên hoạt động mang tính thời
vụ, không thường xuyên; nội dung hoạt động thiếu sáng tạo, không hấp
dẫn, lôi cuốn đồng bào tham dự; chưa phát huy hết công năng của nhà văn
hóa, chủ yếu chỉ dùng làm nơi hội họp, thậm chí làm nhà trẻ, mẫu giáo;
chính quyền địa phương chưa bố trí nguồn kinh phí hằng năm, chưa thật sự
quan tâm, chỉ đạo để NVHCÐ thực hiện tốt vị trí, chức năng, nhiệm vụ
của một thiết chế văn hóa cơ sở. Trong thực tế, chỉ có cán bộ quản lý
một số nhà văn hóa biết vận dụng phương pháp tổ chức hoạt động và thực
hiện công tác xã hội hóa, dựa vào dân và các đơn vị kết nghĩa tranh thủ
nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động tốt như các buôn Ur, Wiâo A thị trấn
Krông Năng; buôn Tring 2, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ; buôn Ba, xã Cư
Ni, buôn Mriu, xã Cư Huê, huyện Ea Kar... Bên cạnh đó có một số NVHCÐ dù
mới được xây dựng, thiết chế còn tốt, khuôn viên thoáng, đẹp, nhưng vẫn
không tổ chức hoạt động được.
Thay tên gọi có phải là giải pháp?
Trước thực trạng trên, vừa qua, UBND tỉnh Ðác Lắc đã ra Chỉ thị về việc
Nâng cao hiệu quả hoạt động NVHCÐ buôn trên địa bàn tỉnh, trong đó chú
trọng một số vấn đề như: các địa phương phải ưu tiên quỹ đất để xây dựng
NVHCÐ; cần tham khảo ý kiến người dân về vị trí, kiểu dáng, kích thước
và vật liệu trước khi xây dựng; bố trí kinh phí xây dựng, sửa chữa, kinh
phí hằng năm cho hoạt động và mua sắm trang thiết bị NVHCÐ trên địa
bàn, phấn đấu đến năm 2015, 100% buôn trên địa bàn tỉnh có NVHCÐ hoàn
chỉnh các hạng mục và bảo đảm đủ điều kiện để đồng bào sinh hoạt; kiện
toàn và tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban
Chủ nhiệm; vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp
luật của Ðảng và Nhà nước, góp phần xây dựng nông thôn mới; các cơ quan
báo chí truyền thông tuyên truyền, phát hiện những mô hình tốt để nhân
rộng, biểu dương khen thưởng kịp thời...
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðác Lắc Y Wái Byă cho rằng,
muốn phát huy được hiệu quả NVHCÐ phải có sự đầu tư kinh phí và tổ chức
quản lý, hoạt động phù hợp, trong đó vai trò của chính quyền địa phương
là hết sức quan trọng; thêm nữa rất cần khơi dậy ý thức của người dân
tích cực tham gia hoạt động, coi đây là tài sản của mình để cùng bảo
quản, gìn giữ. "Từ nay đến năm 2015 còn hơn 100 NVHCÐ tiếp tục được xây
dựng với kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước và vận động các nguồn
vốn. Thiết nghĩ, việc tham khảo ý kiến nhân dân về mô hình NVHCÐ sao cho
phù hợp là điều rất cần thiết. Có thể nên để đồng bào tự làm, đóng góp ý
tưởng, công sức, thậm chí cả vật chất thì sẽ có trách nhiệm hơn để bảo
đảm công trình vừa tiết kiệm chi phí, vừa đạt chất lượng".
Một điều đáng lưu ý là, nên chăng cần xem xét, thống nhất lại tên gọi
của mô hình này để định hướng đầu tư, hoạt động? Ban đầu, Quyết định 119
năm 2003 của UBND tỉnh gọi là Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sau đổi
thành Nhà văn hóa cộng đồng, có địa phương gọi Nhà sinh hoạt cộng đồng.
Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý văn hóa và người dân, cách gọi này
chưa phù hợp, bởi nơi đây thường xuyên diễn ra sinh hoạt, hội họp của
các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; và nếu xếp vào loại hình NVHCÐ
thì chưa đủ điều kiện về các thiết chế văn hóa cơ bản. Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Ðác Lắc Mai Hoan cũng nhận xét, lâu nay các NVHCÐ thường sử dụng
cả cho nhiều hoạt động khác của thôn buôn chứ không chỉ dành riêng để
sinh hoạt văn hóa. Vì vậy, sẽ giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham
mưu để thay đổi tên gọi cho phù hợp, từ đó UBND tỉnh nghiên cứu xem xét
và có sự chỉ đạo, định hướng hoạt động cho phù hợp tình hình, thực tế
địa phương.
Ði qua những buôn làng Tây Nguyên vào một chiều tắt nắng, khi cơn mưa
đầu mùa đang chập chờn ẩn hiện nơi những đám mây xám vần vũ trên bầu
trời. Thấy nao nao buồn khi nhìn những ngôi nhà văn hóa cộng đồng nhỏ
bé, cũ kỹ nằm đơn độc, im lìm giữa bãi đất, cỏ hoang vu như những nốt
nhạc buồn. Sau một ngày lao động vất vả, người nông dân lầm lũi rời đồi,
nương trở về, lại li lút với cơm nước, cửa nhà. Giá như những ngôi nhà
kia thường xuyên bừng sáng trong ánh điện, trong tiếng chiêng ngân, nói
cười... Cuộc sống quả không chỉ cần cơm ăn, áo mặc. Làm thế nào để đáp
ứng nhu cầu, quyền được tiếp nhận, hưởng thụ văn hóa, tinh thần chính
đáng và bức thiết của đồng bào Tây Nguyên trong cuộc sống xã hội đang
từng ngày phát triển? Câu hỏi đó trước hết xin được dành cho các cấp
chính quyền và ngành văn hóa địa phương.