Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 15/2/2012 19:5'(GMT+7)

Những "Hũ gạo tình thương" của phụ nữ Đăk Lắk

Nhờ nguồn vốn do Hội Phụ nữ hỗ trợ, gia đình chị Trần Thị Hà ở thôn Thu Cúc, xã Ea Mút, huyện Ea Ca (Ðắk Lắk) đầu tư nuôi bò vỗ béo, nhờ đó dần thoát nghèo.

Nhờ nguồn vốn do Hội Phụ nữ hỗ trợ, gia đình chị Trần Thị Hà ở thôn Thu Cúc, xã Ea Mút, huyện Ea Ca (Ðắk Lắk) đầu tư nuôi bò vỗ béo, nhờ đó dần thoát nghèo.

Mô hình "Hũ gạo tiết kiệm tập trung" Chi hội Phụ nữ thôn Ðoàn Kết 1, xã Buôn Triết phát động từ tháng 9/2007, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các chị em hội viên phụ nữ. Chi hội hiện có 105 hội viên thì 100% hội viên đều tham gia mô hình này. Hằng tháng, các chị em mang lúa đến xát gạo tại nhà máy xát của chị Tăng Thị Hạnh, đây cũng chính là nơi để "Hũ gạo tiết kiệm tập trung" của Chi hội thôn. Chẳng ai bảo ai, các chị đều bớt lại một hoặc hai nắm gạo bỏ vào "Hũ gạo tiết kiệm". Ðịnh kỳ sáu tháng, hay vào dịp Tết, số gạo tình nghĩa này sẽ được trao tận tay cho những hội viên nghèo, những hội viên có hoàn cảnh không may trong cuộc sống. Ðến nay, các chị em trong Chi hội Phụ nữ thôn Ðoàn Kết 1 đã tiết kiệm được hơn 300 kg gạo, từ đó giúp đỡ được nhiều hộ nghèo trong thôn.

Gia đình chị Phạm Thị Nhiệm là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị Nhiệm một mình nuôi ba con nhỏ, thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào năm sào ruộng, đứa con út  bị ung thư máu, chị phải chuyển nhượng hết đất ruộng lấy tiền chạy chữa cho con. Hiện nay nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình trông vào số tiền đi làm thuê ít ỏi của chị. Trước hoàn cảnh đó, Chi hội Phụ nữ thôn đã hỗ trợ cho gia đình chị Nhiệm số gạo từ "Hũ gạo tiết kiệm tập trung" của Chi hội. Số gạo này tuy không nhiều nhưng đối với hoàn cảnh gia đình chị Nhiệm hiện nay là cả một nguồn động viên lớn. Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Ánh cũng thuộc diện khó khăn nhất nhì trong thôn. Hai chị em bà Ánh là lao động chính trong nhà, phải nuôi bốn miệng ăn và một người mẹ già 83 tuổi, gia đình bà lại không có đất sản xuất nên cuộc sống thường xuyên gặp khó khăn, gia đình bà cũng được Chi hội Phụ nữ thôn ưu tiên hỗ trợ gạo.

Không chỉ gia đình chị Nhiệm, bà Ánh, còn có rất nhiều người già cả, neo đơn, trong thôn cũng đã được Chi hội Phụ nữ thôn Ðoàn Kết 1 hỗ trợ gạo. Nói về việc phát động xây dựng mô hình hũ gạo tiết kiệm cũng như hiệu quả đem lại từ mô hình này, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Ðoàn kết 1 Phạm Thị Lệ Phúc cho biết: Khi Hội Phụ nữ xã phát động xây dựng mô hình "Hũ gạo tiết kiệm tập trung" thì mô hình này nhanh chóng được triển khai đến các chi hội, các chị em rất nhiệt tình hưởng ứng, đến nay mô hình đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực để giúp các chị em hội viên nghèo trong những lúc không may, khốn khó. Số gạo mà chúng tôi tiết kiệm được đã giúp cho nhiều hội viên. Mỗi suất gạo hỗ trợ đều được chọn đúng trường hợp, hoàn cảnh. Mỗi gia đình có người già cả, neo đơn, khốn khó trong thôn đều được Chi hội Phụ nữ thôn Ðoàn Kết 1 hỗ trợ gạo.

Ðến buôn Drao A, xã Cư Dliê M’nông (huyện Chư M’gar, tỉnh Ðắk Lắk) dễ thấy trong nhà các chị em phụ nữ đều có "Hũ gạo tiết kiệm". Gia đình chị H’Sơ Mi Tla là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong buôn Drao A. Một mình chị phải nuôi bà ngoại năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình chỉ trông vào hai sào đất rẫy và tiền đi làm thuê ít ỏi của chị. Mỗi năm, gia đình chị H’Sơ phải thiếu ăn hai đến ba tháng. Trước hoàn cảnh đó, Chi hội Phụ nữ buôn đã hỗ trợ cho gia đình chị H’Sơ 15 kg gạo từ "Hũ gạo tiết kiệm" của chi hội.

Không chỉ gia đình chị H’Sơ Mi Tla mà rất nhiều người già cả, neo đơn, khốn khó trong buôn cũng đã được Chi hội Phụ nữ buôn Drao A hỗ trợ gạo. Mô hình "Hũ gạo tiết kiệm" được Chi hội phụ nữ buôn Drao A phát động từ tháng 3/2010 và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên phụ nữ. Tham gia mô hình này, cứ mỗi bữa vo gạo nấu cơm, các chị em đều bớt lại một nắm gạo để bỏ vào "Hũ gạo tiết kiệm" của gia đình. "Hũ gạo tiết kiệm" có thể là những chiếc hộp nhựa, túi gai, hũ sành... Ðịnh kỳ sáu tháng, các chị lại lần lượt đem gạo đến góp vào hũ gạo chung của chi hội. Sau khi thu gom, số gạo này được trao tận tay cho những hội viên nghèo, những hội viên có hoàn cảnh không may trong cuộc sống. Tuy mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng các chị em phụ nữ buôn Drao A đã tiết kiệm được gần 60 kg gạo, từ đó giúp đỡ được nhiều hộ nghèo trong buôn. Chị Nguyễn Thị Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Drao A cho biết: "Mô hình "Hũ gạo tiết kiệm" đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của chị em phụ nữ trong buôn. Trong thời gian tới Chi hội Phụ nữ buôn Drao A sẽ tiếp tục vận động chị em trong buôn nhân rộng mô hình này bởi đây là một hoạt động đầy ý nghĩa, thể hiện tinh thần "tương thân, tương ái" của người dân trong buôn".

Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea H’leo đã chú trọng phát động việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, phong trào xây dựng hũ gạo tình thương, ống tiền, heo đất tiết kiệm được đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ hưởng ứng, bởi đây không chỉ là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc mà còn phù hợp điều kiện kinh tế của tất cả các hộ gia đình.

Không chỉ xây dựng heo đất, hũ gạo tiết kiệm, Hội LHPN huyện còn phát động tiết kiệm đất chung quanh nhà trồng rau sạch, tiết kiệm trong chi tiêu, sinh hoạt. Ðến nay, hội viên phụ nữ huyện đã xây dựng được 40 mô hình trồng rau sạch tại thị trấn Ea Drăng và các xã Cư Amung, Ea Sol, Ea Ral, Ea Nam; sử dụng điện tiết kiệm tại xã Ea Wy. Bên cạnh đó, thực hành tiết kiệm còn thể hiện trong quá trình tổ chức ma chay, cưới hỏi của mỗi gia đình thông qua việc cắt giảm thời gian và các chi phí không cần thiết. Ngoài các hình thức tiết kiệm nói trên, Hội LHPN huyện thành lập và duy trì các tổ, nhóm tiết kiệm vì phụ nữ nghèo để giúp chị em phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Ðến nay đã có 212 tổ, nhóm tiết kiệm được thành lập với 3.900 thành viên tham gia, huy động nguồn quỹ trên 750 triệu đồng, giúp cho hơn 1.000 lượt hội viên vay xoay vòng lãi suất thấp. Ðồng thời, các cấp hội còn vận động hội viên có kinh tế khá giúp đỡ phụ nữ nghèo bằng cách cho mượn cây, con giống, phân bón... Với cách làm này, nhiều gia đình hội viên trên địa bàn huyện có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Chị Mai Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện đánh giá: Các hình thức tiết kiệm nói trên đã thật sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống cộng đồng. Số gạo, tiền, vốn vay được hỗ trợ, giúp đỡ theo từng tháng, quý của Hội phụ nữ các cấp đã tạo điều kiện cho rất nhiều gia đình hội viên khó khăn từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Và điều quan trọng hơn cả là qua phong trào thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ đã thể hiện được tình thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của chị em./.

(Theo: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất