Đại đức Danh Cảnh, trụ trì chùa Chắc Băng Mới, thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) luôn vận động sư sãi trong chùa và đồng bào phật tử tham gia học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Hưởng ứng CVĐ do Đảng phát động, đại đức Danh Cảnh đã “làm theo” với nhiều việc thiết thực và thật sự là “bà đỡ” cho học sinh dân tộc Khmer nghèo biết được cái chữ.
Đại đức Danh Cảnh, bộc bạch: “Sinh thời Bác thường nói: “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đảng và Nhà nước luôn coi sự nghiệp giáo dục là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, bản thân tôi là một vị trụ trì chùa luôn quán triệt lời dạy đó và luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục, nhất là đối với con em đồng bào dân tộc Khmer đang gặp khó khăn. Cũng vì thế, từ khi phát động CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhà chùa cũng như bản thân tôi đứng ra vận động con em đồng bào phật tử đến trường. Nhiều năm nay, nhà chùa cũng đã tiếp nhận và nuôi dưỡng nhiều con em đồng bào dân tộc Khmer vùng sâu, vùng xa không đủ điều kiện đến trường về chỗ ăn, nghỉ cho các em được đến lớp biết con chữ”.
Từ việc làm ý nghĩa này, hiện nay một số em đã trưởng thành và tham gia các hoạt động xã hội trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước. Hiện tại, nhà chùa đang nuôi dưỡng 14 em có gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có điều kiện được đến lớp, đến trường. Bên cạnh đó, ngoài chăm lo mua tập vở, quần áo, nhà chùa còn động viên, giúp các em phấn khởi trong học tập để các em không bị thiệt thòi về vật chất cũng như tinh thần. Đi đôi với công tác này, nhà chùa còn mở các lớp dạy chữ Khmer cho con em đồng bào phật tử để giúp các em biết được tiếng nói, con chữ của dân tộc mình. Những ngày lễ hội của đồng bào dân tộc còn tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao theo bản sắc của đồng bào dân tộc Khmer.
Đại đức Danh Cảnh cho biết thêm, mỗi dịp lễ hội, đồng bào phật tử đến chùa đông đúc, bản thân là trụ trì chùa thường xuyên nhắc nhở cho phật tử luôn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần hòa mình vào cuộc sống cộng đồng dân cư nơi cư trú và cần nhất là phải hết sức đoàn kết để tương thân, tương ái với các dân tộc anh em cùng nhau phấn đấu vươn lên bằng chính bản thân mình để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; tích cực tham gia công tác xóa đói giảm nghèo và thường xuyên lồng ghép CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “sống tốt đời đẹp đạo”, từ đó đồng bào phật tử sẽ hiểu rõ, nhận thức đúng đắn tích cực hưởng ứng CVĐ.
Đại đức Danh Cảnh rất tâm đắc câu nói của Bác khi nói chuyện về sự cần thiết của tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong nước, Người giơ bàn tay mình lên cao bảo: “Việt Nam có rất nhiều dân tộc cùng sinh sống, có dân tộc ít người, có dân tộc nhiều người nhưng phải là một khối đoàn kết thống nhất. Cũng giống như bàn tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng đều được nuôi dưỡng chung một dòng máu, không thể tách rời…”. Câu nói của Bác luôn thôi thúc Đại đức Danh Cảnh luôn hướng cho phật tử của mình phải đoàn kết với dân tộc anh em, cùng nắm tay nhau để vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước.
Với những việc làm hiệu quả, thiết thực, nhất là trong CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, năm 2011, đại đức Danh Cảnh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam./.
Theo TTXVN