Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 10/1/2010 21:49'(GMT+7)

Tác phẩm và nhà văn - những điều cần nói

Một tiết mục trong Ngày Thơ Việt Nam 2009 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh minh hoạ).

Một tiết mục trong Ngày Thơ Việt Nam 2009 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh minh hoạ).

Mà một mối tình thực sự đẹp phải là mối tình vừa thơ mộng vừa sâu nặng. Thế thì tình nghĩa tao khang vợ chồng sâu nặng mới là đẹp nhất chứ. Đó là mối tình đơm hoa kết trái và gieo hạt cho mùa sau.

1. Tác phẩm đầu tay

Nhà thơ thiên tài Pêtôphi của Hunggari không giấu diếm điều này: "Người tình đầu của tôi đã nghỉ yên dưới mộ/ Nỗi đau tôi như ánh trăng trong nấm mộ đêm đen/ Tình yêu mới của tôi đã lên rồi như vầng dương rực rỡ/ Ánh trăng ư… đã tan dần trước uy lực của vầng dương".

Có mối tình đầu nào đẹp bằng mối tình vợ chồng của nhà thơ Tú Mỡ sau gần nửa thế kỷ chung sống hạnh phúc. Ở vào tuổi "cổ lai hy", tình yêu của ông bà vẫn đẹp thế, khi ông nhìn bà: "Đâu bóng dáng con người thùy mị/ Tuy tuổi già xấp xỉ bảy mươi/ Vẫn còn khỏe mạnh vui tươi/ Le te, nhanh nhẹn như thời xuân xanh/ Nhìn sau lưng vô tình cứ ngỡ/ Một cô nào thiếu nữ thanh tân" (Khóc người vợ hiền). Từ suy nghĩ trên tôi thấy thói quen nói theo nhau đã hạn chế rất nhiều những phát minh sáng tạo. Nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Có nhiều người cho rằng tác phẩm đầu tay của nhà thơ nhà văn khi viết tự nhiên chưa bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng và dư luận xã hội là những tác phẩm hay nhất. Từ quan niệm trên, cộng với sự mặc cảm với nền văn chương cách mạng, họ đã đưa ra nhận xét rằng tác phẩm hay nhất của Tố Hữu là "Từ ấy", của Chế Lan Viên là "Điêu tàn", của Huy Cận là "Lửa thiêng", của Tô Hoài là "Dế mèn phiêu lưu ký", của Nguyên Hồng là "Bỉ vỏ"…

Tôi xin khẳng định rằng đó là một lối nói cực đoan. Tập  thơ  "Từ  ấy" của  Tố Hữu làm sao có thể so sánh với các tập thơ có những kiệt tác: "Việt Bắc", "Ta đi tới", "Việt  Nam máu và hoa","Bác ơi" và "Nước non ngàn dặm" của ông sau này? Còn trước khi hoàn thành "Truyện Kiều", đại thi hào Nguyễn Du đã viết nhiều bài thơ khác. Văn hào Lép Tônxtôi cũng viết bộ tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" sau nhiều tác phẩm của ông. "Những người khốn khổ" đâu phải là tác phẩm đầu tay của Víchto Huygô?...

Văn học nghệ thuật là một lĩnh vực sáng tạo, chẳng có quy luật cụ thể nào. Tác phẩm đầu tay có thể là tác phẩm lớn nhất của nhà văn này, đối với nhà văn khác nó lại là tác phẩm non nớt buổi đầu tập viết. Tuy vậy, đối với mọi nhà thơ nhà văn, hướng tới một tác phẩm để đời luôn luôn được đặt ra, giống như mỗi người phải phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc của cuộc đời mình, chứ đừng vơ vẩn với mối tình đầu. Dừng lại không vượt qua được tác phẩm đầu tay là sự đau khổ của nhà văn. Ở một chừng mực nào đó thì đó là sự kém tài năng và bản lĩnh.

Cứ theo sự quan sát của tôi thì có tới trên tám mươi phần trăm các nhà thơ nhà văn cổ kim đông tây, tác phẩm để đời của họ không phải là tác phẩm đầu tay. Ở phần trước tôi đã viết bài "Câu thơ mang kinh nghiệm sống một đời". Giở tập kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại", tôi thấy một nhà thơ được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cũng tâm sự "Tôi rất tin: thơ là kinh nghiệm sống". Kinh nghiệm sống tất nhiên không có nhiều trong tác phẩm đầu tay.

Tuy nhiên thành công ở mức độ khác nhau của tác phẩm đầu tay đã khẳng định con đường văn chương của nhà văn. Sáng tạo văn chương cũng có sức quyến rũ, mê hoặc. Sau thành công của tác phẩm đầu tay sẽ cho nhà văn sự hăm hở và sức sáng tạo mới. Vượt lên hay dừng lại hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng và bản lĩnh của nhà văn. Mà bản lĩnh nghệ thuật thì không phải chỉ là sự dũng cảm. Bản lĩnh nghệ thuật đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của nhà văn trong đó tiềm năng sáng tạo, kinh nghiệm sống và hệ thống thẩm mỹ đóng vai trò rất quan trọng.

Những tác phẩm nghệ thuật thành công bao giờ cũng có sự chuẩn bị tích lũy của rất nhiều yếu tố. Tác phẩm đầu tay mà thành công, đó là sự tích lũy của những năm trước khi bắt tay vào viết, chứ hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Nhưng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sáng tác của mỗi nhà văn một khác, không thể đo bằng thời gian ngắn dài.

Thì ông cha ta đã nói qua sáng tạo sức mạnh của hình tượng Phù Đổng đấy thôi: "Ba năm không nói không cười/ Bỗng nhiên đứng dậy vươn người lớn cao". Tôi mường tượng những tác phẩm để đời của mỗi nhà văn cũng thường được hình thành có bóng dáng giống như thế.

2. Quần chúng tập sáng tác và văn chương bác học

Trong lịch sử văn chương, chúng ta thường chia văn chương thành hai loại: Văn chương "truyền miệng" và văn chương "viết". Các nhà nghiên cứu thì đặt thành hai loại: Văn chương dân gian và văn chương bác học. Có lẽ khái niệm của các nhà nghiên cứu bao quát và chính xác hơn, giúp chúng ta phân định văn chương trong dòng chảy hiện đại được chuẩn xác. Bởi ngày nay, khái niệm "truyền miệng" và "viết" không đủ nội hàm để định danh các dạng văn chương.

Văn chương dân gian thì có tính dân dã và tập thể. Ngày xưa dòng văn chương này thường của những người bình dân sáng tác và truyền miệng. Vì vậy những sáng tác ấy khá nhiều nhưng lúc đầu thường chất lượng còn đơn giản, thô sơ. Một số rất ít được sửa chữa, gọt rũa trong quá trình truyền miệng trở thành có giá trị. Từ quan điểm đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý". Và quả thực những sáng tác còn lại được với thời gian của văn chương dân gian đã được tẩy rửa hết tạp chất và cô luyện đến hàm súc thành sáng đẹp.

Sẽ không có gì phải bàn về văn chương bác học, bởi tên tuổi các nhà thơ cổ điển: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương và các nhà thơ nhà văn hiện đại nổi tiếng của thế kỷ XX: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật…đã tự khẳng định vị thế của văn chương bác học.

Điều đau lòng là hiện nay văn chương bác học và sáng tác của quần chúng đang bị lẫn lộn rất nghiêm trọng. Văn chương bác học là nghệ thuật, còn sáng tác của quần chúng đại trà thì chưa phải là nghệ thuật, chưa phải là văn chương. Nhưng bác học thì bao giờ cũng ít, mà quần chúng thì lại đông đảo. Và một số người vì ý đồ riêng đã cố tình đánh tráo giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật để kiếm lợi. Thế là sáng tác của quần chúng đã được xuất bản tràn lan và phát hành rộng rãi. Và mọi người quan niệm một cách đơn giản là đã in thì thành sách, thành tác phẩm và người viết những thứ đó nghiễm nhiên được gọi là nhà thơ nhà văn. Và "Thơ phường, thơ xã bủa vây Hội Nhà văn Việt Nam" như tiêu đề một bài viết được tải trên một số trang web mới đây.

Trong bài này, nhà thơ Vũ Quần Phương - Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đã dũng cảm bộc bạch lo lắng có trách nhiệm rất đúng rằng: "Ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư ngày càng không rõ nét. Nhiều người nghiệp dư nhưng cũng dùng những thao tác chuyên nghiệp để xuất bản và phát hành: trình bày ấn tượng, in sang trọng, quảng cáo giới thiệu rầm rộ… nên độc giả rất khó phân biệt. Chọn sách thì không thể căn cứ vào nhà xuất bản nữa rồi…Nghe theo nhà phê bình thì người phê bình thực sự rất ít viết, bạn bè viết giúp thì lại không chuẩn mực. Tập dở nhiều lấn át và che khuất tập hay…Những người ban đầu chỉ định chơi thơ thôi thì bây giờ nhất định xin gia nhập Hội Nhà văn".

Một thông tin mới làm tôi giật mình thật sự, đó là tổ chức Câu lạc bộ Thơ Việt Nam, tổ chức của những người yêu thơ được thành lập từ mấy năm trước đây, chủ yếu gồm những người đã nghỉ hưu để bình thơ  xướng họa cho vui, rồi một số người tập sáng tác thơ. Vì đội ngũ những người nghỉ hưu và tập sáng tác này khá đông đảo, nên tổ chức cũng phát triển nhanh và rộng rãi.

Bỗng gần đây, tổ chức này muốn xin Nhà nước cho đổi tên thành Hội Nhà thơ Việt Nam, tồn tại trên danh nghĩa song song ngang bằng với Hội Nhà văn Việt Nam. Đây là một quan niệm nhầm lẫn, đánh đồng giữa văn chương có nghệ thuật cao và những sáng tác theo phong trào. Dẫu ở tổ chức này thỉnh thoảng cũng có người có được một vài sáng tác chất lượng nhất định. Không biết những người có trách nhiệm đã phân biệt rõ điều này? Bởi yêu thơ, tập làm thơ và bình cho nhau nghe cũng là có ý nghĩa và đáng quý. Và không ảo vọng thành nhà thơ, tức là "biết mình biết người" thì càng quý hơn, sẽ được xã hội trân trọng. Người ta chỉ thực sự vĩ đại khi ở đúng vị trí của mình. Còn "áo rộng hơn người" thì xưa nay thường thành đề tài để mọi người đàm tiếu.

Phân biệt giữa văn chương bác học và những bài tập sáng tác chưa thành tác phẩm của quần chúng vẫn cần thiết được đặt ra một cách nghiêm túc, nếu chúng ta còn muốn có những tác phẩm đỉnh cao, xứng đáng với dân tộc và thời đại./.

(Theo: Đinh Quang Tốn/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất