Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 10/1/2010 21:49'(GMT+7)

Tự do sáng tạo và trách nhiệm nghệ sĩ

“Dòng máu anh hùng” - một bộ phim võ thuật giải trí, được thực hiện công phu.

“Dòng máu anh hùng” - một bộ phim võ thuật giải trí, được thực hiện công phu.

Chủ thể sáng tạo văn học nghệ thuật là văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ chân chính mọi thời đều mang nặng nỗi niềm dân tộc mình, trăn trở với khát vọng vươn tới đỉnh cao của chân – thiện – mỹ. Điều kiện để sáng tạo nghệ thuật chính là điều kiện để phát triển tư duy hình tượng tới độ xuất thần. Thế giới nội tâm của nghệ sĩ cùng môi trường xã hội là cặp tác nhân song hành định dạng phương pháp sáng tạo trong quá trình nghệ sĩ đi tìm hình tượng nghệ thuật. Và chính tự do sáng tạo là yếu tố nền tảng khai mở khả năng cùng hiệu quả tư duy hình tượng đó của nghệ sĩ.

Do vậy để sáng tác hiệu quả, nghệ sĩ cần tự do sáng tạo như cần không khí để thở. Nội hàm tự do sáng tạo gồm tự do tư duy và tự do thể hiện. Pháp luật nước ta bảo đảm quyền tự do ấy, nó đòi hỏi chủ thể quản lý sáng tạo phải khách quan, không cảm tính, đồng thời có đủ trình độ nhận thức toàn diện để có thể đồng hành cùng sự nghiệp sáng tạo của nghệ sĩ, đảm bảo sự tôn trọng bản sắc và cá tính nghệ thuật, tôn trọng sự khác biệt trong tư duy và phương pháp biểu đạt của nghệ sĩ, nâng đỡ tài năng phát triển.

Đối với nghệ sĩ chân chính, phần lớn không gian tự do thường là tự họ tạo ra, bởi nó quan hệ mật thiết với tình cảm, quan niệm, tư tưởng của bản thân nghệ sĩ. Một khi tư tưởng thông suốt với một tình yêu lớn, tự giác phụng sự đồng bào và đất nước mình thì ở ngay đó, người sáng tạo đã được giải phóng tư duy và được trầm mình trong cảm xúc tự do, kể cả khi bị chê trách cũng khó bị mất đi cảm xúc ấy, vì sự sáng trong của thiện ý phụng sự.

Song le, ở trên đời, tự do nào cũng có hạn định tự thân của nó. Người ta không thể nhân danh tự do để tùy tiện, bừa bãi, thiếu mục tiêu, thiếu chí hướng - đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo tinh thần. Không thể được tự do truyền bá những thứ độc hại về tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ cho xã hội; cũng không thể tự tiện gán những cảm hứng khác biệt không lành mạnh cho người thưởng thức. Vì vậy tự do sáng tạo ở đây không thể tách khỏi sự ràng buộc của lương tâm nghệ sĩ - nói cách khác, của trách nhiệm nghệ sĩ.

Trách nhiệm nghệ sĩ thể hiện trước hết ở ý thức và hiệu quả cống hiến đối với công chúng và xã hội. Cái hay, cái đẹp, cái có ích phổ quát phải là mục tiêu trách nhiệm của nghệ sĩ. Và chuẩn của nó thể hiện ở mức độ công nhận rộng rãi của công chúng chứ không thuộc về ý tưởng chủ quan của cá nhân nghệ sĩ.

Cái hay, cái đẹp, cái có ích được đề cập ở đây không nằm ngoài các tiêu chí vĩnh cửu của sáng tạo văn nghệ là chân – thiện –mỹ. Chính kết quả nhận thức và thể hiện các tiêu chí trên là thử thách, là thước đo lòng trung thành nghề nghiệp và lương tâm của nghệ sĩ. Bản chất của sáng tạo là tự nguyện. Thiếu lương tâm, tự nguyện không thể có giá trị nhân sinh. Để thực hiện được trách nhiệm của mình, nghệ sĩ luôn có một con đường đúng đắn: tự nguyện nắm vững đường lối chính sách của nhà nước, thông tỏ tình hình đất nước cũng như thấu hiểu tâm nguyện của nhân dân. Trách nhiệm của nghệ sĩ là không lảng tránh hoặc bóp méo những vấn đề xã hội quan trọng, và khi đề cập các đề tài tiêu cực vẫn vững vàng, rõ ràng, khách quan và trong sáng.

Trong sáng tạo, sáng tác thể nghiệm có chỗ đứng quan trọng. Nó sản sinh ra những tác phẩm mang tính tiên phong, có tác dụng biến đổi, thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể hiện nay ở nước ta, sáng tác thể nghiệm vẫn chưa thể tách khỏi nhu cầu thực tiễn. Việc vượt lên trước, dù chỉ của số ít, vẫn luôn cần và có ích. Nhưng sẽ có ích hơn khi sự vượt lên đó không trở nên tách biệt với đời sống và trở nên lãng phí.

Hiện tượng sáng tác đáng quan tâm trong thời gian qua là sự xuất hiện song hành hai xu hướng: nghệ thuật đơn thuần và giải trí đơn thuần ở một số bộ môn nghệ thuật. Cả hai xu hướng này, cho đến nay, đều chưa chín muồi về phương pháp và chưa hoàn thiện về phong cách biểu đạt. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là sự rời xa, thiếu gắn kết giữa chúng. Cần phải tạo ra sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa hai xu hướng này ngay trong một tác phẩm, chứ không phải trong các tác phẩm khác nhau. Tác phẩm được sáng tạo từ tinh túy của hai xu hướng nghệ thuật và giải trí sẽ đồng thời có giá trị nghệ thuật lẫn tác dụng giải trí, vừa mang sức nặng trí tuệ vừa hàm chứa chiều sâu cảm xúc. Đó sẽ là những tác phẩm văn nghệ hoàn thiện, tác động hữu ích tới công chúng. Và chính đó, là trách nhiệm ngay lúc này của nghệ sĩ chúng ta.

Như vậy, giữa tự do sáng tác với trách nhiệm sáng tác của nghệ sĩ có mối gắn kết khách quan, hữu cơ. Chúng cùng tồn tại, hỗ trợ đồng thời ràng buộc nhau một cách chặt chẽ. Khi không có tự do, nghệ sĩ sẽ không thể thực hiện được trách nhiệm sáng tạo. Và khi không có trách nhiệm, nghệ sĩ sẽ không có cơ hội để tự do sáng tạo, bởi khi đó họ đã đánh mất niềm tin nơi công chúng và xã hội. Khi thấm nhuần đầy đủ trách nhiệm của mình, nghệ sĩ sẽ dễ dàng tự tạo ra không gian tự do chủ quan cần thiết. Nó sẽ cùng với tự do khách quan do luật pháp, chế độ quản lý và dư luận xã hội hình thành cơ chế tự do sáng tạo hoàn chỉnh và khả thi.

Sự nghiệp và vinh quang của nghệ sĩ không tách khỏi cống hiến của họ đối với tiến bộ xã hội và hạnh phúc nhân dân. Tự do và trách nhiệm sáng tạo, do đó luôn là câu chuyện thời sự thiết thân của nghệ sĩ cần được bản thân nghệ sĩ suy ngẫm thấu triệt và cần được cơ quan chức năng nhà nước cũng như xã hội quan tâm đầy đủ.

(Theo: TS.TRẦN LUÂN KIM/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất