Chủ Nhật, 22/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 8/4/2016 5:34'(GMT+7)

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng Tạp chí Tuyên giáo ngày càng phát triển

Khái lược lịch sử phát triển của Tạp chí Tuyên giáo

Từ sự ra đời của Tạp chí Thời sự phổ thông…

Ngày 8-3-1956 Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ban hành Thông tri số 19/TT-TH về việc xuất bản Tạp chí Thời sự phổ thông, phát hành định kỳ mỗi tháng một số. Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, ngày 10-4-1956, Thời sự phổ thông ra mắt số đầu phục vụ bạn đọc (1).

Thời sự phổ thông có chức năng, nhiệm vụ “tuyên truyền nâng cao dần trình độ chính trị của quần chúng cơ bản, làm cho quần chúng cơ bản hiểu tình hình, nhiệm vụ và các chính sách lớn trước mắt, góp phần vào việc giải thích đường lối, chính sách và các vấn đề thời sự”. Thời sự phổ thông bao gồm những loại bài có tính chất giải đáp, giải thích, cung cấp tài liệu, lý lẽ đối với các vấn đề mà cuộc sống ở cơ sở đang quan tâm. Phương châm của Thời sự phổ thông là bài viết phải ngắn gọn, lý lẽ giản dị mà sâu sắc, có những thí dụ cụ thể để quần chúng dễ hiểu, dễ nhớ.

Ban đầu, Thời sự phổ thông xuất bản mỗi tháng một kỳ với số trang hạn chế (32 trang, khổ 13 x 18cm), nhưng nhanh chóng được tăng lên 96 trang và xuất bản mỗi tháng 2 kỳ. Đối tượng phát hành cũng nhanh chóng được mở rộng đến tận cơ sở, nông thôn, xí nghiệp, công trường, bệnh viện và đơn vị thuộc lực lượng vũ trang. Số lượng phát hành được điều chỉnh theo kế hoạch hàng tháng phù hợp với nhu cầu của bạn đọc và không ngừng được tăng lên.

Để thực hiện mục đích, yêu cầu đề ra, Ban Tuyên huấn Trung ương thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo, đề nghị Ban Tuyên huấn các cấp, các chi bộ xã, cơ quan, xí nghiệp xây dựng kế hoạch mua và phổ biến sâu rộng Thời sự phổ thông trong quần chúng; hướng dẫn các cơ sở và quần chúng đọc Thời sự phổ thông; khuyến khích bạn đọc phản ánh kịp thời cho Tòa soạn những tư tưởng sai lệch hay những thắc mắc của quần chúng đối với tình hình, chủ trương, chính sách và cách giải đáp; góp ý kiến phê bình xây dựng, phản ánh dư luận quần chúng đối với Thời sự phổ thông, để giúp Tòa soạn kịp thời cải tiến nội dung và hình thức.

Nhờ chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương và sự chú trọng chặt chẽ về nội dung của Tòa soạn, chỉ sau ít số phát hành, Thời sự phổ thông đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của bạn đọc và trở thành tài liệu không thể thiếu đối với quần chúng cơ bản, nhất là trong đội ngũ cán bộ cốt cán. Ngay từ những số đầu (từ số 1 đến số 7), số lượng phát hành “tăng vùn vụt”. Từ 2 vạn số lúc đầu, đã nhanh chóng lên tới 7- 8 vạn/số. Đặc biệt số 4 về “Đấu tranh thống nhất” đã đạt đỉnh cao 15 vạn/số. Cho thấy, Thời sự phổ thông không chỉ đòi hỏi tăng nhanh về số lượng phát hành mà còn tăng kỳ trong tháng.

Nhận thấy Thời sự phổ thông có sức ảnh hưởng lớn trong quần chúng, ngày 27-12-1956, Ban Tuyên huấn Trung ương ban hành Nghị quyết số 76/BTH về việc “lập Tòa soạn Thời sự phổ thông dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn Trung ương; đồng chí Lưu Quý Kỳ được chỉ định làm Chủ nhiệm Tòa soạn”. Sau này, Tòa soạn Thời sự phổ thông còn đảm nhận thêm cả công tác xuất bản sách.

Sở dĩ Thời sự phổ thông phát triển, tăng nhanh lượng phát hành như vậy, là do phong trào quần chúng ngày càng lên cao, tình hình chính trị có nhiều biến động, quần chúng khát khao sách báo; nội dung Thời sự phổ thông thích hợp với đông đảo quần chúng, đi sát với trọng tâm tuyên truyền của Đảng, phục vụ tốt cho phong trào.

Ngày 26-3-1962, Ban Tuyên giáo Trung ương (2) ban hành Quyết định số 150/TG-TW về vấn đề cải tiến Thời sự phổ thông “thành một công cụ chỉ đạo công tác tuyên truyền cổ động ở cơ sở”. Trong đó, nêu rõ việc điều chỉnh đối tượng của Thời sự phổ thông là cán bộ công tác ở cơ sở, chủ yếu là cán bộ làm công tác tuyên truyền cổ động ở cơ sở. Chức năng, nhiệm vụ của Thời sự phổ thông cũng được quy định chi tiết hơn, gắn với phong trào thi đua yêu nước, giáo dục tư tưởng và đạo đức mới, xây dựng con người mới... Phương châm của Thời sự phổ thông là: Phản ánh đúng đắn quan điểm và tư tưởng của Đảng về các vấn đề chính sách và thời sự, phê phán các lý lẽ những quan điểm sai lầm; gắn chặt với sản xuất và đời sống, bảo đảm nội dung thiết thực, cụ thể và bổ ích; bài viết phải ngắn gọn, dễ hiểu và sinh động.

Cũng trong quyết định này, bắt đầu từ tháng 4-1962, Thời sự phổ thông ra mỗi tháng 2 kỳ, giữ nguyên khuôn khổ nhưng số trang tăng gấp đôi và chữ in lớn hơn. Ban Biên tập có các đồng chí Lê Xuân Đồng, Đặng Đình Giáp, Trần Hữu Hàn và Phạm Huy Côn. Đồng chí Lê Xuân Đồng làm Chủ nhiệm, đồng chí Đặng Đình Giáp làm Tổng Biên tập.

Đến cuối năm 1972, do yêu cầu sắp xếp lại các báo, tạp chí của Trung ương, Tạp chí Thời sự phổ thông ngừng xuất bản từ tháng 1-1973 theo Quyết định của Ban Tuyên huấn Trung ương.

Trong suốt 17 năm tồn tại và phát triển, Thời sự phổ thông thường xuyên nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, tạo nên không khí sôi nổi trong hệ thống báo chí cách mạng lúc bấy giờ.  

Trong bài “Bạn đọc thân mến” đăng trên số cuối cùng đã khái quát: “Thời sự phổ thông đã có nhiều cố gắng và tiến bộ, được bạn đọc hoan nghênh và đã làm tròn nhiệm vụ được giao. Kết quả tốt đẹp đó vừa do cố gắng của tập thể anh chị em của Tạp chí, vừa do sự giúp đỡ của các cộng tác viên và bạn đọc tạo nên”. Trên thực tế, Thời sự phổ thông đã để lại dấu ấn tốt đẹp và sâu đậm trong lòng bạn đọc, nhất là ở cơ sở của miền Bắc xã hội chủ nghĩa - hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để lại dư âm thắng lợi trong nhiều thế hệ cán bộ tuyên giáo cả nước.

Tạp chí Tuyên huấn

Tạp chí Tuyên huấn ra số đầu tiên tháng 6-1962 theo Quyết định 233-QĐ/TG ngày 17-4-1962 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Tôn chỉ, mục đích của Tạp chí Tuyên huấn “Để phục vụ công tác giáo dục lý luận và chính trị là chủ yếu, đồng thời phục vụ một phần công tác tuyên truyền; góp phần bồi dưỡng cán bộ làm công tác giảng dạy và hướng dẫn học tập lý luận ở các cấp, các ngành”. Tạp chí Tuyên huấn do đồng chí Đào Duy Tùng làm Chủ nhiệm, đồng chí Văn Chương làm Tổng Biên tập, mỗi tháng ra một kỳ nhưng số lượng phát hành hạn chế hơn Tạp chí Thời sự phổ thông.

Tạp chí Tuyên huấn luôn chú ý tính chuyên đề, đi sâu vào vấn đề đang được quan tâm. Các chuyên mục của Tạp chí cũng khá phong phú như: Giới thiệu tác phẩm kinh điển; Giải đáp triết học; Giải đáp kinh tế chính trị; Giải đáp về thời kỳ quá độ; Công tác tuyên truyền; Câu chuyện hàng tháng; Trao đổi ý kiến; Về lý luận liên hệ với thực tiễn; Về công tác giảng dạy lý luận; Tự học như thế nào?... Tạp chí Tuyên huấn để lại nhiều kinh nghiệm về tổ chức hệ thống bài, xây dựng và duy trì các chuyên mục, tính chuyên đề, bám sát công tác huấn học của Đảng.

Tồn tại 9 năm rưỡi và kết thúc cùng với Tạp chí Thời sự Phổ thông (số cuối là tháng 12-1973) do sắp xếp, quy hoạch lại báo chí của Đảng và Chính phủ. Ban Tuyên huấn Trung ương là cơ quan gương mẫu sớm thực hiện ngừng bản hai Tạp chí: Thời sự phổ thôngTuyên huấn.

Từ tháng 1-1973 đến 3-1976, là thời gian gián đoạn của Tạp chí các ban Đảng Trung ương, trong đó có tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương.

… Đến các Tạp chí tiếp theo

Sau đại thắng mùa Xuân 1975 cả nước đi vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần thứ IV của Đảng năm 1976 như một mốc son tổng kết lịch sử và đề ra những nhiệm vụ chiến lược của giai đoạn mới. Nhiệm vụ của công tác chính trị, tư tưởng đứng trước những yêu cầu mới, sâu sắc hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Ban Tuyên huấn Trung ương (3) được Bộ Chính trị chỉ đạo rà soát, xây dựng theo mô hình mới. Theo đó, các vụ, đơn vị của Ban được sắp xếp lại và tăng cường thêm chức năng, nhiệm vụ. Từ tháng 3-1976, Tạp chí của Ban Tuyên huấn Trung ương được tái bản trở lại với các tên gọi khác nhau, nhưng đều là sự tiếp nối của Thời sự phổ thông Tuyên huấn.

Tạp chí Sổ tay giảng viên, Giảng viên Giáo dục lý luận (1976-1981)

Do yêu cầu công tác học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, Trung ương Đảng quyết định phải đẩy mạnh công tác huấn học, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Ngày 10-3-1976, Ban Tuyên huấn Trung ương đã ban hành quyết định số 114-QĐ/TH xuất bản Tạp chí Sổ tay Giảng viên. Thời kỳ đầu, Tạp chí Sổ tay giảng viên trực thuộc Vụ Giảng viên do đồng chí Vũ Thị Thanh làm Tổng Biên tập, sau đổi thành Tạp chí Giảng viên theo quyết định số 270-QĐ/TH ngày 30-5-1977 của Ban Tuyên huấn Trung ương. Ngày 20-11-1977, Ban Tuyên huấn Trung ương quyết định Tạp chí Giảng viên là đơn vị trực thuộc Ban do đồng chí Vũ Thị Thanh làm Tổng Biên tập; đồng chí Lê Duy làm Phó Tổng biên tập trực tiếp chỉ đạo kế hoạch đặt bài, biên tập và xuất bản. Tạp chí ra 2 tháng một kỳ.

Tiếp sau đó, theo quyết định của Ban Tuyên huấn Trung ương, Tạp chí Giảng viên được đổi tên thành Tạp chí Giáo dục lý luận với đối tượng phục vụ rộng hơn. Tạp chí Giáo dục lý luận do đồng chí Lê Duy làm Tổng Biên tập, các đồng chí Phạm Huy Vân và Nguyễn Đăng Quang làm Phó Tổng biên tập.

Dấu ấn của các Tạp chí nêu trên khá đậm nét trong quá trình phấn đấu và xây dựng các Tạp chí khối huấn học của Ban Tuyên huấn Trung ương. Sự phát triển từ Tạp chí Giảng viên đến Tạp chí Giáo dục lý luận là sự đột phá trong việc đổi mới nội dung, bám sát đối tượng bạn đọc, bám sát nhiệm vụ huấn học, bám sát chương trình các bộ môn lý luận được giảng dạy trong các trường Đảng khu vực do Ban Tuyên huấn Trung ương theo dõi và chỉ đạo. Nội dung các chuyên mục vừa ổn định tương đối vừa phát triển từng bước theo thực tiễn giảng dạy, lý luận chính khối trường Đảng khu vực và các tỉnh, thành phố.

Tạp chí Sổ tay tuyên truyền (1976-1989)

Tạp chí Sổ tay tuyên truyền được thành lập theo quyết định 669-VP/TH ngày 4-9-1976 của Ban Tuyên huấn Trung ương. Sau một thời gian ngắn, ngày 20-5-1977, Ban Tuyên huấn Trung ương ban hành quyết định số 253- TC/TH thành lập Ban Biên tập Tạp chí Sổ tay tuyên truyền do đồng chí Lê Xuân Đồng, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền chính trị làm Chủ nhiệm kiêm Tổng Biên tập. Sau này, Tạp chí Sổ tay tuyên truyền trực thuộc Ban do đồng chí Phạm Viết Thiệu làm Tổng Biên tập. Tiếp sau đó là đồng chí Nguyễn Kim Khang, nguyên Phó Tổng biên tập làm Tổng Biên tập, đồng chí Đỗ Nhật Thanh làm Phó Tổng biên tập. Năm 1991, Tạp  chí Sổ tay Tuyên truyền đổi khổ từ 12 x 19 cm lên khổ lớn hơn như Tạp chí Tuyên giáo hiện nay. Nội dung và hình thức Tạp chí được cải tiến hơn mặc dù chất lượng giấy lúc đó còn hạn chế.

Đặc trưng nổi bật của Tạp chí Sổ tay tuyên truyền là rất chú ý hướng về cơ sở, đến với bạn đọc đông đảo, cung cấp thông tin và kiến thức phổ thông, cập nhật, nhất là mảng kinh tế, như giải thích cơ chế thị trường, tỷ giá hối đoái, thu nhập quốc dân, GDP,… Tòa soạn phân công cán bộ phóng viên theo dõi ngành, như ngành than, giao thông đường sắt, hàng không, một số doanh nghiệp… Do đó, tạo được các mối quan hệ gắn bó Tạp chí với cơ sở.

Như vậy, từ năm 1981, cùng tồn tại với Tạp chí Giáo dục lý luận, là Tạp chí Sổ tay Tuyên truyền. Qua các số tạp chí còn lưu trữ được, có thể thấy đặc trưng cơ bản, bản sắc, sắc thái riêng biệt, thể hiện đúng tầm Tạp chí của một ban Đảng Trung ương.

Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa (4-1989 - 12-2007)

Năm 1988, theo Quyết định của Trung ương Đảng, Ban Văn hóa – Văn nghệ trở lại sáp nhập vào Ban Tuyên huấn Trung ương thành Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương. Theo đó, Tập san Văn hóa – Văn nghệ nhập với Tạp chí Sổ tay tuyên truyền thành Tạp chí Công tác Tư tưởng – Văn hóa do đồng chí Nguyễn Đăng Quang làm Tổng Biên tập. Đồng chí Nguyễn Trung Thu và đồng chí Hồ Văn Chiểu làm Phó Tổng biên tập. Sau này, thực hiện quy hoạch báo chí, Tạp chí Giáo dục lý luận cũng được hợp nhất với Tạp chí Công tác Tư tưởng – Văn hóa do đồng chí Phạm Huy Vân làm Tổng Biên tập; đồng chí Hồ Văn Chiểu làm Phó Tổng biên tập; từ năm 1993, đồng chí Đỗ Khánh Tặng làm Phó Tổng biên tập. Sau một thời gian, Tạp chí Công tác Tư tưởng – Văn hóa được đổi tên thành Tạp chí Tư tưởng – Văn hóa.

 Tạp chí Tư tưởng – Văn hóa tiếp tục phát triển với đối tượng phục vụ rộng rãi, bao quát nhiều lĩnh vực do nhiều tạp chí hợp nhất lại. Cùng với mảng lý luận chính trị giữ vị trí trung tâm, mảng các vấn đề văn hóa bắt đầu được quan tâm, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, từ đó các bài về văn hóa ngày càng nhiều hơn. Tạp chí có thêm cộng tác viên về lý luận văn hóa và văn hóa chuyên ngành, trong đó có văn học – nghệ thuật. Thông qua Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, Tòa soạn đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên cho Tạp chí. Trong nhiều năm xây dựng và phát triển Tạp chí Tư tưởng-Văn hóa, các lãnh đạo Ban như: Hà Đăng, Hữu Thọ, Nguyễn Hồng Vinh, Hà Học Hợi, Đào Duy Quát, Nguyễn Ngô Hai,… đã thường xuyên có những buổi làm việc sâu sắc và thiết thực về tổ chức và nội dung Tạp chí, giúp Tòa soạn bám sát hoạt động của cơ quan, có lúc được coi như một kênh thông tin chỉ đạo kịp thời của Ban.

Sau khi đồng chí Phạm Huy Vân nghỉ hưu, đồng chí Đỗ Khánh Tặng làm Tổng Biên tập (1996-2006), các đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Như Hích, Nguyễn Chu Chân làm Phó Tổng biên tập.

Tạp chí Tuyên giáo (từ 2008 đến nay)

Năm 2007, sau Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, Ban Tư tưởng – Văn hóa  Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo đó, Tạp chí Tư tưởng – Văn hóa và Tạp chí Khoa giáo hợp nhất thành Tạp chí Tuyên giáo. Tổng Biên tập là đồng chí Nguyễn Tiến Dũng; Phó Tổng biên tập gồm đồng chí Nguyễn Chu Chân và Nguyễn Thành Vinh. Năm 2008, đồng chí Trần Doãn Tiến, nguyên Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, được bổ sung về làm Hàm Vụ trưởng, Phó Tổng biên tập. Đây cũng là chặng đường ghi nhiều dấu ấn phát triển mới của Tạp chí Tuyên giáo. Chất lượng Tạp chí tiếp tục được nâng cao, mở rộng mạnh mẽ số lượng phát hành, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh. Sự ra đời của Tạp chí Tuyên giáo điện tử (từ tháng 5-2008) đã tạo nên diện mạo mới, sức sống mới, một kênh thông tin quan trọng trên internet của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Từ năm 2012 đến nay, Tổng Biên tập là đồng chí Trần Doãn Tiến. Phó Tổng biên tập, Hàm vụ trưởng là đồng chí Nguyễn Thành Vinh. Năm 2013, 2014 hai đồng chí Nguyễn Thị Minh Huế và đồng chí Văn Thị Thanh Mai được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập.

 

Phát huy truyền thống vẻ vang, vững tin phát triển trong giai đoạn mới

 

60 năm qua kể từ số đầu của Tạp chí Thời sự phổ thông ra tháng 4-1956, tiếp theo là các tạp chí có tên gọi khác nhau, đến nay là Tạp chí Tuyên giáo, mỗi Tạp chí là một chặng đường phấn đấu và xây dựng kế tiếp nhau và chung một dòng lịch sử, một truyền thống phát triển không ngừng của Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày nay là Ban Tuyên giáo Trung ương. Từ góc nhìn lịch sử và hoạt động báo chí, có thể nêu một số nét có ý nghĩa truyền thống cần được phát huy sau đây:

Thứ nhất, thường xuyên giữ vững lập trường chính trị tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng; sự định hướng chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương qua từng giai đoạn và thời kỳ cách mạng. Ở mỗi chặng đường, mỗi tạp chí ra đời theo yêu cầu công tác tư tưởng của Đảng, đều nối tiếp nhau giữ vững tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ được giao. Nét truyền thống nổi bật là giữ vững quan điểm chính trị, thể hiện qua xây dựng hệ thống các bài “định hướng” của mỗi số, cũng như xây dựng nội dung thiết thực của các chuyên mục. Nhờ đó, Tạp chí luôn luôn là một trong những cơ quan báo chí đi đầu trong khối tạp chí lý luận, bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng ở mỗi thời điểm cụ thể.

Thứ hai, không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng, làm phong phú nội dung các chuyên mục, phát triển đội ngũ cộng tác viên chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực. Đây là mối quan tâm hàng đầu của Tòa soạn. Từ Tạp chí Thời sự phổ thông, Tuyên huấn, đến các tạp chí sau này và Tạp chí Tuyên giáo ngày nay, đều coi trọng cải tiến các chuyên mục; cải tiến, đổi mới cách biên tập, viết bài nhằm từng bước nâng cao tính thuyết phục, tránh lý luận khô cứng, chung chung. Công tác cộng tác viên được coi trọng, từng bước mở rộng, bổ sung theo nội dung nghiên cứu và tuyên truyền. Khai thác triệt để lợi thế của cơ quan tham mưu và chỉ đạo công tác tuyên truyền, báo chí, Tạp chí đã thu hút được sự tham gia tích cực của đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học, các chuyên gia lý luận chính trị, khoa học thuộc các cơ quan đầu não của Trung ương và các trường đại học lớn của đất nước cộng tác viết bài thường xuyên cho Tạp chí.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ và tham gia tích cực các hoạt động của Ban và của Ngành, phục vụ nhu cầu cán bộ tuyên giáo và cấp ủy cơ sở trong toàn Đảng. Nhờ đó, Tạp chí luôn đảm bảo đúng định hướng tuyên truyền và sát với thực tiễn cuộc sống. Tạp chí luôn hướng về cơ sở, gắn liền phục vụ cán bộ cơ sở trong công tác tuyên truyền. Từ các cuộc vận động, các phong trào học tập chính trị thời sự, xây dựng hợp tác xã, chi bộ giỏi, thi đua yêu nước, đến học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, Tạp chí lấy đó nâng cao tính thực tiễn, phục vụ cho cơ sở. Do đó, Tạp chí của Ban luôn được coi là người bạn thân thiết của đội ngũ cán bộ tuyên huấn, văn hóa, khoa giáo, cán bộ cấp ủy cơ sở trong mỗi thời kỳ lịch sử.

Thứ tư, không ngừng cải tiến cơ chế đi đôi với mở rộng phát hành, phục vụ đắc lực công tác tuyên giáo. Giai đoạn đầu chủ yếu theo chế độ bao cấp báo chí, trong những năm gần đây, Lãnh đạo Ban đã quyết định cho vận dụng linh hoạt cơ chế khuyến khích Tòa soạn thực hiện cơ chế lấy thu bù chi, tăng thu xuất bản, từng bước giảm bớt gánh nặng ngân sách của Nhà nước.

Xác định rõ “đầu ra” của Tạp chí có vai trò quan trọng, công tác phát hành từng bước được chú trọng cải tiến và có hiệu quả. Nhờ đó, Tạp chí đã vượt qua giai đoạn phát hành hạn chế, đến giai đoạn hiện nay, khi số phát hành không ngừng tăng từ 12.000 đến 25.000/số mỗi kỳ. Số lượng truy cập Tạp chí Tuyên giáo điện tử khá cao, bình quân có 25-30 vạn lượt người truy cập/ngày, có thời điểm đạt 50-70 vạn/ngày.

Thứ năm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ phóng viên từ nhiều nguồn về Tòa soạn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Tạp chí và của đông đảo bạn đọc. Đây là yêu cầu được Ban Biên tập qua các thời kỳ luôn đặt lên hàng đầu. Trước hết, xây dựng khối đoàn kết nội bộ, giúp đỡ nhau giữa các thế hệ và các nguồn đào tạo hoặc thu hút người có năng lực từ các đơn vị công tác khác nhau. Công tác tổ chức, công tác Đảng và đoàn thể trong Tòa soạn được chú ý thường xuyên. Trong suốt dòng chảy của các Tạp chí đến Tạp chí Tuyên giáo hiện nay luôn giữ được truyền thống đoàn kết thống nhất, giúp nhau phấn đấu học tập, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Thứ sáu, xây dựng và giữ gìn bản sắc của Tạp chí là mối quan tâm thường xuyên của các thế hệ Ban Biên tập và cán bộ Tạp chí. Bản sắc của Tạp chí mang đậm tính chính trị tư tưởng, giáo dục lý luận, khoa học và văn hóa theo quan điểm của Đảng. Qua các thời kỳ đều cho thấy bản sắc ấy luôn được giữ gìn và phát huy trên các ấn phẩm và nền nếp công tác của Tòa soạn.

Thứ bảy, vấn đề học tập, rút kinh nghiệm nghiệp vụ ngày càng được coi trọng từ việc xây dựng các số Tạp chí, rèn luyện phẩm chất chính trị, kỹ năng biên tập, tác nghiệp, viết tin, bài đến việc trao đổi kinh nghiệm thực tiễn công tác Tuyên giáo với các địa phương đều được Tòa soạn chú trọng. Chính vì vậy, các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên tòa soạn qua các thời kỳ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kỹ năng nghiệp vụ báo chí tốt, đủ sức đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Phát huy truyền thống 60 năm qua, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tạp chí Tuyên giáo nguyện phát huy cao độ những thành quả các thế hệ đi trước đã đạt được, tự hào, vững tin, tiếp tục phấn đấu xây dựng Tạp chí Tuyên giáo ngày càng phát triển vững mạnh, giữ vững uy tín là cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, xứng đáng với phần thưởng cao quý – Huân chương Lao động Hạng Ba mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng./.

TS. Trần Doãn Tiến

Tổng Biên tập Tạp chí Tuyên giáo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất