(TCTG) - Học tập và làm theo lời dạy của Người, trong thời gian qua, các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương đều đã có những động thái khá quyết liệt trong việc nâng cao đạo đức cán bộ; cải cách thủ tục hành chính... nhằm mang đến cho người dân sự phục vụ tốt nhất.
Một tấm gương sáng, một nhân cách lớn... trong một con người suốt đời vì nhân dân phục vụ - Hồ Chí Minh. Khi nhắc đến không chỉ riêng mỗi trái tim con dân Việt Nam đều dâng trào cảm xúc thiêng liêng trân trọng mà cả bạn bè quốc tế cũng dành cho Bác tình cảm đặc biệt và sự khâm phục.
Những câu chuyện kể về Bác; những lời dạy của Người ...được lưu truyền qua sử sách và trong lòng người dân đều hiện ra rõ nét trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi khi ngẫm lại những lời dạy, mẩu chuyện của người với việc làm ngày nay lại càng thấy thấm thía, sâu sắc đầy triết lý. Một trong những vấn đề được Người luôn coi trọng đặt lên hàng đầu là Phụng sự nhân dân.
Sách Hồ Chí Minh toàn tập (NXB Chính trị Quốc gia, H, 2002, t.6, tr88 - 90) có dẫn: Nhiệm vụ của Chính quyền và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đày tớ cho dân... Nghĩa là việc gì lợi thì cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh.
Lại phải hiểu và làm cho dân hiểu: Lợi ích tạm thời và lợi ích riêng phải phục tùng lợi ích lâu dài và lợi ích chung. Lợi ích địa phương phải phục tùng lợi ích toàn quốc, toàn dân tộc.
Muốn làm được như vậy, thì mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải:
- Luôn luôn gần gũi nhân dân.
- Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân.
- Học hỏi nhân dân.
- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
…
Nhưng còn nhiều cán bộ chưa hiểu và không thực hành như thế, vì họ mắc phải bệnh quan liêu quá nặng.
…
Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:
- Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.
- Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.
- Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình.
- Phải làm kiểu mẫu: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Qua đây ta thấy, một thái độ kiên quyết luôn thế hiện trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, phản đối và xóa bỏ bệnh quan liêu của các cơ quan công quyền nhằm thực hiện mục tiêu cao đẹp: phụng sự nhân dân, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước, để mỗi công chức thực sự trở thành “công bộc của dân”. Người kịch liệt lên án sự cửa quyền, hách dịch và những thủ tục nhiêu khê trong các cơ quan công quyền. Coi nhẹ nhiệm vụ "phụng sự" của mình đối với nhân dân.
Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta cũng đã, đang và sẽ tiếp tục lên án kịch liệt những điều đi ngược với nhiệm vụ phụng sự nhân dân tại tất cả các cơ quan công quyền. Học tập và làm theo lời dạy của Người, trong những năm qua, các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương đều đã có những động thái khá quyết liệt trong việc nâng cao đạo đức cán bộ; cải cách thủ tục hành chính... nhằm mang đến cho người dân sự phục vụ tốt nhất. Cụ thể, Đề án 30 của Chính phủ đang được triển khai thực hiện quyết liệt; Chính phủ cùng các bộ, ngành đã có những cam kết giảm thiểu tối đa 30% các quy định về hành chính. Bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tất cả các bộ, ngành đã công bố Bộ thủ tục hành chính và số thủ tục hành chính cần giảm thiểu đang được tiến hành với tinh thần rất khẩn trương. Động thái này đã được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tài trợ trợ nước ngoài đánh giá cao. Có thể nói, việc làm này không chỉ dừng lại ở việc phụng sự nhân dân Việt Nam mà nó còn mở ra mội môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, cởi mở, thân thiện... đó là phụng sự bạn bè, phụng sự đối tác.
Với thông điệp “Chung tay cải cách hành chính” tất cả các cấp các ngành và từng cá nhân “công bộc của dân” đang ý thức rất cao, mang theo sức lực của mình để hiện thực hóa thành công thông điệp này. Đó là, tiếp tục rà soát cách thủ tục hành chính, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả những nỗ lực đó không gì hơn ngoài mục đích: “phụng sự nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân và đất nước” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi nói về lợi ích của việc cải cách hành chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh: “Nếu thực hiện tốt việc đơn giản hóa TTHC theo đúng yêu cầu của Đề án 30 đặt ra, chúng ta sẽ cắt giảm được trên 10.000 tỷ đồng chi phí cho việc thực hiện các quy định về TTHC mỗi năm. Số tiền này sẽ được tái đầu tư trở lại cho nền kinh tế, kích thích đầu tư trong và ngoài nước, tạo ra nhiều việc làm và của cải cho xã hội”.
Rõ ràng, lợi ích đem lại là rất lớn.
Ngọc Chi