Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 19/11/2008 8:42'(GMT+7)

Sách thật - sách lậu: Cuộc đua không điểm dừng

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Sách thật chạy đua với... sách lậu

Theo “thông lệ” thường là sách thật ra mắt thì sách lậu mới ra theo. Nghĩa là sách lậu luôn ra sau sách thật, do các đầu nậu làm sách lậu phải chờ sách thật ra thị trường có ăn khách không mới làm sách lậu. Ngoài ra, sách thật ra trước, các đầu nậu mới có khuôn mẫu trình bày, hình bìa để nhái theo.

Trưởng ban bản quyền NXB Trẻ Phạm Sỹ Sáu công bố với báo chí một cuốn sách nhái điển hình (dưới)

Thế nhưng, “công nghệ làm sách lậu” ngày càng trở nên tinh vi và bất chấp dư luận. Bây giờ, một số trường hợp sách lậu, sách nhái còn xuất hiện trên thị trường trước cả sách thật. Đến nỗi mà khi sách thật được xuất bản, bạn đọc lại tưởng sách thật, sách có bản quyền là sách nhái!

Ví dụ vụ cuốn sách Quy luật của sự nổi loạn do Công ty vinabook.com phát hành. Sách chưa được tung ra chính thức nhưng sách lậu với hình thức giống y khuôn đã xuất hiện với số lượng lớn tại các cửa hàng bán sách nhỏ.

Thế nhưng như vậy vẫn chưa ly kỳ, NXB Trẻ còn phải chịu một cú sốc khi cuốn sách 151 quick ideas to increase Sales của tác giả Linday Sparks (Mỹ) được đơn vị này mua bản quyền, đang trong quá trình dịch thuật đã bị làm lậu bán tràn lan ngoài thị trường.

NXB Trẻ cũng là một trong những đơn vị có số trường hợp bị phát tán trên mạng trước khi xuất bản nhiều nhất. Từ Harry Potter với “thành tích” gần như tập nào sắp xuất bản cũng có bản dịch trước trên mạng đến gần đây nhất, phần ba của bộ truyện Eragon dự kiến đến ngày 23-11 mới chính thức ra mắt bạn đọc với nhan đề Brisingr-Hỏa kiếm, nhưng cách nay cả tháng trên nhiều trang web đã xuất hiện bản dịch phần ba này với nhan đề Thần kiếm Brisingr.

Tuy nhiên, nếu nói về việc sách lậu chạy trước sách thật thì nhiều nhất vẫn là truyện tranh. NXB Kim Đồng dự kiến đầu tháng 12-2008 sẽ ra mắt bộ truyện tranh Nhật Con thuyền hải tặc (One Piece), đây được xem là một trong ba tác phẩm manga hấp dẫn nhất thế giới hiện nay.

Thế nhưng, tại Việt Nam One Piece đã được xuất bản cả thảy 4 lần và lần gần đây nhất là do NXB Thanh Hóa liên kết với Vietkhang Manga thực hiện vẫn đang tiếp tục ra các tập mới. Còn đối với Naruto, cho đến trước khi TVM Comic mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam hồi đầu năm thì bộ truyện này cũng được xuất bản lậu không dưới ba lần tại Việt Nam.

Bộ còn lại là Fullmetal Alchesmist chưa thấy ai mua bản quyền chính thức nhưng nếu có thì cũng đã chậm vì tác phẩm này đã được xuất bản lậu tại Việt Nam với nhan đề Giả kim thuật!

Sách lậu “tạm dẫn trước”…

Có một đặc điểm chung của sách lậu là luôn luôn thua sách thật về chất lượng, tuy từng trường hợp cụ thể chất lượng ở đây sẽ là nội dung hay hình thức. Như với tác phẩm lậu in sau khi sách thật ra mắt thì chất lượng nội dung là tương đương nhau do sách lậu chụp lại nội dung từ sách thật.

Với các sách lậu ra trước cả sách thật thì chất lượng kém cả ở nội dung, như ở trường hợp cuốn sách 151 quick ideas to increase Sales, tác phẩm lậu lấy nhan đề 151 Sáng kiến để gia tăng doanh số bán, nội dung dịch thuật rất cẩu thả, đôi chỗ còn làm sai nghĩa của tác giả.

Ở truyện tranh, sự phân biệt còn phức tạp hơn. Truyện tranh lậu thường lấy nguồn từ sách gốc, bản trên mạng, dịch thuật, biên tập và phát hành. Về cơ bản, sách thật cũng gần giống vậy, chất lượng dịch thuật đôi khi cũng tương đương nhau do cùng một nhóm dịch.

Chất lượng hình vẽ trong một số trường hợp sách thật cũng không hơn sách lậu. Trong khi đó, sách thật lại phải chịu nhiều khó khăn hơn sách lậu như chi phí mua bản quyền, quảng bá sách và nhất là phải tiến hành in, xuất bản theo đúng hợp đồng.

Còn sách lậu, ngoài chuyện không phải tốn các chi phí trên còn tự do trong vấn đề xuất bản, sách ế lập tức dừng in, thực tế có nhiều bộ truyện tranh lậu chỉ ra có một tập duy nhất rồi ngưng.

Với tình hình hiện nay, khi mà sự quản lý của nhà nước chưa phát huy hiệu quả bảo hộ cho sách chính thống thì hiệu lực của Công ước Berne sẽ vẫn chỉ là một ước mơ. Các nhà làm sách sẽ ngày càng “run tay” khi mua bản quyền sách có chất lượng và việc xây dựng một thị trường sách phát triển lành mạnh sẽ càng trở nên khó khăn./.
(Theo: SGGP)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất