Thứ Hai, 25/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 15/8/2016 20:2'(GMT+7)

Tạo chuyển biến mới, tích cực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Lơp lớp học viên, sinh viên gắn bó với mái trường thân yêu. Sau khi ra trường, các em đều phát huy tốt kết quả học tập lĩnh hội được tại Học viện. Ảnh TL

Lơp lớp học viên, sinh viên gắn bó với mái trường thân yêu. Sau khi ra trường, các em đều phát huy tốt kết quả học tập lĩnh hội được tại Học viện. Ảnh TL

 

Với chức năng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; nghiên cứu, thừa kế, bảo tồn, phát huy và và phát triển chuyên ngành khoa học về YDHCT Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng, Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng về phát triển YDHCT trong quá trình quản lý, đào tạo của Nhà trường.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra trong công tác đào tạo, Đảng ủy và Ban Giám đốc thường xuyên giáo dục đội ngũ cán bộ đảng viên, cán bộ giảng dạy và học sinh, sinh viên thấm nhuần các quan điểm của Đảng: “Phát triển mạnh y học dân tộc, kết hợp với y học hiện đại” ([1]); “Chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ YDHCT… kết hợp đông y với tây y nhằm mục tiêu phát triển, hiện đại hoá y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại” ([2])  được thể chế bằng các chủ trương của Chính phủ trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030: i) Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách quốc gia về YDHCT và kế hoạch hành động về phát triển YDHCT Việt Nam đến năm 2020; đẩy mạnh sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và dược liệu. Củng cố hệ thống tổ chức YDHCT từ trung ương đến địa phương, phát triển các bệnh viện YDHCT tại các tỉnh với quy mô hợp lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các khoa y học cổ truyền tại các bệnh viện đa khoa tỉnh, huyện; tăng cường hoạt động y học cổ truyền tại các trạm y tế. ii)  Xây dựng quy trình kỹ thuật điều trị bằng YDHCT và quy trình điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đối với một số chứng, bệnh. Ban hành phác đồ điều trị bằng YDHCT đối với một số bệnh mà YDHCT có khả năng điều trị đạt kết quả tốt. Tiêu chuẩn hoá thuốc bán thành phẩm và thuốc thành phẩm y học cổ truyền; tăng cường quản lý thị trường thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và dược liệu([3]). Những nhiệm vụ trên đặt ra cho Học viện các chương trình hành động cần phải thiết thực hơn. Đòi hỏi, đào tạo phải gắn với thực tiễn cuộc sống, từng bước đưa chủ trương của Đảng vào quá trình xây dựng, phát triển gắn với công tác đào tạo của Học viện.

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Học viện, các khoa phòng cùng với Ban Giám đốc Học viện xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo ở các bậc học (đại học, sau đại học) vừa tuân thủ theo quy định của Nhà nước, đồng thời tạo nên sự năng động sáng tạo gắn với yêu cầu của thực tiễn; huy động các nguồn lực kể cả ngoài nước tham gia đào tạo, bồi dưỡng mà trước hết nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ giảng viên và tăng cường đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng cấp học, ngành học và người học.

Những năm gần đây, ngoài những chuyên ngành truyền thống, Ban Giám đốc Học viện chủ trương thường xuyên điều tra dự báo nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ YDHCT của xã hội đối với từng chuyên ngành, trên cơ sở đó điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ và hình thức, loại hình đào tạo. Từ đó, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Bộ Y tế mở các chuyên ngành đào tạo mới khi xã hội có nhu cầu về nhân lực YDHCT; hướng tới đào tạo toàn diện những lớp cán bộ YDHCT có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có sức khoẻ, có năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo, đủ điều kiện phục vụ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân; đồng thời, có khả năng tự nghiên cứu và phát triển, hợp tác trong quan hệ quốc tế đáp ứng với yêu cầu xây dựng, phát huy và phát triển ngành YDHCT.

Đến nay, quy mô đào tạo từ 700 sinh viên, học sinh năm 2005 đã tăng lên gần 4.000 học sinh, sinh viên. Học viện đã mở nhiều mã ngành mới: Cao đẳng điều dưỡng YHCT, Bác sỹ nội trú, BSCKI, BSCKII, thạc sỹ YHCT (từ năm học 2006-2007), tiến sỹ (từ năm 2014); mở mã ngành đào tạo Dược sĩ đại học; năm học 2016-2017 Học viện được Bộ Giáo và Đào tạo cho phép mở đào tạo chuyên ngành Y đa khoa hệ Đại học chính quy; tăng cường nhiều hình thức đào tạo: chính quy, liên thông, liên kết, ngắn hạn đáp ứng nhu cầu của người học. Chương trình đào tạo của học viện về cơ bản đã chuyển sang qui trình đào tạo theo học chế tín chỉ cho thấy nhiều ưu điểm và được các đối tượng tham gia đào tạo, nhất là người học dễ chấp nhận.

 Trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Học viện luôn gắn chặt với nhiệm vụ đào tạo; gắn nghiên cứu với sản xuất, dịch vụ khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật. Được sự giúp đỡ của Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, Học viện đã mở rộng quan hệ, phối hợp với các bộ ngành, các trường đại học trong nước, đặc biệt là với các nước nước trong khu vực có nền YDHCT phát triển. Trong 10 năm qua, Học Viện đã hoàn thành 2 đề tài và dự án cấp Nhà nước, 9 dự án và đề tài khoa học cấp bộ, gần 200 đề tài khoa học cấp cơ sở, chuyển giao được 10 quy trình công nghệ về chiết xuất dược liệu, trồng và chế biến cây thuốc, đem lại hiệu quả trong công tác đào tạo và khám chữa bệnh cho nhân dân.

Nhờ các mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Học viện đã mở rộng liên kết đào tạo bác sĩ trung y theo chương trình tiên tiến của Trung Quốc với hình thức du học tại chỗ; liên kết nghiên cứu khoa học với Trường đại học Trung y dược Quảng Châu, Ðại học Trung y dược Thành Ðô (Trung Quốc); liên kết đào tạo thạc sĩ điều dưỡng với Trường USF - California, Hoa Kỳ; hợp tác nghiên cứu khoa học và điều trị bằng YHCT với U-crai-na, Tây Ban Nha, Ðài Loan (Trung Quốc), Thái-lan, Ô-xtrây-li-a, Ấn Ðộ. Hiện đã có trên 500 lưu học sinh tham gia các chương trình đào tạo.

Thực hiện phương châm đào tạo: Học đi đôi với hành, giảng dạy đi cùng với nghiên cứu và mở rộng liên kết đào tạo, nghiên cứu quốc tế nhằm tăng cường khả năng lĩnh hội kiến thức của học viên, sinh viên; đồng thời, giúp cho đội ngũ cán bộ giảng dạy nâng cao năng lực quản lý và giảng dạy đã góp phần tạo nên bước phát triển mới của Học viện theo đúng chủ trương của Đảng. Quá trình đào tạo, không chỉ có quy mô, chất lượng học tập của học viên, sinh viên được nâng lên mà chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng được nâng cao. Trong số 541 cán bộ cơ hữu, đã có 1 giáo sư, 11 phó giáo sư, 33 tiến sĩ, 125 thạc sĩ và 248 đại học; trong số 54 giảng viên kiêm nhiệm, đều có trình độ GS, PGS, TS, Ths, CKII. Hội đồng chức danh Giáo sư cấp cơ sở Học viện  được thành lập ngày 22-6-2009, đến nay đã xét công nhận 11 phó giáo sư, là bước tiến mới thể hiện sự tiến bộ cũng như sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với Học viện.

Không thể tách rời quá trình đào tạo đối với vai trò của xã hội, Học viện luôn quan tâm phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức xã hội trong công tác nghiên cứu thừa kế, bảo tồn và phát triển YDHCT, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại nhằm hướng tới đích xây dựng và phát triển một chuyên nghành khoa học YDHCT Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng. Đây là một chủ trương của Đảng được Học viện vận dụng sáng tạo trong quá trình đào tạo, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Hằng năm, Học viện đều tổ chức đưa cán bộ giảng dạy cùng học viên đi tới các vùng sâu, vùng cao còn nhiều khó khăn như ở Thanh Hóa, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Cạn, Hòa Bình… để khám, chữa bệnh miễn phí cho đồng bào, nhất là những người nghèo; chăm sóc người cao tuổi, cựu chiến binh, học sinh phổ thông có hoàn cảnh đặc biệt; đào tạo miễn phí kỹ thuật viên xoa bóp, bấm huyệt cho hơn 5.000 người khiếm thị trong cả nước. Trong nhiều năm qua, mỗi năm, Học viện thường chi phí trên 250 triệu đồng cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng nêu trên. Mục đích để giúp đỡ đồng bào khó khăn nhưng cũng là cơ hội để các học viên tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm khám chữa bệnh từ thực tế và có dịp tìm hiểu, tuyên truyền việc kế thừa, bảo tồn và phát huy  các giá trị của YDHCT trong dân gian đến với các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là cách rèn luyện y đức của học viên, thường xuyên cho học viên tiếp xúc với thực tế cuộc sống, làm bật lên sự hướng thiện, chia sẻ với cộng đồng một cách tự giác chứ không đơn giản chỉ là những yêu cầu qua các bài giảng trên lớp.

Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Học viện chủ trương xây dựng hoàn thiện bộ máy tổ chức đáp ứng tốt các yêu cầu đào tạo. Đến năm học 2014-2015, nhà trương cơ bản đã hoàn thiện 13 phòng, ban chức năng; 38 bộ môn, 4 đơn vị trực thuộc. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy không chỉ đủ về số lượng, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, cân đối về cơ cấu trình độ, nghành nghề, tuổi và giới mà còn chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của đội ngũ, tạo môi trường thuận lợi để họ phát triển, gắn bó với sự nghiệp của nhà trương và nền YDHCT của nước nhà.

Công tác xã hội hóa đào tạo ngày càng được quan tâm, từ khâu tuyển sinh đến quản lý người học và quá trình học tập. Học viện thường xuyên phối hợp với gia đình người học và các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục cùng góp sức xây dựng môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, giúp học viên, sinh viên tu dưỡng, rèn luyện thành những cán bộ giỏi về chuyên môn, giàu về y đức. Trong quá trình đào tạo, Học viện thường xuyên phát hiện những nhân tố tiên tiến, phối hợp cùng gia đình, tập trung bồi dưỡng họ trở thành những nòng cốt trong các khóa học của Học viện. Tổ chức cho giảng viên, cán bộ, nhân viên và người học tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với ngành nghề đào tạo, giúp họ am hiểu hơn về thực tiễn, qua đó nắm bắt nhu cầu của xã hội để hoàn thiện hơn về phương pháp tổ chức, đào tạo.

Bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên, bám sát vào chủ trương của Đảng và các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện tập trung gắn đào tạo với thực hành, cho học viên tiếp cận lâm sàng càng nhiều càng tốt thông qua các cơ sở khám, chữa bệnh trong thành phố Hà Nội và một số tỉnh, đặc biệt phát huy trực tiếp tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh([4]), là bệnh viện thực hành chuẩn, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại với đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa sâu cả YDHCT và y học hiện đại. Các hoạt động của bệnh viện giúp học viên hình thành nhân cách khoa học, nhân cách của một lương y, không vụ lợi, không lạm dụng thuốc, lạm dụng các xét nghiệm, các phương pháp thăm dò chức năng…; Viện Nghiên cứu Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh với 6 labo, 4 phòng nghiên cứu hiện đại, một trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GAP, GACP đã tập hợp và thu hút nhiều chuyên gia giỏi, nhiều nhà khoa học và các lương y có trình độ, uy tín tham gia; Thư viện trường với 6.500 đầu sách với hàng chục vạn bản được quản lý bằng công nghệ thông tin, trong đó có nhiều đầu sách quý hiếm về YHCT được sưu tầm, biên dịch và viết mới. Có nhiều cuốn sách công bố nhiều bài thuốc hay, kinh nghiệm chữa bệnh quý bằng YHCT trong dân gian; Trung tâm tin học, Tạp chí và các ấn phẩm khoa học chuyên ngành YDHCT, các Trung tâm dịch vụ, khoa học kỹ thuật… vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ đào tạo vừa tham gia phục vụ tốt khám, chữa bệnh và tư vấn sức khỏe cho nhân dân; đồng thời tuyên truyền, cổ vũ, tạo vị thế mạnh mẽ về tác dụng, vai trò của YDHCT trong nước và trên thế giới.

Trong những ngày sắp khai trường năm học mới này, tin vui nhân đôi đã đến với thầy trò của Học viện, Chính phủ đã cho phép Học viện xây dựng dự án mở rộng quy mô Học viện tại khu đô thị Đại học phố Hiến (Hưng Yên) với diện tích 69,72 ha (so với 1,2 ha hiện nay tại quận Hà Đông, Hà Nội), dự kiến đáp ứng nhu cầu đào tạo chất lượng cao cho khoảng 8 nghìn sinh viên y dược khoa, học viên sau đại học; 10 nghìn sinh viên các ngành khác liên quan đến hoạt động và quản trị y dược cổ truyền gắn với kết hợp y học hiện đại. Cùng với khu hiệu bộ, giảng đường, ký túc xá, thư viện,… là các khu nghiên cứu công nghệ nuôi trồng dược liệu, lưu trữ gen, sản xuất thuốc và đặc biệt là khu Bệnh viện đa khoa được đặt gần hệ thống giao thông cao tốc để tiện phục vụ công tác cấp cứu, chữa bệnh kịp thời cho người dân.

Với quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và và biến chủ trương của Đảng thành hiện thực; đồng thời, thực hiện Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã và đang hướng tới một tầm nhìn mới xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu của xã hội, phấn đấu trở thành trường có đẳng cấp quốc tế với các chương trình đào tạo đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực YDHCT.

Hiện nay, trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, đội ngũ những người thầy thuốc, cán bộ giảng dạy của Học viện đang nỗ lực, tận dụng tất cả nguồn lực phong phú ở trong nước cũng như tranh thủ sự giúp đỡ của khu vực và thế giới, thực hiện sứ mạng cao cả đào tạo nguồn nhân lực YDHCT; đào tạo các y, bác sĩ, dược sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực YDHCT thành những cán bộ, lương y, thầy thuốc giỏi, phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo tồn, thừa kế, phát huy và phát triển các giá trị của y học dân tộc, gắn y học cổ truyền với y học hiện đại, tạo nên nền tảng vững chắc trong nền y học nước nhà./.  

Như Quỳnh

Phòng Truyền thông, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr. 129

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số: 46-NQ/TW ngày 23-6-2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

[3] Chính phủ: Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030: ban hành theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ.  

[4] Bệnh viện Tuệ Tĩnh trực thuôc Học viện, được xây dựng từ năm 2006 với quy mô 700 giường, đã triển khai được 250 giường với 23 khoa lâm sàng, sáu phòng chức năng. Mỗi năm thu viện phí khoảng hơn 20 tỷ đồng, nhưng mức thu chỉ bằng 40 – 50 các bệnh viện khác vì luôn tiết giảm tối đa các loại thuốc và xét nghiệm không cần thiết.  

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất