Thứ Năm, 5/12/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 31/3/2023 16:24'(GMT+7)

Tây Ninh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới

Lãnh đạo Tỉnh uỷ tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Lãnh đạo Tỉnh uỷ tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 

NHỮNG CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ 

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ luôn quan tâm lãnh đạo công tác văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng; thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Đảng đoàn Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh; chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để Hội hoạt động, đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật; xây dựng trang mạng gắn với số hoá Tạp chí Văn nghệ, nâng cao chất lượng của tạp chí.

Định kỳ hằng năm, tỉnh tổ chức gặp gỡ văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hoá, văn nghệ nhằm quan tâm, động viên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đề xuất của văn nghệ sĩ để chỉ đạo giải quyết.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ định hướng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin thông qua các loại hình tuyên truyền cổ động trực quan, chương trình văn hoá, văn nghệ; duy trì hội nghị báo cáo viên hằng tháng; giao ban báo chí hằng quý; định hướng công tác chính trị tư tưởng hoạt động VHNT; định hướng cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phản ánh các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật; phê phán những lệch lạc, sai trái, tiêu cực. Nhìn chung, đội ngũ văn nghệ sĩ tư tưởng ổn định, tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các cấp uỷ, chính quyền đổi mới tư duy, phương pháp chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện cho VHNT phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tạo, sự tìm tòi, thể nghiệm. Quyền sáng tạo của văn nghệ sĩ được bảo đảm; hoạt động sáng tác được đẩy mạnh, phát huy sáng tạo của văn nghệ sĩ đóng góp tài năng, trí tuệ thông qua các đợt vận động sáng tác hằng năm; giao lưu và thực tế sáng tác trong, ngoài tỉnh… góp phần nâng cao số lượng, chất lượng tác phẩm VHNT.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện; các thiết chế văn hoá phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng; có nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Toàn tỉnh có 12 nhà văn hoá dân tộc, đây là nơi sinh hoạt, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất; truyền dạy văn hóa truyền thống, lưu giữ nét độc đáo, nét riêng của từng dân tộc. 

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ tổ chức các lễ hội dân gian, tết cổ truyền dân tộc trong không khí phấn khởi, vui tươi, góp phần gìn giữ phong tục, tập quán, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; nghiệm thu Đề tài khoa học “Nghiên cứu, xác định thành phần dân tộc của nhóm người Tà Mun tại Tây Ninh” năm 2015 để triển khai ứng dụng trên địa bàn tỉnh.

Trong 15 năm qua, Tây Ninh có 22 giải thưởng quốc tế và 56 tác phẩm được triển lãm; 1.067 tác phẩm đạt giải thưởng (toàn quốc 12 tác phẩm, khu vực 47 tác phẩm, cấp tỉnh 1.008 tác phẩm), 796 tác phẩm được chọn triển lãm ở các cấp trong nước.

TIẾP TỤC BÁM SÁT THỰC TIỄN ĐỊA PHƯƠNG, TRIỂN KHAI KHẢ THI, THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái biểu dương đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ làm công tác quản lý lĩnh vực VHNT của tỉnh nhà và các tác giả, văn nghệ sĩ được khen thưởng, vinh danh.

Đồng chí Phạm Hùng Thái đã lưu ý trong thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển VHNT đã đề ra trong các văn kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước. Việc cụ thể hoá các văn kiện cần bám sát thực tiễn của địa phương, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả.

Quan tâm xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và bồi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu sáng tác, tạo nên những tác phẩm VHNT có giá trị, sức sống, lan toả, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng VHNT của các tầng lớp nhân dân.

Đối với cấp uỷ, các cơ quan quản lý nhà nước với chức năng, nhiệm vụ của mình cần quan tâm, chủ động kiến nghị, đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp lý và đề xuất chính sách cụ thể góp phần tháo gỡ khó khăn, bất cập trong hoạt động VHNT, động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tác, phát triển.

Các tổ chức, đội ngũ cán bộ hội, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về VHNT và văn nghệ sĩ cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, không ngừng nghiên cứu các chủ đề, đề tài sáng tác bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương, để các tác phẩm không chỉ có giá trị cao về nghệ thuật mà còn tuyên truyền, cổ vũ, động viên, tạo động lực, nguồn lực tinh thần quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển của quê hương Tây Ninh./.

Minh Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất