Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 13/11/2014 20:49'(GMT+7)

Sứ mệnh "Tải đạo"

Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”.

Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”.

Tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay” khai mạc ngày 11/11 tại TP Hồ Chí Minh, một nhận định trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) được nhiều đại biểu trích dẫn: “So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng…”.

Nói cách khác, những biểu hiện suy thoái, xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay có một phần trách nhiệm của môi trường văn hóa; trong đó có văn học, nghệ thuật (VHNT). Bởi lịch sử VHNT của nhân loại xưa nay đều mang một sứ mệnh cao cả là phát hiện, phản ánh, tôn vinh những phẩm chất đạo đức của con người và cảnh báo, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện phi nhân tính, phi đạo đức, làm tha hóa con người. Cổ nhân đã dạy: “Văn dĩ tải đạo”. Dẫu sáng tác theo phương pháp gì thì người nghệ sĩ cũng phải lấy những giá trị và chuẩn mực đạo đức làm nền tảng tư tưởng cho tác phẩm. Vì lý tưởng ấy mà có khi người nghệ sĩ phải vượt lên những hoàn cảnh bất lợi của bản thân và những hạn chế của thời cuộc để tìm kiếm và tạo dựng nên những hình tượng nghệ thuật cao thượng; cùng với đó là đấu tranh không khoan nhượng với cái ác, cái xấu, cái thấp hèn… để bảo vệ và vun đắp các giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Chỉ có như vậy, VHNT mới đạt được những thành tựu xứng đáng, có những tác phẩm lớn.

Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và gần 30 năm đổi mới đất nước, VHNT Việt Nam đã có những tác phẩm có sức cổ vũ sâu sắc về lý tưởng, về đạo đức và thực sự góp phần tạo nên sức mạnh Việt Nam. Hiện nay, nước ta đang trong quá trình vận động của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Đây là giai đoạn hết sức đặc biệt, dễ dẫn đến những biểu hiện lúng túng, tha hóa đạo đức xã hội trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh ấy, đáng tiếc, một bộ phận văn nghệ sĩ có xu hướng lảng tránh những vấn đề đáng quan ngại của đạo đức, biến VHNT thành trò giải trí đơn thuần, rẻ tiền, thậm chí có khi vô tình hay hữu ý cổ súy cho những biểu hiện phi đạo đức, phản văn hóa.

Đạo đức xã hội không chỉ là những hành vi, lời nói, thái độ ứng xử trong cuộc sống, mà còn là những giá trị luôn tồn tại, ẩn chứa trong những tầng vỉa sâu nhất của tâm hồn con người. Để phát hiện, tôn vinh và bảo vệ nó, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tâm, có tầm và có tài. Và cùng với việc trau dồi tài năng, tâm huyết, trách nhiệm của người nghệ sĩ… còn đặc biệt cần đến năng lực, trách nhiệm và phương pháp sử dụng, quảng bá những tác phẩm VHNT, cùng các cơ chế, chính sách hợp lý đối với đội ngũ văn nghệ sĩ chân chính. Trách nhiệm này trước hết thuộc về hệ thống chính trị, các cấp quản lý VHNT và toàn xã hội. Làm được như vậy, VHNT sẽ thực sự là một bộ phận hữu cơ, hiệu quả trong cuộc đấu tranh lớn nhằm xây dựng con người, giáo dục lý tưởng, phòng và chống sự thoái hóa biến chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”./.

Mai Nam Thắng (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất