Chủ Nhật, 8/9/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 24/11/2014 14:24'(GMT+7)

Giữ hình ảnh cán bộ

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định kỷ luật giáng chức từ Giám đốc xuống Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Tài đối với ông Phạm Văn Phan vì có biểu hiện say rượu, vi phạm tác phong, đạo đức công vụ của người cán bộ. Trước đó, vào đầu tháng 11, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước đã thi hành kỷ luật khiển trách và cảnh cáo đối với hai cán bộ của Sở Nội vụ và Sở Ngoại vụ tỉnh này vì uống rượu bia không làm chủ được bản thân, có những hành vi thiếu chuẩn mực, tác động không tốt đến dư luận.

Ba cán bộ vi phạm, hai vụ việc kỷ luật nêu trên đều có chung một căn nguyên là... “ma men” rượu, bia. Nhưng suy cho cùng, tự thân rượu, bia không có lỗi. Cái lỗi là người ta đã lạm dụng và tự biến nó thành “thủ phạm” gây hệ lụy cho chính mình. Điều đáng tiếc hơn, chủ nhân của “tai họa” ấy lại là những người cán bộ tuổi không còn trẻ, có trình độ, trải nghiệm và đang giữ những cương vị khá quan trọng của cơ quan, bệnh viện.

Bình tâm nghĩ lại, chắc những người trong cuộc lúc này không khỏi ân hận, day dứt vì những gì mình đã vấp ngã. Và những “bản án” kỷ luật đối với họ, thiển nghĩ, cũng là sự thức tỉnh lương tâm, đồng thời như lời nhắc nhở, cảnh báo đối với tất cả những ai đang giữ vai trò “cầm cân nảy mực” ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, càng phải tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, gương mẫu chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước và những chuẩn mực văn hóa cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Vẫn biết, cán bộ cũng là con người, cũng phải lo toan “cơm áo gạo tiền” và giải quyết biết bao mối quan hệ các loại. Nhưng khi giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, dù to hay nhỏ, thì đều là “phương diện Nhà nước”, là một phần của “bộ mặt quốc gia”, hay nói như dân gian ta là “Quan trên trông xuống, người ta trông vào”. Do vậy, mọi cử chỉ, thái độ, hành vi của họ đều không lọt qua được tai mắt của nhân dân. Hơn nữa, những người ở cương vị “đứng mũi chịu sào” của một tổ chức thì bản thân họ sống, làm việc không chỉ cho riêng cá nhân mình, mà còn ảnh hưởng đến cả phong cách sống, môi trường làm việc của tập thể. Thế nên, đã là cán bộ, càng phải kiên tâm, kiên trì, bền bỉ tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức, lối sống để trước hết là giữ thể diện, uy tín cho cá nhân, gia đình mình và sau đó, là góp phần giữ gìn hình ảnh tập thể nơi mình công tác và qua đó, góp phần giữ vững, làm đẹp thêm phẩm chất, tư cách người “đầy tớ trung thành”, “công bộc tận tụy” của nhân dân-như Bác Hồ đã dạy.

Một cán bộ cấp cao từng đúc kết, đại ý: Người lãnh đạo, quản lý  muốn giữ gìn được hình ảnh tốt đẹp của mình trong con mắt cấp dưới và nhân dân thì nên có ba điều “chịu thiệt”. Đó là thiệt về thời gian-tức là phải tự giác đi sớm về muộn để chăm lo, quán xuyến công việc chung của tập thể; thiệt về lời ăn tiếng nói-tức là phải nói năng đúng lúc, đúng chỗ, đứng mực, không gặp đâu nói đấy, nói cho “sướng mồm, hả dạ”; thiệt về thu nhập cá nhân-tức là phải biết nhường nhịn, san sẻ những phúc lợi, “bổng lộc” chung cho mọi thành viên trong tập thể, đừng cái gì cũng vun vén, vơ vào cho bản thân dễ làm ảnh hưởng đến “bát cơm, tấm áo” của những người có vị trí thấp bé và yếu thế hơn mình.

Ngẫm ra những điều đúc kết đó, tuy mộc mạc, giản dị mà vô cùng sâu sắc, thấm thía, rất có ý nghĩa đối với đội ngũ cán bộ, công chức./.

Thiện Văn (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất