Nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, riêng với nghề y, đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Đại danh y Lê Hữu Trác (sinh năm 1720, mất năm 1791) đã từng nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên bảo vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc cứu sống mạng người làm nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi kể công”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: "Lương y như từ mẫu". Người thầy thuốc phải là "lương y", phải rèn đức, hướng tâm, hướng thiện, đề cao chữ Thiện, chữ Tâm. Người thầy thuốc hết lòng tận tuỵ vì người bệnh, như "từ mẫu", như người mẹ nhân từ.
Ở nước ta, hầu hết những người làm nghề y vừa có y thuật, vừa có y đức, đã thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc. Họ đã không quản khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để chăm sóc sức khoẻ, cứu sống người bệnh. Nhiều bác sĩ, y tá, y sĩ bám trụ hàng chục năm ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, vùng đặc biệt khó khăn. Những thầy thuốc này đã vượt lên sự thiếu thốn về trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất nghèo nàn, đường sá xa xôi, nguy hiểm để tận tình cứu chữa, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc, cho người dân nghèo. Dẫu mức sống của chính gia đình các thầy thuốc này còn thấp, mỗi bữa ăn còn đạm bạc, nhưng trong mắt của những người dân ở cơ sở, họ thực sự là những "lương y", những mẹ hiền.
Trên thực tế, đội ngũ thầy thuốc ở nước ta còn thiếu và yếu, đồng thời mất cân đối trầm trọng trong việc phân bố nhân lực của ngành y tế. Đến cuối năm 2007, cả nước có hơn 184.000 cán bộ y tế (trung cấp, bác sĩ, dược sĩ, sau đại học). Nếu căn cứ theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, thì đến năm 2010 cả nước thiếu gần 24 nghìn người. Đến năm 2015, con số này tăng lên gần 64 nghìn người và dự báo đến năm 2020 thiếu đến hơn 90 nghìn người.
Trong khi các bác sĩ giỏi hầu hết tập trung ở các thành phố lớn, thì ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ cán bộ y tế, đặc biệt là những bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn còn thấp nên chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Tỷ lệ cán bộ y tế có trình độ đại học ở các xã đặc biệt khó khăn mới đạt 8,5%, trong đó khu vực Tây Bắc chỉ đạt 3,1%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương hiện nay.
Trong cơ chế thị trường, đồng tiền xen vào giữa mối quan hệ thầy thuốc và người bệnh. Trong ngành y đang có xu hướng thích hệ điều trị hơn dự phòng, thích trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân hơn gián tiếp. Hiện tượng "phong bì lót tay", coi trọng quá mức đồng tiền là một tồn tại nhức nhối, làm biến dạng hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc chân chính. Một số ít bác sĩ, nhân viên y tế đã có những biểu hiện tiêu cực, vi phạm qui định về y đức, bị dư luận xã hội lên án như: sách nhiễu gia đình bệnh nhân, coi thường tính mạng của người bệnh, phân biệt đối xử giữa bệnh nhân giàu và nghèo.v.v… Đây chỉ là những "con sâu bỏ rầu nồi canh", nhưng đã phần nào làm vẩn đục sự thanh cao của nghề y.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, Nhà nước đã và sẽ nghiên cứu đề ra các chế độ, chính sách hợp lý, quan tâm đến vật chất, tinh thần, bảo đảm đời sống ổn định cho đội ngũ nghề y, tương xứng với công việc đặc thù của họ. Có chính sách đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế ở cơ sở hợp lý và khoa học. Có chế độ khuyến khích, ưu đãi đối với cán bộ y tế, sinh viên các trường Đại học Y về công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Người thầy thuốc muốn tinh thông nghề nghiệp phải tự mình có ý thức học tập, tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao y thuật, rèn luyện y đức suốt đời để mỗi ngày một giỏi hơn, hết lòng tận tụy, tận tâm với nghề. Để nâng cao y đức của đội ngũ thầy thuốc, rất cần xây dựng mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân một cách trong sáng và lành mạnh trên tinh thần trách nhiệm. Sự quan tâm của toàn xã hội chăm lo nâng cao y đức có vai trò rất quan trọng để người bệnh và gia đình họ biết trân trọng tinh thần và lao động của người thầy thuốc trong khám chữa bệnh. Việc tuyên truyền, giáo dục về đạo đức của người thầy thuốc không chỉ dành riêng cho đội ngũ thầy thuốc mà cho cả cộng đồng. Làm tốt điều này, sẽ tạo điều kiện để mỗi thầy thuốc thể hiện rõ lương tâm và trách nhiệm của một "lương y", thân thiện với mọi người, tận tuỵ với mọi công việc./.
- Mai Hồng -